Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác-CHƯƠNG 20 - Edu dị truyện



Sàn mới, Tặng 15.000 Raca coin +30 Coin sàn miễn phí - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây

CHƯƠNG 20
huyện hứa hẹn với ông bố của Tửu tôi tưởng sẽ thực hiện được lâu dài, nhưng không ngờ cuộc đời lại đưa tôi tới một ngã rẽ mới.
Số là hồi trước 1975, tôi có một người bạn đồng nghiệp, tuy dạy cùng một môn học nhưng lại không cùng trường với nhau. Ấy vậy mà chúng tôi lại quen biết nhau là do anh bạn này kết hôn với một học sinh cũ của tôi. Cặp vợ chồng này là người miền Nam, tính tình rất đôn hậu. Cô vợ lúc nào cũng nhắc nhở đến những kỷ niệm về Thầy cũ, trường xưa vào cái thời mà cô còn là một nữ sinh nhởn nhơ cắp sách đến trường trong những năm dài ở bậc trung học. Trước chỉ là quen biết lâu lâu đi lại, sau trở nên thân thiết hơn, tôi và người chồng còn soạn chung với nhau những tài liệu giáo khoa mà cả hai cùng giảng dạy.
Vậy mà sau năm 1975, chỉ có một mình tôi xin trở lại trường. Vợ chồng người bạn nhờ may mắn, lại cũng quen biết cả những người đi tập kết trở về nên họ thành lập ngay được một xưởng in dưới danh nghĩa một công ty Hợp Doanh. Ở thời buổi ấy, mọi lãnh vực thuộc các ngành nghề sản xuất khác đều có nhiều người đứng ra tham dự dưới danh nghĩa Hợp Tác xã, Tổ Hợp, Công ty Hợp doanh....nhưng riêng ngành in thì ai cũng ngao ngán. Bởi người ta sợ in ấn thì có thể bị dính líu đến chuyện chính trị. Chỉ một vài sơ xuất kỹ thuật thôi cũng có thể bị gán ép là có ý đồ phản động, đi tù như chơi.
Nhưng vợ chồng anh bạn tôi lại không ngán ngẩm vì những sự lo xa đến như thế. Lại thêm nhu cầu in sách cho cả miền Nam trong năm đầu tiên khai giảng niên học mới là một nhu cầu rất khẩn trương và cấp thiết. Những ai dám đứng ra đảm trách đều nhận được sự dễ dãi và hỗ trợ tối đa của ngành Giáo Dục. Đó là lý do mà công việc làm ăn của vợ chồng anh bạn mau chóng phát triển, cung ứng được rất nhiều công ăn việc làm cho những công nhân ngành in vốn đang thất nghiệp và nhất là đem lại chỗ trú an thân cho nhiều gia đình không bị đuổi đi kinh tế mới.
Sau vài năm kinh doanh một cách hợp pháp, đời sống của vợ chồng anh bạn đã thay đổi nhiều hơn xưa. Họ không còn lo phải đắp đỗi bữa ăn qua ngày, mà trái lại còn có của ăn của để. Thỉnh thoảng, cô học trò cũ của tôi còn mang tới tận nhà cho các cháu ký thịt, hay cho tôi ký đường, cân cà phê....
Rồi bỗng một hôm, khi biết tôi có quen biết một đường dây đáng tin cậy có thể sắp xếp cho tôi ra đi nếu tôi có vài cây vàng đóng trước, phần thiếu sẽ trả sau, thì người vợ đề nghị rằng nếu tôi muốn ra đi thì họ có thể cho tôi vay cái khoản ứng trước này.
Quả là một chuyện bất ngờ. Bởi 'đường dây" mà tôi quen biết cũng chỉ là một người bạn cũ, thời thế đã tạo anh trở nên con người lang bạt kỳ hồ, giao dịch với đủ mọi loại người có chung một ước nguyện là vượt thoát để ra đi. Anh bạn này thật ra cũng không giầu có gì. Anh cũng cần có sự đóng góp của tôi dù chỉ là phần nhỏ, còn thỉ cho thiếu, để trang trải mọi thứ chi phí cho một chuyến đi.
Thế là như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, một lúc tôi có cả hai ân nhân mở đường cho tôi vượt thoát khỏi cái đời sống tù túng, chật chội, cứ thường xuyên o ép đầu óc và tư tưởng của mình. Trong thời gian tôi vẫn thản nhiên đến trường thì nhà tôi đã âm thầm sắp xếp mọi thứ với hai phía ân nhân ấy để cho tôi được ra đi.
Tôi cũng giấu kín không cho bạn bè đồng nghiệp nào trong trường hay biết kể cả thằng Tửu, mặc dù tôi cũng đã viết cho nó một lá thư ngắn. Lá thư này tôi đã bỏ vào thùng thư vào buổi sáng hôm tôi ra xa lộ đón xe đò đi Vũng Tầu với ý định sẽ xa Sài Gòn mãi mãi. Nội dung lá thư chỉ vắn tắt như sau :
"Tửu thân mến,
Thầy đã quyết định rời xa Sài Gòn và rất tiếc là không cho Tửu biết trước để thầy trò cùng nhau ăn một bữa tiễn biệt tại quán bà Hoa ở ngã tư Bẩy Hiền. Cám ơn Tửu về sự ân cần, quý trọng mà Tửu đã dành cho thầy. Quả là thầy trò mình đã có đủ mọi thứ kỷ niệm vui buồn trong suốt mấy năm vừa qua. Thầy sẽ không bao giờ quên Tửu và mong trò cũng vẫn còn ghi nhớ những điều thầy dặn dò hay chỉ bảo. Cho thầy gửi lời xin lỗi tới Ba của Tửu. Chúc tất cả mọi người đều bình an may mắn và hẹn ngày gặp lại dù là rất vô vọng hay xa vời.
Thầy Tiến."
Sau một cuộc hành trình khá gian nan vào cuối năm 1979, rút cục tôi cũng đã tới được bến bờ tự do.
Tính từ buổi sáng hôm đó, cái hôm mà tôi che giấu mình trong bộ đồ rách rưới và cái mũ nỉ úp chụp trên đầu, len lén đi ra khỏi ngõ từ lúc còn tinh mơ để đi ra xa lộ Biên Hòa đón chuyến xe chạy bằng than củi đi Vũng Tầu, cho đến nay đã là 33 năm !
Trong suốt thời gian dài dằng dặc kể trên, dài hơn cả thời kỳ tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội (18 năm) hay trưởng thành ở Sài Gòn (21 năm), thỉnh thoảng tôi vẫn còn nhớ lại những ngôi trường cũ và những bạn đồng nghiệp hay những học trò xa xưa. Tôi không rõ những cô Thu, cô Hường, thầy Hải, thầy Vinh...hay những trò Sơn, trò Tửu bây giờ ra sao, cuộc đời trôi nổi đã hướng họ đi tới những ngã rẽ nào.
Tất nhiên mọi con người, mọi hoàn cảnh sau ngần ấy năm đều cũng đã thay đổi. Có khi vài người trong số đó đã nằm xuống, hay vẫn còn vất vưởng với cuộc sống khốn khó, chật vật, nhưng hẳn cũng có một số người nay trở thành những đại gia, những kẻ có chức có quyền, chiếm lĩnh một giai tầng ăn trên ngồi chốc trong một xã hội mà xét ra nó còn tồi tệ gấp bội phần cái xã hội vốn đã bị lật đổ vào thời điểm tháng 4-1975.
Bởi vì trước năm 75, dù đất nước có lâm vào hoàn cảnh chiến tranh ngặt nghèo, dân quê có tan tác bỏ nhà lên tỉnh để tránh cảnh bom đạn cầy nát xóm làng, thì cũng chẳng bao giờ những cô gái quê hiền lành chất phác lại phải chịu cảnh lõa lồ xếp hàng cho đám đàn ông nước ngoài xăm xoi, lựa chọn. Sự ô nhục này chỉ xuất hiện sau khi miền Bắc chiếm trọn miền Nam để thống nhất đất nước và quyền cai trị vẫn chỉ nằm trong tay độc quyền của Đảng CSVN.
Ba mươi ba năm đằng đẵng. Sau ngần ấy năm, nhà nước CSVN đã để lại những gì ?
Dĩ nhiên là trên cả nước đã mọc lên đầy dẫy những tòa building cao ngất ngưởng, những trung tâm bách hóa mua bán đồ tiêu dùng hiện đại không thua kém gì các nước phương Tây, hay ngay cả những xa lộ thẳng băng đang dần phủ kín các khu vực thiết yếu trên khắp mọi miền đất nước.
Nhưng những thành quả vật chất đó đâu phải là những thành tích đáng đem ra để tự hào. Bởi chỉ cần một tập đoàn tư bản ngoại quốc xuất ra một cái vốn đầu tư vài tỷ bạc thì building cao cỡ nào, xa lộ dài cỡ nào, shopping center to cỡ nào, tất cả rồi cũng sẽ có hết.
Cái mà tiền bạc không thể nào mua được phải là những giá trị tinh thần mà nhà nước phải tạo dựng nên sau ngần ấy năm cầm quyền. Nhưng khi nói về những giá trị ấy, thì ôi thôi, chỉ cần nghe những người trong cuộc phát biểu cũng đủ thấy thực chất nó ra làm sao.
Đầu năm 2012, đài Á Châu Tự Do qua ký giả Thanh Quang đã có nhắc đến những lời nhận xét của Nhà văn Nguyên Ngọc qua bài "Cần một cuộc tự vấn" như sau :
"Tôi cho rằng căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối. Câu hỏi thường trực bây giờ: Tốt để làm gì? Sạch để làm gì? Quên mình để làm gì? Xả thân chống lại cái xấu, cái giả để làm gì? Liệu rồi có ai, có cơ chế nào bảo vệ những nỗ lực đạo đức đó không? Hay thậm chí bị cả cơ chế quật đánh lại như vẫn thấy không hề ít?"
Thật là hãi hùng ! Trong một xã hội mà "Chính cái giả dối tràn lan khiến người ta không còn thật sự tin vào bất cứ điều gì nữa" thì đâu có còn cái ý nghĩa cao đẹp nào để cho con người nương tựa vào đó mà vươn lên.
GS Hà Văn Thịnh ở Huế cũng đã cảnh báo rằng tình trạng giả dối ở VN giờ lan tỏa từ "A đến Z", khi cảnh nhiễu nhương, tự tung tự tác đang hoành hành xã hội VN. Ông nói:
"Trong bản chất xã hội VN có sự giả dối, vô cảm, ích kỷ, sự tàn nhẫn. Đó là tất cả những gì biểu hiện của văn hóa VN hiện nay. Nói ra chẳng ai thích đâu. Nhưng đó là sự thật. Vì sao? Vì giờ người ta giả dối từ A tới Z, từ trên xuống dưới. Ai muốn làm gì thì làm, ai muốn lừa ra sao thì lừa, muốn tự tung tự tác hay ăn cướp thế nào đó vẫn được. Một xã hội như vậy làm sao không loạn được."
Vì đâu mà gây nên nỗi thảm thê như vậy ?
Theo tôi nghĩ, đích danh thủ phạm phải là chính sách Giáo Dục ở Việt Nam !
Là một nhà giáo đã từng giảng dạy dưới mái nhà trường XHCN, tôi biết chắc rằng ở đó đã khởi sự dạy dỗ con người biết nói dối và buộc con người phải nói dối. Mà thê thảm thay, tình trạng dối trá ấy vẫn còn kéo dài cho tới tận bây giờ. Tôi xin đơn cử một tài liệu trong ngành giáo dục ở VN vào niên học bây giờ tức năm học 2011-2012. Tôi nhận thấy nhà giáo ở VN bây giờ vẫn cứ còn phải loay hoay, chìm đắm trong những bản văn tự soạn để giao nộp hàng năm cho cấp trên ngõ hầu được an thân dạy dỗ. Những thứ văn bản như thế, cả người soạn lẫn người coi, ai nấy đều biết là giả dối nhưng nó vẫn ngang nhiên tồn tại. Xin được bỏ tên trường, tên giáo viên và tên Phòng, sở Giáo dục thuộc đơn vị nào :
Sau đây là "chỉ tiêu phấn đấu" của giáo viên ....., sinh năm 1978 tại ..., tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm năm 2000, hiện giảng dạy môn Toán tại trường ....., tỉnh.......
Nhà giáo kể trên đã trình bầy trong "Kế hoạch Cá nhân năm học 2011-2012" của chính mình như sau :
(Trích)
Chỉ tiêu phấn đấu :
" Thực hiện có hiệu quả chủ đề của năm học : "Đổi mới quản lý nâng cao chất lượng giáo dục" và tiếp tục triển khai phong trào thi đua " Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Đồng thời thực hiện tốt cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; "mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Nâng cao phẩm chất chính trị đạo đức lối sống bản thân, Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và các phong trào thi đua của ngành. Tham gia đầy đủ các hoạt động do nhà trường và ngành phát động. Không vi phạm đường lối chính sách pháp luật của đảng CSVN và nhà nước. Vận động gia đình và người thân đồng nghiệp thực hiện tốt đường lối chính sách pháp luật của nhà nước. Thực hiện nghiêm túc nề nếp quy chế của ngành và nhà trường."
Biện pháp thực hiện:
1)Tìm hiểu tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đặc biệt là tư tưởng Hồ chí Minh về công tác giáo dục.
2)Từng bước làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ như cần, kiệm, liêm, chính, chí công, công, vô tư. Khắc phục mọi khó khăn về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh khách quan, chủ quan để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
3) Tìm hiểu về cuộc đời và thân thế của Chủ tịch Hồ Chí Minh.Tham gia các buổi sinh hoạt, tọa đàm và sưu tầm về tấm gương đạo đức của Bác đồng thời làm theo lời Bác.
4) Tích cực tham gia phong trào tự học, tự nâng cao kiến thức, viết sáng kiến kinh nghiệm và có ý thức tiết kiệm trong gia đình cũng như ở nhà trường.
4) Thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nhà giáo. Cụ thể thực hiện tốt theo các tiêu chí trong Chuẩn giáo viên.
5) Tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng chính trị. Luôn trau dồi đường lối chính trị của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuyệt đối trung thành với Đảng.
6) Tiếp tục coi phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" là giải pháp đột phá và lâu dài để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh.
7) Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với các đoàn thể, xã hội, giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh học sinh.
(ngưng trích)
o O o
Vốn cũng là một giáo viên, cũng đã từng giảng dạy vài năm dưới mái nhà trường Xã Hội Chủ nghĩa, tôi đã quá quen thuộc với cái lối viết tự cung khai và đánh bóng bản thân để bầy tỏ lòng trung thành của cá nhân người viết đối với cấp trên như thế nào rồi. Nó sặc mùi giả tạo, kể cả sự dối trá mà người viết cũng như người đọc đều nhận rõ của nhau. Nhưng cái "truyền thống giả dối' ấy vì vẫn còn được duy trì nên người ta vẫn phải nhai lại như thế hàng năm.
Khi nói như vậy, tôi không có ý định vơ đũa cả nắm và tôi không muốn nghi ngờ thiện chí của nhà giáo trẻ nói trên. Trái lại, tôi còn thầm cầu mong cho những điều mà ông viết ra là hoàn toàn trung thực với ý nghĩ của ông, để ít ra tôi không thấy lương tâm của nhà giáo bị thương tổn khi phải đọc lên những lời mà tôi cho là đầy ắp sự dối trá.
Sở dĩ tôi cứ phải biện minh lòng vòng như vậy là vì tôi cũng đã từng sinh hoạt trong một môi trường giáo dục hoàn toàn khác biệt với môi trường mà nhà giáo trẻ đang tham dự. Nói một cách ngắn gọn là tôi không bao giờ thấy bất cứ một đồng nghiệp nào của tôi khi giảng dạy trong nhà trường trước 1975 mà lại phải viết "kế hoạch cá nhân" từng năm học để đệ nạp lên cấp trên như các nhà giáo VN phải thực hiện. Tôi luôn luôn nghĩ rằng, nhà giáo là một ông Thầy trong ngành giáo dục. Ông ta chỉ có trách nhiệm đối với những học trò của mình chứ không thể tự biến mình thành một thứ học trò của bất cứ cấp trên nào để mà cứ phải "nộp bài" hàng năm mong được an thân hay để lấy điểm thi đua cho dù đó cũng chỉ là những thứ bánh vẽ.
Nói chung là nhà giáo VN bây giờ vẫn còn bị kìm kẹp bởi đủ thứ hình thức, từ "Mục tiêu phấn đấu" (bao gồm Tư tưởng đạo đức, lối sống, Chất lượng giảng dạy, Danh hiệu thi đua) cho đến "Nội dung hoạt động và biện pháp thực hiện" ( bao gồm Tư tưởng đạo đức, lối sống, Nhận thức tư tưởng, chính trị, Chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Đảng, của Nhà nước, Thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy và công tác; tinh thần phê bình và tự phê bình)..,.vân..vân..và.. vân vân ...
Tôi thực tình tự hỏi trong toàn thể những 'công đoạn" bó buộc nhà giáo hằng năm như thế, cái tỷ lệ "giả dối" được nhà giáo cho vào khi họ ngồi viết, nó lên tới con số là bao nhiêu ?
Tôi tiết tưởng, lời nhận xét của nhà văn Nguyên Ngọc như đã trích dẫn ở trên cũng đã đủ cho một câu trả lời.
Trong cương vị một nhà giáo, tôi cũng lại hoàn toàn đồng ý với nhà văn Nguyên Ngọc khi ông nói đến nhiệm vụ tối hậu của chính sách giáo dục khi đào tạo một con người. Đó không phải là việc đào tạo nên những con người chỉ biết nói dối. Đó cũng không phải là việc đào tạo nên những con người ngoan ngoãn, chỉ biết cúi đầu tuân phục trước giai cấp cầm quyền để mong an thân hay được chút ơn mưa móc.
Phẩm chất của một công dân trong một xã hội đáng sống là con người nhận biết được là mình có độc lập và tự do để biết phản đối khi nhận ra điều sai trái. Như nhà văn Nguyên Ngọc đã phát biểu:
"Cái hổng nhất của giáo dục nước ta là ở triết lý giáo dục. Giáo dục tiên tiến dạy cho con người ta khả năng đầu tiên là khả năng phản đối trước khi đồng ý, với nguyên lý cơ bản là tạo ra con người độc lập, tự do cho xã hội."
Không biết đến bao giờ con người Việt Nam mới có được cái phẩm chất đó ?
Bao giờ ? Biết đến bao giờ ?
Nhưng dù khó khăn thế nào và cho đến bao giờ thì điều kiện ắt có và đủ để con người VN có được phẩm chất ấy sẽ phải là cái lúc mà đảng CSVN đã bị giải thể để nhường chỗ điều hành đất nước cho những thành phần yêu nước và yêu dân tộc hơn.
California ngày 24-2-2012
NHẬT TIẾN


Sàn tặng 15000 RACACoin miễn phí - đừng bỏ lỡ, Bấm vào đây

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Post a Comment

loading...


 
Edu dị truyện ©Email: eduditruyen@gmail.com. All Rights Reserved. Powered by >How to best
Link:Bantintuvan|tailieusupham|khoahocsupham|SKKN hay|Soidiemchontruong|dayvahoctot|diemthivao10hoctrenmobile|tradiemthituyensinh|Travel - Du lịch
Top