Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Để giảm thiểu tai nạn học đường, cần chế tài xử phạt nghiêm minh, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự phải xử lý theo pháp luật.
Chỉ có như vậy mới phát huy được trách nhiệm của ngành giáo dục, chính quyền địa phương và nhà trường trong đảm bảo an toàn học đường.
Khách quan mà nói, tai nạn rủi ro trong đó có tai nạn học đường xảy ra ở hầu hết các quốc gia. Ở các nước đang phát triển và các nước kém phát triển, tai nạn học đường càng nhiều, nhưng nguyên nhân chủ yếu không phải do giàu nghèo mà là do ý thức con người.
Ở Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu thống kê nhưng qua thông tin hàng ngày cho thấy nước ta là quốc gia có số vụ tai nạn học đường tương đối cao. Chỉ từ giữa năm 2019 đến nay, đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn, làm hàng chục học sinh bị thương vong. Dưới đây là đơn cử một số vụ tai nạn học đường điển hình.
Ngày 6/5/2019, tại Trường THCS thị trấn Đà Bắc (huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình), một cột bê tông dài hơn 3m từ phòng học tầng 2 đổ xuống làm 2 học sinh bị thương nặng phải nhập viện.
Ngày 6/8/2019, cháu Lê Hoàng L (học sinh lớp 1 trường Gateway quận Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong do vô ý bị bỏ quên trên xe đưa đón (theo kết luận của tòa án).
Ngày 24/10/2019, cháu Hoàng Gia H (học sinh lớp 2 Trường tiểu học xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chơi đùa cùng bạn trong giờ giải lao ở bãi cỏ phía sau phòng học, bị điện giật dẫn đến tử vong.
Ngày 8/5/2020, cháu Nguyễn Tuấn A học sinh lớp 9 (Trường THCS Quyết Thắng, xã Quyết Thắng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), theo yêu cầu của hiệu trưởng nhà trường, tham gia chặt cây gần đường dây điện, bị điện giật, được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Ngày 26/5/2020, mặc dù không có mưa bão, một cây phượng cổ thụ trong sân Trường THCS Bạch Đằng (phường 14, quận 3, TP.HCM), bật gốc đổ xuống làm một học sinh tử vong và 12 học sinh khác bị thương.
Gần đây nhất, chiều 7/9/2020, trụ cổng Trường mầm non Khánh Thượng, phân hiệu Bản Phung, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, Lào Cai, bất ngờ đổ sập làm thương vong 6 học sinh tiểu học và trẻ mầm non (từ 4 - 6 tuổi). Trong đó 2 học sinh tiểu học và 1 trẻ mầm non tử vong, 3 cháu khác bị thương.
Chủ quan, tắc trách
Những vụ tai nạn thương tâm trên đây, chỉ cần mô tả ngắn gọn thì người đọc cũng nhận thấy được nguyên nhân là do sự chủ quan, tắc trách, cẩu thả của người lớn.
Chẳng hạn vụ tai nạn ở Trường THCS Quyết Thắng, lãnh đạo nhà trường phân công học sinh chặt cành cây gần đường điện là chủ quan, tùy tiện. Không những vậy, khi học sinh thực thi công việc không hề có phương tiện bảo hộ, hoàn toàn sai quy định về an toàn lao động, dẫn đến tai nạn thương tâm.
Cổng trường tại phân hiệu Bản Phung, Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn, Lào Cai) bị sập khiến 3 học sinh tử vong
Hoặc như các vụ cột bê tông rơi từ tầng 2 ở Trường THCS thị trấn Đà Bắc làm 2 học sinh bị thương nặng; vụ một học sinh lớp 1 của Trường Gateway bị bỏ quên trên xe dẫn đến tử vong; vụ học sinh lớp 2 Trường tiểu học xã Tuy Lai tử vong vì bị điện giật khi chơi trong khuôn viên lớp học đều là do sự tắc trách, cẩu thả của người lớn, trước hết là của cán bộ, giáo viên nhà trường.
Vụ tai nạn vừa mới xảy ra ở Trường mầm non Khánh Thượng, các bức hình trên báo cho thấy trụ cổng rất to (thiết diện mặt cắt ngang của trụ cổng khoảng 0,6m x 0,6m). Với kích thước như vậy, nếu thi công đúng quy cách, đảm bảo chất lượng thì dăm ba học sinh mẫu giáo, lớp 1 đu lên cánh cổng, trọng lượng tối đa cũng chỉ khoảng 150kg, cột cổng không thể gãy đổ.
Trong khi đó, tại hiện trường cột cổng đổ xuống gãy ngang như lát cắt thành 2 đoạn, bên trong không hề có cốt thép. Có thể khẳng định nguyên nhân xảy ra tai nạn thương tâm ở Trường mầm non Khánh Thượng là do chất lượng cột cổng quá kém.
Anh Vàng Seo Cư, bố cháu Vàng Thị Hồng Trang (một trong 3 cháu bị tử vong do cổng trường đổ), gạt đi những dòng nước mắt, nén nỗi đau để giãi bày day dứt: “Nếu cột cổng có khoảng 2 thanh sắt, có thể mọi chuyện đã khác. Nhà trường còn tồn tại lâu dài, kính mong và đề nghị nhà nước nếu làm lại cổng thì khi đổ cột cần phải chú ý sự an toàn của các học sinh để các con được an toàn khi đến trường”.
Giải pháp căn cơ
Để không tái diễn các vụ tai nạn học đường thương tâm, ngành giáo giáo dục và chính quyền địa phương cùng lãnh đạo các nhà trường cần phải có giải pháp căn cơ, toàn diện, dài hơi, tránh tình trạng ứng phó theo tình thế như thời gian vừa qua.
Đó là khi xảy ra các vụ tại nạn học đường, từ Bộ GD-ĐT đến chính quyền địa phương mới có công văn chỉ đạo manh mún theo từng vụ việc. Như khi học sinh tử vong trên ô tô đưa đón, ra công văn chỉ đạo tổ chức xe đưa đón học sinh; khi cây đổ làm hàng chục sinh thương vong, ra công văn chỉ đạo kiểm tra cây xanh; khi cổng trường đổ làm nhiều học sinh thương vong, ra công văn chỉ đạo đạo kiểm tra cơ sở vật chất, trường lớp…
Tuy nhiên, chỉ đạo chặt chẽ, kiểm tra sát sao của các cấp chỉ mới là điều kiện cần.
Điều kiện đủ đóng vai trò quyết định là phải có chế tài xử phạt nghiêm minh, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự phải xử lý theo pháp luật. Có như vậy mới phát huy được trách nhiệm của ngành giáo dục, chính quyền địa phương và và nhà trường trong đảm bảo an toàn học đường.
Nguyễn Huy Viện
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment