Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
CHƯƠNG 15
T
rong 3 điều nói về vai trò của Đảng, Nhà Nước và Nhân dân thì tôi thấy cái vế thứ ba là khó nắm được nhất.
Vào thời gian ấy, nghĩa là sau khi Sài Gòn đổi chủ, dân chúng Sài Gòn cũng như các công nhân viên chức đều đã được liên tục học tập để hiểu rõ vai trò của mình. Riêng tôi, trong cương vị một giáo viên, ngoài các buổi học tập chính trị do nhà trường tổ chức, tôi còn đọc thêm những tài liệu khác để tìm hiểu xem thế nào là "nhân dân làm chủ".
Để tiện việc theo dõi hay khỏi mất công diễn giải dài dòng, tôi thử đặt công việc tìm hiểu của tôi vào nội dung cuộc đối thoại giữa hai người dân tên A, tên B trong vùng mới được "giải phóng" như sau :
A - Đảng lãnh đạo, Nhà Nước quản lý thì rõ rồi. Nhưng nhân dân làm chủ là thế nào nhể ? Làm chủ cái gì? Đi lấy của ai về mà đòi làm chủ?
B- Làm chủ nói nôm na ra là của mình. Giải phóng rồi thì mình có tất cả. Đất đai này, của cải vật chất này, các cơ xưởng, các xí nghiệp sản xuất này…. Tuốt tuột đều về tay mình cả nên mình làm chủ những thứ đó.
A- Vậy mình làm chủ thì mình có được lấy đem về nhà xài không?
B- Ấy ! Đâu được ! Cái này là của chung mà. Đã là của chung sao có thể khuân về nhà làm của riêng được.
A- Vậy ra còn có cái vụ làm chủ chung với làm chủ riêng nữa à ?
B- Giải phóng rồi, phải tập dùng chữ nghĩa cho nó hợp thời. Có đấy! Nhưng làm chủ riêng thì gọi là tư hữu, tư sản. Làm chủ chung thì gọi là làm chủ tập thể .
A- Chết ! Tư sản đang bị đánh tơi bời. Vậy mình không còn có quyền làm chủ riêng cái gì nữa sao?
B- Có chứ. Mình cứ làm chủ những thứ nhỏ nhỏ thì được chấp nhận. Như trong nhà mình có cái bàn, cái ghế, cái giường, cái chiếu …. nhà nước sẽ không động tới. Nhưng nếu mình lại đi có cửa hàng, có cơ sở máy móc sản xuất ra đồ dùng mà lại phải thuê công nhân đứng máy, thì cái đó gọi là tư sản bóc lột. Bị tiêu diệt là cái chắc rồi.
A- Vậy những thứ cửa hàng, cơ sở máy móc sản xuất ấy sẽ về tay ai ?
B- Về tay mình chứ còn tay ai !
A- Rõ dấm dớ !
B- Không dấm dớ đâu. Lại về tay mình nhưng không phải của mình. Mình chỉ "làm chủ tập thể" thôi !
A- Vậy tập thể là những thằng nào ?
B- Là toàn thể nhân dân ! Có cả cậu lẫn tôi trong đó nữa.
A- Thôi thế thì tôi hiểu rồi ! Nhân dân là cái đại thể trong đó có mình. Cái gì hễ cứ nhân danh nhân dân tất cũng là nhân danh cả cho mình. Nhưng riêng một mình mình thì mình không thể coi là nhân dân được. Đúng không ?
B- Đương nhiên. Có mỗi một cá nhân thôi mà lại đòi làm nhân dân !
A- Vậy mình có làm chủ tập thể thì cũng chỉ là danh nghĩa thôi. Chứ mình có quyền đếch gì trong cái tập thể gọi là nhân dân đó. Đã thế, mấy thằng có chức, có quyền thì cứ nhân danh "nhân dân" lôi mình ra ghè, bắt phải thế này, thế kia mà mình đâu dám há mồm ra cãi.
B- Ý nghĩa trong thực tế thì nó là như thế. Nhưng này, chớ có mở mồm nói ra, Công an Nhân dân nó còng cổ.
A- Như vậy nói tóm lại: Khi hô: « Làm Chủ tập thể » tức là chỉ có « Nhân dân làm chủ » thôi. Nhưng chớ có cắc ké đi hỏi nhân dân là những thằng nào, đúng không ?
B- Thì báo, đài chẳng ra rả suốt ngày câu : « Đảng lãnh đạo, Nhà Nước quản lý, Nhân dân làm chủ» đó sao, mà cứ còn phải thắc mắc.
A- Thôi..thôi…tớ cũng chẳng thắc mắc làm đếch gì cái thứ ngôn ngữ chập chờn như ma quỷ. Chẳng ăn cái giải gì, có khi lại lụy vào thân !
o O o
Diễn dịch kiểu nôm na như ở trên tất có nhiều người cho là xuyên tạc, thậm chí còn kết tội là phản động nữa. Có thể họ sẽ nại ra lời lẽ của ông Lê Duẩn để lý luận, vì ổng đã nói :
"Trên cơ sở những đòi hỏi tất yếu của cuộc sống cộng đồng, của quyền làm chủ tập thể, phải tôn trọng và bảo đảm các quyền của công dân, bảo đảm sự phát triển phong phú của nhân cách, bồi dưỡng và phát huy sở trường và năng khiếu cá nhân, tạo điều kiện cho mọi người tự tìm tòi và sáng tạo trên các lĩnh vực sản xuất, hoạt động khoa học, kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật".
Hoặc ngay cả bác Hồ cũng nói :
"Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thoả mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa... Trong chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là chế độ do nhân dân lao động làm chủ, thì mỗi người là một bộ phận của tập thể, giữ một vị trí nhất định và đóng góp một phần công lao trong xã hội. Cho nên lợi ích cá nhân là nằm trong lợi ích tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thoả mãn"
Lời nào nghe chẳng hay ho. Nhưng thử đối chiếu với thực tế trong cái xã hội mà quyền làm chủ tập thể đã được thiết lập trên nửa thế kỷ nay rồi, để thấy nó sẽ ra làm sao.
Nhà văn Nguyễn Khải cũng đã suy ngẫm về chuyện này. Ông sinh năm 1930, là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam các khóa 2, 3 và là Phó tổng thư ký khóa 3. Ông cũng là Đại biểu Quốc hội khóa VII. Vào lúc sắp lìa đời khoảng năm 2006, ông đã ngồi viết cuốn " Đi tìm cái Tôi đã mất" . Đấy là tác phẩm cuối cùng vì ông mất năm 2008. Trong cuốn này, ông đã viết :
Trích Nguyễn Khải (những chỗ in đậm chỉ cốt để nhấn mạnh, trong nguyên bản không có chỗ nào in đậm):
"Vì số phận cá nhân gắn liền với tập thể với dân tộc, trùng hợp khít khao với các mục tiêu chính trị của đảng cầm quyền và những tham vọng của người lãnh đạo. Nhưng cả mấy thế hệ cùng tham gia chiến tranh, sống trong một môi trường xã hội, chính trị của một đất nước đang có chiến tranh cũng là một tai hoạ khôn lường.
Trong chiến tranh tập thể gạt phắt cá thể sang một bên, có thể giẫm đạp lên nó cũng chả mất mát gì, vì chiến tranh đòi hỏi sự nhất trí, cần sự ra lệnh đúng lúc của nhiều cái đầu chứ không có thời gian bàn luận, sai đúng có sự tham gia của nhiều cái đầu. Vả lại nếu người lãnh đạo tính toán sai lập tức sẽ bị đối phương trừng phạt ngay, không sớm tỉnh ngộ thì cả sự nghiệp có thể bị đổ vỡ.
Đến thời hoà bình thì chỉ còn dân chúng đối mặt với chính quyền, quyền lợi khác nhau, nguyện vọng khác nhau, có trăm ngàn thứ khác nhau trong một cộng đồng, dân tộc, tôn giáo, văn hoá, điều kiện sống… trong một thời gian dài tạm quên đi, tạm gác lại để lo việc lớn, lúc này nhất loạt trỗi dậy, đòi hỏi và mỗi cá nhân đều thấy cái mình đòi là quan trọng nhất, bức thiết nhất.
Độc lập có rồi, tự do có rồi, vậy cái hạnh phúc của mỗi chúng tôi, nhà nước định quên sao?
Nhưng người dân phải tìm ra cơ hội nào để nói, đến chỗ nào để nói, dùng phương tiện gì để nói. Nói với tổ chức, với các đoàn thể mình là một hội viên, không ai nghe cả. Nói trên báo chí không báo nào dám đăng. Viết kế sách, thỉnh nguyện gửi lên các cấp có thẩm quyền thì chả bao giờ nhận được trả lời. Vậy phải làm gì nhỉ? Làm loạn không dám, biểu tình đúng pháp luật cũng chưa có tiền lệ. Người đứng đắn bộc lộ sự không bằng lòng của mình tại các cuộc họp lập tức bị những kẻ cơ hội trấn áp tức thì, bị cơ quan an ninh ghi vào sổ đen, thăng chức nên lương từ nay không thể, chỉ còn đợi ngày về hưu thôi.
(ngưng trích)
o O o
Trên đây là những lời có thể coi là tâm huyết của một nhà văn vào những ngày tháng cuối đời. Là một nhà văn, ông chỉ cần viết như thế cũng đã dàn trải được nhiều ý tưởng, chất chứa được nhiều tâm tư, cảm nghĩ mà tôi đoán chắc sẽ có nhiều người đồng tình, chia sẻ.
Ấy thế mà ở trường học, cả thầy lẫn trò chúng tôi vẫn phải nhai đi nhai lại bài học gồm có những chương :
1/- Xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa.
2/- Xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
3/- Xây dựng nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa.
4/- Xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.
Nói chung là Nhà Nước C.S nào cũng có cái tâm lý thích nhồi nhét mà lại còn tin chắc rằng cứ nhồi nhét mãi thì bất cứ cái đầu u mê trống rỗng nào cũng sẽ bị tẩy rửa để nhìn ra được« chân lý », giống như ông Tố Hữu đã làm câu thơ « mặt trời chân lý chói qua tim ».
Nhưng hỡi ơi, ở ngoài Bắc ra sao thì tôi không biết, nhưng ở trong Nam này thì trong bất cứ bài giảng nào, ở bất cứ hội trường nào, với bất cứ người nói hay người nghe nào, tôi đều chỉ thấy những ánh mắt thờ ơ, vô cảm, cứ như thể đầu óc ai ai cũng để đi đâu, mặc cho những lời lên gân lên cốt vẫn oang oang qua những cái loa bắt kề ngay ở bên lỗ tai.
Chỉ trong những giây phút chịu đựng cảnh «người nói, người nghe, chúng ta cùng nhau đóng trò dối trá » ấy, tôi mới thấy thấm thía nhớ đến bầu không khí sinh hoạt trong các nhà trường ở miền Nam trước đây.
Nhà trường hồi đó êm ả dưới bóng những lùm cây, bầu không khí trang nghiêm trong giờ học đôi lúc chỉ nghe thấy tiếng sang sảng giảng bài. Trong giờ chơi hay giờ tan trường, học trò vui vẻ túa ra đường phố với những vẻ mặt hồn nhiên, vui vẻ như những bầy chim non ùa ra khỏi tổ.
Và dù là trường Công hay trường Tư, sinh hoạt giảng dạy trong nhà trường không bao giờ có chuyện bị chính quyền thô bạo xen vào, bắt thầy cô phải dạy điều này điều kia ra ngoài phần chuyên môn đã được ấn định từ cả vài chục năm trước.
Đấy mới chỉ một chuyện nhỏ nhoi về bầu không khí nhà trường. Nhưng trong suốt cả những ngày dài đằng đẵng bây giờ, dù ai có tất bật cách mấy thì cũng không tránh được niềm hoài vọng những gì đã có từ ngày xưa, những thứ chẳng phải là vật chất xa hoa, giầu có hưởng thụ gì mà chỉ là những cái rất tầm thường, ai cũng có thể có.
Đó chính là một tâm trạng bình an, một niềm vui thanh thản khi sáng ra, biết một ngày nữa bắt đầu trong đó mọi sự lại cũng sẽ chỉ diễn tiến bình thường theo dự tính. Còn bây giờ, sự bình an không bao giờ còn ngự trị trong lòng của bất cứ ai, vì mọi bất trắc lúc nào cũng cứ sẵn sàng ụp xuống. Mọi người đều đã cảm nhận rõ như vậy. Họ tự biết Sài Gòn đâu phải là thành phố được giải phóng. Nó đang bị chiếm đóng, và nhân dân trong thành phố ấy đã và đang còn bị giầy xéo, hành hạ vì cái gốc « Ngụy » của mình.
Ghê gớm thay cái trò sử dụng từ ngữ của đám cầm bút chỉ biết phục vụ cho cường quyền, dù biết nó đang là một thứ ác quyền. Bọn cầm quyền không thể đẻ ra được chữ "Ngụy". Nó phải là sản phẩm của một chuyên viên cầm bút. Rõ ra là chỉ có một con chữ ấy thôi, nhưng cũng đã nung sôi lên được biết bao nhiêu bầu nhiệt huyết của nhiều người nhẹ dạ để bây giờ, nhiều kẻ trong đám người nhiệt huyết ấy, với súng ống rầm rộ vào thành, sẵn sàng xả hết mọi nỗi căm thù vốn đã được nuôi dưỡng từ bao nhiêu năm lên mọi ngóc ngách sinh hoạt của dân thành phố. Và sau này, người ta chỉ bừng tỉnh khi nhận ra rằng, chính mình đã bị nhồi nhét căm thù để hành xử như những con rối sẵn sàng thiêu thân. Thủ phạm làm cái việc nhồi nhét ấy, chính là những kẻ cầm bút tình nguyện làm tay sai cho bạo lực !
Trở lại nỗi niềm tiếc nuối nhỏ nhoi đôi khi nó lén trở lại tâm hồn của mỗi người, có khi đó chỉ là một hồi tưởng, nhớ lại những dáng người nhộn nhịp đi lại trên hè phố, quần áo mang nhiều sắc mầu rộn rã, kiểu cách thì đủ hình đủ vẻ, mà cung cách đi đứng, nói năng cũng chất chứa vẻ tươi cười, bình thản. Những thứ đó, ngày xưa không ai hề nghĩ rằng đấy là những tài sản vô cùng quý giá mà mọi người đang có. Chỉ đến khi tất cả đã qua đi rồi, bây giờ trước mắt chỉ là những khuôn mặt đăm chiêu, những nụ cười héo hắt, những bộ quần áo nhuộm đen, nhuộm chàm đầy tính chất của sự đồng phục… mọi người mới thấy trong lòng sao vô cùng xót xa, tiếc nuối.
Vẻ tiếc nuối này hầu như tôi còn bắt gặp ở ngay cả một vài cán bộ vốn đã bỏ trường, bỏ lớp ra khu nay đã trở về. Như anh Thành, người cán bộ đầu tiên đã đến tiếp thu ngôi trường mà tôi đang giảng dạy.
Thoạt đầu thì anh vui lắm. Mặt anh rạng rỡ, ánh mắt vui mừng khi thấy có vị giáo viên nào tới gặp anh để hỏi han công việc. Anh sốt sắng trả lời hay giúp đỡ tận tình, làm như những người tới hợp tác với anh đã góp phần giải tỏa cho anh cái mặc cảm rằng anh là kẻ nằm vùng.
Mang trong người cái mặc cảm này, chính là vì anh cũng đã hấp thụ được phần nào tinh hoa của nền giáo dục miền Nam VN trước đây. Một trong những nét tinh hoa ấy là kính thầy, quí bạn, trọng tình nghĩa và không hề có tâm địa phản trắc.
Dĩ nhiên, khi quyết định rời bỏ Sài Gòn để ra bưng là anh đã đi theo tiếng gọi lý tưởng của mình. Anh muốn làm cách mạng để thay đổi cuộc sống mà anh thấy còn nhiều nỗi bất toàn. Đấy là bầu nhiệt huyết đáng khen của tuổi trẻ. Và giả sử nếu anh thực hiện được điều ước muốn, tức là đem lại cho dân chúng miền Nam một đời sống tốt đẹp hơn, thì anh đã trở thành một thứ anh hùng mà không mang một chút mặc cảm tội lỗi nào.
Nhưng cái chế độ mà anh chọn lựa nay cho thấy nó ngày càng tồi tệ hơn cái thể chế mà anh đã rời bỏ. Nó đã xây dựng vinh quang bằng sự nuôi dưỡng và kích động lòng căm thù. Nó đã phá tan hoang đời sống của biết bao con người, làm tróc gốc nhiều truyền thống gia đình tốt đẹp của cha ông và làm đảo lộn mọi trật tự trong xã hội.
Chạy ra bưng để rồi trở về nhìn thành quả chiến thắng đã ra đến nông nỗi ấy, thì trong tâm tưởng làm gì anh chẳng thấy mình là một kẻ phản bội gia đình, anh em, bạn bè, thầy cũ….Đó là thứ tâm trạng e dè, hụt hẫng, hối tiếc mà tôi đã nhìn thấy ở nhiều người quen biết khi họ đã lộ diện là kẻ nằm vùng.
o O o
Rồi thêm một nhân vật nữa tôi mới có dịp quen biết do anh Thành giới thiệu, mà theo anh gọi là để mở rộng việc giao du trong những ngày mọi người còn nhìn nhau bỡ ngỡ. Đó là anh Tư Đồng, người đang sinh hoạt trên Thành Đoàn. Tên thực anh là gì, tôi không biết, nhưng mọi người thì gọi anh theo bí danh là Tư Đồng. Cái tên này, theo anh giải thích thì đấy là bốn điều kiện để anh lập gia đình. Người phối ngẫu của anh phải cùng chủng tộc (không là người nước ngoài), cùng giai cấp, cùng lý tưởng CS và cùng tham gia phục vụ đất nước. Bốn điều ấy gọi là bốn điểm tương đồng, chỉ cô nào « đồng » với anh 4 thứ đó thì anh mới chịu lấy làm vợ. Đó là lý do anh trở thành người mang bí danh Bốn Đồng hay Tư Đồng.
Vì « kén chọn » như thế, nên cho đến nay, anh vẫn còn độc thân vì chưa tìm ra được đối tượng nào có đủ « bốn cái đồng » như anh mong muốn cả.
Anh Tư Đồng say mê lý tưởng CS chắc cũng giống như nhiều trí thức thiên tả khác. Anh đã đọc nhiều tài liệu sách báo C.S. để thấy những điều vạch ra trong mớ lý thuyết ấy đã rất phù hợp với lý tưởng của mình. Có lần anh say sưa nói với tôi :
- Còn gì tốt đẹp hơn là một xã hội trong đó " Một người vì mọi người, Mọi người vì một người".
Tôi thừa dịp chen vào :
- Thì xã hội cũ cũng có những con người sống vì mọi người. Tôi thấy nhiều bà, nhiều cô trong các tổ chức từ thiện vẫn tới thăm các viện Cô Nhi, giúp đỡ các quả phụ…
Đôi mắt của anh bỗng quắc lên, và anh trả lời tôi bằng một giọng có pha đôi chút phẫn nộ :
- Thầy chỉ nhìn thấy hiện tượng mà không nhận rõ được bản chất. Các bà, các cô đó là thuộc giai cấp bóc lột. Họ làm từ thiện chỉ như một trò giải trí hay bầy hàng để che giấu mặc cảm tội lỗi. Đến khi làm xong một công tác từ thiện rồi, lòng họ lại thư thái để tiếp tục hành vi bóc lột như trước.
Tôi công nhận là anh có nhận xét đúng, nhưng tôi phản đối anh về cái sự vơ đũa cả nắm. Tôi bảo anh rằng khi anh chưa tiếp xúc được với đầy đủ mọi loại người, chưa kinh qua được nhiều hoàn cảnh thì không thể quy chụp mọi con người vào chung một cái giỏ tội lỗi.
Anh có vẻ nguôi ngoai và không cãi lại lời phản bác của tôi. Qua đó, tôi đánh giá anh là một người biết phục thiện. Một lần khác, anh lại nói với tôi bằng một giọng phẫn nộ :
- Thầy thấy không. Người phụ nữ nông thôn, quanh năm chân lấm tay bùn, mùa đông tháng giá lội xuống ao vớt bèo tê cứng cả tay chân thì không thấy ai tỏ lòng thương xót gì. Ấy vậy mà mấy bà tướng, tá chế độ cũ vừa mới cầm cái cuốc bước xuống ruộng là mọi người ai nấy đều đã xót xa, thương cảm. Thế là bất công! Bất công !
Tôi cãi lại :
- Tôi không phủ nhận sự vất vả, gian nan của những phụ nữ ở nông thôn. Nhưng đem ví họ với mấy bà tướng, tá chưa từng bao giờ phải chân lấm tay bùn thì đó mới là sự so sánh bất công. Dưới mắt tôi, bàn chân bàn tay của các bà ấy khi giẫm xuống bùn sẽ gây cảm giác đau đớn hơn là cảm giác nhẹ nhàng quen thuộc của những phụ nữ ở thông thôn vốn đã lao động từ thuở nhỏ.
Ngưng một giây, tôi lại còn tiếp thêm :
- Theo ý tôi, khi đánh giá một nỗi đau của con người, ta không thể căn cứ vào thành phần giai cấp của con người ấy mà phải nhìn vào chính nỗi đau mà họ đang phải chịu đựng. Theo tôi, bàn chân của các bà tướng tá lần đầu tiên phải giẫm xuống ao bùn sẽ đau đớn hơn là bàn chân của các phụ nữ nông thôn đã quen thuộc với công việc lao động từ tấm bé. Đem quan điểm đấu tranh giai cấp vào việc đánh giá nỗi đau của con người sẽ đơn thuần chỉ là một hành vi trả thù giai cấp, chứ không có lý tưởng cao đẹp nào trong đó cả.
Lần ấy cả hai chúng tôi đều ra sức bênh vực lập luận của mình. Bầu không khí căng thẳng đến nỗi anh Tư Đồng vùng vằng bỏ ra về, quên cả chuyện tới xoa đầu hỏi han âu yếm mấy đứa nhỏ trong nhà tôi.
Rồi bẵng đi cả tuần không thấy anh ghé lại chơi. Tôi cho rằng tôi đã mất đi một người bạn vừa quen. Nhưng tôi không hề tiếc nuối. Giữa anh và tôi có một khoảng cách nhận thức về con người khá xa.
Nhưng ngạc nhiên thay, bỗng có một hôm anh tới gặp tôi và chưa kịp hỏi han gì, anh đã nói ngay :
-Tôi sai ! Đúng là tôi đã sai !
Anh kể lại rằng anh đã trải qua nhiều đêm trằn trọc để suy nghĩ về cuộc cãi vã vừa qua. Cuối cùng anh đã phải công nhận rằng tôi có lý khi tôi cho rằng : đánh giá một nỗi đau của con người, ta không thể căn cứ vào thành phần giai cấp của con người ấy mà phải nhìn vào chính nỗi đau mà họ đang phải chịu đựng. Và anh cũng đồng ý với tôi là : bàn chân bàn tay của các bà tướng tá thuộc chế độ cũ, vì chưa bao giờ phải lao động nên khi giẫm xuống bùn sẽ gây cảm giác đau đớn hơn là cảm giác nhẹ nhàng quen thuộc của những phụ nữ ở thông thôn.
Ngoài chuyện hân hoan khi thấy mình đã thắng cuộc, trong lòng tôi còn thấy rất cảm kích về tính phục thiện của anh Tư Đồng. Cho dù anh là một con người cộng sản, nhưng tôi cho rằng anh không phải là một thứ CS cực đoan, ham mê quyền lực đến độ có thể chấp nhận hủy diệt con người để phục vụ cho lý tưởng của mình. Nói cho đúng ra, anh chỉ là một con người mang ảo tưởng rằng chủ nghĩa CS sẽ giải quyết được mọi bất công trên cõi đời này. Tôi hy vọng một ngày kia, khi nhìn rõ chân tướng CS, anh sẽ sẵn sàng trở về với bà con, anh em bạn bè, nói chung là trở về với hàng ngũ dân tộc.
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment