Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Trong bối cảnh đen tối của đất nước cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 sĩ phu Việt đã dấy lên một cao trào thức tỉnh “vô tiền khoáng hậu” khi thực hiện một chương trình đào tạo cách tân với mạng lưới trường học “phi chính phủ” thầy ăn cơm nhà lên lớp, trò đi học để làm người nước Nam mới - tân Nam tử - chứ không để làm quan, và với nguồn tài trợ đến từ nhân dân, trong đó chủ lực là doanh nhân trí thức yêu nước.
Cách đây đã lâu, khi lang thang qua vùng đất học Quảng Nam góp nhặt tư liệu viết tiểu thuyết lịch sử tôi lần lượt tiếp xúc ba bản diễn Nôm Lệnh Dụ Thiên Hạ Cần Vương vua Hàm Nghi tuyên ngày 13.7.1885 (Ất Dậu) tại ba tủ sách gia đình ở hai huyện Điện Bàn và Thăng Bình. Cả ba đều là độc bản viết tay, bám sát nội dung tờ chiếu nhưng ngoài những từ dùng lại chữ Hán trong nguyên bản như “tự cổ”, “biến cố”, “khâm thử” còn lại có nhiều từ thuần Nôm khác nhau dù nghĩa tương đồng.
Tìm hiểu thêm từ chủ nhân tư liệu và các bậc lão thành có học vấn tại địa phương tôi hình dung các dị bản này được diễn Nôm bởi những người khác nhau nhưng cùng thời điểm và chung một mục đích: Truyền bá Chiếu Cần Vương.
Tôi mang chuyện này đến nhà văn - nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, tác giả biên khảo Phong trào Duy Tân, ông gật đầu chấp nhận suy diễn trên và làm rõ hơn bằng những chi tiết trải nghiệm của riêng ông, mà qua đó tôi có thể dựng lại hoạt cảnh minh họa “chính sử”: Chiếu Cần Vương viết bằng Hán văn, rất ít người dân hiểu thấu nghĩa lý, trong khi có hiểu mới hưởng ứng được, do đó từ sĩ phu đến tập sinh yêu nước đã chia nhau đến các địa phương, tuyên đọc chiếu cho dân chúng nghe thông qua bản diễn Nôm đã soạn sẵn hay ứng khẩu, của chính họ hay của người khác.
Tôi còn tin việc phải chuyển ngữ văn bản nhà nước cho đại đa số dân chúng có thể hiểu như trường hợp Chiếu Cần Vương đã góp phần thúc đẩy quá trình hình thành cuộc vận động dùng chữ Quốc ngữ của trí thức Việt đầu thế kỷ 20, một phương tiện không thể thiếu của cách tân giáo dục với khẩu hiệu “khai dân trí - chấn dân khí”.
Cũng từ lâu tôi luôn nghĩ nạn nhân của nền giáo dục từ chương hủ lậu là nhân dân và tội đồ không ai khác là vua quan phong kiến. Mới đây, khi đọc đến bộ Minh Mạng Chính Yếu tôi giật mình vỡ ra một sự thực: Làm vua lừng lẫy đến như Minh Mạng cũng là… nạn nhân.
Và qua đó tôi bắt gặp nỗi ưu tư cùng lòng nôn nóng cải cách giáo dục rất sớm của nhà vua. Chẳng hạn, nhà vua đã giữa triều lên tiếng chê trách quan chức ngành giáo dục nệ cổ và yêu cầu đề cao tư duy độc lập của thí sinh trong thi cử: “Khảo quan khi chấm các quyển văn phần nhiều căn cứ vào việc người làm bài dẫn các câu sẵn, ý sẵn trong sách như thế nào để đánh giá, đó là thói nệ cổ cần bỏ. Thí sinh phải phát minh ý của đầu bài và trình bày ý riêng của mình, việc gì phải dẫn câu chữ trong sách người xưa?” (Quyển 13 - Giáo hóa).
Và hãy hình dung cuộc trao đổi đầy kịch tính giữa vua tôi Minh Mạng được chép khá chi tiết trong Minh Mạng Chính Yếu (Quyển 19 – Sùng Văn):
Vua hỏi Quang lộc tự khanh Phan Huy Thực: “Khi trẫm hỏi việc các đời Hán, Đường, Tống thì bầy tôi đều biết, nhưng hỏi đến đời Nguyên, đời Minh sau đó thì không ai trả lời được, chẳng lẽ chưa đọc đến sách sử các đời này?”
Phan Huy Thực thưa: “Từ đời Lê trở lại, đề thi chỉ hỏi các đời Hán, Đường, Tống nên người theo cử nghiệp cũng học như thế.”
Vua quay nhìn Thiêm sự Lê Văn Đức đứng cạnh như muốn hỏi có đúng vậy chăng, thì Đức cúi đầu thưa: “Sở học của thần cũng là cái học cử nghiệp đó thôi.”
Vua lắc đầu: “Đời Nguyên, đời Minh đến nay không dưới sáu, bảy trăm năm, còn đời Tống trở lên đã là thời thái cổ, kẻ học lại bỏ gần mà cầu xa đến thế là sao?”
Các đại thần im lặng, nhà vua than: “Khoa cử là để tìm chọn nhân tài, trong khi người ra đề thì câu nệ hủ sáo, còn người đi thi chỉ cốt học trúng ý người ra đề để đỗ đạt, cả hai đều không màng đến thực học, như vậy làm sao tìm được nhân tài để cùng trẫm trị nước?”
Trong thực tế vẫn có kẻ sĩ quay lưng với khoa cử lạc hậu. Về hiện tượng này phải kể đến một nhân vật độc đáo ở kinh đô Huế: “Cậu ấm tàng tàng” Nguyễn Lộ Trạch. “Cậu ấm” vì ông là con của Tiến sĩ - tổng đốc hai tỉnh Bắc Ninh - Thái Nguyên Nguyễn Thanh Oai và là rể của Thượng thư Bộ Binh Trần Tiễn Thành; “tàng tàng” vì ông không giống ai đương thời: Gần như dành hết thời gian cho việc đọc sách đông tây kim cổ và ngao du các tỉnh thành tìm bạn đồng chí hướng cách tân thực nghiệp - uyên bác tài hoa nhưng không đi thi như một phản ứng trước cử nghiệp mòn sáo - không đi thi nhưng thỉnh thoảng lại lấy đề của nhà vua ra trong kỳ thi đình để viết thời luận kêu gọi vua quan và kẻ sĩ hãy kịp thức tỉnh tự cường, trong đó có Thiên hạ đại thế luận (đề bài của vua Thành Thái kỳ thi đình năm 1892) gây chấn động giới trí thức, được nhanh chóng truyền tụng rộng rãi cùng với Bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ và Lưu Cầu huyết lệ tân thư của Phan Bội Châu.
Ngay câu mở đầu “bài luận” Nguyễn Lộ Trạch đã khẳng định chính sách giáo dục gắn liền với sự tồn vong đất nước: “Sự còn mất của một nước là do sách lược giáo hóa chứ không phải do nước lớn hay nhỏ. Sách lược giáo hóa được quan tâm đổi mới thì dù nước nhỏ cũng có thể tồn tại”.
Nhưng phải đợi đến khi chữ Quốc ngữ hoàn thiện và đến khi xuất hiện nhân vật tiên phong Phan Chu Trinh thì cuộc vận động tân học mới đạt tới cao trào, như học giả Nguyễn Hiến Lê từng nhận định: “Cụ Tây Hồ là người mở đường cho phong trào Duy Tân ở nước nhà. Lập Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội một phần công lớn là của cụ, gây tư tưởng mới ở Quảng Nam là cụ, đi khắp nơi diễn thuyết là cụ, liệng cái phó bảng mà ra lập hiệu buôn cũng là cụ, khuyên quốc dân cắt tóc, bỏ tục nhuộm răng, vận Âu phục bằng nội hóa thì người đầu tiên cũng lại là cụ".
Năm 1905, Phan Chu Trinh cùng hai đồng hương Quảng Nam, là hai ông tiến sĩ vứt bỏ khoa danh Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng “hành phương Nam” khởi xướng tân học. Đến Bình Định đúng lúc tỉnh này mở kỳ khảo hạch, ba ông bàn kế nộp quyển dự thi với tên Đào Mộng Giác. Đào là họ lớn ở Bình Định có truyền thống khoa bảng, Mộng Giác là đã thức tỉnh. Theo đề ra, Phan Chu Trinh làm bài thơ Chí thành thông thánh, Trần Quý Cáp làm bài phú Danh sơn lương ngọc. Cả hai cùng chủ đích kêu gọi sĩ phu và quan lại hãy tỉnh mộng hư văn và hành động thiết thực trước nỗi nhục mất nước. Đoạn kết bài phú là một lời hiệu triệu mạnh mẽ hiếm có trong tình cảnh bấy giờ: Hỡi các quan lại/ Hỡi các trí thức/ Hãy quăng mũ/ Vứt bút/ Cùng đứng lên!
Năm sau, 1906, Trần Quý Cáp trở thành nhân vật tiên phong mở trường tân học ở Quảng Nam, trước cả Đông Kinh nghĩa thục (thành lập tháng 3.1907). Những thanh niên xuất chúng trong tỉnh như Nguyễn Bá Trác, Mai Dị, Trương Trọng Hoành, Phan Khôi đều là môn sinh của ông... Sức lan tỏa mạnh mẽ của mô hình “nghĩa thục” thể hiện nỗi khao khát thức tỉnh của thanh niên trí thức Việt: Từ cuối năm 1906 đến đầu năm 1907 ở Quảng Nam có đến 40 trường tân học dân lập ra đời. Để các “nghĩa thục” không thu học phí này hoạt động, những nhà khởi xướng đã tổ chức kèm theo các nông hội và thương hội để sản xuất nông phẩm và buôn bán kiếm lãi, cũng là một hình thức coi trọng thực nghiệp.
Trường tân học dạy các môn học mới, đáp ứng nhu cầu mở mang dân trí: Chữ Quốc ngữ, toán, cách trí, sử Việt, địa lý, thể dục, tiếng Pháp, chữ Hán. Trường học cũng là nơi thường xuyên tổ chức diễn thuyết các vấn đề dân sinh, dân quyền và nhân quyền. Màu sắc yêu nước của các hoạt động này đã khiến thực dân Pháp và triều đình phong kiến lo sợ. Trong một báo cáo của mật thám Pháp đã viết: “Đông Kinh nghĩa thục là một cái lò đào tạo phiến loạn ở Bắc Kỳ”.
Vào cuối năm 1907 các trường tân học trong cả nước lần lượt bị đóng cửa và hàng loạt sĩ phu nổi bật của cao trào bị bắt hoặc bị xét hỏi nhiều lần như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế... Riêng Trần Quý Cáp bị cho là tham gia lãnh đạo phong trào chống sưu thuế năm 1908 ở Quảng Nam dù lúc đó ông đang giữ chân giáo thọ ở Khánh Hòa.
Với bản án chém ngang lưng tàn nhẫn, máu đào của nhà duy tân Trần Quý Cáp đã làm nên đỉnh điểm khúc bi tráng thức tỉnh của sĩ phu Việt đầu thế kỷ 20.
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment