Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Gần năm mươi năm trước đây, người ta đã khóc tác giả truyện Kim Vân Kiều trong
nước, nhân ngày giỗ đệ bách chu niên nhà thi hào Việt Nam. Ngày nay,
nhân kỷ niệm đệ nhị bách chu niên sinh nhật, người ta lại khóc Tiên Điền
tiên sinh ở một chân trời xa cách quê hương Việt Nam hàng bao nghìn
dặm.
Trong khi nghĩ xa và hoài nghi về hậu thế mà viết:
“Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”
(Ba trăm năm lẻ người thiên hạ,
Chả biết rồi ai khóc Tố Như?)
(Giản Chi dịch)
không
biết nhà thi hào Việt Nam có mảy may ý thức nào rằng những lời thơ ấy
lại là những lời tiên tri? Vì, với lễ kỷ niệm này tại kinh thành Paris
nước Pháp, người ta mới thấy “thiên hạ” mà Tố Như nói không phải chỉ ở
dưới vòm trời Việt Nam. Và biết đâu, một trăm năm sau đây, người ta
không còn khóc Tố Như dưới một vòm trời xa khác?
Đây
lại là một trường hợp chứng minh rằng hai cánh huyền diệu của văn
chương, hơn hai cánh mây rủ của chim bằng Trang Tử, không biết có bờ bến
không gian, cũng không biết có bờ bến không gian, cũng không biết có bờ
bến thời gian.
Ước
mong rằng giữa những làn khói trầm nghi ngút bốc trong buổi lễ, bên
cạnh linh hồn thi hào Việt Nam, sẽ phảng phất linh hồn các văn nhân, thi
sĩ Pháp đã từng quen biết nước Việt Nam, từng đọc Truyện Kiều, từng ngâm nga những câu “nhả ngọc phun châu” của Nguyễn Du.
Với một hào hứng mà Alfred Droin đã tuyệt diệu tả trong La Jonque Victorieuse:
“Người ấy đọc Kim Vân Kiều, thi phẩm bất diệt
Mà những câu thơ ngọt ngào còn để lại trên môi,
Khi người ta ngâm rồi, một vị mật.”
Il lit Kim Van Kieu, poème immortel
Dont les vers sont si doux qu’il laissent sur la lèvre,
Quand on les a chantés, une saveur de miel”.
Nhân dịp kỷ niệm tác giả, đem một vài ý kiến bàn về tác phẩm tưởng cũng là gởi chút lòng thành xa xôi vào buổi lễ.
*
Từ ngày truyện Đoạn trường tân thanh ra đời, (Đoạn trường tân thanh là tên mà Nguyễn Du đã đặt cho tác phẩm. Tên Kim Vân Kiều được
đặt về sau biết bao nhiêu bản, hoặc nguyên văn xưa kia bằng chữ Nôm,
sau này bằng Quốc ngữ, hoặc dịch văn, gần đây, bằng Pháp ngữ, Anh ngữ đã
được in ra được. Đọc các bản ấy, người ta thấy rất nhiều chỗ khác nhau,
cả về chữ biên chép và về nghĩa diễn giải. Xin nêu ra ít nhiều thắc mắc
để chất chính cùng chư độc giả.
Về những trường hợp chữ một, xin bỏ qua và chỉ đưa ra một hai thí dụ:
- Chữ NHÀ trong “khúc nhà tay lựa nên xoang” mà hiểu nghĩa là: thân, quen “d’un air familier quelconque” (Nguyễn Văn Vĩnh) thì đã làm mất nghĩa: riêng của một người (tiếng nhà có thể chỉ tính cách riêng của một nhà hoặc, thường thường, riêng của một người). “Khúc nhà” đây là bản đàn riêng của Thuý Kiều, do tay Thuý Kiều lựa chọn cung bậc “phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ”. Bản đàn ấy là “Một thiên bạc mệnh…”, “Một thiên gió thảm mưa sầu” đến nỗi gảy lên “Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay”.
- Chữ SỤP
trong “Sụp ngồi và lạy trước mồ bước ra” hiểu nghĩa là chợt, bất thình
lình (brusquement) thì cử chỉ của Thuý Kiều trước mả Đạm Tiên mất ý
nghĩa của tấm lòng thành kính.
*
Điểm quan trọng là ở chỗ từng câu, từng đoạn được giải thích hoặc dịch một cách khiến độc giả phải hoài nghi.
- Hai tiếng NGƯỜI trong hai câu:
“Nào người phượng chạ loan chung
Nào người tiếc lục tham hồng là ai?”
cho là gọi Đạm Tiên và dịch là:
J’évoque ici l’âme de celle qui…
(Nguyễn Văn Vĩnh)
thì người đây không phải là những du khách đã quen biết “ca nhi”, theo ý nghĩa câu dịch của René Crayssac:
Ah! Ces galants d’un jour, ces amants de recontre
ý nghĩa thông thường được hiểu.
-
Lấy nghĩa BỤI HỒNG trong “Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao” là một hạt
bụi và dịch cả câu là “Une poussière rose allait et venait lentement
dans un rêve ininterrompu” (Nguyễn Văn Vĩnh) thì không thấy hạt bụi, dẫu
là hạt bụi hồng, qua lại thong thả trong giấc chiêm bao triền miên gợi
được một ý nghĩa nào? Có bản cho rằng “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa” ở
trên, khi Kim Trọng mới được gặp Thuý Kiều, có liên lạc với đoạn này và
lấy ý nghĩa “mỹ nhân hồng ảnh” để đặt vào hai tiếng “bụi hồng”. Nhưng
theo ý nghĩa ấy, câu văn phải là “Bóng hồng lẽo đẽo…”.
Bụi
hồng ở đây tưởng có nghĩa là đời, đời bụi bậm, “trần thế”, “trần gian”.
Về một đoạn sau, khi Thuý Kiều đã ra ở chùa, tác giả viết:
“Dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng”.
thì “xa bụi hồng” hẳn nghĩa là xa đời trần tục.
“Lẽo
đẽo” cũng không có nghĩa: thong thả (lentement) mà là diễn một ý lâu
dài trong ngụ một công phu kiên nhẫn theo đuổi, như ở đoạn sau có câu:
“Xót lòng theo đuổi bấy lâu một lời”.
Câu
này tưởng tác giả muốn nói tâm trạng Kim Trọng trong những ngày sống,
sau khi gặp gỡ Thuý Kiều, sống trong trần lụy, nhưng trong nhớ nhung,
trong mơ tưởng, trong chờ đợi. Cho nên “đi về” có thể có nghĩa đi đi, về
về, trong đời, mà cũng có nghĩa giở đi, giở lại (allait et venait) luôn
luôn, vì Kim Trọng luôn luôn tưởng nhớ Thuý Kiều, lúc nào cũng như
chiêm bao thấy Thuý Kiều.
Dùng hai tiếng: chiêm bao ở đây, tác giả có thể đã lấy ý ở câu thơ:
“Tần địa cố nhân thành viễn mông”
của
Lý Đoan làm, một đêm nằm bến sông Hoài, nhớ bạn cũ ở đất Tần mà ngày
nay đã thành những mộng xa, bởi câu trên, tác giả viết:
“Mây Tần khoá kín song the”
(Tài liệu do Nhất Anh sưu tầm)
Hai câu:
“Kiếp tu xưa ví chẳng dầy,
Phúc nào đọ được giá này cho ngang”.
mà
cắt nghĩa là nếu Thuý Kiều đã không tu nhiều kiếp trước thì làm gì có
được tài sắc như ngày nay, tưởng những lời ấy có thể là quê kệch, không
phải là lời của văn nhân Kim Trọng khi ca ngợi thơ của Thuý Kiều đã có
những lời tâng bốc đến hạ mình để nói rằng được đọ (sánh, xứng) với phẩm
giá cao quý của Thuý Kiều, ắt Kim Trọng đã phải dầy tu bao nhiêu kiếp
trước. Tiếu Thuyết có câu: Tu hành mấy kiếp trước mới lấy được vợ đẹp,
“Tiền sổ kiếp tu hành phương thú đắc mỹ phụ”. Có những lời khiêm tốn của
Kim Trọng, tiếp theo, mới có Thuý Kiều, vừa “trộm liếc dung quang” đã
thấy Kim Trọng “chẳng sân ngọc bội cũng phường kim môn” để tự xét rằng
“phận mỏng cánh chuồn”, không biết “một dầy” kia, “một mỏng” này, “khuôn
thiêng biết có vuông tròn mà hay”.
-
Trong câu: “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai” mà cho gột rửa là gột rửa
các vết ô trọc và dịch cả câu là: “Elle se demanda quand et comment
elle parviendrait à purifier son coeur innocent des souillures qui
l’entachaient” (Nguyễn Văn Vĩnh) thì tấm son lại không phải là “tấm lòng
vàng” như René Crayssac dịch: “Mais mon coeur qu’un fidèle amour
toujours colore”.
Gột rửa tấm lòng son còn là câu sẵn:
“Sái trừ đan tâm” (Lão Tử)
Thuý
Kiều bắt đầu nhớ Kim Trọng ở hai câu trên. Tiếp hai câu này, tưởng Thuý
Kiều tự hỏi (hay tác giả hỏi hộ Thuý Kiều) tấm lòng son của nàng đối
với người cũ có thể, một ngày nào, phai lạt được không? Lúc này, Thuý
Kiều còn “ngưng bích khoá xuân”, theo lời Tú Bà, “Khoá buồng xuân để đợi
ngày đào non” thì dẫu Thuý Kiều có phải gột rửa những vết nhơ, cũng
chưa phải lúc nàng nghĩ đến việc đó.
-
Hai tiếng NỒNG NÀN trong “gạn gùng đến mực nồng nàn mới tha” mà cho là
chỉ tính cách hùng biện (chaude éloquence) thì uổng mất hai chữ “extrême
limite” (Nguyễn Văn Vĩnh) ở câu trên.
Tú
Bà bắt Thuý Kiều phải hứa chịu tất cả mọi điều kiện dầu là những điều
kiện có thể làm tổn thương cho lòng sĩ của một người con gái Tú Bà không
cần hùng biện “Được lời (của Thuý Kiều) mụ mới tùy cơ” để ép dần dần
(gạn gùng) nàng vào một thế cùng cực mà nàng không từ chối được. Hai
tiếng “nồng nàn” không có những tiếng nào thay thế được ở đây và cũng
chỉ có thể hiểu được, không thể cắt nghĩa được.
- Những lời êm dịu nhưng đầy cay đắng của Thuý Kiều trong hai câu:
“Nàng rằng: mưa gió dập dìu
Liều thân thì cũng phải liều thế thôi”.
Dịch là:
“Dans cette succession des pluies et des vents qui fait la trame de ma vie,
J’ai accepté le maximum de sacrifice et je ne peux aller plus loin”.
(Nguyễn Văn Vĩnh)
Hai
câu thơ nguyên tắc có thể gọi là “buông thõng” ở đây, độc giả không ngờ
là có mà có với một thi vị cũng không ngờ. Ở đoạn đầu, tác giả cũng đã
dùng hai câu:
“Dưới dòng nước chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”
để
chuyển một cách ngẫu nhiên, lửng lơ, nhưng tuyệt diệu thơ! Thực là
những làn sóng dồi dào (dư ba), những nét tài tình của một hồn thơ phong
phú. Tú Bà vừa “khơi mào” câu chuyện, Thuý Kiều đã hiểu ngay “giọng
lưỡi” của mụ sẽ đưa nàng đến chỗ nào. Nàng liền tỏ ra một ý nhẫn nại,
dường như chán nản để đi theo số mệnh. Đời người đã đến nước phải sống
tất cả những cảnh ngộ bất thường, nay mưa mai gió (bốn tiếng “mưa gió
dập dìu” vừa là những lời dịu dàng vừa diễn ra một ý nghĩa phũ phàng đau
đớn), đời người đã đến nước ấy thì cũng đành bỏ cái giá “trướng rủ màn
che”, đành liều tấm thân “trong giá trắng ngần” mà dãi dầu những cơn mưa
gió, thế thôi, còn biết làm sao khác được. Thuý Kiều nào dám nói: “Tôi
hy sinh đến tột bực rồi, tôi không đi xa hơn được nữa”. Thuý Kiều chỉ có
thể nhẫn nại như ý nghĩa hai câu thơ dịch của René Crayssac:
“De mon corps, je dois faire hélas! le sacrifice,
Eh bien, soit! puis-qu’il faut ainsi, qu’il s’accomplisse”.
-
Trong câu: “Quá lời nguyền hết thành hoàng, thổ công”, quá lời không
phải là nói nhiều (prolixe en paroles) mà là nói quá lời cần phải nói và
nguyền không phải là lời cầu nguyện (prières) mà là lời thề.
Người
ta thường thề với trời đất, quỷ thần. Nhưng trong các quỷ thần, người
ta không thề trước thành hoàng, trước thổ cônhg. Bạc Hạnh, miễn là được
Thuý Kiều tin, đã… đi quá trớn, Bạc Hạnh đã… thề bừa bãi (xin miễn cho
những tiếng cũng quá này). Thề không tiếc lời, người thề chắc chắn sẽ
không giữ lời thề, và đây là dụng ý của câu thơ.
- Khi Từ Hải nói với Thuý Kiều:
“Lại đây xem lại cho gần,
Phỏng tin được một vài phần nào không”
mà
cho Từ Hải bảo Thuý Kiều lại gần để Từ Hải xem Thuý Kiều có đáng tin
được không thì, cũng như trên kia đã gán cho Kim Trọng ý nghĩa rằng vì
không tu những kiếp trước, Thuý Kiều không có được sắc tài bây giờ.
Người ta có thể tưởng như đức khiêm tốn không có ở trong truyện Kim Vân Kiều.
Một người khách đến chơi, nhất là người ấy “đường đường một đấng anh
hào” không thể có những lời có thể gọi là vô lễ, những lời dường như thô
lỗ đối với một người đàn bà mình muốn cầu thân. Và Từ Hải, sau khi đã
là ông vua “một cõi biên thùy” còn “ra ngựa thân nghênh cõi ngoài” khi
nghe tin “phu nhân” đến, Từ Hải vốn trọng lễ nghĩa. Ở đây, tưởng Từ Hải
bảo Thuý Kiều hãy lại gần hơn để xem người khách có đáng được tin cậy
không. Tuy là những lời khiêm tốn, những lời ấy cũng ngụ một ý tự phụ vì
Từ Hải chắc rằng Thuý Kiều tất phải tin.
-
Về sau, khi gặp Thuý Kiều, Từ Hải “cười rằng cá nước duyên ưa”. Câu ấy
mà cho rằng Từ Hải sung sướng như cá lại được gặp nước “hereux comme le
poisson qui a retrouvé son élément eau” (Nguyễn Văn Vĩnh) thì dịch giả
lai đóng một vai Từ Hải nhũn nhặn đến mức hèn. Nói “cá nước duyên ưa”
tưởng chỉ là nói một tình duyên thích đáng. Nếu muốn phân tích để chỉ ai
là cá, ai là nước, thì cá tất nhiên, không phải là Từ Hải. Từ ngày gặp
gỡ Thuý Kiều, những lời nói của người “đội trời đạp đất ở đời” ấy, bao
giờ cũng tỏ ra một “lượng cả bao dung”, khác với giọng của một Kim Trọng
hay của một Thúc Sinh. Từ Hải không thể khiêm tốn đến tự nhận là cá
được. Cũng không phải Từ Hải muốn nói Thuý Kiều là cá. Từ Hải chỉ dùng
hai tiếng “cá nước” để nói một “duyên ưa”, một duyên tốt đẹp, may mắn.
Cũng như Quản Trọng nói với Hoàn Công: Lai láng ấy nước, thung thăng cá
là nói vợ chồng tương đắc vậy “quyên quyên giả thủy, dục dục giả ngư,
ngôn phu phụ chi tương đắc dã”.
- Khi Giác Duyên từ biệt Thuý Kiều, Truyện Kiều ân cần dặn:
“Vì tôi cậy hỏi một lời chung thân”
mà
cho là xin nói giúp tôi nhớ người (sư Tam Hợp) trọn đời “Je penserai à
elle jusqu’à mon dernier jour” (Nguyễn Văn Vĩnh) thì chữ “hỏi” phải là
“nói” hay là “gởi”, hoặc, lễ phép hơn, là “bẩm”, hoặc, nói theo tiếng
nhà chùa, là “bạch”. Và Thuý Kiều chưa từng được gặp sư bà Tam Hợp mà
nói nhờ “Đạo cô” trọn đời thì dầu lời có thể có tính cách “sáo”, cái
“sáo” ở đây cũng không phải chỗ. Tưởng Thuý Kiều nghe Giác Duyên nói
những lời tiên tri của sư Tam Hợp, sao khỏi không phục, không tin và
không tò mò muốn biết rõ số phận mình về những ngày sau? Nhất là khi
“phong trần đã chịu ê chề”, khi đã bị “thoắt mua về, thoắt bán đi” thì
dẫu, bây giờ, được sống một đời vương giả, Thuý Kiều quên sao được mộng
cũ mà không “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”.
- Câu: “Duyên xưa chưa dễ biết đâu chốn này” dịch
là: “Les amour de jadis eux-mêmes étaient oubliés peut-être” (text: il
se pouvait qu’ils ne sussent même plus où l’on étail en ce lieu) (Nguyễn
Văn Vĩnh).
Tưởng
cả hai câu Pháp văn đều ngoài nghĩa hai câu thơ nguyên tác. Tác giả hẳn
dùng hai câu này để chuyển đoạn. Ý nói đến đây là Thuý Kiều hết tai nạn
“vạn xưa trút sạch làu làu” và chỗ này, biết đâu không là nơi (hoặc
lúc) mà duyên xưa (giữa Kim Trọng và Thuý Kiều lại được nối lại? Đọc
René Crayssac:
“Mais qui donc eut pensé que dans ce lieu tranquille.
Dans cette humble maison qui lui servail d’asite
Elle retrouverait son ancien amour?”.
có thể thấy được ý nghĩa câu thơ.
- Trong câu: “Còn toan mở mặt với người cho qua” mà cho chữ người là chỉ người đời:
“Je ne peux plus me montrer au public”
(Nguyễn Văn Vĩnh)
Cũng như trong câu “Cũng dơ giở nhuốc bày trò” (“Khéo thay nhơ nhuốc bày trò”, có lẽ đúng hơn) mà cho là dơ mặt với đời:
“Je ne veux pas offrir de mon indginité
Le spectacle au public plein de malginité”.
(René Crayssac)
thì
“mở mặt với người” lại không là với Kim Trọng. Thế mà trong một câu
sau: “Người yêu ta xấu với người”, cả hai tiếng người đều chỉ Kim Trọng.
Tưởng Thuý Kiều muốn nói nếu Kim Trọng đem một tình ái tao nhã “âu yếm
bề ngoài”, nàng còn dám mở mặt nhìn Kim Trọng để cùng nhau sống “cho
qua” nốt đoạn sau của đời nàng. Thuý Kiều xin Kim Trọng đừng lấy những
thói tầm thường “Vớt hương dưới đất, bẻ hoa cuối mùa”, đừng “nhơ nhuốc
bày trò”. Nếu yêu nàng với những dục vọng, Kim Trọng sẽ phụ tấm lòng
trong sạch mà, từ xưa, nàng vẫn dành cho. “Yêu nhau thì lại bằng mười
phụ nhau”. Thuý Kiều muốn “gạn đục khơi trong” tất phải sống gần cái
trong, trong cái trong, để xa cái đục, để thoát ly cái đục, thì trong là
bạn mà đục là thù. Cho nên Kim Trọng “còn tình (dục) đâu nữa, là thù
đấy thôi”. Thuý Kiều chính vì Kim Trọng mà muốn giữ chút lòng trinh bạch
“chữ trinh còn một chút này”. Thuý Kiều không thể quan niệm được rằng
mình vì người, trong mà xa, người lại vì mình, đục mà gần. Ở đây, chỉ
thấy Thuý Kiều đối với Kim Trọng, không một mảy may ý nghĩ nào đến đời,
để có thể nói là xấu hổ với đời.
Và nguyên truyện viết: “Còn tạm mở mặt nhìn quân tử được” (Thượng khả lược thi nhan diện dĩ đối quân tử).
Ngoài
những chữ, những câu, những đoạn kể trên còn có những chữ, những câu vì
cả nguyên văn cũng khác, nên giải nghĩa và dịch tất cũng phải khác.
-
“Chữ MỘT trong “Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương” tưởng là chữ NGẢI
đọc lầm ra. Hai chữ MỘT (chữ nôm) và NGẢI (chữ nho) dễ đọc lầm lẫn.
Ngải Như Trương (ở đây Ngải Trương: “Nghề riêng ăn đứt hồ cầm Ngải Trương”) là người đời Hán mà Hán Thư có nói đến truyện Ngải Như Trương, Hán thời nhân, có một bài náo ca, tên là bài “Ngải Như Trương”
“Vi náo ca nhất khúc, danh Ngải Như Trương” (tên Từ Khúc đời Hán đọc là Ngải Như Trương, tức Khải ca bây giờ).
Ngải
Như Trương, như vậy, là một nhạc gia và nhạc gia bậc nhất trong thiên
hạ về môn hồ cầm. Nhạc phủ thi tập có câu: “Ngải Như Trương nãi thiên hạ
hồ cầm đệ nhất” (Tài liệu của Nhân Phủ).
Nếu
là “ăn đứt hồ cầm một chương”, câu thơ, vốn là một câu thuộc thể tỷ,
không có đối tượng so sánh của hai tiếng “ăn đứt”. Tác giả hẳn có ý nói,
về hồ cầm, Thuý Kiều vượt (ăn đứt) cả Ngải Trương là người được xưng là
bậc nhất trong thiên hạ về môn này.
(Có thể nói từ trước tới nay các bản Nôm hay Quốc ngữ đều viết "một chương").
-
Chữ ĐỒNG trong “Tấc gang đồng tỏa nguyên phong”, nhiều bản (Abel des
Michels, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, René Crayssac v.v… đều lấy
nghĩa là loài kim và cho “đồng” là chìa khoá bằng đồng. Riêng bản Bùi
Khánh Diễn viết chữ động.
Tưởng
nguyên văn không phải là “đồng” (cuivre) mà là “động” (grotte). Nếu lấy
nghĩa là một chìa khoá thì tấc gang (hai chữ thôi) mới có thể nói một
chìa khoá bằng gang, vì thường nói một tấc sắt, một tấc đồng mà không
nói tấc gang đồng. Và, mặc dầu, trong thực tế, khoá có thể bằng đồng,
dưới mắt thi sĩ, đồng cũng biến ra vàng, hoặc, ít nhất, ra bạc. Đường
Thi có câu: “Khoá bạc mấy lần dóng, (mỹ nhân) ngủ chưa dậy” (Ngân thược
trùng quan, miên vị tinh) (tài liệu của Giản Chi). Và tấc gang không
phải là một trạng tự (adjectif) có nghĩa bé nhỏ. Tấc gang là một danh từ
(nom composé) mà nghĩa bé nhỏ gần. Như ở đoạn sau có câu: “Trong gang
tấc lại gấp mười quan san” để nói Thúc Sinh và Thuý Kiều chỉ cách nhau
có một cái vườn mà sự xa cách dường như ở muôn trùng quan ải. Ở đây, nhà
Kim Trọng ngay liền cạnh nhà Thuý Kiều, nhưng không bao giờ Kim Trọng
được thấy bóng giai nhân, “tuyệt mà nào thấy bóng hồng vào ra” thì khác
nào giai nhân ở trong một động (động còn gợi ý nghĩa nơi của thần tiên)
không lúc nào mở, nguyên vẫn khoá kín.
Hai chữ “động tỏa” còn thường được thấy trong văn thơ Tàu:
Hán Thư: “Lưu Nguyễn xuất Thiên Thai động, cập tái đáo, tắc dĩ tỏa kỳ”.
Phú
Lưu Nguyễn xuất Thiên Thai của Viên Dịch: “Thủy đáo nhân gian định bất
hồi, nguyên phong động tỏa” (tài liệu của Giản Chi. Trong bản của Bùi
Khánh Diễn cũng thấy dẫn câu Hán Thư trên kia).
-
Chữ THÁNG và chữ GỞI trong câu “Tháng tròn như gởi cung mây”, nhiều bản
đều viết hai chữ ấy. Bản Bùi Khánh Diễn viết: “Nằm tròn như cuội cung
mây”. Nhưng Nguyễn Văn Vĩnh cho câu ấy không có ý nghĩa gì dựa vào câu:
“Nguyệt ký thân vu nguyệt cung” (Tháng gởi thân vào cung giăng) để nói
lẽ và nghĩa hai chữ “tháng” (thay chữ nằm) và “gởi” (thay chữ cuội). Các
bản khác cũng đều dựa vào câu thơ này. Luận theo đường ấy không phải
không có lý. Nhưng chữ nôm “cuội” đọc ra “gởi” còn có một âm phảng phất
giống, chữ “nằm” không thể có âm “tháng” được. Hoặc chủ về thời giờ, nằm
đã được đọc ra “năm” rồi thì từ năm đi đến tháng cũng dễ hiểu. Xét ra,
đọc nằm là chữ năm, chữ và âm có thể nhận được và nghe lọt. Nhưng nói
năm thì ở đây chưa đủ vì Kim Trọng mới gặp truyện Kiều được vài ba tháng
“Tuần giăng thấm thoát nay đà thêm hai”. Có lẽ vì thế năm đã được lãng
quên và rút ngắn lại làm tháng để hợp với nghĩa “tháng gởi cung giăng”
của câu thơ Tàu đã lấy làm căn cứ. Các bản không phải không nói đến câu
ca dao “Thằng cuội ngồi gốc cây đa”. Nhưng chỉ nói đến nhận xét của mục
đồng, của dân quê mà không nghĩ đến cái nhìn thơ của thi sĩ vào mặt
trăng: cũng cây đa, cũng thằng cuội (nói dối).
“Khi nào thong thả lên chơi nguyệt,
Nhớ hái cho xin nắm lá đa”
(Hồ Xuân Hương)
“Cung quế đã ai ngồi đó chửa? (Thằng cuội ngồi…)
“Cành đa xin chị nhắc lên chơi”
(Nguyễn Khắc Hiếu)
Và
“nằm tròn” là hai tiếng thông thường cũng như “nằm mèo” dùng để chỉ một
sự thu hình trong buồn, trong nhớ, trong đợi. Hình thu lại ấy tròn như
hình viên cuội, như hình mèo nằm. Cũng ý nằm tròn, thơ Tàu còn có những
câu:
“Tân thu bạch thỏ đại như quyền
Hồng nhĩ, sương mau sấn hảo miên”
để nói con thỏ trắng (thơ thường gọi mặt trăng là “ngọc thỏ” hay “bạch thỏ”) nắm to bằng nắm tay và
“Kim tiêu cảm thân ngọa như cung”
để nói người nằm tròn như cung (tài liệu của Nhất Anh).
“Nằm
tròn như cuội” còn có tác dụng “phục bút”, câu dưới “một phận ấp cây”.
Mà truyện “ấp cây” này, tưởng cũng lại không phải như nhiều bản nói đến,
truyện “Người nhà quê đợi thỏ”. Ấp cây là nói Vi Sinh ôm cọc cầu ở bờ
bể để chờ đợi cho đến khi nước triều dâng lên, ngập chết, vẫn giữ lời
hẹn? Bản Bùi Khánh Diễn và René Crayssac cũng lấy tích Vi Sinh. Hai câu
thơ của Lý Bạch: nguyện cùng gió bụi cùng ôm cọc tín.
“Nguyện đồng trần, đồng hội,
Thường tồn bảo trụ tín”
ngụ ý ấp cây ấy (tài liệu của Nhất Anh). Công đợi thỏ của người nhà quê không gợi ý nghĩa của một trạng thái thuộc về tình ái.
-
Trong câu “Sinh càng tỏ nết càng khen” lấy NẾT nói về đức hạnh (bản Bùi
Khánh Diễn và Trần Trọng Kim cũng viết Nết) thì tưởng Thúc Sinh không
đợi trường hợp đặc biệt này mới “tỏ” và “thiên luật đường” đã phải có
ngay từ những “khi gió gác, khi trăng sân” nào rồi. Ở đây, Thúc Sinh
chợt lấy thi hứng ở những nét (traits) của một “tòa thiên nhiên” qua
“bức trướng hồng”, trong bầu hương “thang lan” sực nức. Hoặc giả muốn
gồm cả nết (qualités morales) vào nét (traits, qualités physiques) để
làm mờ đi một ý nghĩa không muốn cho biết? Điều giữ gìn ấy, nếu có,
tưởng cũng quá cẩn thận.
Bốn câu sau đây:
“Trong vòng giáo dựng gươm trần,
Kề lưng hùm sói, gởi thân tôi đòi.
Giữa dòng nước chảy sóng dồi,
Trước hàm rồng cá, giao mồi vắng tanh”.
dịch là:
“Introduite ensuite dans les milieux de guerries
Elle s’est compromise avec les bandits et s’est refugiée parmi les domestiques.
Au milieu du courant d’eau rapide aux flots tumultueux,
Profitant de la solitude elle s’est jetée en pâture dans les mâchoires de monstres marins”.
(Nguyễn Văn Vĩnh)
Nếu
cho câu “Trong vòng giáo dựng gươm trần” là ở vào nơi trận mạc (milieux
de guerriers) thì, khi ở với Từ Hải và, về sau, lúc đã thất thế, lọt
vào quân đội Hồ Tôn Hiến, truyện Kiều không từng dan díu với một ai, với
một quân kẻ cướp nào (compromise avec les bandits) và cũng không từng
ẩn núp vào nơi tôi tớ nào (refugiée parmi les domestiques). Tưởng “vòng
giáo dựng gươm trần” cũng như “dòng nước chảy sóng dồi” nghĩa là những
nơi nguy hiểm, “những lối đoạn trường” mà Thuý Kiều “lại tìm… mà đi”.
Trong những nơi nguy hiểm ấy, Thuý Kiều khi thì như là sống kề với những
hùm sói, khi thì như là đem tham lam mồi cho rồng cá. Nếu chỉ ở nơi
“giáo dựng gươm trần” mới là “kề lưng hùm sói”, thì, ở đoạn này, Thuý
Kiều không “gởi thân tôi đòi”. Hùm sói, ở đây, hẳn là chỉ vào những Tú
Bà, Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Bạc Hà… Vì ở nơi những người độc ác ấy, Kiều
đã làm thân một tôi tớ. Còn như lấy câu “gieo mồi vắng tanh” đặt vào
đoạn Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường (có lẽ để… xuôi hai tiếng:
vắng tanh), nghĩa là vắng tanh không đúng vì, mặc dầu đêm khuya, giữa
khoảng “trời cao sông rộng một màu bao la”, ở trong thuyền lúc bấy giờ
còn có thổ quan và gia nhân, thủy thủ. Và, khi hai vị sư nói chuyện với
nhau này, Thuý Kiều chưa trầm mình. Hai chữ VẮNG TANH, coi như một trạng
tự (adjectif) thuộc tiếng “mồi” thì không thấy có nghĩa mà coi như một
động từ để được dịch là profitant de la solitude thì không thấy có ngôi.
Tưởng hai câu “Kề lưng hùm sói gởi thân tôi đòi” và “Trước hàm rồng cái
gieo mồi thủy tinh” (xin đọc THỦY TINH) có nghĩa là song song với nhau
để nói Thuý Kiều đã đem cái giá “phong gám rủ là” làm “tôi đòi” cho
những phường độc ác như “hùm sói” và đã đem tấm thân “trong ngọc trắng
ngà” làm “mồi”, trước những phường dữ tợn như “rồng cá”. Hai câu này,
tác giả hẳn đã viết để bổ nghĩa hai câu trên:
“Hết nạn ấy đến nạn kia
Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”.
Còn
hai tiếng “thủy tinh”, hai tiếng ấy có thể đã được lấy trong bài thơ
Liên Hoa của Quách Chấn: Tương Phi, khi mưa tạnh, hiện về chơi, thấy
những bông sen trên mặt ao như là những ngọc bích giữa mâm, lộng lẫy ánh
thủy tinh:
“Tương Phi vũ hậu lai trì khán,
Bích ngọc bản trung lộng thủy tinh”
(Tài liệu của Nhất Anh)
Cũng như hai tiếng rồng cá, có thể đã được lấy trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa:
“Hoặc lưu ư cự hải, long ngư chi nan”
để
nói bể lớn, rồng cá là những nghiệp báo. (Ở đoạn này Abel des Michels
dịch “giáo dựng gươm trần” và “nước chảy sóng dồi” là “au milieu des
dangers terribles” và viết “mồi thủy tinh” nhưng lại cho thủy tinh là
thủy tinh cung).
Những
chữ viết và giải nghĩa khác nhau trong các bản chữ nôm, bản chữ quốc
ngữ và bản dịch Pháp văn còn nhiều lắm. Trên đây mới nêu ra ít nhiều thí
dụ.
Từ
thượng cổ, tác phẩm nào không bị lệ thông thường “tam sao thất bản”?
Những người chép lại chữ sách, hoặc giải thích chữ và câu sách, thường
lấy ý kiến riêng, lấy tư tưởng của thời đại mình suy luận, rồi thay đổi,
sửa chữa. Cho nên, mỗi khi sách được tái bản là một dịp cho người ta
được đọc những chữ mới, được nghe những nghĩa mới đã đặt vào…
Nhân
loại, một ngày… gọi là một tiếng, người ta càng thấy tinh thần nhường
bước cho vật chất, càng thấy thực tế che lấp đi, hoặc hạ thấp xuống
những cái gì mà thời trước lấy làm hay, làm đẹp, ở những thế giới cao
siêu của mơ mộng, của “vi, diệu, huyền, không” (Đạo đức kinh).
Huống
thơ, mà hồn thường bay bổng ra những chân giới xa ngoài trần lụy, thơ
không thể lấy óc thực tế giải nghĩa hay dịch được. René Crayssac viết:
“Chỉ có tiếng nói thần tiên mới hát lên được nỗi đoạn trường của nàng
Thuý Kiều thần tiên” (Le language des dieux me semble seul idonine à
chanter l’héroique et douloureux calvaire de la devine Thuy Kieu).
Nhất
định bắt độc giả thấy Kim Trọng bắt một cái thang vào ngọn tường
(gạch), leo lên để nhìn Thuý Kiều bên kia thì, qua một bức tường đặc,
hôm trước ngồi trong nhà, Kim Trọng sao có thể “Dưới đào đường thấy bóng
người thướt tha” và khi “Buông cầm sốc áo vội ra” sao có thể thấy
“Hương còn thơm nức, người đà vắng tanh?”. Rồi, sau khi dạo quanh tường,
sao có thể “Trên đào nhác thấy một cành kim thoa”. Nếu là một tường
gạch thấp “Par dessus le mur bas” (René Crayssac), Kiều không phải dùng
thang. Nếu là một tường cao thì cành kim thoa nhác thấy kia, có thể ngờ
là Thuý Kiều đã có một dụng tâm kiễng chân, với tay đặt lên cao hơn ngọn
tường, không phải là vô ý mà thoa đã vướng vào cành cây, để sáng hôm
sau phải “tìm tòi ngẩn ngơ”. Cho nên bức tường đây có thể chỉ là một
giậu cây có hoa mà lời thơ đã thêu thành một “tường gấm”.
Nhất
định xắn tay cho Thuý Kiều “mở khoá động đào” thì “lối vào Thiên Thai” ở
đây vốn mở, “động đào” đâu có đóng, dầu đóng bằng một khoá bé bằng
đồng? Và nếu đóng, cần phải mở, người mở, tất nhiên phải là Kiều. Tưởng
với hai câu:
“Xắn tay mở khoá động đào,
Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai”.
tác giả chỉ muốn nói Kiều được thấy Thuý Kiều lúc này như là Lưu Thần, Nguyễn Triệu mới lạc vào động Thiên Thai.
Và,
nếu không mơ mộng trên siêu thời, không tính, tác giả, khi đã nói “Lâm
Chuy đường bộ tháng chầy” tất phải nhớ rằng Thuý Kiều, sau khi “thuốc mê
đâu đã rưới vào” không phải chỉ nằm thuyền một đêm đã tới huyện Tích,
để khi “vực nàng vào chốn môn phòng” Thuý Kiều “hãy còn thiêm thiếp giấc
nồng chưa phai”.
Hơn
nữa, Nguyễn Du là một đại thi hào, học thức uyên thâm, các thơ, các
điển đã được mượn ở biết bao kinh này, sách khác, các nhà trước thuật về
sau, dầu là những bậc đại nho như Phạm Quý Thích, Chu Mạnh Trinh, Bùi
Khánh Diễn, Bùi Kỷ, chưa hẳn đã tìm ra hết xuất xứ.
Dịch Truyện Kiều, giải thích Truyện Kiều, người ta đã phạm bao nhiêu lỗi lầm. Ngày nay, người ta lại còn phê bình Truyện Kiều.
Ít nhiều văn nhân, thi nhân đã làm công việc này. Tưởng đấy là một công
việc rất nên thận trọng. Trước hãy đọc kỹ cổ nhân, học cổ nhân, hiểu cổ
nhân “hiểu cổ mãn di câu chi giá dã”.
Hiểu được từng câu Kiều phải là một công phu suy tư và suy luận. Đọc Truyện Kiều một cách thoáng qua để có những ý đại cương và đại lược, chưa đủ hiểu Truyện Kiều.
Đây
đứng riêng về phương diện văn chương, nêu ra một vài thí dụ về tài
Việt-Nam-hoá thơ cổ tàu của Nguyễn Du, Việt-Nam-hoá với những lời thổ
sản quê hương, những tiếng thông thường, dùng ngay ở các thôn quê, mà
Việt-Nam-hoá khéo đến mức đặt vào câu thơ, lời có thể làm cho thơ có một
dư ba, như “nước chảy trong veo”, “rêu lờ mờ xanh” v.v… Việt-Nam-hoá
hay đến mức những lời thơ còn xếp thành những vế đối, hoặc ở câu sáu,
hoặc ở câu tám, mà những chữ, những ý chọi nhau làm cho thơ có một nhạc
thanh tao êm ái. Việt-Nam-hoá tài đến mức, thơ đọc lên, nghe, người ta
không có ý nghĩ đấy là thơ dịch, mà có biết là thơ dịch cũng không tìm
biết thơ nguyên dịch.
Nguyễn
Du dịch hai câu: “Phương thảo liên thiên bích, lệ chi sổ điểm hoa” ra
“Cỏ non xanh rợn chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Những
tiếng “xanh rợn, cỏ non” là những tiếng thổ sản Việt Nam, quê hương Việt
Nam. Hai tiếng “trắng điểm” lại có một sắc thái văn chương Tây phương
mà thời ấy văn ta chưa có tiếp xúc. Hơn nữa, tiếng “trắng” không dịch ở
thơ Tàu mà là tiếng thêm vào trong câu thơ ta. Thi vị của hai câu thơ ta
có thể nói là còn hơn thi vị của hai câu Tàu mà nghãi chỉ là: cỏ thơm
liền tưởng trời, cành lê vài điểm hoa.
Câu
“Nhặt, thưa, gương rọi đầu cành” là câu loát dịch ý câu thơ cổ “Nguyệt
minh tài thượng liễu sao dầu” nghĩa là mặt trăng vừa mới sáng lên trên
những sợi nhỏ của đầu cây liễu. Bốn tiếng “Trăng rọi đầu cành” đủ diễn
nghĩa ấy. Lại có hai tiếng “nhặt, thưa” để diễn một ý nữa là ánh trăng
xuyên qua cành, lá cây, chiếu xuống mặt đất thành những đám bóng mau hay
thưa. Trong câu thơ Tàu, không thấy có ý ấy. Câu thơ ta chỉ có sáu
tiếng dịch một câu thơ Tàu, có tám chữ mà ý thơ ta thực súc tích hơn
nhiều.
Còn có thể đem câu thơ ta này so sánh với hai câu thơ của thi hào Pháp, A. de Lamartine, cũng diễn tả những ý nghĩa ấy:
.......................
“Ce soleil pâlissant dont la faible lumière
Perce à peine à mes pieds l’obscurité des bois”
Thi hào vào rừng, một ngày thu là mùa mặt giời đã yếu ánh sáng, rừng u ám. Hai câu thơ nói ý:
“Mặt trời xanh lợt kia mà ánh sáng yếu ớt
Thoảng chọc sáng ra ở chân tôi cái u ám của rừng”
Ta
cũng nhận thấy hai câu thơ ngắn của Nguyễn Du, đủ diễn ý hàm súc trong
hai câu thơ Tây, trong đó ta cũng không thấy hình ảnh của hai tiếng
“nhặt, thưa” mà thi hào ta đã dùng một cách rất tự nhiên.
Nhân
loại, một ngày… gọi là một tiếng, người ta càng thấy tinh thần nhường
bước cho vật chất, càng thấy thực tế che lấp đi hoặc hạ thấp xuống những
gì mà thời trước lấy làm hay, làm đẹp ở những thế giới cao siêu của mơ
mộng, những thế giới “vi, diệu, huyền, không”.
Huống
thơ, trong đó hồn thơ thường bay bổng ra những chân trời, xa ngoài trần
lụy, thơ không thể lấy có thực tế giải nghĩa được. René Crayssac viết:
“Chỉ có tiếng nói thần tiên mới hát lên được nỗi đoạn trường của nàng
Thuý Kiều thần tiên”. (Le language des dieux me semble seul idonine à
chanter l’héroique et douloureux calvaire de la devine Thuy Kieu.)
Vũ Hoàng Chương
Tâm hồn thi sĩ của Nguyễn Du
Mỗi
năm, vào khoảng tháng Tám âm lịch, tôi hằng mong mỏi cho đêm trường sẽ
không mưa để vầng trăng vằng vặc buông xuống trần gian những sợi tơ
huyền ảo; biết đâu bầu không khí thường xuyên bị đầu độc ở nơi này chẳng
sẽ phút giây lắng xuống, hội đủ các điều kiện, dù khó khăn phức tạp mấy
đi nữa, để con người có thể nghe rõ tiếng chầy vang dội của ngọc thỏ
trên cung Quế đêm đêm giã thuốc trường sinh. Nhưng đồng thời tôi cũng
liên tưởng đến một vầng trăng khác ngự trị ở một vũ trụ khác chỉ luôn
luôn soi tỏ những đường nét mỹ lệ, những màu sắc thuần túy, những tư
thái hồn nhiên. Vầng trăng khác đó là thi hào Nguyễn Du; và cái vũ trụ
khác đó chính là thế giới của Thơ vậy.
Nguyễn
tiên sinh đã khép mắt buông tay vào một ngày của tiết trung thu trước
đây hơn một trăm bốn chục năm. Sự liên tưởng của tôi vào dịp này mỗi năm
đâu phải không có nguồn gốc. Vì tất cả những ai đã đọc truyện Kiều và
biết đôi chút về cuộc đời tiên sinh đều nhớ ngày kỷ niệm mà thành khẩn
đốt nén tâm hương. Cho nên kẻ đang hầu chuyện quý vị đây dẫu chỉ có sở
trường nơi vần điệu chứ thiếu hẳn tài nghiên cứu sâu rộng, tài giảng
thuyết hùng hồn, cũng cả gan nhận lời đề nghị của các bạn trong Ban Chấp
hành Hội Văn bút Quốc tế Trung tâm Việt Nam để trình bày trước lượng
khoan dung của quý vị một vài điều không dám nói là nhận xét mà chỉ dám
nói là thâm cảm về tâm hồn một nhà thơ đã làm vẻ vang cho dân tộc ta,
tâm hồn thi sĩ của Tố Như Tử.
Nói
đến đây, tôi chợt thấy mọi tế bào trong tim óc rung chuyển lên như chờ
hoà điệu, vì tôi biết chắc rằng trong số quý liệt vị họp thành cử tọa
đông đảo và trang nhã này, ít nhất cũng phải có hàng trăm vị đang gật gù
nhẩm khẽ hai câu:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Và, nếu “hay hèn chẳng quản nối điêu” thì đây, tôi xin mạn phép diễn nôm mười bốn chữ hoa gấm mà cũng tràn đầy tâm huyết đó:
Ba trăm năm nữa, nào hay
Còn ai nhỏ giọt lệ này khóc ai?
Thưa
quý vị, muốn hiểu tâm hồn Tố Như Tử và quyết đoán rằng đó là một tâm
hồn thi sĩ, thiết tưởng không phải tìm đâu xa; mười bốn chữ ấy đủ cung
cấp cho ta một chiếc địa bàn mầu nhiệm, hai câu thơ thất ngôn ấy đủ là
hai đầu của một cây kim chỉ nam. Thật vậy tiên sinh khóc nàng Tiểu
Thanh, tác giả Phần dư thi tập, lấy
chữ “dư” làm vần mà đây chỉ là hai câu kết thúc. Tiểu Thanh, một tài nữ
đất Hàng Châu, số không may bị gả làm lẻ mọn trong một gia đình hào phú
nhưng vợ cả ghen chẳng kém gì Hoạn Thư. Nàng kéo lê kiếp tiểu tinh phai
úa giữa khoảng Cô Sơn mai ngàn gốc, và Tây Hồ sóng ngất mây, đến u uất
thành bệnh mà thác khi tuổi vừa đôi chín. Bao nhiêu bài thơ bài từ sáng
tác ra bằng máu và nước mắt, nàng đem hỏa thiêu trước giờ lâm chung;
giấy mực đã quá nửa cháy thành tro bụi, mới có người bạn gái ngẫu nhiên
đến thăm kinh hãi mà giành giật lấy đôi chút tàn thiên đoạn giản. Và đời
sau mới được thưởng thức những lời châu ngọc đứt nối quằn quại trong
thi tập nhan đề Phần dư.
Lúc sinh thời, Tiểu Thanh từng đọc truyện Mẫu đơn Đình, xúc động vì số kiếp người trong truyện, đã ngâm thành một bài thơ tứ tuyệt:
Lãnh vũ u song bất khả thinh
Khiêu đăng nhàn khán Mẫu đơn Đình.
Thế gian diệc hữu si ư ngã
Khởi độc thương tâm thị Tiểu Thanh.
Mà tôi xin tạm dịch là:
Khêu đèn xem Mẫu đơn Đình
Mưa đầy song vắng cho tình lâm ly.
Thế gian còn lắm người si,
Mối thương tâm há riêng gì Tiểu Thanh?
Hai
câu cuối thật chẳng khác những tiếng gào gọi từ thiên cổ vọng về, dội
lên trong mưa gió canh trường vậy. Nhưng cô gái tài hoa, xác vùi sâu đáy
huyệt từ mấy trăm năm, may còn có Nguyễn Du bắc nhịp cầu linh cảm qua
vần điệu nơi trang giấy đốt thừa mà đem giọt lệ tưới nguôi lửa hận. Chứ
đến lần tiên sinh, chắc gì còn có ai xót thương như thế sau hằng trăm
năm xót thương với tất cả bản thể của con người, với chính dòng nước mắt
của hạng nòi tình cốt nhạc?
Ba trăm năm nữa nào hay
Còn ai nhỏ giọt lệ này khóc ai?
Câu
hỏi xiết bao cay đắng. Niềm ngờ vực như hằn lên, như nấc lên, khắc
khoải đến tuyệt vọng. Chắc tiên sinh viết xong hai câu thơ trên đây thì
ném bút lắc đầu: “Khóc ta cho đúng với nghĩa chữ khóc ư? Ba trăm năm sau
làm gì có người ấy!”.
Thưa quý vị, dân tộc Việt Nam ít lâu nay, đã mặc nhiên đặt tác giả Truyện Kiều lên
ngai vàng Thi bá; hằng năm các tổ chức văn học làm lễ kỷ niệm nhà thơ
làng Tiên Điền; ai nấy dành ra những giờ phút lắng đọng nhất để thành
khẩn thương nhớ về Tố Như Tử. Ngay giữa thủ đô Sài Gòn nhiều gió bụi và
biển dâu này. Ngay giữa cái khung cảnh:
Ngất trời sát khí mơ màng
Đầy sông kình ngạc chật đường giáp binh.
Nghĩa là thiên hạ “khấp Tố Như” nhiều lắm chứ! Còn điều chi nữa mà ngờ!
Vậy tiên sinh đã lầm chăng? Đã quá bi quan chăng?
Thưa
quý vị, tiên sinh không lầm đâu! Và cũng chỉ là bi quan đúng mức thôi
đó. Chứng cớ là nhân loại ngày một xa nguồn. Đời sống càng văn minh, con
người càng mất ý niệm quay về bản thể, và nếu một tối thiểu số còn ý
niệm ấy thì cơ hội quay về cũng hiếm hoi, các ngả đường hầu như đều bịt
kín. Quay về sao được, khi bao nhiêu hệ lụy rào quanh tâm trí, bao nhiêu
nhu cầu hối thúc mình phải tiến lên. Mà nhu cầu nào cũng tưởng như
chính đáng cả, hệ lụy nào cũng bất khả kháng như nhau. Thậm chí mỗi
người chỉ còn nghĩ đến chuyện bảo đảm cho tương lai, nghĩa là làm cách
nào cho guồng máy chạy đều, xăng nhớt không được thiếu, chỗ nào trục
trặc phải được kiện toàn ngay; xã hội phải chạy đều như máy, gia đình
phải chạy đều như má, và từ chỗ đó đến chỗ mỗi cá nhân trở thành một cái
máy thiết tưởng không bao xa. Chẳng phải một sự ngẫu nhiên mà nền văn
minh ngày nay được gọi là văn-minh-cơ-khí!
Vâng, thưa quý vị, nhà thơ núi Tản sông Đà cách đây vài bốn chục năm từng đã than rằng:
Giang hà nhật hạ nhân giai trọc
Thiên địa lô trung thục hữu tình.
Sông
ngòi ngày một xuống mãi, hình ảnh của nhân loại xa nguồn. Chỉ mỗi ngày
một vẩn đục thêm; trong lò trời đất đúc ra, còn ai “hữu tình” được nữa!
Tố
Như linh cảm điều ấy hơn một thế kỷ trước Tản Đà. Tiên sinh lo rằng rồi
đây nòi tình sẽ tuyệt diệt; còn ai người ba trăm năm sau nhỏ lệ khóc
tiên sinh như tiên sinh đã khóc nàng Tiểu Thanh bạc phận! Nhỡn lực của
tiên sinh thật siêu phàm, quả đúng như câu trong bài đề tựa của Mộng
Liên Đường chủ nhân: “Tiên sinh đã có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời”.
Tâm
hồn thi sĩ của Nguyễn Du chính ở chỗ “nhỡn phù lục hợp, tâm quán thiên
thu”; mà ném một tiếng thở dài xuống dòng thời gian, đau xót cho bản lai
diện mục của nhân loại.
Một
tâm hồn bao la như vậy hẳn không thể khư khư cố chấp như hạng nhà nho
hương nguyện nào. Cho nên thi sĩ Nguyễn Du đặt giao tình ở một trời
trăng sáng, so chánh khi cùng trăm dặm Hồng Sơn. Tôi tưởng con người của
tiên sinh với tất cả bản sắc trầm hùng cao khiết, ai cũng có thể nhận
thấy qua hai câu:
Nhỡn để phù vân khan thế sự
Yêu gian trường kiếm quải thu phong.
mà tôi xin mạn phép dịch là:
Mây nổi việc đời qua đáy mắt
Gió vàng gươm báu quẩy ngang lưng.
Nếu
Lý Bạch đời Đường vào chốn rừng sâu tịch cốc ngay từ lúc thiếu niên,
sống kiếp dã nhân, ba năm gác ngoài tai thế sự thì Nguyễn Du của chúng
ta cũng mười hai năm tuyệt tích trên khoảng 99 ngọn, săn bắn để nuôi
thân và tự xưng Hồng Sơn Liệp Hộ, cái hào khói lăng tằng dễ ai có hơn
ai!
Tâm
hồn thi sĩ của tiên sinh, một phần do yếu tố huyết thống tạo nên, nhưng
một phần cũng do thiên bẩm, đã phát hiện ngay từ bài ca lục bát trong
đó tiên sinh thác lời một chàng trai phường nón, gửi cho một nàng gái
phường vải, người yêu thuở xuân xanh đôi chín của tiên sinh, rất có thể
là người tình thứ nhất. Cô bé xã Trường Lưu này, sau một đêm trao ân đổi
ái cùng vị công tử xã Tiên Điền, đã khéo cậy người đem vần điệu lâm ly
tả thành một bức tình thư nhờ chim xanh chuyển tới. Thật đúng cái trường
hợp:
Phong lưu cậu ấm tình xuân nặng
Đứt ruột cô em một mảnh tờ.
Lá
thư phúc đáp của chàng công tử đa tình là Tố Như kia dẫu chưa điêu
luyện tới mức hàng hàng gấm thêu, nhưng thật đã phản ánh một trái tim
sôi nổi vì yêu đương, một bản chất phong lưu diễm nhã:
Tiếc thay duyên Tấn phận Tần
Chưa quen đã lạ, chưa gần đã xa
Chưa chi đông đã ló ra
Đến giờ chỉ giận con gà chết toi
Tim gan cho cái sao Mai
Thảo nào vác búa chém trời cũng nên.
Si
tình biết mấy? Chẳng khác gì Trương Quân Thụy trong kịch bản Tây Sương,
lúc vừa nhận được thư hò hẹn của Thôi Oanh Oanh mà nóng lòng sốt ruột,
chỉ muốn cho mặt trời lặn gấp để mau tới giờ “Cửa hé theo luồng gió,
trăng chờ dưới mái Tây”. Đoạn văn của Vương Thực Phủ diễn tả cái ý bồn
chồn nóng nảy của cậu Trương lúc đó tôi xin tạm dịch:
Vầng hồng chót vót chon von
Cây xanh hồ dễ ngả con bóng dài
Ác vàng kia, đứng, đứng hoài
Không chịu nhích xuống non Đoài giùm ta.
Cung Hậu Nghệ bắn Hằng Nga
Ta mượn quách bắn cho sa ác vàng.
Một
đằng giận đêm xuân chông cạn giọt đồng, mặt trời ló ra quá vội, Sao Mai
hiện quá sớm mà muốn vác búa chém bừa thinh không, một đằng giân ngày
chờ đợi quá lâu, mặt trời cứ như gắn keo mọc rễ chẳng chịu nhích xuống
cho, để chóng tới giờ hội diện, mà muốn vác cung ra trổ tài Hậu Nghệ bắn
rơi quách con ác vàng ba chân. Từ anh trai phường nón đến câu giải
nguyện họ Trương, kẻ chất phác quê mùa, người thế gia lệnh tộc, hèn sang
cách hẳn nhau một vực một trời, vậy mà cái sầu tương tư giống hệt. Đủ
biết Tố Như Tử dịch là hậu thân của Trương Quân Thụy, còn anh trai
phường nón chỉ là cái thân giả thác mà thôi. Đảo diện tình tứ biết bao!
Vì như vậy, cô gái phường vải kia đã được tiên sinh tấn phong làm Thôi
Oanh Oanh người đẹp trong những giấc mơ tình ảo diễm nhất. Thưa quý vị,
tấm lòng yêu đương tế nhị đó, nồng thắm mà thanh lịch đó chẳng đã là dấu
hiệu của nòi tình cốt nhạc, của một tâm hồn thi sĩ hay sao?
Tuy
nhiên, phải có trải qua một cuộc biển dâu trong đó triều đại sắp đổ, cơ
nghiệp của ông cha phút chốc tan tành, lại phải có một phen thanh gươm
yên ngựa lên đường thẳng giong để rồi việc cần vương thất bại, quay về
dãy núi của quê hương, lúc ấy tâm hồn thi sĩ của tiên sinh mới được nảy
nở toàn diện. Xa hẳn danh lợi và thế tình, mộng khanh tướng mộng giai
nhân chỉ còn là kỷ niệm, tiên sinh trọn mười hai năm gần gũi thân mật
với mây tuyết đỉnh cao cỏ hoa rừng thẳm; lòng say mê sôi nổi trước kia
được kết tinh lại thành nỗi mến thương rộng lớn, bi tráng mà trầm hùng.
Nếu
tài năng có phong sương mới già dặn, nếu thơ văn phải linh cảm cùng
sông núi mới rực rỡ được vẻ kỳ khí lên, thì tâm hồn của Nguyễn Du cũng
đã trọn vẹn là tâm hồn thi sĩ trong khoảng bách lý hồng sơn và nhất
thiên minh nguyệt vậy.
Chính
vì có tâm hồn thi sĩ nên tiên sinh mới thản nhiên coi việc đời như mây
nổi và cảm thấy lưỡi trường kiếm sau lưng chở theo cả trận gió thu sẵn
sàng rung lên thành những tiếng vàng tiếng sắt.
Hẳn
nhiều phen nhớ lại một vài khuôn mặt nào in đậm lên cuộc biển dâu tàn
nhẫn khởi đầu từ thời chúa Trịnh chuyên quyền và đang tiếp diễn qua thời
Tây Sơn loạn lạc, tiên sinh đã bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang. Và
hẳn lúc ấy tiên sinh có ý định:
Phong trần mài một lưỡi gươm
Những phường giá áo túi cơm sá gì.
Những
phong cảnh hùng vĩ kia lại cũng nhuộm màu siêu thoát giục con người tự
giác như giác tha, nên tiên sinh chỉ thấy hiện ra trước mắt cái thảm
trạng “nhất tướng công thành vạn cốt khô”, và càng suy gẫm càng thấy kẻ
chịu phận thiệt thòi, chính là đám lương dân vô tội:
Gẫm từ dấy việc binh đao
Đống xương vô định đã cao bằng đầu.
Thành
ra tiên sinh trải lòng thương xót ra tất cả thập loại chúng sinh. Bầu
không khí buổi sơ thu, với mưa dầm sùi sụt trên nẻo đường bạch dương
phút chốc đồng hoá với canh trường dạ tối tăm, đổ sập xuống cả muôn vạn
hồn đơn phách chiếc:
Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc
Quỷ không đầu van khóc đêm mưa
Đã hay thành bại là cơ
Mà u hồn biết bao giờ cho tan?
Ngay
cả phường giá áo túi cơm, lúc đắc thời vận thị hùng dường ấy; ngay cả
bọn vẫy vùng ngang dọc mà giãi thây trăm họ làm công một người, tiên
sinh cũng xót thương; và có lẽ càng xót thương lắm lắm. Vì chẳng sớm thì
muộn chúng cũng thất thế sa cơ; lúc ấy thì:
Bỗng phút đâu lò bay ngói lở
Khôn đem mình làm đứa sất phu
Giàu sang càng nặng oán thù
Máu tươi lai láng xương khô rã rời.
Thật
vậy, khi thời thế đã xoay chiều, hạng công thủ tội khôi muốn trụt xuống
làm thường dân sao được! Quyền hành cao như núi thì oán thù cũng sâu
như biển, nghĩ càng ghê sợ biết bao!
Cho nên Tố Như Tử xúc động can trường van xin đấng Từ Bi mở đường giải thoát:
Tiết đầu thu dựng đàn giải thoát
Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi
Muôn nhờ Phật lực từ bi
Giải oan cứu khổ hồn về Tây phương.
Bài Chiêu hồn ca thật
đã có một sức truyền cảm vượt mọi biên giới của nghệ thuật. Trên sáu
ngả luân hồi man mác bài thơ của Tố Như Tử hiện ra sừng sững như muốn
dùng chữ khắc sâu mặt đá mà ai đọc tới cũng hoảng nhiên tỉnh ngộ, phút
giây nhớ lại hết cả ba kiếp tiền sinh.
Có phải chính mình chăng, những kẻ nọ “mắc vào khoá lính, bỏ cừa nhà gồng gánh việc quan”? Để rồi:
Nước khe cơm vắt gian nan
Dãi dầu muôn dặm lầm than một đời.
Có phải chính mình chăng, những kẻ kia “rắp cầu phú quý, dấn mình vào thành thị lân la”? Để rồi:
Mấy thu lìa cửa lìa nhà
Văn chương đã chắc đâu mà chí thân.
Lại có phải chính mình chăng, những kẻ ấy “màn lan trường huệ. Những cậy mình cung Quế Hằng Nga”. Để rồi:
Một phen thay đổi sơn hà
Mảnh thân chiếc lá biết đâu mà về?
Trong
chúng ta chẳng biết có ai khóc Tố Như Tử được một tiếng nào do chân cảm
chí tình không; chỉ biết rằng Tố Như Tử đã khóc trước chúng ta, giọt lệ
nghẹn ngào từ ngót hai thế kỷ.
Đặt vào lời Thuý Kiều khóc Đạm Tiên, đã hẳn tiên sinh phải hạ bút viết:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Nhưng trong thâm tâm của tiên sinh, hai câu thơ ấy tất phải là:
Đau đớn thay phận con người
Lời rằng bạc mệnh cũng lời nói chung.
Và chính vì lòng thương xót bao la kia mà tiên sinh đã kết thúc bài Chiêu hồn ca bằng những câu đi vào đúng cái tinh thần vô ngã của Phật tổ:
Mười loài là những loài nào?
Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh.
Vì
đã đến lúc Tố Như Tử không còn cố chấp, không còn phân biệt chúng sinh
mà thông cảm với khổ đau của tất cả, xét hiểu cho cái thế “vạn bất đắc
dĩ” của từng hạng người, cái uy lực tối thượng và khắc nghiệt của hoàn
cảnh. Lúc ấy, tâm hồn thi sĩ của tiên sinh biểu lộ rõ rệt tới độ chót,
mỗi rung cảm của người thơ đều thăng hoa vượt bực để ngàn thu giấy mực
còn chói lọi hào quang.
Cũng chính vì có một tâm hồn thi sĩ như vậy mà tiên sinh viết Đoạn trường tân thanh, gây ra bao luồng độc nhất trái ngược, ai khen, khen đến hết lời, ai chê, cũng chê đến cạn tàu ráo máng. Có người bảo:Truyện Kiều gồm
đủ cả trung hiếu nhân nghĩa, có người liệt truyện ấy vào hạng “ai dâm
sầu oán đạo dục tăng bi”. Thật ra, cô gái đời Gia Tĩnh kia, đâu có đáng
treo gương nữ trung hào kiệt mà cũng chẳng đến nỗi đáng căm gận phỉ nhổ
hoặc bĩu môi buông lời khinh bỉ:
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm.
Nàng
chỉ là một mẫu người do Tố Như Tử mượn làm điển hình cho cái thế “vạn
bất đắc dĩ” của kiếp nhân sinh đó thôi. Ở cuối bài tựa Đoạn trường tân thanh của Phong Tuyết chủ nhân cũng có câu: “Mạnh
Tử nói rằng: Ai khéo đọc Kinh Thi không nên nệ câu văn mà làm hại lời,
không nệ lời mà làm hại ý, cứ lấy ý đón lấy cái chí của cổ nhân mà hiểu
được, thế là được: Ai đọc Truyện Thuý Kiều mà hiểu được những lời nói ấy
thì cái người mà ta gọi là Thuý Kiều có thể sớm tối lúc nào cũng gặp
được vậy”.
Thưa
quý vị, đúng thế, Kiều là con người muôn thuở và muôn nơi chứ chẳng
riêng gì đời Gia Tĩnh triều Minh mới có. Vì cái thế “vạn bất đắc dĩ” là
cái thế chung nó làm cho con người bị dằn vặt khắc khoải đau đớn kinh
hoàng, càng gỡ ra nó càng trói chặt. Đã mấy ai dám khoe rằng mỗi việc
trong đời mình đều do chính mình quyết đoán với tất cả niềm vui thích hả
hê? Tôi ngờ rằng chỉ có bậc đại giác mới như vậy được. Còn như lục lục
trần ai thì hoặc là theo thói quen, hoặc là tự phó mặc buông xuôi, hoặc
là có tự do lựa chọn thì khi quyết định cũng là trong máu và nước mắt,
đòi đoạn tơ vò, cực trăm ngàn nỗi chứ chẳng không.
Kiều
lấy làm sung sướng khi quyết định: “Rẽ ra cho thiếp bán mình chuộc cha”
đó chăng? Hẳn là không chứ! Nếu sung sướng việc gì phải:
Một mình nàng ngọn đèn khuya,
Áo đầm giọt lệ tóc se mái sầu?
Để rồi sau lúc dặn em gái chắp mối tơ thừa với chàng Kim Trọng, thì:
Cạn lời hồn ngất máu say
Một hơi lạnh ngắt đôi tay giá đồng.
Nhưng quyết định đau xé ruột gan này còn được thoa dịu đôi chút bằng cái viễn ảnh:
Hoa dù rã cành lá còn xanh cây.
Đến
như sau lúc đã về Lâm Tri và mắc kế đà dao của cặp bài trùng Tú Sở,
Kiều phải quyết định việc ra làm gái thanh lâu, ấy mới thực là giờ hành
hình ghê gớm:
Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau cũng chừa!
Mười
bốn chữ thấm thía diễn lại tất cả tấn bi kịch ngàn đời của con người đó
vậy. Có người hỏi: “Tại sao Kiều đã biết rút dao đâm cổ ngay khi chạm
trán với thần mây trắng và cặp Tú Mã để rơi cái mặt nạ lũ buôn người,
sao không biết đập đầu mà chết, cắn lưỡi mà chết khi bị ép uổng làm cái
nghề ô nhục kia! Mà lại hèn đớn đến nỗi xin chừa lòng trinh bạch?”.
Thưa
rằng: Chẳng đợi ngàn sau có người sỉ tiếu, chẳng cần nghe dư luận chê
bai. Kiều cũng tự biết việc mình làm là xấu xa hèn mạt. Nhưng thế “vạn
bất đắc dĩ” biết sao chừ? Theo luật đời Gia Tĩnh đứa nô lệ trốn đi mà
chủ bắt lại được thì đánh đập cho đến chết cũng vô can. Vậy mà chiếc văn
tự Vương Ông bán con gái, mụ Tú còn cầm nơi tay, Kiểu trốn theo Sở
Khanh ra khỏi lầu Ngưng Bích lại bị chính mụ bắt được tại trận. Cho nên
mụ tha hồ mà:
Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra
Đang tay dập liễu vùi hoa tơi bời.
Nàng
có liều chị đòn cho đến chết hoặc tìm cách tự hủy tấm thân thì cái chết
ấy cũng vô ích, chẳng gây được tiếng vang nào hoặc thanh minh được cho
danh tiết của nàng chút nào hết. Thôi đành:
Hết lời thù phục khẩn cầu
Uốn lưng thịt đổ rập đầu máu sa.
Đành “vạn bất đắc dĩ” làm một cuộc dấn thân nhục nhã vậy.
Thưa
quý vị, trong xã hội loài người, không thiếu gì những trường hợp vô khả
nại hà như vậy, nhất là ở những nơi sự nghèo đói, sự túng thiếu đã trở
thành chứng bệnh nan y và bao nhiêu bất-bình-đẳng còn ngự trị ngất
ngưởng. Đành rằng có những quyết định cao đẹp, phù hợp với đạo lý, dẫn
người trong cuộc đến những tiếng khen nức nở, những dòng xưng tụng trên
bia đá sử xanh, nào là trung, là hiếu, là hy sinh, là bất khuất v.v…,
nhưng một mặt khác cũng lại có vô vàn những quy định thấp hèn nó dẫn
người trong cuộc đến cái cảnh dâng lên mỉa mai, tiếng chì tiếng bấc, và
quá tệ nữa thì “ngàn năm bia miệng thế gian cười”. Tuy nhiên, xét riêng
khía cạnh “đau lòng đứt ruột” thì dẫu thấp hèn hay cao cả, quyết định
nào cũng đi sau một niềm ray rứt tê tái như nhau. Bậc Thánh cũng còn bất
đắc dĩ… huống hồ!... Thi sĩ Lý Bạch từng có câu: “Nãi tri binh giả thị
hung khí, thành nhân bất dĩ nhi dung chi”. Và Mạnh Tử cũng đã tuyên bố:
“Ngô khởi hiếu biện tai, ngô bất đắc dĩ dả”.
Điều
cần phải nói ngay là: Kiếp sống ở nhân gian không phải chỉ toàn những
quyết định tỏ rõ làm dư luận chú ý và đủ tầm quan trọng để nêu gương tốt
hay gương xấu cho muôn đời. Trái lại mỗi cá nhân thường phải hằng ngày
đối phó với những việc xảy ra, bao quyết định ngấm ngầm chẳng ai biết
tới, chỉ một mình mình biết một mình mình hay. Mà trong số những quyết
định này, cao đẹp cũng có mà yếu hèn cũng có. Kẻ nào gặp may được thiên
hạ chú ý tới một quyết định thuộc loại cao đẹp của hắn chắc cũng chỉ dám
nhận lời khen một cách miễn cưỡng và trong thâm tâm chẳng dám tự lấy
làm đủ mà hiu hiu tự đắc đâu! Vâng, thưa quý vị, quyết định thuộc loại
yếu hèn như việc Kiều van xin với mụ Tú xin chừa lòng trinh bạch thì còn
có thể bảo là trường hợp đặc biệt của phụ nữ dưới chế độ nô lệ, nhưng
đến như những việc sau đây, thiết tưởng lấy xe mà chở lấy đấu mà đong
cũng chẳng hết được. Thí dụ: Cúi lưng thấp một chút trước mặt ông chủ,
biết người trên nói trái mà cũng dạ dạ vâng vâng, mượn chuyện công nghĩa
đến trù tính đôi điều tư lợi sao cho công tư vẹn cả hai bề, huênh hoang
ngôn quá kỳ thực trước một đám đông theo kiểu tốt đẹp bày ra xấu xa đậy
lại, thấy việc đích đáng nhưng nguy hiềm đành hối thúc kẻ khác chứ
chính mình thì không dám tham gia, gặp câu chuyện bất bình ở giữa đường,
có thể tức giận đến chau mày nghiến răng, nhưng rốt cuộc suy đi tính
lại, muốn yên thân, đành cúi đầu chép miệng…
Đau xót thay là cái thế vạn bất đắc dĩ của kiếp người! Cho nên bảo Truyện Thuý Kiều là
tấm gương cho thiên hạ soi chung là phải lắm. Người xem truyện hay nghe
đọc truyện đều linh cảm thấy chính mình và vô số bà con làng xóm trong
đó, cả đến những kẻ mình vẫn căm giận ngờ ghét xưa nay: Một đoàn thất
thểu, kẻ sau người trước trên cầu Nại Hà, mang nặng cái nghiệp lực ghê
gớm nó cũng chính là cái thế bất đắc dĩ mà tôi vừa nói trên.
Họ
sẽ chợt tỉnh ngộ rằng chưa chắc ai đã muốn làm khổ ai đâu; bộ mặt thực
của kẻ thù mình cũng hằn lên bao nhiêu là dấu vết chua xót; chẳng qua
những kẻ ấy cũng bị đẩy vào cái chỗ “không làm thế nào khác được” đó
thôi. Câu hát nào từ thuở nằm nôi chợt vẳng bên tai họ:
Ai đưa ta đến chốn này?
Bên kia thì núi bên này thì sông.
Như
thế, sao lại còn chấp nhất, còn thù oán? Có chống đối là chống đối cái
thế vạn năng khủng khiếp kia! Chứ sao lại gây gổ với kẻ một thuyền một
hội! Chính cái thế ấy nó buộc ta phải lựa chọn, dù hợp ý hay không hợp
ý, phải quyết định, dù theo hướng cao cả hay thấp hèn, mà lựa chọn mà
quyết định từng giây từng phút. Đằng nào cũng có đau đớn hay tủi nhục
kèm theo. Được tiếng khen hì ho hen chẳng còn, đến như bị tiếng chê thì
lương tâm cắn rứt. Nào ai sung sướng gì đâu! Thưa quý vị, từ ngàn xưa,
bậc đại giác bậc chí thánh đã vạch ra đường lối cho thiên hạ noi theo.
Các văn gia triết nhân thì gắng sức lập ngôn, làm sáng tỏ thêm những
khuôn vàng thước ngọc. Nhưng cũng phải có những tâm hồn thi sĩ thông cảm
nỗi khó khăn của họ, phân tích cái tâm trạng của người trong cuộc thì
muôn vạn cái gai mặc cảm mới có cơ nhổ lên và họ mới thực sự nhìn thấy
vết thương chung để tự kết lấy bàn tay cứu khổ. Cho nên dân tộc nào cũng
ưa chuộng thi ca, và riêng đối với dân tộc Việt Nam thì bài ca Chiêu
hồn và Truyện Thuý Kiều đã trở thành những người bạn tri kỷ.
Nếu
Nguyễn Du không có tâm hồn thi sĩ, thì sao tác phẩm của tiên sinh lại
thâm nhập vào huyết mạch xã hội ta đến thế được? Tất cả những ai từng
trong đời có một lần quyết định đau đớn – dù quyết định ấy cao cả hay
thấp hèn – cũng đều hướng về áng thiên cổ kỳ văn của Tố Như Tử.
Thưa
quý vị, những lời cuối cùng đàm phiếm luận trên đây ví như chẳng đến
nỗi nhàm tai quý vị, thì tôi xin đề cập điểm sau chót về tâm hồn thi sĩ
của tác giả Đoạn trường tân thanh.
Đó
chính là mối tình đẹp trong tập truyện này, được thể hiện bằng những
vần thơ trác tuyệt nhất. Tôi muốn nói: mối tình Kim Kiều.
Nhưng
nó đẹp chẳng phải vì hai bên đều là tài tử giai nhân gặp nhau giữa lúc
tình xuân vừa chớm dậy. Truyện nôm của ta thiếu gì những cặp như thế,
nào Hạnh Nguyên và Mai Bích, Giao Tiên và Lương Sinh, Lục Vân Tiên và
Kiều Nguyệt Nga nữa chứ! Nó đẹp cũng không phải vì cầu Lam chẳng hề lầm
bắc trên sông Bộc, cỏ hoa vườn Thuý chẳng hề biến thành sân khấu cho màn
kịch trong dâu, và khi một bên sóng tình dường đã xiêu xiêu thì bên kia
lập tức trấn áp được ngay bằng một lời đoan chính. Về điểm này dầu các
nhân vật trong Yên Sơn ngoại sử và Tây sương ký không theo kịp nhưng mấy
cặp trai tài gái sắc trong Nhị độ mai, Hoa tiên và Lục Vân Tiên vừa kể
trên đâu phải là không giữ được tiết sạch giá trong để đuốc hoa khỏi
thẹn? Vả lại về sau, lúc Kiều thất thân họ Mã, nàng đã có cái ý nghĩ:
Biết thân đến bước lạc loài,
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
Điều
hối tiếc thầm kín này đã tố cáo rằng, Kiều hãy còn đặt nặng vấn đề vật
chất, và trong đêm thề ước nàng cũng chỉ may mắn mà không sa ngã dố
thôi.
Tính
chất đẹp của mối tình Kim Kiều phải được tìm ở cái lối giải thoát kỳ
diệu của người trong cuộc sau mười lăm năm xa cách nghĩa là ở hồi “tái
hợp” trong đó thi hào Nguyễn Du đã viết được hàng trăm câu rực rỡ như
gấm vóc, huyền ảo như khói sương. Thí dụ lời Thuý Kiều:
Thiếp từ ngộ biến đến giờ,
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa.
Bấy chầy gió táp mưa sa.
Mây trăng cùng khuyết mây hoa cũng tàn.
Và lời Kim Trọng:
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.
Đành
rằng thơ Nguyễn Du có đẹp, có khen chỉ là kiểu khen phò mã tốt áo;
nhưng lối giải thoát của người trong cuộc sao gọi là đẹp, ấy mới là điều
tôi nhắm trình bày.
Thưa
quý vị, tôi xin nói ngay rằng nó đẹp vì có hàm chứa một cuộc trở về
trong ý niệm tha thứ bao dung. Cuộc sống chung, hãy nói hẹp là giữa một
cặp chồng vợ hay tình nhân, từ ngàn xưa tới nay, dễ mấy ai tránh được,
những cơn sóng gió, nếu không phải trận gió lốc thì cũng là đợt sóng
ngầm. Mà sóng ngầm thường khi còn gây đổ vỡ khủng khiếp hơn cả gió lốc,
Giáng Kiều và Tú Uyên trong truyện Bích Câu kỳ ngộ, một bên là tiên nữ
dịu dàng, một bên là nho sinh phong nhã, thế mà chuyện cơm chẳng lành
canh chẳng ngọt ngay. Còn nói gì đến cảnh “thế gian được vợ hỏng chồng”
của đa số người phàm tục! Quả đúng với câu thơ của Lục Vân Tiên nghĩa là
hạnh phúc lứa đôi giống vầng trăng nọ, rất hiếm khi tròn.
Vậy
mà Kim Kiều, sau mười lăm năm cách trở đã có thể êm đẹp trùng phùng,
một bên trở về với nghĩa cũ tình xưa, bằng ngả đường danh dự, một bên
thành khẩn xót thương, mỗi lời nói ra là mỗi bàn tay che chở đùm bọc:
Như nàng lấy hiếu làm trinh,
Bụi nào cho đục được mình ấy vay.
Thưa
quý vị, Hiếu là Hiếu mà Trinh là Trinh chứ, sao có thể lấy cái nọ làm
cái kia được bao giờ? Điều ấy há rằng Kim Trọng không biết! Há rằng
Nguyễn Du cũng lại không biết hay sao? Chẳng qua là:
Thương nhau sinh tử đã nhiều,
Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình.
Lâm
Tri, Vô Tích rồi Châu Thai, Kiều đã từng “duyên càng đượm lửa càng
nồng” với họ Thúc, “tâm đầu ý hợp” với họ Từ, vậy mà Kim Trọng không
giận hờn, chẳng khinh bỉ, lại còn khăng khăng đòi cho được cái giờ
phút:
Cùng nhau giao bái một nhà
Lễ đà đủ lễ đôi đà đủ đôi.
Há
phải chàng định “vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa” làm chi đâu! Chỉ
vì danh dự của người yêu đó vậy! Niềm thương xót bao la đến chừng nào!
Không một chút mặc cảm tự tôn, lòng quân tử khác lòng người ta chính ở
chỗ gạn đục khơi trong ấy.
Cũng vì thế mà giải được bao nhiêu uất kết để cùng vui vẻ “đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ”.
Là
người, ai chẳng có một dĩ vãng, thứ nhất ở thế kỷ chúng ta. Trường hợp
ngộ biến như Kiều lại càng dễ xảy tới lắm. Nếu chẳng lấy lòng thương xót
chân thành để tha thứ trọn vẹn, hỏi còn ai sống nổi với ai? Cho nên
cuộc trở về trong Đoạn trường tân thanh đẹp hơn hết mọi cuộc trở về. Mối tình Kim Kiều quả lời văn trác tuyệt của Nguyễn Du cũng đẹp hơn tất cả những mối tình khác.
Nói
rộng ra, cuộc sống luôn luôn mang theo nó ý niệm trở về. Bất cứ ai cũng
có lúc tự thấy mình là một thứ nàng Kiều, và trong thâm tâm ẩn hiện một
chàng Kim Trọng điển hình cho những gì quý báu nhất mà mình đã trót để
thất lạc đâu đó trên bước đường phù sinh. Chỉ những kẻ mê muội cùng cực
mới không mong ước cho hình dáng ấy đậm rõ thêm để chính bản thân được
giải tỏa trong hoà quang độ lượng.
Thưa
quý vị “xem nôm Thuý Kiều” là một nhã thú được cửa miệng thế gian ghép
vào với một nhã thú khác là “uống trà mạn hảo”. Vậy đã có lần nào quý vị
ngồi thưởng thức chén trà sen mà tưởng nhớ tới lúc mình hoa ngập trong
bùn nơi hồ ao, lúc cánh hoa lầm cát bụi nơi phiên chợ, và lúc hạt gạo
trắng muốt như châu lệ, ngọc ngà rơi từ ngón tay người thợ ướp xuống
những búp trà nâu thẫm hay chăng? Nếu tưởng nhớ tới kiếp hồng liên bạch
liên đau xót dường ấy, cuống nó mặc người ngắt, bông nó mặc người hái,
nhị nó mặc người bẻ, thậm chí đến ong bướm cũng tha hồ dập dìu, gió táp
mưa sa cũng mặc sức tàn bạo, nó vẫn cam chịu hết, gắng dành lại chút
hương càng xa càng thơm của nó cho chén trà ngút khói của quý vị, hẳn
quý vị cũng vô hạn cảm hoài! Vâng, cuộc đời của Thuý Kiều cũng thế đấy
thôi và biết đâu của nhiều người khác cũng thế, đã thừa xấu xa lại nhiều
bùn bụi, nhưng chữ trinh còn một chút vẫn giữ y nguyên, cố gửi về dĩ
vãng cũng như về tương lai một chút gì gọi là “đẹp”.
Bởi
vậy, mối tình Kim Kiều không phải là cao xa thần thánh mà lại rất gần
bản thể con người. Tố Như Tử làm sống lại mối tình đẹp ấy, và hồi tái
hợp trong Đoạn trường tân thanh chứa
đựng những vần thơ diễm lệ nhất, thi vị nhất trong số cả ngàn vần diễm
lệ thi vị của áng “thiên thu tuyệt diệu từ”. Có thể bảo tiên sinh đã vớt
lại cái đẹp của nỗi lòng nhân thế trên dòng sông thời gian mỗi ngày một
xuống thấp, đưa nhân loại lìa xa cội nguồn. Cái đẹp ấy, dư hương của
loại hoa quân tử, sẽ còn phảng phất gây thơ mộng cho kiếp phù du và tiên
sinh thật đã có một tâm hồn thi sĩ.
Tóm
lại, ở tâm hồn Tố Như Tử đã kết tinh đủ mọi đặc chất của Thơ với cái
nghĩa thăng hoa cùng tột của nó. Tiên sinh đã yêu đương thắm thiết để
rung động theo những hồi hộp của lứa tuổi thanh xuân. Tiên sinh đã vươn
lên cao nhìn cuộc biển dâu đầy trái ngược phi lý để trong một tư thế
“mặc ngoạn tòa thiền” vừa sầu thương cho nhân loại ngày mai, vừa đau đớn
cho bao nhiêu đỗ vỡ điêu tàn phía trước. Một đằng tiên sinh, bằng con
mắt thấu triệt cả sáu cõi, nhận chân thấy cái nghiệp ghê gớm của con
người; một đằng tiên sinh, với tuệ giác bao trùm cả thiên thu, linh cảm
thấy cái đẹp xa vời mà riêng chỉ con người mới ý thức được. Cho nên lòng
mở rộng tới vô cực, tỏ rõ hết và tha thứ hết, tiên sinh ngồi chót vót
trở nên một thạch tọa ngang vai cùng dải Hồng Lĩnh sương khói u huyền,
chẳng khác Đạt Ma Tổ sư trước kia lên chùa Thiếu Lâm ngồi đối diện vách
đá của ngọn Tung sơn vậy. Sau chín năm, bóng Đạt Ma thấm sâu vào vách
kia ngàn đời còn tỏ nét; bóng tiên sinh cũng thế, sau mười hai năm hàm
dưỡng của thi nhân, còn in đậm vào núi nọ trăng này. Trong trí tưởng
tượng của tôi linh cảm thấy tiên sinh vẫn ngồi đó, cùng với nhất thiên
minh nguyệt và bách lý Hồng Sơn. Còn những năm tiên sinh ra ứng chiếu
Hoàng đế triều Nguyễn thì chỉ như một dòng thời gian vô danh lững lờ
chảy qua dưới cái chân cái bóng ấy. Đó là khoảng thời gian cần thiết để
tâm hồn thi sĩ của tiên sinh trút xuống trang giấy thành nét mực hàng
chữ; vì hơn ba ngàn câu thơ dệt gấm thêu hoa đâu có thể là kết quả của
một ngày một tháng. Công “thôi sao” đòi hỏi hàng chục năm là ít và tiên
sinh dẫu có tài thi thánh, cũng phải gieo vần lựa tứ, khổ tâm cân nhắc
như tất cả những người làm thơ.
Bởi vậy, thưa quý vị, Tố Như Tử tác giả Thanh Hiên thi tập, Chiêu hồn ca và Truyện Thuý Kiều,
tuy khuất núi từ một trăm bốn mươi năm nay, mà bóng dáng tiên sinh vẫn
phảng phất đâu đó. Và ngay từ buổi đầu nói chuyện, tôi mới dám mạo muội
thưa rằng ánh nguyệt trung thu mỗi năm đã giục tôi liên tưởng đến một
vầng trăng khác ngự trị một vũ trụ khác.
Cuồng sĩ Thành Thân, người phê bình kịch Tây Sương, từng đồng ý với bạn là Lý Trác Ngô rằng:
“Giữa
mùa vầng nhật đỏ ngang trời… gió cũng không, mây cũng không? Sân trước
sân sau nắng chói như lò lửa! Không một con chim nào dám bay. Mồ hôi ra
khắp mình, ngang dọc thành rãnh nước. Cơm để trước mặt không sao nuốt
được. Gọi chiếc muốn nằm xuống đất thì đất ướt như mõ. Ruồi xanh lại xúm
đến, leo lên cổ, đậu lên mũi, đuổi chẳng buồn đi. Đương lúc không biết
làm thế nào được, bỗng dưng mây đen kéo kín, tiếng rầm rầm rộ rộ nghe
như có trăm vạn trống chiêng. Mái tranh chảy như thác… Mồ hoi trên mình
biến mất. Đất ráo như lau! Ruồi bay hết! Cơm ăn thấy ngon miệng. Chẳng
cũng sướng sao!”.
Kể
hầu chuyện quý vị hôm nay, giữa bầu không khí ngột ngạt của thủ đô và
có khi là của toàn quốc, toàn thế giới, ví phỏng nhở dư linh của đại thi
hào Nguyễn Du và qua những vần thơ phun châu nhả ngọc của người, đã có
thể giúp quý vị một cơn mưa sảng khoái như trên đây, thì điều đó thật là
một hân hạnh lớn, phù hợp với lòng mong mỏi của kẻ mạo muội lên diễn
đàn. Bởi vậy, cho dẫu tài hèn chỉ đạt được một phần trong muôn vạn phần,
thì cũng xin thành thật cảm tạ quý liệt vị.
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment