Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác - Chương III
CHƯƠNG 3
C
Các giáo viên miền Nam nếu còn tiếp tục được giảng dạy trong nhà trường XHCN thì không mấy ai là không ngán ngẩm về cái được gọi là "giáo án" vốn là một thứ bắt buộc mỗi người phải thực hiện cho từng giờ giảng dạy.
Giáo án hiểu một cách nôm na là bài soạn của thầy, cô giáo trước khi vào lớp. Dĩ nhiên, đã vào lớp thì phải soạn bài. Trước đây các thầy, cô giáo đều cũng đã làm thế. Nhưng mỗi người có cung cách soạn bài theo ý riêng của mình. Có người ghi chép vào sổ tay, có người chỉ đọc tài liệu mà không ghi chép, lại cũng có người vì dạy đã lâu năm nên bài giảng nằm sẵn trong đầu, khi đến trường sẽ tùy theo tình hình lớp học mà giảng dạy.
Nhưng dưới mái trường XHCN thì khác. Nó là một thứ "Pháp lệnh", ai cũng phải tuân theo chứ không thể "tùy tiện" như trước. Cho nên mỗi giáo viên đều phải có một cuốn sổ gọi là Sổ Giáo Án dùng để soạn bài và bài soạn này phải được Ban Giám Hiệu kiểm tra, đóng dấu rồi mới được phép đem dùng. Đã thế, trong giờ học, cuốn sổ này lại phải đặt tại rìa bàn học ở cuối lớp, phía sát ngay hành lang để bất chợt Hiệu Trưởng hay Hiệu Phó đi kiểm tra thì có thể mở ra đối chiếu xem thầy, cô giáo có theo đúng tuần tự diễn tiến như đã ghi trong sổ hay không. Chính vì thế mà hầu như giáo viên nào cũng đều coi "giáo án" là một cơn ác mộng.
Vậy giáo án gồm những nội dung gì để khiến thầy cô phải ngán ngẩm đến thế ?
Đại thể nó có những mục như sau, dùng cho bất cứ môn học nào (trừ các môn không phải khoa học thực nghiệm thì không có khoản phải làm thí nghiệm) :
I/ MỤC ĐÍCH -YÊU CẦU:
- Mục đích về chính trị.
- Mục đích về kiến thức khoa học.
- Yêu cầu về thái độ học tập của học sinh.
- Yêu cầu liên hệ bản thân của học sinh qua bài học.
II/ HOẠT ĐỘNG TRONG LỚP:
1) Kiểm tra và ôn tập bài tuần trước.
2) Nội dung Bài Giảng:
- Tóm tắt nội dung sẽ giảng (có ghi thời lượng cho mỗi đoạn phải giảng)
- Các dụng cụ thí nghiệm sẽ dùng (thời lượng từng bước cho mỗi thí nghiệm).
- Các câu hỏi sẽ nêu ra, liên hệ tới bài học
- Các câu trả lời cho những câu hỏi nêu trên.
3) Thí nghiệm sẽ trình bầy trong lớp:
- Các vật dụng dùng trong thí nghiệm.
- Chia nhóm thực hiện thí nghiệm, thảo luận.
- Thầy giám sát, kiểm tra, đôn đốc.
III/ TỔNG KẾT TIẾT HỌC:
- Tóm tắt bài giảng.
- Đánh giá kết quả học tập.
- Rút kinh nghiệm cho tiết học kế tiếp.
IV/ XÁC NHẬN:
- Xác nhận của Tổ trưởng tổ Chuyên môn.
- Xác nhận của Ban Giám Hiệu
Trong đủ thứ các điều kể trên - cứ dạy một giờ là phải soạn đủ từng ấy thứ - cái khoản khó nhằn nhất đối với chúng tôi là mấy chữ "Mục đích, Yêu cầu".
Về mục đích dành cho kiến thức khoa học thì đã rõ ràng đi một lẽ rồi, nhưng sao lại còn thêm cái khoản "chính trị"và "liên hệ bản thân" nữa thì mới là oái oăm. Bởi vì với các môn học như Hình Học, Đại Số, Vật Lý, Hóa Học, Sinh Vật….thì tụi tôi làm sao "móc" được cho nó dính vào vấn đề chính trị đây? Chẳng lẽ một cái phương trình, một cái đồ thị hay hình tròn, hình vuông, hình đa giác..v..v…lại cũng có cả vấn đề chính trị trong đó nữa sao ? Đã thế lại còn bắt học trò "liên hệ bản thân" nữa thì mới là cơ khổ.
Hồi đó tôi dạy môn Vật Lý cấp II, và một anh bạn khá thân dạy môn Hóa Học. Anh này vốn cũng là đồng nghiệp của tôi từ nhiều năm trước ngày 30- 4 -1975. Chúng tôi than thở với nhau : ''Bài giảng Hoá Học về "Cách làm Xà Phòng" hay bài Vật Lý về " Bình Accu chì " thì cái vụ "chính trị" nó nằm ở chỗ nào''?
Ấy thế mà anh bạn của tôi cũng đã múa may được một cách tài tình trong giáo án của anh như sau :
" Bài học Cách làm Xà Phòng sẽ bồi duỡng trình độ Khoa Học Kỹ Thuật, qua đó học sinh được nâng cao kiến thức trong công cuộc tiến hành cuộc Cách mạng Khoa học Kỹ thuật để đưa nền kinh tế nước nhà tiến mạnh, tiến mau lên Chủ Nghĩa Xã Hội!".
Tôi đọc xong liền kêu lên:
- Ôi giời ! Cậu đúng là Thợ Vẽ chuyên nghiệp ! Thôi đổi quách qua dạy môn Hội Họa cho rồi !
Bạn tôi cứ tủm tỉm cười. Anh còn đích thân đọc cho tôi nghe đoạn nói về liên hệ bản thân như sau:
- Học trò sau khi học xong bài này phải biết giữ gìn thân thể luôn sạch sẽ, lại có ý thức luôn đề cao cảnh giác phòng chống buôn lậu xà phòng vốn đang còn là một vấn đề tồn tại trong các vùng mới giải phóng!
Ôi chà chà ! Chẳng biết đoạn này khi đem trình Ban Giám Hiệu thì có được thông qua không, nhưng theo tôi thì nó thật đúng kiểu, đúng cách, nói lên trúng phóc mối bận tâm của chính quyền cách mạng vào thời điểm đó, khi mà con phe, chợ trời đang buôn lậu, buôn chui đủ thứ, kể cả món….xà phòng !
Nhưng nói cho ngay, những ai cần xài xà phòng thì tôi không biết, chứ phần đông bà con Sài Gòn, nhất là các bà các cô thì không ai bảo ai cứ đem quần áo của mình ra nhuộm nâu, nhuộm đen hết ráo. Thì ra, mọi người đều có chung nhau một mối bận tâm :
" Bây giờ mà ăn trắng, mặc trơn sẽ bị coi là giai tư sản cấp bóc lột. Tốt hơn hết là ta cứ đen hay nâu quách đi cho rồi."
Chính vì thế mà đã có một thời thuốc nhuộm lên giá vù vù, đặc biệt là thuốc nhuộm mầu đen hay mầu nâu thì rất hiếm hoi tìm mua được.
Tôi lại đã nghe một vài cô giáo mách nhau :
- Cần gì thuốc nhuộm. Cứ móc cống rãnh lấy bùn lên rồi đem ngâm quần áo vào là xong tất. Tuyệt đối mầu không bao giờ phai.
Gớm ! Gái Sài Gòn quả có tinh thần thích ứng với thực tế thật là mau chóng. Các cô giáo hồi trước thì bao giờ cũng đến trường với những tà áo dài thướt tha đủ mầu, nhưng bây giờ thì ai cũng chỉ có cái quần đen với áo sơ mi mầu nâu hay trắng. Thậm chí phấn son, các cô bây giờ cũng ít xài. Một cô nói nhỏ:
- Còn bầy vẽ cái gì nữa ! Luớ quớ nó lại vu cho cái tội đồi trụy, phản động !
Thế là lại thêm một khía cạnh nữa cho thấy cái vẻ đẹp yêu kiều của phụ nữ Việt Nam, ở vào thời buổi này cũng đang âm thầm bị bóp chết !
Nói đến sự thích ứng với hoàn cảnh, tôi lại nhớ tới một buổi học tập dành cho các giáo viên tập trung ở ngôi trường Nguyễn Bá Tòng. Hôm ấy, một cô giáo rất xinh đến từ miền Bắc đã nói cho chúng tôi nghe về tinh thần khắc phục gian khổ và óc đầy sáng tạo của nhà giáo trong thời chiến tranh. Cô luôn mồm bảo:
"Phải vận dụng óc sáng tạo để thích hợp với hoàn cảnh !".
Rồi cô nêu ngay thí dụ cụ thể trong thực tế ở miền Bắc. Cô bảo lớp học tiến hành ngay dưới hầm tránh bom thì đào đâu ra dụng cụ để thí nghiệm. Ấy thế mà thầy cô giáo miền Bắc cũng đã sáng chế được thuốc thử Acít thay thế cho rượu Quỳ để cho học trò làm thí nghiệm đấy. Rồi cô giải thích cái sáng chế thần tình ấy là hoa Râm Bụt. Hoa Râm Bụt có thể thay thế Rượu Quỳ để thử Acit, nó cũng đang mầu xanh hóa ra mầu đỏ khi nhỏ vào một giọt Axít. Nghe thật sướng tai, bọn chúng tôi ai cũng xuýt xoa đúng là các thầy cô miền Bắc biết vận dụng óc sáng tạo. Nhưng rồi tôi là người đã lên tiếng hỏi:
- Vậy thưa thuyết trình viên, việc biến chế hoa Râm Bụt thế nào để thay thế được Rượu Quỳ, xin cô cho biết.
Bỗng nhiên hai gò má hây hây của cô giáo mang danh hiệu Tiến sĩ Hóa học ấy chợt đỏ hồng lên. Cô nhìn thẳng về phía tôi, miệng chúm chím cười. Rồi thật bất ngờ, cô đã trả lời câu hỏi của tôi với một giọng nghe rất hồn nhiên:
- Ấy…cái đó …cái đó thì tôi cũng chỉ nghe báo cáo như thế, chứ chính bản thân tôi cũng chưa thí nghiệm thử bao giờ!
Cả nhóm chúng tôi chẳng bảo nhau cùng chợt ùa lên cười ! Cái cười hả hê vì vừa lột mặt nạ được một sự dối trá, nhưng cũng vừa thích thú khi được thấy chính Cô Tiến sĩ Hóa học này đã ngay thẳng nói ra sự thật mà không quanh co biến báo. Cũng chính vì vậy mà chúng tôi không cảm thấy bất mãn về sự tuyên truyền huyênh hoang của cô, mà trái lại, chúng tôi lại còn rất quý mến cô ở chỗ cô đã cất lên lời nói chân thật. Hầu như đã lâu lắm rồi, dù ở ngay trong môi trường giáo dục này, chúng tôi chỉ toàn được nghe những lời giả dối. Cho nên, khi được nghe một lời nói chân thật từ một báo cáo viên đến từ miền Bắc, chúng tôi có cảm giác như được hưởng một cơn mưa rào sau những ngày nắng hạn.
Tôi còn nhớ, sau những ngày chấm dứt khóa học, chúng tôi có hùn tiền nhau mua tặng cô giáo một cái bút Pilot để trong hộp nhung cẩn thận. Một phần là để cám ơn cô đã tới thuyết trình cho chúng tôi về một đề tài nghe "rất vui vẻ", nhưng phần khác, chúng tôi muốn cô đem về miền Bắc những ấn tượng tốt đẹp về thầy cô giáo của miền Nam, những con người chỉ thích nói thật và rất ngay thẳng trong các vấn đề dạy dỗ con em.
Mà đúng như thế. Hôm tiễn cô ra khỏi cổng trường, cô nói nhỏ nhẹ :
- Cái vụ Rượu Quỳ ấy, tôi tưởng cứ trình bầy xong thì thôi. Ai ngờ các anh các chị trong này lại cứ hay hỏi tới nơi tới chốn. Ở ngoài kia, có mấy ai cần hỏi ra đầu ra đuôi như thế đâu !
Thì ra cái sự nói dóc đã được nuôi dưỡng từ một môi trường quen thói giả trá. Một khi nó đã thành thói quen rồi thì biến thành quán tính, chứ hẳn trong thâm tâm, nào cô có muốn bịp bợm gì chúng tôi đâu !
Trở lại câu chuyện giữa các cô giáo mách nhau : "Cứ móc cống rãnh lấy bùn lên rồi đem ngâm quần áo vào là xong tất". Tuy biết vậy, nhưng tôi chưa được nghe có cô giáo nào trình bầy lại cái kinh nghiệm "nhúng quần áo vô bùn cống để nhuộm đen cả". Nhưng cũng không vì thế mà cái óc tò mò của tôi chịu nằm yên một chỗ. Nói của đáng tội, cũng chỉ vì lấn cấn cái vụ "bùn dưới cống" này mà nhiều hôm ở trường, khi có một cô giáo đi ngang qua, tôi đã không khỏi nhìn xuống cái ống quần để xem quần thâm của các cô nếu nhuộm bùn thì nó sẽ ra như thế nào! Nhất là những người đi qua đi lại có bị cái mùi nước cống bốc lên, xộc vào mũi hay không ?
o O o
Chuyện Mục đích, Yêu cầu và Liên hệ bản thân mới chỉ là phần mở đầu của Giáo Án. Qua phần Nội Dung Bài Giảng, tưởng dễ dàng mà cũng hóa ra rất chật vật. Trong các buổi hướng dẫn soạn Giáo án, chúng tôi đã được nghe chỉ thị:
- Các đồng chí phải dự phòng mọi tình huống khi học trò nêu câu hỏi sau bài giảng. Tuyệt đối không được nói năng linh tinh ra ngoài đề tài đang học. Vì thế, phải dự đoán trước học trò sẽ hỏi những gì xoay quanh bài học và soạn sẵn trước những câu trả lời. Khi trả lời cũng phải tập trung vào kiến thức của bài giảng chứ không được phát biểu bừa bãi ra ngoài lề. Mọi câu hỏi và đáp án phải ghi đầy đủ trong Sổ Giáo Án và đặt ở cuối lớp để sẵn sàng khi có kiểm tra.
Ý thức cảnh giác của Nhà Nước quả là cao độ. Họ lo đến cả chuyện đối đáp giữa thầy và trò trong lớp học. Có thế thì mới bắt chúng tôi soạn sẵn những câu hỏi mà thầy cô dự trù học trò sẽ hỏi, rồi lại phải soạn cả những câu trả lời. Có nghĩa là cả thầy lẫn trò "không được nói năng linh tinh ra ngoài đề tài đang học". Đấy là một hình thức kìm kẹp rõ ràng chứ còn có ý nghĩa nào khác nữa đây ??
Ở các tỉnh phía Nam thì tôi không rõ có thầy cô nào bạo gan nói năng xuyên tạc ra ngoài lề không, nhưng tôi cũng đã được nghe kể những chuyện đã xẩy ra trong lớp học ở miền Bắc mà nhiều khi chẳng phải do ai có ý đồ phá phách gì, có khi chỉ là nói lên một vài sự thực xẩy ra hằng ngày.
Như có một lớp tiểu học ở ngoài kia được chọn lựa làm "Lớp học điển hình". Cô giáo được lệnh chuẩn bị một tiết dạy để hôm đó, nhiều nhân sự thuộc các Ban Ngành trong Sở Giáo Dục sẽ tới tham quan tại chỗ.
Khỏi cần phải nói cũng biết cô giáo lo lắng và chuẩn bị tiết dạy của mình kỹ lưỡng đến như thế nào. Đề tài cô chọn để dạy học trò hôm ấy là "Kính yêu Bác Hồ". Trong giáo án của cô cũng có đầy đủ Mục đích, Yêu cầu, Liên hệ bản thân đại để như làm cho học trò trong lớp hiểu được rằng Bác Hồ là một vị lãnh tụ vĩ đại, có công lao to lớn đối với đất nước và dân tộc Việt Nam. Các em thiếu nhi qua đó phải có lòng kính yêu Bác, phải làm theo 5 điều Bác đã dạy gồm: 1) Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, 2) Học tập tốt, lao động tốt, 3) Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt, 4) Giữ gìn vệ sinh thật tốt, 5) Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Rồi cô còn liệt kê sẵn ra cả một vài công việc gợi ý để các thiếu nhi liên hệ bản thân sẽ cần phải làm để tỏ lòng kính yêu Bác. Cô còn bắt vài đứa phải học thuộc lòng để hôm ra "điển hình" chúng nó không bị ngấp ngứ. Riêng về trợ huấn cụ thì cô cũng đã chuẩn bị sẵn mấy tấm ảnh của bác Hồ, nào là ảnh chụp Bác đang bế và ôm hôn một cháu thiếu nhi, ảnh chụp Bác đang cùng các cháu múa hát, lại có cả tấm ảnh Bác đang chia kẹo cho các cháu nữa. Kỹ lưỡng đến thế còn gì !
Ấy thế mà trước cả chục con mắt lom lom của các thành viên tham dự buổi giảng dạy điển hình, một chuyện bất thường đã xẩy ra. Một trò gái ngồi ở khoảng giữa lớp bỗng nhiên cất tiếng ho húng hắng. Rồi nó cúi xuống quay sang lúi húi lục cái gì đó ở trong túi vải đặt ngay kế bên. Trong khi lục tìm, nó cố dằn cơn ho đến nỗi mặt của nó đỏ ửng lên. Tiếng ho của nó làm cả lớp quay lại nhìn. Bỗng bất chợt nó giơ tay lên và cất to giọng như để át tiếng ho lại sắp bật ra khỏi họng:
- Thưa Cô …thưa cô…hôm nay …hôm nay cô có mang bánh kẹo đi bán như mọi hôm không ạ ?
Cả lũ học trò ngồi chung quanh chợt ré lên cười. Ôi giời, đang thao thao về chuyện Bác Hồ mà con bé lái ngay sang chuyện bán bánh, bán kẹo trong lớp thì còn trời đất nào nữa, mặc dù nó chỉ cầu cứu tới món kẹo của cô giáo để làm giảm cơn ho trong những phút cần sự nghiêm chỉnh nhất.
Thế là lớp học nhốn nháo cả lên. Trong số mấy vị đi tham quan ngồi ở phía cuối lớp đã có vài vị nhấp nhổm đứng lên. Tiết học điển hình tuy không có lệnh của ai mà cũng tự nhiên rã đám. Riêng cô giáo thì chỉ còn biết đứng như trời trồng. Cô không thể mở miệng tác xác câu hỏi hỗn xược của con bé vì trong ngăn kéo bàn của cô, bịch kẹo bánh vẫn còn nguyên đó mà vì bận rộn nên cô chưa có dịp chào hàng. Chuyện này không biết là thật hay đùa, nhưng chính tôi đã nghe kể lại và đã tự hỏi không biết sau này cô phải nhận lãnh những kỷ luật gì.
Nghĩ cho cùng, cô giáo ấy và chính chúng tôi ở đây, nay cũng đều là đồng nghiệp và cùng dạy dưới mái nhà trường Xã hội Chủ nghĩa. Hoàn cảnh hiện nay của cô thì bi thảm như vậy, còn chúng tôi trong một tương lai không xa nữa rồi sẽ ra sao. Hay là rồi cũng lại rơi vào những tình trạng mà dân chúng miền Bắc đã từng diễn tả trong mấy câu ca dao thời đại:
Thày giáo lãnh lương ba đồng
Làm sao sống nổi mà không đi thồ
Nhiều thày phải đạp xích lô
Làm sao xây dựng tiền đồ học sinh?
Tiền đồ học sinh ra sao, câu trả lời sau đây nghe cũng khá rõ ràng :
Mười năm cắp sách theo thầy
Đến khi tốt nghiệp vác cầy theo trâu !!
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment