Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Các trường sư phạm lâu nay chỉ “nhồi sọ”. Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi”.
Đó là ý kiến của TS Nguyễn Viết Ngoạn, hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn phát biểu tại Hội thảo khoa học “Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo giáo viên THCS” (do Trường ĐH Sài Gòn tổ chức sáng 29-8).
“Nhiều giáo viên THCS không đủ sức đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục hiện hành, chưa khắc phục được lối truyền thụ một chiều, chưa vận dụng hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực. Đây là hậu quả của nội dung, phương pháp đào tạo cũ tại các trường sư phạm. Ngay cả công tác bồi dưỡng chuyên môn hàng năm cho giáo viên cũng mang nặng tính hình thức, kém hiệu quả” – TS Ninh Văn Bình, nguyên trưởng Phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận, cho biết.
Kỹ năng yếu vẫn được điểm cao
Quan niệm “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” đã xuất hiện từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước nhưng đến nay vẫn tiếp tục duy trì. Chất lượng đầu vào không cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đầu ra của sinh viên sư phạm” - Bà Mạc Nguyệt Nhi, giáo viên Trường THCS Phạm Đình Hổ, quận 6, TPHCM, nêu ý kiến tại hội thảo.
Theo bà Nhi, cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường đã và đang trở nên khó khăn do hiệu tượng bão hòa về nhu cầu tuyển dụng giáo viên (bắt nguồn từ việc “cung” vượt “cầu”) cộng với chế độ lương bổng còn thấp đã khiến các bạn trẻ ngán ngại, không dám chọn ngành sư phạm.
Trong khi đó, ngay cả công tác thực tập sư phạm – hiện cũng đang “có vấn đề”, theo chia sẻ của TS Phan Thị Xuân Yến, phó trưởng Khoa giáo dục chính trị, ĐH Sài Gòn: “Vừa rồi, tôi có làm việc với một số trường THCS, họ phản ánh: sinh viên sư phạm đi thực tập ở trường họ có kỹ năng sư phạm rất yếu. Tôi ngạc nhiên: kỹ năng yếu mà sao kết quả thực tập của các em lại cao như vậy? Họ nói vì các em nhiệt tình quá, xông xáo quá, các em đóng góp rất nhiều cho hoạt động phong trào của nhà trường, khi giáo viên đánh giá tiết giảng của các em, không nỡ xếp loại trung bình hoặc khá”.
Ông Nguyễn Long Sơn, hiệu trưởng Trường trung học thực hành Sài Gòn, cũng băn khoăn: “Sinh viên sư phạm tốt nghiệp về trường THCS ngoài nhiệm vụ dạy học, họ còn phải làm nhiệm vụ gíao viên chủ nhiệm nữa. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được các trường sư phạm quan tâm mặc dù công tác chủ nhiệm là cực kỳ quan trọng”.
Đào tạo theo chuẩn năng lực?
Tại hội thảo, TS Nguyễn Văn Thắng, giảng viên Trường ĐH Sài Gòn, đã đề xuất thực hiện chương trình đào tạo gíao viên THCS theo tiếp cận chuẩn năng lực chứ không theo mục tiêu đào tạo: “Mục tiêu của chương trình là mọi người qua đào tạo đều có thể đạt được một năng lực cao nhất họ có thể, đáp ứng được nhu cầu xã hội và có tính liên thông quốc tế”.
Đặc điểm của chương trình này là: xuất phát từ nhu cầu xã hội để xác định năng lực cần đào tạo, chương trình cho phép có những lựa chọn linh hoạt và chủ động; đánh giá tập trung vào năng lực người học và vì năng lực của người học.
Bà Mạc Nguyệt Nhi cũng đề xuất: “Chương trình đào tạo sư phạm không chỉ phục vụ một chương trình phổ thông mà phải phục vụ nhiều chương trình ở bậc phổ thông, vừa đáp ứng được đào tạo THCS vừa đáp ứng được đào tạo THPT - sẽ tốt hơn chương trình chỉ phục vụ cho một cấp hiện nay”.
Bà Nhi cho rằng phần kiến thức chuyên ngành là một trong những điều kiện quan trọng để trở thành một giáo viên giỏi. Do đó, các trường sư phạm cần lấy ý kiến từ tập thể giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông, các sinh viên sư phạm. Từ đó, thống nhất, rút ra khung chương trình hợp lý. Kiến thức chuyên ngành không chỉ dừng lại ở mức độ “biết” mà cần phải kết hợp song song với công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm nhằm nâng cao lên mức độ “vận dụng”.
HOÀNG HƯƠNG
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment