Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Thời gian gần đây liên tục xảy ra hàng loạt các vụ bạo lực học đường, đặc biệt là việc giáo viên lệnh cho học sinh tát bạn cùng lớp đã khiến dư luận bức xúc trước những hành vi phi giáo dục lại đang tồn tại ngay trong chính ngành giáo dục. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.
- Bức xúc.
- Phẫn nộ.
- Bất bình và không thể chấp nhận được…
Là cảm nhận chung của dư luận trước những vụ việc cô giáo tại trường Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình lệnh cho các học sinh cùng lớp tát bạn 231 cái. Và mới đây nhất là vụ việc giáo viên chủ nhiệm cũng lệnh cho các học sinh cùng lớp của trường Tiểu học Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) tát bạn 50 cái, khi tát đến cái thứ 20, cô giáo mới cho dừng lại vì em học sinh này khóc và kêu đau. Cũng trong thời gian này, một học sinh trường Tiểu học Bình Hữu, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An bị cô giáo đánh gây xôn xao dư luận; cô giáo Trường THCS thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bị phụ huynh học sinh tố cáo đánh hai học sinh bị gãy răng, rách môi và xúc phạm một học sinh khác cùng người nhà của họ.
Ông Nguyễn Quang Phúc, cử tri quận Ba Đình, thành phố Hà Nội cho rằng, việc cô giáo cho các bạn tát học sinh là hành động phản cảm, phi giáo dục và không phù hợp với đạo đức nhà giáo cũng như không phù hợp với nền giáo dục Việt Nam. Dư luận rất bức xúc, vì vậy công luận cũng cần lên tiếng, lên án.
Nếu các em học sinh ương bướng, cá tính, đã nhắc nhở nhiều lần nhưng học sinh đó vẫn nói bậy nhưng cách dùng hình phạt là tát học sinh vẫn không chấp nhận được. Bà Hà Thị Sâm, cử tri quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng, các thầy cô giáo có biện pháp nhẹ nhàng, đặc biệt thu phục tâm tính của học sinh, nếu cô giáo không thay đổi được việc học sinh nói bậy thì phải nhờ đến phụ huynh, vì phụ huynh, gia đình là rất quan trọng để gia đình cùng với gia đình dạy dỗ cháu.
Ông Lưu Huy Vinh, cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tin rằng, qua những vụ việc này, các cô giáo cũng nhận ra được lỗi của mình và có cách cư xử phù hợp. Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng điều quan trọng không chỉ giáo dục trong nhà trường mà còn giáo dục của xã hội, của gia đình. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần đưa vào chương trình giảng dạy cách cư xử, kết hơp chặt chẽ với gia đình, nhà trường và xã hội thì mới đạt được kết quả tốt.
Lý do của những hành động bạo lực xảy ra thời gian qua được các giáo viên đưa ra là do các em nói chuyện, nói bậy trong lớp. Nhưng chỉ vì những hành động đó liệu có đáng để giáo viên đưa ra hình thức xử phạt mang tính bạo lực, phi giáo dục, nhục mạ nhân phẩm học sinh như vậy hay không? Hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra nhưng nhiều chuyên gia giáo dục nhận định: Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới hành vi của các giáo viên là bệnh thành tích trong giáo dục. Những cái tát ấy như giọt nước tràn ly, phơi bày bệnh thành tích ảo, phản giáo dục trong ngành giáo dục đã đẩy một bộ phận giáo viên đến hành vi đồng lõa với cái xấu trong nghề.
Căn bệnh thành tích đang là nỗi sợ và ám ảnh với đại đa số giáo viên, ai không chạy theo sẽ bị coi là cá biệt, là chống đối. Cả hệ thống giáo dục như một trường đua mà đích đến là đủ danh hiệu cá nhân, danh hiệu tập thể. Nhiều người cũng đặt câu hỏi nếu ngành giáo dục không đặt ra quá nhiều chỉ tiêu thi đua đến mức phi thực tế, thay vào đó là khơi dậy lương tâm, trách nhiệm và động lực cho giáo viên dạy tốt, học tốt, thì mọi áp lực sẽ không đổ lên vai người dạy.
Công tâm mà nói, đây không chỉ là hành động phản giáo dục, mà nguy hại hơn nó thể hiện sự dung túng, nuôi dưỡng mầm mống bạo lực trong tâm hồn các em đang trong giai đoạn phát triển về nhân cách. Cũng có ý kiến cho rằng, đây là hệ quả của lối giáo dục áp đặt khi quan niệm giáo viên và phụ huynh học sinh luôn luôn đúng, từ đó tạo ra những con người chỉ biết cúi đầu làm theo mà không biết phản biện, phản kháng.
Với mỗi gia đình, khi gửi con đến trường là gửi gắm sự tin tưởng, gửi gắm tương lai của con mình cho nhà trường. Vì thế, những hành động phi giáo dục trong một môi trường mô phạm liên tiếp xảy ra trong thời gian qua đã khiến nhiều gia đình bất an, lo lắng. Bởi trường học cũng là nơi hình thành nhân cách con người nhưng các em lại phải chứng kiến và làm theo những kiểu giáo dục “phi giáo dục”. Và liệu có ai dám chắc rằng khi lớn lên các em sẽ không áp dụng những cách hành xử này trong cuộc sống?
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Giáo dục tâm lý Hà Nội, phân tích: “Giáo dục quyền uy và áp đặt, thiếu dân chủ của chúng ta đã tồn tại quá lâu trong các trường công lập. Thầy giáo luôn cho mình là nhất, kiến thức của thầy là duy nhất, học sinh phải ngoan ngoãn tiếp thu… chính vì vậy mới nảy sinh bạo lực học đường”.
Mặc dù đây là những vụ việc mang tính cá biệt, đơn lẻ trong ngành giáo dục nhưng đó là hành động làm xấu xí hình ảnh của ngành giáo dục, vô tình vứt bỏ bao công sức của các thế hệ thầy cô giáo có tâm huyết thật sự, hy sinh cả đời cho sự nghiệp trồng người, đặc biệt là những thầy cô giáo đang hàng ngày âm thầm gieo chữ, dạy người tại vùng núi, hải đảo, những nơi đặc biệt khó khăn.
Những vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra trong thời gian qua đặt ra yêu cầu cấp bách đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại chất lượng đào tạo cũng như cách tuyển dụng, đánh giá giáo viên hiện nay. Đồng thời cần có sự đánh giá chất lượng đào tạo sinh viên sư phạm hiện nay như thế nào, bởi muốn chất lượng dạy và học được nâng cao, thì cần làm tốt khâu tuyển chọn ngay từ đầu vào để không xảy ra những sự việc đau lòng như cô giáo cho cả lớp tát học sinh hay cô giáo bắt học sinh quỳ, uống nước giặt giẻ lau bảng…
Phụ huynh mong muốn đổi mới giáo dục theo hướng phát triển khả năng sáng tạo cho học sinh, hướng cho các em có chính kiến, quam điểm, chứ không phải đào tạo những “cái máy biết nghe lời” và thực hiện bất cứ yêu cầu nào của giáo viên theo kiểu tát bạn hay bắt bạn uống nước giặt giẻ lau bảng như đã từng xảy ra. Nhưng để giáo dục một con người cũng không thể giao phó, bỏ mặc các em cho nhà trường, xã hội, rất cần sự phối hợp của gia đình cùng với nhà trường để giáo dục toàn diện nhân cách của trẻ.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV vừa qua, tại cuộc bỏ phiếu lấy tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ là 1 trong 3 chức danh có chỉ số phiếu tín nhiệm thấp nhất. Và qua những vụ việc vừa rồi cho thấy sự công tâm, khách quan của đại biểu Quốc hội trước một ngành được coi là nhạy cảm trong xã hội. Không có gì khó bằng “trồng người”, nhưng chính những người làm nhiệm vụ cao cả “trồng người” ấy lại đang là tấm gương xấu cho học sinh, một điều không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, từ vấn đề trên cũng cần phải nhìn nhận lại cả công tác thi đua của ngành giáo dục. Có hay không việc chạy đua với kiểu thành tích ảo? Có hay không một áp lực thi đua mà đè nặng lên vai giáo viên từ chính Bộ, Sở, Phòng giáo dục? Và những “cái tát” này chính là lời cảnh tỉnh cho Bộ trưởng nói riêng, ngành giáo dục và đào tạo nói chung trong công tác cải cách giáo dục, cải cách học đường.
Để làm rõ hơn những vấn đề trên, phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng:
Phóng viên: Thưa đại biểu vừa qua xảy ra một loạt các vụ việc giáo viên phạt học sinh bằng hình thức cho bạn cùng lớp tát như: tại tỉnh Quảng Bình cô giáo chỉ đạo cả lớp tát một học sinh 231 cái hay tại Hà Nội học sinh lớp 2 bị cô giáo cho bạn tát 50 cái. Đại biểu có bình luận như thế nào về những vụ việc này?
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Xét trong bối cảnh cả hệ thống giáo dục đấy là những vụ việc mang tính cá biệt. Nếu bình luận về vụ việc này thì rõ ràng giáo viên không được và không nên làm. Bởi giáo viên có nghiêm khắc thì phải áp dụng hình phạt phù hợp để có kết quả học tập tốt là việc cần làm và được phép làm. Tuy nhiên, giáo viên chọn hình thức phạt như thế nào vừa có tính chất răn đe nhưng vừa có tính chất giáo dục và không xúc phạm đến thân thể, nhân phẩm, danh dự của học sinh. Việc cô giáo cho học sinh tát bạn là hành vi xúc phạm đến thân thể, danh dự của học sinh và từ đó không có tác dụng giáo dục. Ngành giáo dục đã có câu slogan “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Nếu mỗi ngày đến trường bị cô giáo phạt với hình thức như vậy thì làm sao mà vui được. Rõ ràng với những hình phạt như vậy sẽ để lại dấu ấn không chỉ vài năm thậm chí đeo đẳng cả quãng đời học sinh và các em luôn luôn bị ấn tượng với hình phạt đó, và như vậy là phản giáo dục. Khi cô giáo áp dụng các hình phạt mang tính bạo lực như vậy sẽ làm cho học sinh nhìn nhận về nhà trường, thầy cô, bạn bè khác đi. Có thể các em cho rằng hành vi bạo lực được phép áp dụng trong nhà trường và nay có thể đánh bạn này, mai có thể đánh bạn khác và còn nhiều hệ lụy khác. Do vậy, không được phép áp dụng những hình phạt như vậy, đặc biệt những hình phạt ảnh hưởng đến thân thể và tâm lý học sinh.
Phóng viên: Theo quan điểm của đại biểu những vụ việc tương tự như vậy sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý học sinh?
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Như tôi vừa nói ở trên, những vụ việc như vậy không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh ở thời điểm đó. Nó không chỉ là tổn thương về thể chất mà tôi cho rằng tổn thương về tinh thần quan trọng hơn. Một học sinh bị phạt vừa mang tính bạo lực, vừa mang tính nhục mạ bằng cách cho học sinh cả lớp tát bạn mình mỗi người 10 cái ở Quảng Bình, làm ảnh hưởng đến tâm lý, danh dự của học sinh. Nếu cứ áp dụng hình phạt như vậy sẽ không có tác dụng tích cực trong giáo dục mà sẽ để lại vết hằn sâu không chỉ với học sinh bị phạt và với các học sinh khác trong lớp. Với học sinh bị phạt, có thể trong suốt quá trình phát triển sau này sẽ đeo đẳng những ám ảnh bởi trận đòn mà cô cho các bạn phạt mình. Đồng thời làm cho quãng đời đi học của học sinh không có cảm giác thoải mái, vui vẻ khi đến trường mà sẽ tạo cảm giác chán nản khi đến trường, và kết quả học tập không như mong muốn. Thậm chí những hành động này có thể ảnh hưởng đến tương lai của học sinh vì tạo ra tâm lý tiêu cực mà học sinh không có động lực để học tập. Với học sinh bị phạt và cả những học sinh khác, các em sẽ nghĩ là được dùng bạo lực trong nhà trường. Bởi chính cô giáo cho phép thạm chí còn ép các bạn sử dụng bạo lực với học sinh, thì các em có suy nghĩ là bạo lực được áp dụng trong nhà trường và các em sẽ có thói quen hành xử bạo lực không chỉ trong nhà trường mà còn ảnh hưởng tới tính cách của không chỉ em học sinh bị phạt mà cả các học sinh khác trong lớp, trong trường. Đối với những học sinh bị phạt, có thể có những phản ứng tiêu cực, có suy nghĩ thù hận bạn mình và có thể có hành động phản kháng không phù hợp với khung cảnh giáo dục. Có thể nói những hình phạt như vậy chỉ có hại chứ không có lợi.
Phóng viên: Thưa đại biểu, việc giáo viên phạt học sinh với những hình thức bạo lực, xúc phạm nhân phẩm học sinh như vậy không phải diễn ra lần đầu. Nhiều ý kiến cho rằng đây là hệ luỵ từ việc chạy đua theo thành tích, áp lực với thành tích do ngành đặt ra. Quan điểm của đại biểu về nhận định này như thế nào?
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Nếu chỉ một vài vụ việc mà nói rằng cả ngành chạy theo thành tích và các vụ việc đó là do thành tích thì hơi nặng. Tuy nhiên, tôi cho rằng những hành vi ứng xử của giáo viên cũng có phần do cung cách quản lý. Ví dụ vụ việc ở Quảng Bình, có một học sinh nói bậy, cô giáo lý giải là sẽ ảnh hưởng đến thành tích thi đua của lớp nên cô đã phạt học sinh nặng để vừa trừng phạt và răn đe những học sinh khác không vi phạm kỷ luật của nhà trường. Khi vụ việc được dư luận xã hội, báo chí đưa tin thì hiệu trưởng nhà trường lại đề nghị báo chí, dư luận đừng lên tiếng bởi trường sắp được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Như vậy, những hành động của cô giáo và hiệu trưởng cũng chịu áp lực của thi đua và ngành giáo dục cũng cần xem lại cách thức tổ chức phong trào thi đua như thế nào. Thi đua là cần thiết đối với trường học, bởi để tập hợp, định hướng cho học sinh, hướng tới cái chân thiện mỹ hòa nhập với sinh hoạt cộng đồng để các em có tính gắn kết cộng đồng, có thói quen làm việc nhóm, tạo động lực các em phấn đấu. Vì vậy, việc tổ chức các phong trào thi đua trong trường học là cần thiết, tuy nhiên tổ chức như thế nào, thực chất, mang lại hiệu quả, không đẩy giáo viên và học sinh và các trường vào cuộc đua thành tích thì ngành giáo dục cần cân nhắc.
Phóng viên: Để không xảy ra những vụ việc bạo lực học đường từ chính giáo viên, theo đại biểu, đâu là giải pháp căn cơ cho vấn đề này?
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Trước khi trả lời câu hỏi, chúng ta phải khẳng định, những vụ việc bạo lực trong nhà trường và một số vụ việc tiêu cực khác trong ngành giáo dục mặc dù là thực tế, nhưng đây vẫn là thiểu số, là “con sâu làm rầu nồi canh”. So với hàng triệu giáo viên, hàng vạn nhà trường trong cả nước thì các thầy cô, nhà trường vẫn miệt mài làm việc, cống hiến để làm tròn nhiệm vụ cao cả. Tuy nhiên, có những vụ việc như thế này thì ngành giáo dục, các nhà trường cũng phải xem lại cách tổ chức dạy và học, quản lý giáo viên ra sao. Bản thân các nhà giáo cũng phải xem phương pháp giáo dục của mình để thay đổi cho phù hợp.
Theo tôi, để giải quyết tình trạng bạo lực trong học đường, trước tiên về mặt vĩ mô, đã đến lúc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, thu gọn đầu mối, nâng cao chất lượng, tạo cơ chế mới để tạo sức hút trong tuyển sinh của các trường sư phạm để có sinh viên có chất lượng. Thứ hai, trong quá trình đào tạo các giáo sinh trong các trường sư phạm cũng được nâng cao chất lượng, không chỉ đào tạo về kiến thức và phải chú ý cả kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng xử lý các tình huống có thể nảy sinh trong nhà trường. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội ngày nay, việc sử dụng các phương pháp giáo dục như thế nào thì cũng đòi hỏi các trường sư phạm truyền đạt cho sinh viên. Thứ ba, khi sinh viên ra trường, thì cần bố trí giáo viên đúng chuyên môn, lĩnh vực, ngành học được đào tạo để phát huy thế mạnh của giáo viên. Thứ tư, đã đến lúc chúng ta quan tâm xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, thỏa đáng để có thể ghi nhận, động viên đội ngũ nhà giáo cống hiến toàn tâm, toàn sức, toàn thời gian cho nhiệm vụ cao cả, khi đó, giáo viên sẽ tìm được phương pháp giảng dạy phù hợp nhất.
Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng cần tiếp tục tuyên truyền yêu cầu đối với giáo viên, có cách ứng xử phù hợp trong nhà trường cũng như trong xã hội mà giáo viên cần phải làm theo. Với những vụ việc vi phạm trong ngành giáo dục thì ngành cũng cần phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định, có tính chất răn đe, tránh những hiện tượng vi phạm tương tự trong trường học.
Bên cạnh đó, giáo dục không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục. Giáo dục có 3 chủ thể là gia đình, nhà trường và xã hội. Xã hội và gia đình cũng phải chung tay cùng nhà trường để con em mình có ứng xử phù hợp, có lối sống, đạo đức phù hợp trong nhà trường, ngoài xã hội và cả ở gia đình để các cháu là con ngoan, trò giỏi, tương lai trở thành những công dân tốt.
Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, trong đó Bộ trưởng Bộ Giáo dục là 1 trong 3 chức danh nhận được phiếu tín nhiệm thấp nhất. Liên hệ thực tế với sự việc trên, đại biểu có bình luận gì?
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Tôi cho rằng, đại biểu Quốc hội và Quốc hội đã đánh giá công tâm, khách quan mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các chức danh khác do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Rõ ràng, trước thời điểm Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đã xảy ra một loạt những vụ việc vi phạm trong ngành giáo dục, từ tiêu cực trong thi cử, đến những hành vi bạo lực học đường. Đây là những tác động khách quan đến đại biểu khi nhìn nhận người đứng đầu ngành giáo dục chưa thực sự hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tôi nghĩ, xã hội, dư luận cũng cần quan tâm và chia sẻ với ngành giáo dục và một số ngành khác rất đặc thù, bởi đây là ngành tác động và liên quan đến nhiều người, đến nhiều gia đình. Mặc dù ngành giáo dục đã được dành 20% ngân sách cho giáo dục, nhưng so với số lượng trường học, số lượng học sinh, giáo viên thì số ngân sách này không phải là lớn. Cho nên, giữa việc đầu tư và mong muốn của xã hội đã có khoảng cách và khoảng cách này không thay đổi được trong ngày một ngày hai. Vì vậy, áp lực với ngành giáo dục trong thời gian tới sẽ tiếp tục còn và đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của ngành giáo dục nói chung cũng như người đứng đầu, để đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment