Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác-CHƯƠNG 4 - Edu dị truyện



Sàn mới, Tặng 15.000 Raca coin +30 Coin sàn miễn phí - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây

CHƯƠNG 4
Một trong những mục tiêu hàng đầu mà chính quyền mới nhắm vào dân chúng ở các đô thị miền Nam sau tháng 4-1975 là bắt họ phải học tập để biết giá trị của hai chữ Lao Động. Vì thế mà những từ ngữ vốn xa lạ trước đây nay đã trở thành những câu nói trên đầu môi chót lưỡi của nhiều người. Như thể :
" Lao động là vinh quang",

"Kẻ không lao động là kẻ ngồi không ăn bám xã hội",
"Tích cực lao động để góp phần làm ra của cải vật chất…" ..v..v…
Học rồi thì tất phải thực hành ngay. Mọi công tác thực hành lao động, bao gồm nhiều phạm vi rộng lớn, được mang một cái tên tóm gọn là "Lao Động XHCN".
Ở cương vị nhà giáo, chúng tôi được các thuyết trình viên giảng giải rằng :
" Trong chế độ cũ, giai cấp tư sản đã dùng những hình thức đè nén, đàn áp, kể cả roi vọt cũng như sự đói rét, bần cùng để trói buộc những người làm thuê vào guồng máy bóc lột của nó. Giờ đây, tổ chức lao động xã hội cộng sản chủ nghĩa mà bước đầu là chủ nghĩa xã hội thì dựa vào và sẽ ngày càng dựa vào kỷ luật tự giác và tự nguyện của chính ngay những người lao động, những người sẽ bẻ gẫy gông cùm của bọn địa chủ tư bản. "
Chính vì thế mà chính quyền cách mạng phải :
" Kiểm soát chặt chẽ các giai cấp bóc lột, tất cả những kẻ quen thói ngồi không ăn bám, những bọn con ông cháu cha, bọn ăn cắp, lưu manh, bắt chúng phải phục tùng, phải gánh vác nghĩa vụ xã hội - trước hết là nghĩa vụ lao động. Chỉ có cưỡng bức bọn bóc lột, bọn ăn bám, bọn lười biếng phải lao động thì chúng mới được sống chính đáng trong xã hội mới."
Trên cơ sở lập luận này, riêng ở thành phố Sài Gòn, tôi đã thấy mọi sinh hoạt ở chung quanh đã bị xáo trộn hay bới tung cả lên. Như ở đầu ngõ nhà tôi có một tiệm hớt tóc. Gọi là tiệm cho nó sang, chứ thật ra cơ ngơi của ông thợ này chỉ là một khoảnh đất láng xi-măng kê vừa đủ một cái kệ trên có gắn một cái gương soi và vài thứ đồ hớt tóc linh tinh. Rồi đến một cái ghế gỗ có tay vịn trên có vắt một tấm vải trắng dùng làm khăn choàng khi có khách. Ở sát ngay rìa lối đi chung vào ngõ, ông còn căng thêm một tấm nylon mầu xanh đã cũ mòn để che nắng hay phòng khi mưa tạt. Ấy thế mà ông đã được cán bộ trên Phường xuống rỉ tai :
" Phải tém dẹp ngay đi vì tiệm của ông là một hình thức làm ăn của bọn Tư sản".
Ông thơ hớt tóc lắp bắp:
" Tôi…tôi lao động mà….tôi đâu có bóc lột của ai?"
Cán bộ Phường nói như học thuộc lòng :
" Lao động của anh là lao động cá thể. Cứ cái gì cá thể đều là mầm mống của Tư sản, nó sẽ nẩy sinh cái tinh thần bóc lột của giai cấp Tư sản. Vì thế phải tém dẹp !"
Vào thời điểm này, hai chữ "Tư sản’ giống như vi khuẩn của một căn bệnh hiểm nghèo. Thứ vi khuẩn này xuất phát từ các cơ sở làm ăn tư nhân như nhà in, nhà may, tiệm sửa chữa xe hơi, xe máy, các xưởng làm thủ công nghiệp, các cửa tiệm buôn bán kể cả các tiệm tạp hóa bán những loại hàng hóa lặt vặt…v…v…Tất cả đều nằm gọn trong một chiến dịch gọi là "Cải tạo Tư sản", trong đó người đứng chủ phải kê khai tài sản, rồi cơ sở vật chất bị niêm phong để sau đó có thể bị tịch thu hay trưng mua. Nhưng đã có nhiều người mau mắn xin tự nguyện dâng hiến để đổi lấy chuyện khỏi bị tống xuất ra khỏi thành phố để "đi kinh tế mới".
Vì thế, mới chỉ nghe thấy cán bộ Phương hăm dọa liệt mình vào loại có hình thức làm ăn kiểu Tư sản là ông phó cạo xóm tôi đã xanh mặt nhăn nhó:
- Tôi có mỗi cái góc làm ăn cỏn con này. Tém dẹp nó đi, làm sao tôi sống ?
Viên cán bộ Phường mới giảng giải :
- Thì vào Tổ hợp đi ! "Tổ Hợp" là cung cách làm kinh tế theo kiểu có nhiều người tham gia cùng một ngành nghề. Nó không mang tính Tư sản nên không có tính bóc lột. Vậy hãy đi kiếm vài ba tay hớt tóc rồi xin đứng chung một tổ hợp thì có thể được chấp thuận cho tồn tại. Nhưng cũng chỉ tạm thời thôi. Mai mốt tình hình ổn định hơn thì tất cả đều phải đi vào "Hợp tác xã". Phải Hợp Tác Xã thì mới gọi là tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội, biết chưa !!!
Ông thợ hớt tóc cười toe rồi reo lên :
- Tưởng gì, chớ cái đó thì…dễ ! Để tôi rủ vài anh em xin lập cái Tổ hợp. Mà nếu cần thì tôi xin lập Hợp Tác Xã ngay cũng được, đâu cần chờ đợi gì. Mình tiến mạnh tiến mau lên Chủ nghĩa Xã hội mà!
Rõ ra là ông thợ này chả hiểu gì về những hình thức kinh tế trong chế độ mới. Tuy nhiên cũng chỉ sau đó hơn một tuần, vừa đóng cửa tiệm vừa lo đi chạy giấy tờ và trang bị thêm cho cơ sở vật chất, ông thợ hớt tóc xóm tôi đã trương lên biển hiệu mới. Đó là một tấm các-tông khá lớn, có kẻ nguệch ngoạc dòng chữ "Tổ Hợp Hớt Tóc". Ở dưới lại có tên riêng nghe rất kêu, đó là cái tên "Chiến Thắng" viết theo kiểu chữ in bằng loại sơn nhìn thấy đỏ lòm. Ông ta cười khà khà :
- Hai chữ Tổ Hợp nghe thế mà "oai" ! Mà cái tên "Chiến Thắng" cũng lại rất hợp thời. Cả nước chẳng đang ca om sòm bài hát " Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng" đó sao ?
Vừa nói xong miệng ông cất tiếng theo bản nhạc như để mừng khai trương tiệm mới của mình:
" Te té te tè …te tè te tè té…te tè…
Quả không sai, vào thời kỳ đó, đâu đâu cũng thấy bài hát này cất lên, nhất là ở những cái loa Phường:
Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng
Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng.~~~
Riêng tôi thì ngẫm nghĩ không biết với cái tông đơ cũ kỹ và bộ dao kéo cùn mòn của ông thì chiến thắng được cái gì, mặc dù "quân số" của tiệm ông nay đã thêm 2 người. Một người cũng làm nghề hớt tóc ở đâu đó quanh vùng, còn một người nữa là thằng cháu của ông, tuy chưa bao giờ cầm tới cái tông đơ nhưng lo việc "quản trị kế toán’ và "hồ sơ nhân viên". Rõ ra là một Tổ Hợp rồi còn gì !
o O o
Tuy nhiên sôi nổi nhất về lao động thì phải kể tới cái lễ xuất quân đi lao động xã hội chủ nghĩa của Văn Nghệ Sĩ thành phố được tổ chức ở ngay khuôn viên trước bậc thềm của tòa Quốc Hội VNCH cũ. Cả một rừng cờ, rừng biểu ngữ trên có câu " Văn Nghệ Sĩ thành phố Hồ Chí Minh hưởng ứng phong trào Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa", trên ve áo của mỗi người tham dự còn có gắn một phù hiệu hình đuôi nheo, trên có vẽ hình 1 cái xẻng, 1 cái cuốc để xéo nhau với dòng chữ : "Văn Nghệ Sĩ TP Hồ Chí Minh" và ghi ngày phát động là ngày " 27-7-1977".
Thật tình tôi không hiểu các ông các bà văn nghệ sĩ vốn xưa nay chưa biết cầm cái xẻng, cái cuốc bao giờ thì sẽ làm ăn được gì khi rầm rộ kéo nhau ra ngoại ô thành phố để đào đào, xới xới trên những lớp cỏ khô cằn. Họ đang làm ra "của cải vật chất" đó chăng, hay là chỉ sau vài ba hôm trình diễn ai nấy đều trốn biệt. Duy có điều ai nấy cũng đều hân hoan, phấn khởi ra mặt khiến cho bà con đi trên đường phố nhìn vào đội ngũ của biết bao nhiêu là tên tuổi của làng ca nhạc kịch, cải lương hay văn nghệ báo chí, đã phải tự hỏi:
"Các ông các bà này sao mà đóng kịch khéo thế ! Cầm cuốc, cầm xẻng đâu có gì hay ho hơn là cầm bút mà biểu tình hoan hô rầm rộ như thế !".
Riêng trường tôi thì bầu không khí lao động lại náo nhiệt theo một kiểu khác.
Ở đám học trò thì Chi đoàn Thanh Niên phát động đủ thứ sinh hoạt: Nào chiến dịch "Tiêu diệt tàn dư văn hóa đồi trụy, phản động", nào kế hoạch "Dũng sĩ kế hoạch nhỏ", nào công tác lao động mài trúc, cắt trúc để làm mành mành trúc..v…v..
Trong chiến dịch tiêu diệt tàn dư văn hóa đồi trụy, nhiều em đã được cắt cử ra đứng ở ngã tư đường phố, nhắm anh nào quần loe, tóc để dài thì chặn xe lại, lấy kéo sớt cả tóc lẫn quần. Chuẩn đích đã được nêu rõ ràng trong câu :
Quần loe, áo túm, tóc dài
Tàn dư phản động tức thời triệt ngay
Đấy là chưa kể tới những vụ từng toán, từng đoàn lũ lượt kéo nhau đi tịch thu các sách báo của chế độ cũ còn tàng trữ trong nhiều nhà tư nhân. Như tôi đã nhắc ở phần trên, cái gậm cầu thang lên lầu hai ở trường tôi tràn ngập những sách báo được coi là phản động. Nhiều cuốn đã bị xé tơi tả, nhiều cuốn khác còn nguyên bìa da, mạ chữ vàng. Có những cuốn dầy cộm tới 400, 500 trang, đó là những cuốn tự điển ngoại ngữ cùng những loại sách Y khoa, Dược khoa, Kiến trúc hay Đồ họa máy móc do học sinh gom từ nhà mang tới.
Ở ngoài sân, nhiều hôm giấy má bị gió thổi bay tơi tả góc này một trang, góc kia vài trang, có trang vẫn còn bay là là hay lơ lửng theo chiều gió cuốn. Trong khi ấy, ở Hội trường, tiếng kèn trống, tiếng vỗ tay râm ran khi Chi đoàn đang trao tặng giấy khen, bằng khen cho những em đã tham gia công tác một cách tích cực.
Về Kế Hoạch Nhỏ thì cũng có nhiều sáng kiến thần kỳ. Các em được huy động đi nhặt bao nylon, giấy vụn vứt quanh sân trường, trên đường đi học hay các khu chợ búa gần trường. Thậm chí có em còn tích cực hơn, đem gom góp những vỏ chai, những lon sữa bò, những mẩu gỗ thừa, bao nhựa cũ để tích dần trong bao tải, đến lúc gom đầy thì lặc lè vác đến trường nộp cho Chi Đội lớp. Lớp tập trung lại rồi khi nhắm đã nhiều thì sẽ đem lên Thành đoàn giao nộp. Tất nhiên, những em tích cực như vậy sẽ được sớm đeo khăn quàng đỏ, thậm chí còn được mang danh xưng " Dũng sĩ kế hoạch nhỏ" nữa.
Những loại công tác kể trên mới chỉ được coi là những hoạt động của Chi Đoàn, Chi Đội. Nó chưa phải là công tác lao động chính quy, hiểu theo nghĩa là được chính thức đưa vào chương trình hoạt động của lớp học. Vì thế trong Thời Khóa Biểu của mỗi lớp, nay còn có thêm 1 giờ học nữa mang tên là Giờ Lao Động. Trong giờ này, học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên Chủ Nhiệm đã kéo nhau đi làm công tác lao động, có khi ở trong thành phố, có khi ở ngoại thành. Công việc tất không ngoài việc đào mương, vét cống, cuốc cỏ, khai vườn..v..v…Có nhiều trường xin được một mảnh đất hoang ở đâu đó nhưng hầu hết là ở ngoại thành, thì thầy trò kéo nhau tới đó để lao động sản xuất. Cũng trồng rau, cũng đào ao nuôi cá….tuy nhiên thành quả của những công việc này, Ban Giám Hiệu tuyệt nhiên không bao giờ thông báo lại cho thầy trò đã tham dự để biết thành quả của nó ra sao. Có thể nó chết ngóm sau vài tuần lễ rầm rộ khởi đầu, mà cũng có thể tiền bán rau, bán cá chạy vào túi ai thì cũng chẳng người nào được rõ.
Ở trường tôi, ngay hồi đầu hình như cũng xin được một khoảnh đất ở đâu đó, nhưng từ khi phát kiến ra công việc làm mành mành trúc có thành quả kinh tế rõ rệt hơn thì hầu như học sinh các lớp, trong giờ lao động đã đổ hết công sức vào công việc này.
Mành mành trúc là một thứ mành treo làm bằng gióng những cây trúc, trên có vẽ cảnh trí hay con người. Các gióng trúc được kết nối với nhau bằng những lỗ khoen làm bằng dây kẽm nhỏ. Nhờ cách kết nối này mà khi treo lên, khi ở vị trí đứng yên, mành trúc có thể che kín một cánh cửa thông phòng nọ sang phòng kia. Nhưng khi có ai bước qua thì những gióng trúc sẽ uyển chuyển để cho người bước qua dễ dàng trước khi khép lại.
Công tác làm mành mành được chia làm nhiều khâu :
- Học sinh lớn thì đi chở ùn ùn ở đâu đó những bó cành trúc còn thô sơ, chưa cắt gióng, chưa mài, chưa chuốt cho nhẵn nhụi.
- Các học sinh nhỏ hơn thì chia nhau đem những bó này ra tước, ra mài, rồi chùi giũa sao cho thành nhẵn bóng.
- Sau đó là khâu cắt thành từng gióng. Không phải gióng nào cũng dài đều như nhau mà phải theo một thiết kế tỉ mỉ đã được nghiên cứu trước, căn cứ trên hình sẽ vẽ trên tấm mành. Như trong hình có mầu xanh, thì phải có bao nhiêu gióng xanh dài, bao nhiêu gióng xanh vừa, bao nhiêu gióng xanh ngắn. Mầu đỏ, mầu vàng cũng như vậy.
Thế là chia nhau ra, nhóm này cưa trúc thành gióng dài, nhóm kia cưa thành gióng ngắn. Các gióng cùng cỡ đổ đầy trong những hộp để ngổn ngang trong phòng. Sau đó thì chuyển qua phòng làm công việc sơn gióng. Ở khâu này, chẳng cần hoa tay hay họa sĩ gì hết. Cứ theo mầu sắc ghi sẵn mà quét sơn lên. Đến khi sơn khô hết rồi thì mang qua phòng làm khoen rồi theo sơ đồ của hình vẽ mà nối gióng. Nói tóm lại, khi tất cả các gióng được kết nối xong thì cả một tấm mành trúc khi treo lên, hình vẽ sẽ hiện ra rất rõ ràng, chủ yếu là cảnh Tháp Rùa giữa Hồ Hoàn Kiếm, hay hình Thiếu nữ bận áo dài đứng dựa lưng vào thân cây dừa, tay cầm dù e ấp nom rất điệu.
Là Chủ nhiệm của một lớp, khi tới giờ lao động, tôi cũng phải theo học trò trong lớp tham gia vào công tác lao động ở tổ Mành Mành Trúc. Có hôm chúng tôi được điều tới khâu cắt trúc, có hôm thì mài trúc, chùi bóng trúc. Học sinh thì tỏ ra vui thú thấy rõ vì chúng nó được ngồi cạnh nhau để vừa làm vừa vui đùa, tán chuyện gẫu chứ không phải ngồi nghiêm chỉnh như trong lớp học. Và thằng Tửu thì bao giờ cũng lại chuyên môn giở trò đầu têu nhảm nhí. Nó vừa cắt những gióng trúc vừa lèm bèm cái miệng:
- Này cắt đầu thằng Phản động…này cắt đuôi thằng Tư sản…
Rồi nó hỏi :
- Mình còn cắt đứa nào nữa hả các "bồ" ?
Một nữ sinh trả lời chanh chua:
- Còn…còn..còn cắt cái đầu thằng Tửu nữa!!!
Tửu la lên :
- Sai bét ! Còn thiếu gì ! Còn thằng Chủ nhiệm Hợp tác xã, thằng Cán Bộ Thu Mua, thằng Công an Khu vực, Công an Phường…
Tôi vội vã la lên :
- Tửu ! Cấm nói bậy nghe !
Tửu cười ngỏn ngoẻn :
- Thầy khác em ! Em dám nói. Thầy không dám nói !
Câu trả lời của nó khiến tôi điếng người ! Quả nó nói không sai !
"Thầy khác em ! Em dám nói! Thầy không dám nói !"
Ôi chà ! Thằng nhỏ đã phũ phàng phóng ra một mũi tên trúng ngay tim đen của thầy giáo.
Tôi còn có lý do gì để lên giọng trách mắng nó khi nó nói thẳng ra cái thực tế phũ phàng mà lẽ phải đã nghiêng về phía nó.
Tôi thật đau lòng khi phải nhận lãnh cái sự thực ấy do chính học trò của mình nói ra. Rồi tôi bỗng tự hỏi cả cái tập thể giáo viên ở ngôi trường này, không biết đã trở thành những con người "không dám nói" tự bao giờ ?
o O o
Trên đây là mới chỉ nói về công tác lao động của lũ học trò. Còn chúng tôi, những thầy cô giáo, thì sinh hoạt lao động cũng có phần sôi nổi không kém.
Trong một buổi họp các giáo viên toàn trường, Ban Giám Hiệu đề ra kế hoạch thành lập các "Tổ Lao Động" của các thầy cô giáo trong trường.
Cái tên gọi nghe lạ hoắc khiến nhiều người ngơ ngác không biết cái "Tổ" này sẽ làm gì trong khi chúng tôi cũng đã cật lực thi hành cho đạt tiêu chuẩn "8 giờ vàng ngọc" trong mỗi ngày rồi.
Nhưng hình như mọi sự vốn đã được âm thầm sắp xếp từ trước. Khi chỉ thị đã công bố rõ ràng thì lập tức có một vài vị trong Hội Nhà Giáo Yêu Nước đứng ra thuyết trình về nội dung thành lập "Tổ" và cung cách điều hành những Tổ ấy ra sao. Các vị ấy lại còn giới thiệu một vài Tổ đã thành hình, như Tổ Đồng Hồ, Tổ Thêu May, Tổ Ấn Loát, Tổ Sửa Chữa Máy Móc…v..v…Đại thể như sau:
- Tổ Đồng Hồ sẽ chuyên lo việc lau dầu, thay dây cót (dây thiều), đánh bóng mặt đồng hồ đã bị trầy sước….
- Tổ Thêu May thì nhận thêu khăn tay, khăn choàng, khăn giải bàn, yếm dãi…
- Tổ Ấn Loát thì in thuê các tài liệu học tập bằng cách quay Ronéo với máy quay tự chế, thực hiện bằng tay, không cần chạy điện!
- Tổ sửa chữa máy móc thì sửa bàn là (bàn ủi), quạt máy, ấm đun nước.
Trên đây chỉ là những tổ sơ khởi, ai có sáng kiến gì khác thì sẽ lập thêm những tổ mới sau. Còn ai không có khả năng thành lập tổ thì hãy ghi danh tham gia vào các tổ đã có sẵn để tùy nghi Tổ trưởng phân định công tác. Miễn sao mọi người, ai cũng đều có công tác lao động chân tay để "làm ra của cải vật chất" !
Thế là bọn chúng tôi nháo nhào, chen nhau ghi tên, người thì vô tổ đồng hồ, người thì nhập tổ sửa chữa máy móc, đa số các Cô thì xin vào Tổ thêu may mặc dù đã có mấy cô thú nhận:
- May vá gì…hồi trước lo soạn bài, chấm bài bận thấy mồ, cái áo có rách cứ đem ra tiệm thuê làm là vừa nhanh vừa gọn.
Còn một anh bạn tham gia Tổ Đồng Hồ thì sau đó tâm sự :
- Tớ biết mẹ gì những thứ linh tinh nằm trong cái đồng hồ. Nhưng nó bé xíu, có rớ vào nó để rà rẫm thì cũng đỡ phải vã mồ hôi hột !
Riêng tôi thì ghi danh vào Tổ Ấn Loát. Tôi thừa biết nhà trường chẳng thể có một cái máy in, dù chỉ là thứ máy thô sơ thường gọi là máy pédale có một cái bàn tròn để lăn mực đặt ngay trước mặt thợ in. Người thợ dùng chân để đạp cho máy chạy và in ra từng tờ nhỏ như danh thiếp, thư mời hay thiệp cưới. Nhưng điều mà tôi tò mò muốn biết là để xem cái thứ "máy quay Ronéo tự chế" nó sẽ vận hành thế nào. Dẫu sao, ở vào cái thời kỳ mà từ cái máy chữ trở đi cũng bị coi là đồ quốc cấm (vì có thể dùng để đánh máy tài liệu phản động) thì chuyện sáng chế ra cái máy in ronéo quay tay kể ra cũng là một điều hi hữu !
Thế rồi những ngày sau đó, vào cuối tuần không phải đứng lớp giảng dạy, mọi người lui tới tấp nập, thi nhau nhốn nháo trang bị cho cơ ngơi cái Tổ của mình. Khoảnh lầu rộng rãi nơi tiếp nối hai dẫy lầu vuông góc ở tầng hai được trưng dụng làm nơi cho các Tổ hoạt động. Mỗi Tổ được chiếm dụng một khoảnh giống như những khoảnh bán hàng ở ngoài chợ Trời. Các biển hiệu được trưng lên, nào Tổ Đồng Hồ, Tổ Ấn Loát, Tổ Sửa chữa máy móc…. riêng Tổ Thêu May thì chiếm riêng một khoảnh rộng rãi, thoáng mát gần cửa sổ hơn, vì các Cô cần chỗ để căng những khung thêu, để bầy những giỏ len, giỏ chỉ mầu cùng các thứ linh tinh khác như ô dù, mũ nón, lại cả những xách tay ý hẳn chứa đầy cơm nắm, xôi vò và dám có cả những bịch xí mụi hay trái cóc giầm tương ớt nữa.
Bên Tổ Đồng Hồ tôi thấy các Thầy cũng trưng ra mấy cái đồng hồ báo thức cũ sì, và trong một cái tủ kính nhỏ cũng lại có vài chiếc đồng hồ đeo tay loại còn chạy dây cót mà người xài cứ mỗi ngày phải vê vê cái nút tròn nằm ở bên mặt gọi là cái remontoir để lên dây cót. Còn thầy Tổ trưởng thì cũng hí hoáy ngồi trước một cái bàn nhỏ xoay xoay, vặn vặn vài con ốc gì đó, trên mắt phải Thầy lại còn gắn một cái ống kính lúp phóng đại, nom rõ ra là một tay chuyên nghiệp sửa đồng hồ. Nhưng thật tình, tôi tự nhủ nếu có hư đồng hồ thì cứ đem ra thợ sửa ở đầu phố còn tin tưởng hơn là giao cho mấy ông thần chuyên bầy vẽ đủ thứ chuyện này .
Ở Tổ Ấn loát của tôi thì thầy Tổ trưởng trưng ra một cái máy ronéo quay tay đặt trịnh trọng trên một cái bàn nhỏ có trải khăn làm bằng những tờ giấy trắng ghép lại. Cái máy thì nom như cái chảo rang cà phê của mấy bác bán cà phê rong. Nó được đặt trên một tấm gỗ ở hai đầu có hai cái trụ, trên đầu trụ có khoét một lỗ hổng để cái trục của cái "lò rang cà phê" chạy xuyên qua, và khi xoay tròn cái tay quay thì cái chảo cũng quay theo. Bên trong chảo lót vải mùng có đổ mực in, phía ngoài thì dán lên tờ stencil tức giấy sáp đã đánh máy hay vẽ hình lên cho thủng lỗ sẵn. Phía dưới cái chảo lại có một cái rouleau có thể xoay tròn, áp gần sát với cái chảo. Khi tờ giấy in được đưa vào và thợ in quay cái chảo đi nửa vòng, tờ giấy sẽ bị cuốn theo để hình vẽ hay chữ viết trên tờ stencil sẽ thấm mực in ra giấy. Tổ chúng tôi biểu diễn ngay việc in ấn của cái máy tự chế này bằng cách in một tờ truyền đơn trên có ghi mấy hàng chữ viết tay :
" Quyết tâm thi hành công tác lao động để đưa nước nhà tiến mạnh, tiến mau, tiến vững chắc lên XHCN".
Tôi đã nghe thấy có tiếng ai đó la lên :
- Rất hiện đại mà lại không hại điện !
Hồi đó đa số chúng tôi đều cũng chỉ như cá nằm chung trong một giỏ, nên chúng tôi chỉ nhìn nhau rồi cười trừ !!


Sàn tặng 15000 RACACoin miễn phí - đừng bỏ lỡ, Bấm vào đây

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Post a Comment

loading...


 
Edu dị truyện ©Email: eduditruyen@gmail.com. All Rights Reserved. Powered by >How to best
Link:Bantintuvan|tailieusupham|khoahocsupham|SKKN hay|Soidiemchontruong|dayvahoctot|diemthivao10hoctrenmobile|tradiemthituyensinh|Travel - Du lịch
Top