Đó là mấy vần thơ của Huy Cận trong tập Lửa Thiêng (1940)
Cái nhìn nhị đối ấy về con người, về bản ngã ấy tất nhiên có trước Huy Cận từ rất lâu trong truyền thống phương Tây: thân thể là cái bình chứa linh hồn.
Chính vì thế mà văn hào D.H.Lawrence vào khoảng năm 1925 đã viết:
“Chúng ta thường có những ý tưởng kỳ lạ về bản ngã. Ta cho rằng bản ngã như một thân thể với linh hồn trong đó,... Năm tháng nốc cạn rượu, thế là ném vứt cái bình đi, và dĩ nhiên thân thể là cái bình”. [5,tr.533]
Và Lawrence nhận thấy đó là “một loại mê tín buồn cười” (a funny sort of superstition) [5,tr.533]
Cái nhìn nhị đối xác/hồn ấy thường đưa đến một nhát cắt tai ương, rằng hồn linh thuộc về một thế giới khác, nhẹ và thanh trong khi thân xác thì thuộc về trần tục, nặng nề và ô trọc. Hơn nữa, nếu linh hồn phạm tội và sa đọa, đó là vì thân xác kéo lôi nó, như Huy Cận diễn tả trong bài thơ Thân thể:
“A! Thân thể! Một cái bình tội lỗi!
Đất sơ sinh đã hóa lại bùn lầy.”
“Thân quá nặng nên hồn sa xuống thấp,
Chớ giận chi những kẻ mất thiên đường!”
Và thế là, thân thể hay xác thịt bị tôn giáo lên án. Hiện hữu trần thế bản nguyên ấy bị lên án. Sự khỏa thân bị lên án. Tình dục bị lên án. Từ đó ra đời bao nhiêu điều cấm kỵ, kiểm duyệt, trừng phạt, thậm chí khủng bố nhân danh thuần phong mỹ tục, nhân danh kinh sách, nhân danh thánh thần và thánh hiền. Họ tấn công vào thân xác, đóng đinh thân xác vào những xác ướp ý niệm (những concept-mummies như chữ dùng của Nietzsche).
Đồng thời họ ca tụng linh hồn, một linh hồn dẫu sao đi nữa cuối cùng sẽ được cứu rỗi nếu biết sám hối và hướng vọng Thượng đế, mặc cho thân xác tiêu ma. Họ ca ngợi sự khổ hạnh thân xác và một thứ tiết hạnh khả phong đặc biệt dành cho phụ nữ.
Từ đó, khuynh hướng sắc dục (eroticism) bị nhiều tôn giáo và thể chế chính trị trấn áp trong đời sống cũng như trong văn chương nghệ thuật.
Trong nhiều thời đại và xứ sở, có quyền thể hiện tình yêu nhưng không có quyền thể hiện sắc dục. Như thể tình yêu và sắc dục là hai điều khác biệt. Như thể tình yêu thuộc về “sự trong sáng của tinh thần” và sắc dục thuộc về “tội lỗi của thân xác”. Như thể tình yêu có thể là thiêng liêng còn sắc dục thì không. Như thể tinh thần có thể hiền minh còn cảm quan của nhục thể thì không.
Nhưng linh hồn là gì? Nó khác biệt thân xác lắm sao? Hãy nghe nhà thơ Octavio Paz nói trong một cuốn sách về tình yêu và sắc dục Ngọn lửa đôi (The Double Flame) vào năm 1993:
“Linh hồn, hay bất kỳ từ gì dùng để gọi tâm linh con người, không chỉ là lý trí và trí tuệ, mà nó còn là cảm thức. Linh hồn là nhục tính: cảm giác, chuyển thành xúc động, tình tự, đam mê.” [7,tr.211]
Đối với Octavio Paz, tình yêu và sắc dục (love and eroticism) là ngọn lửa đôi của đời sống. Lửa thiêng và lửa trần hòa vào nhau làm một dù vẫn gọi là đôi.
Và cũng theo Octavio Paz, không chỉ có sự hiểu biết trí lự, mà còn có sự hiểu biết nhục thể: “sự hiền minh của cảm giác” (wisdom of the senses).
Từ cuối thời văn minh Hy-La, sự chia tách tâm linh và thân xác đã khởi sự. Rồi đến thời Tân ước và giáo hội, ngọn lửa đôi ấy càng chia tách hơn.
Nhưng nữ sĩ Marguerite Yourcenar còn cho biết ở Tây Âu trước thời của Chúa, người Celt và German đã thiêu sống và nhấn chìm những tình nhân phá luật. [11,tr.111]
Trong khi đó, ở Ấn Độ cổ đại, tôn giáo và tình dục, tâm linh và nhục thể đều có thể thắp chung ngọn lửa thiêng.
Hợp tuyển Erotica của Ch.Hill và W.Wallace viết như sau:
“Phúc cho ai là trai gái Ấn Độ đương xuân vào 2.000 năm trước đây! Tình dục không phải là chuyện tội lỗi, thường công khai thảo luận, và hiền giả Vatsyayana vừa hoàn thành Kinh Kama... Ông viết bộ kinh này vào cuối đời như một bổn phận tôn giáo.” [2,tr.10]
Chẳng những thế, hành động tính dục còn có thể mang màu sắc huyền bí, trở thành biểu tượng cho sự hợp nhất linh hồn con người với Thượng đế. Như trò chơi tình ái của Thượng đế Krishna với các nàng mục tử, trong rừng đêm trăng.
Nghệ thuật Ấn Độ đầy táo bạo gợi tình, đầy huyền bí sắc dục vẫn còn phơi bày lồ lộ ở Ajanta, Kailasa, Khajuraho,... tràn dâng nhựa sống, phát tiết nhựa tình...
Đi cùng với nghệ thuật tạo hình của huyền bí nhục thể ấy là tụng ca trữ tình thiêng liêng Gita-Govinda (Mục tử ca) của nhà thơ Jayadeva thuộc thế kỷ mười hai. Đề tài là trò chơi tình ái của Krishna gọi là rasa-lila khi vui đùa với các nàng mục tử (gopi) nhưng chủ yếu là hợp hoan với riêng nàng Radha.
Theo triết lý - thần thoại Ấn Độ, trong sáng tạo Thượng đế hóa thân vào người nam thành purusha, vào người nữ thành prakriti. Khi hai yếu tố này hợp nhất thì sẽ phát sinh ananda (hoan lạc).
Krishna chính là hóa thân thứ tám của Thượng đế Vishnu (thần Bảo tồn) và Radha được xem là âm thể của Krishna, người tình vĩnh cửu và tận hiến của ngài.
Cuộc tình đam mê nồng nhiệt và vô tận Radha-Krishna tượng trưng cho quan hệ con người với thần linh, phàm tục với thiêng liêng trong một huyền bí sắc dục mà thơ ca Ấn Độ xưa nay không ngừng thể hiện.
Trò chơi tình ái rasa-lila vừa linh thánh vừa tràn đầy sắc dục là tưởng tượng diễm tuyệt nhất trong văn chương mà Ấn Độ đã sáng tạo ra.
Trong thần tích cổ xưa Bhagavata Purana, trò chơi này (rasa-lila) đã được diễn tả sống động trong năm chương thuộc quyển mười.
Câu chuyện ấy còn được kể lại trong nhiều kinh sách khác nhưng phải đợi đến thế kỷ mười hai nó mới thật sự tìm thấy nhà thơ thần diệu của mình là Jayadeva.
Với mười hai ca khúc bất hủ, nhà thơ tán tụng cuộc ái ân với mọi vẻ đẹp sắc dục của Radha và Krishna không chút ngại ngùng. Đến tận ngày hôm nay, các đền thờ vẫn còn vang ngân tiếng tụng ca hoan lạc ái ân này. Jayadeva mở ra thời đại mới trong văn chương Ấn Độ, làm dấy lên một sóng triều thơ ca, hát tụng trò chơi tình ái linh thiêng khắp Ấn Độ, tạo nên ý nghĩa sâu thẳm trong tâm thức người dân về huyền thoại Radha-Krishna.
Truyền thuyết kể rằng khi soạn ca khúc thứ mười, đến đoạn nàng Radha sắp đặt bàn chân hồng lên đầu thần Krishna, nhà thơ do dự bỏ ra sông tắm. Chính lúc đó, Krishna giáng bút, hoàn tất khổ thơ. Cớ gì mà ngại gót sen đáp xuống đầu thần!
Nàng Radha còn bảo thần vẽ hoa lá lên mình trần của nàng, trang hoàng vóc thể của nàng như thể nàng là một đền thiêng.
“Hãy vẽ một chiếc lá
Lên bầu ngực em đi
Đánh phấn hồng lên má
Tháo dây lưng bên đùi
Kết tóc em óng ả
Bằng những hoa thơm đi
Đeo chân em xuyến ngọc
Vòng tay em lưu ly
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment