Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Việc thí sinh của thành phố Hà Nội không thể cạnh tranh vào trường ĐH Y Hà Nội đã được xác nhận bởi hiệu trưởng với kiến nghị cần xem xét lại cách ưu tiên.
Hiệu trưởng 17 trường đào tạo y, dược Việt Nam đã phải lên tiếng trước băn khoăn về việc có công bằng hay không khi học sinh thành phố học giỏi đến đâu cũng không thể trúng tuyển vào các trường này vì không được cộng điểm ưu tiên. Mức điểm cộng thêm có thể lên tới 5 điểm khiến kể cả học sinh trường chuyên có tiếng nhất cả nước cũng không thể lọt vào danh sách 500 chỉ tiêu bác sĩ đa khoa của trường ĐH Y Hà Nội.
Chưa đến 10% học sinh thành phố đỗ y, dược
Quy định điểm ưu tiên, khuyến khích trong quá trình xét tuyển đại học nhiều năm nay đã phát huy thế mạnh đặc biệt của thí sinh thuộc diện được cộng điểm trong các trường đại học tốp đầu cả nước, đặc biệt là khối y, dược.
GS. Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho biết, năm nay, sau khi gọi sinh viên nhập học thì lộ rõ bất cập liên quan tới điểm ưu tiên. “Trường tôi năm nay tuyển sinh 500 chỉ tiêu y đa khoa và hiện nay các em đã đến nhập học. Trong đó, hơn 450 thí sinh thuộc diện được cộng điểm ưu tiên. Có em thậm chí được ưu tiên và khuyến khích tới hơn 5 điểm” GS. Nguyễn Đức Hinh cho biết.
Một trong những “hệ quả” là năm nay không có một học sinh nào lớp chuyên sinh của THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, trường chuyên nổi tiếng bậc nhất cả nước, đỗ y đa khoa. Điểm chuẩn của ngành này là 29,25 điểm và phải xét tiêu chí phụ, trong khi các học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chỉ có thể “cạnh tranh” bằng điểm thi, vì không được cộng điểm ưu tiên. Còn theo PGS. Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Y Dược TP.HCM, mấy năm nay, tỷ lệ thí sinh người thành phố đỗ vào trường dưới 10%. Có năm tới 92% thí sinh đỗ vào trường thuộc diện được cộng điểm.
Về mức cộng điểm ưu tiên hiện nay, GS. Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cũng đồng ý mức cộng tối đa 3,5 điểm là quá cao. “Nên cộng tối đa 2 điểm. Không nên cộng quá nhiều, bởi tạo ra sự quá khác biệt, khi mà các trường chỉ cần nâng lên hạ xuống 0,25 điểm thôi là rất nhiều em trượt hoặc đỗ”, GS. Đỗ Quyết đề xuất. Còn theo PGS. Nguyễn Cảnh Phú, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Vinh, nếu thí sinh có nhiều ưu tiên thì phải chọn ưu tiên cao nhất, và rút ngắn khoảng cách điểm ưu tiên khu vực, chẳng hạn chỉ 0,3 điểm thay vì 0,5 điểm như hiện nay.
Trường lấy cao vút, trường thấp lè tè
Bên cạnh việc tuyển đầu vào ở mức quá cao khiến nhiều học sinh thành phố không có cơ hội cạnh tranh, hội đồng hiệu trưởng các trường đại học y, dược cũng nêu bất cập về tình trạng một số trường ngoài công lập tuyển sinh ngành y dược với mức điểm thấp.
GS. Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Y Dược - ĐH Thái Nguyên, cho rằng cần phải có điểm sàn trong tuyển sinh ngành y, dược, tránh tình trạng một số trường ngoài công lập có điểm chuẩn thấp như hiện nay. PGS. Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chỉ rõ: “Với nhiều trường tư, kể cả các ngành bác sĩ cũng lấy dưới 20 điểm. Đầu vào đã kém, đầu ra khó mà có chất lượng, đặc biệt các trường tư thường thiếu nhân lực, thiếu cơ sở vật chất, đặc biệt khó khăn về cơ sở thực hành”.
Bên cạnh đó, PGS. Nguyễn Cảnh Phú cũng phân tích về những ưu điểm, hạn chế của kỳ thi “hai trong một”, trong đó có việc chưa đánh giá đúng năng lực của người học. PGS. Nguyễn Cảnh Phú đề xuất, Bộ GD-ĐT cần đầu tư để đề thi đảm bảo tính phân hóa tốt hơn.
Ngoài ra, các trường cũng đề xuất cần chủ động hơn trong tuyển sinh, có thể tính đến khả năng vừa dựa trên kết quả thi THPT quốc gia vừa dựa vào học bạ để xét tuyển. Các trường có thể xây dựng và đề xuất thêm các tổ hợp mới để tăng nguồn tuyển cho từng trường. Ngoài ra, phương án hình thành nhóm xét tuyển theo ngành của khối các trường đại học khối ngành khoa học sức khỏe và sử dụng phần mềm xét tuyển chung cũng được đặt ra để xây dựng kết quả xét tuyển chung để thực hiện việc xét tuyển cho từng trường. Trong quá trình xét tuyển theo nhóm, các trường sẽ chia sẻ thông tin tuyển sinh để giảm tỷ lệ thí sinh ảo.
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment