Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Câu chuyện lùm xùm về bảng tương tác chưa kịp lắng xuống, thì gần đây lại thêm việc chương trình tiếng Anh trong trường tiểu học bị xáo trộn. Cụ thể là chương trình Cambridge vốn đang được giảng dạy bấy lâu nay bỗng dưng bị “ách lại” và thay vào đó là một chương trình “lạ hoắc” mang tên “chương trình tích hợp”, mà theo lý giải ban đầu của nhà cung cấp chương trình - công ty EMG - là do thực hiện theo một liên kết với Bộ Giáo dục Anh. Tuy nhiên, sau khi vị lãnh sự Anh tại TPHCM khẳng định “hoàn toàn không có sự liên kết nào giữa Bộ Giáo dục Anh với EMG hay Sở GD-ĐT TPHCM”, thì những người có trách nhiệm lại... lặng thinh, không đưa ra thêm lời giải thích nào thực sự thỏa đáng. Thay vào đó là việc “tạm ngưng” đưa chương trình tích hợp vào trường phổ thông như dự kiến ban đầu.
2 “MÓN NỢ” ĐẦU NĂM HỌC MỚI
Như vậy, ngay từ những ngày đầu năm học mới, ngành giáo dục TPHCM (và một số địa phương khác) đã phải gánh 2 “món nợ” đối với học sinh và phụ huynh – bảng tương tác và chương trình tiếng Anh. Đến giờ, chưa một ai có trách nhiệm trong ngành giáo dục trả lời một cách đầy đủ và thuyết phục về tác dụng, hiệu quả của bảng tương tác cũng như chưa thể đưa ra được những biện giải hợp tình hợp lý về chương trình tiếng Anh.
Mặc dù vậy, dư luận xã hội vẫn có những đánh giá theo cách của mình dựa trên những thông tin mà họ thu thập được qua báo chí. Điều dễ nhận thấy là trong cả hai trường hợp gần như “bị ép” phải mua thiết bị và thay đổi chương trình, đều có bàn tay tác động của những doanh nghiệp (Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC - nhà cung cấp chính thiết bị bảng tương tác tại TPHCM và công ty EMG - đối tác của Sở GD-ĐT TPHCM trong việc cung cấp chương trình tiếng Anh tích hợp thay thế chương trình Cambridge). Trước sự việc này, nhiều người đã đặt câu hỏi: Phải chăng, “kỹ thuật marketing” của nhà thương mại đã len lỏi vào cơ quan quản lý Nhà nước – cụ thể là ngành giáo dục TPHCM? Hay “lợi ích nhóm” đã có tác động đến những chuyện trọng đại như giáo dục, bất chấp kết quả và hiệu quả như thế nào?
Đã có những nhà giáo kỳ cựu nhận xét: Việc phụ huynh hiện nay ở một số trường đang kêu ca chuyện huy động nguồn lực của họ cho việc trang bị bảng tương tác hay chuyện “bỗng dưng” thay đổi chương trình tiếng Anh khi vẫn chưa có đủ căn cứ, cơ sở khoa học để đánh giá thiệt - hơn giữa cái cũ và cái mới, là do người quản lý chưa nhìn một cách toàn diện những điều nên - không nên khi bắt tay vào với cái mới. Trước khi đưa ra một quyết định đổi mới nào đó đối với giáo dục, rất mong các cấp quản lý nên “lật tới, lật lui” vấn đề một cách thấu đáo để tránh những “bể dâu dư luận” vốn đã quá nhiều, quá buồn với ngành giáo dục.
Biết nói không với những “đổi mới” không đem lại hiệu quả cũng là điều chứng tỏ bản lĩnh và nhân cách nhà giáo! Tiếc rằng, vì không biết... nói “không”, nên những “món nợ” vẫn còn treo lơ lửng trên đầu học sinh và phụ huynh ngay từ đầu năm học mới này. Và nhiều phụ huynh tiếp tục lo ngại, sẽ có bao nhiêu “nhóm lợi ích” sẽ còn tác động để biến con cái họ trở thành “chuột bạch” trong những cuộc thử nghiệm hay bị đặt vào những tình thế “khó đỡ” trong một môi trường giáo dục nhuốm màu sắc thị trường?...
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment