Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Không hộ khẩu, không chứng minh, không BHYT..., người dân ở xóm chài mom Thủy đội (bên cửa sông Tam Bạc – Hải Phòng) bao năm qua vẫn sống trên thuyền để mưu sinh, tồn tại. Những đứa trẻ ở đây không có giấy khai sinh cũng lênh đênh theo cha mẹ, và rồi cuộc đời của chúng không biết sẽ “dạt” về đâu?
Nhọc nhằn mưu sinh
Không ai nhớ chính xác xóm chài mom thủy đội trên sông Tam Bạc thuộc phường Minh Khai (quận Hồng Bàng– Hải Phòng) xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết 30 – 40 năm trước đã có người đến neo đậu thuyền để đi làm ăn, sau dần sinh sống cố định. Cả xóm chài có hơn 60 chiếc thuyền lớn, nhỏ với 32 hộ và 141 nhân khẩu. Hầu hết họ đều từ nơi khác đến như Hải Dương, Thái Bình, Móng Cái (Quảng Ninh), một số khác từ huyện Thủy Nguyên dạt sang.
Những đứa trẻ trong xóm chài dẫn tôi vượt qua hàng rào sắt của bờ sông để vào những chiếc thuyền mà gia đình chúng ở. Những thanh gỗ cũ được chắp vá không chắc chắn thành cầu, nối từ chiếc thuyền này sang thuyền khác khiến người lạ như tôi nếu không được bọn trẻ dặn trước sẽ ngã bất cứ lúc nào. Chỉ về những chiếc thuyền được làm bằng xi măng cũ nát, năm chắp ba nối nương vào nhau, bọn trẻ hóm hỉnh “nhà cháu đó”.
Chị Lê Thị Tươi (SN 1985) - người dân trong xóm chài cho biết, công việc chủ yếu của mọi người ở đây là đánh bắt tôm cá, lặn, mò sắt vụn dưới sông, phụ hồ, xe ôm…
Đàn ông đi khắp nơi kiếm sống, có khi cả tháng mới về hoặc ít ở “nhà”, còn phụ nữ chăm sóc con cái, cơm nước, ra chợ bán con tôm, con cá hoặc ai thuê việc gì thì làm việc ấy, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nhưng thu nhập cũng không cố định, có hôm được mấy chục, có ngày thì chằng được gì, gạo không đủ ăn, thức ăn thậm chí phải mua chịu.
Mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh, khổ nhất là khi có mưa bão, thức trắng đêm là chuyện thường. Phụ nữ, trẻ con lên bờ tránh trú còn đàn ông ở lại chằng chống, che đậy và tát nước để chống đắm thuyền, “nhỡ thuyền có làm sao thì coi như mất trắng, vì đây là tài sản lớn nhất rồi”.
Người dân trong xóm chài cũng cho biết thêm, nhiều năm trước, các hộ ở đây phải mua điện, nước qua nhà dân. Từ năm 2016 Điện lực Hải Phòng đã hỗ trợ lắp điện cho xóm chài sử dụng, còn nước vẫn phải mua với mức giá 25.000 đồng/khối.
Nước sạch phải tiết kiệm từng giọt, có những ngày phải dùng nước sông để ăn, sinh hoạt. Mỗi chiếc thuyền chỉ rộng khoảng 10m2 trở xuống, họ nghèo nhưng lại rất đông con, có gia đình 6, 7 người con, tất cả đều sinh hoạt chung trên một chiếc thuyền vô cùng bất tiện, nhà nào có điều kiện thì tách các cặp con ra ở riêng trên thuyền nhỏ.
Bà Lê Thi Lụa (61 tuổi) ở xóm chài đã được 40 năm đang cặm cụi đãi những hạt gạo bị mọt nói: “Chúng tôi mong được lên bờ lắm, không biết người ta bắt di dời thì đi đâu, mong thành phố tạo điều kiện hỗ trợ để chúng tôi có chỗ ở. Bây giờ đi nơi khác thì không quen làm ăn, mà về quê thì không còn ai, cũng không còn quê mà về. Ở đây mọi người hỗ trợ, đùm bọc lẫn nhau nên mới sống được đến giờ”.
Những đứa trẻ không đến trường học
Hầu hết những người dân xóm chài đều có hoàn cảnh khó khăn nên không có tiền cho con đi học và chính bản thân họ cũng không biết chữ. Thương hoàn cảnh các em, chánh tòa giáo xứ đã cùng chính quyền kêu gọi phía các trường lân cận cử giáo viên tới nhà thờ giảng dạy, kèm bọn trẻ học.
Có 3 phòng học dành cho bọn trẻ từ độ 6 đến 11 tuổi, chia làm 3 lớp (lớp 1, lớp 2, 3 và lớp 4, 5) được bố trí tại khuôn viên nhà thờ và các em đến học ở đây đều được hỗ trợ 100% sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục đến lớp.
Nhà thờ chỉ tạo điều kiện dạy các em đến hết tiểu học, lên đến trung học thì buộc phải đến trường. Những gia đình nào có điều kiện sẽ làm thủ tục xin học cho con, còn những gia đình khó khăn đành để bọn trẻ ở nhà, theo cha mẹ lênh đênh trên thuyền hoặc bán hàng rong trên đường kiếm sống phụ gia đình.
Các giáo viên của trường Tiểu học Nguyễn Huệ và Đinh Tiên Hoàng hàng ngày được cắt cử sang Nhà thờ dạy các em. Cô Đỗ Thu Hiền – GV lớp 2, 3 chia sẻ: “Các em đến từ nhiều nơi khác nhau, chủ yếu là theo đạo và có hoàn cảnh khó khăn, có em có giấy khai sinh, em không có.
Học sinh rất ngoan, chăm học, có những bạn nhà xa nhưng vẫn tự đạp xe đến, không bỏ buổi học nào. Nhưng có nhiều em học một thời gian bỏ để ở nhà phụ giúp bố mẹ, Nhà thờ cũng phải đi vận động suốt các em mới học trở lại…”
Cô Hiền chia sẻ thêm, các em học sinh trong lớp học tình thương số đông là đến từ xóm chài. Có những em bị học chậm hơn một vài năm so với các bạn nhưng được đi học thấy cháu nào cũng vui.
Lớp học tình thương 4, 5 có 12 em. Bạn nào trông cũng nhỏ thó, duy có cô bé Vũ Thị Thu Hiền (13 tuổi) là nhỉnh hơn lũ bạn. Hiền kể: “Em đi học chậm hơn các bạn 2 năm. Nhưng học ở đây lắm vì vừa được học vừa được chơi, nhà thờ từ thiện hết. Các cô yêu thương, nhẹ nhàng dạy bảo không đánh bọn em như ở trường cũ em học”
Trao đổi với Gia đình & Xã hội ông Đoàn Hồng Thắng – CT phường Minh Khai cho biết: “Xóm chài hình thành được mấy chục năm cũng không ai nhớ con số chính xác. Có người đi có người ở nhưng cũng có những người cố định ở đó mấy chục năm. Gần như những hộ này đều có quê nên thi thoảng lại về quê. Có người ốm đau, cận kề mất mát thì tìm cách về quê chôn cất. Còn các cháu trong độ tuổi tiểu học được học miễn phí tại Nhà thờ Chính Tòa.
Đặc thù khu vực này không có bãi bồi nên không có nơi neo đậu tàu thuyền cố định cho các hộ dân. Vào mùa mưa bão, phường làm công tác tuyên truyền cho các hộ lên bờ vào trường THPT Lương Thế Vinh tránh trú rất vất vả. Vệ sinh môi trường ở đây cũng không đảm bảo vì mọi sinh hoạt của xóm chài đều đổ ra sông…
Vào dịp lễ tết, chính quyền phường có đến tặng quà cho các cháu trên sông như bánh kẹo, sách vở. Mỗi lần xuống tặng quà, chúng tôi có hỏi sao các bác không về quê thì họ nói: “Về quê cũng ngại vì đi lâu rồi, sống trên sông cũng quen”.
Thành phố đang có chủ trương chỉnh trang sông Tam Bạc, nên các hộ dân trên sông này sẽ phải di dời. Chính quyền cũng không thể bố trí quỹ đất cho họ, vì vậy, có thể sẽ phân loại người dân ở khu vực nào thì vận động về địa phương đó để đảm bảo đời sống lâu dài cho họ.”
Diễm Hằng – Minh Lý
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment