Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Nhà báo Phạm Huyền:Quy chế tuyển sinh năm nay cho phép các trường tự tuyển sinh riêng theo cách của mình chứ không chỉ căn cứ trên kết quả thi THPT quốc gia. Song thực tế là trong số gần 340 mã tuyển sinh thì chỉ có 14 mã không tham gia hệ thống, vài trường lẻ tẻ tuyển sinh theo cách riêng, còn phần lớn đều lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học.
Phải chăng việc “tự chủ” tuyển sinh chỉ là hô hào khẩu hiệu? Vấn đề phát sinh của kỳ thi năm nay là do các trường chỉ dựa vào kết quả duy nhất là điểm thi? Ý kiến của bà Hương như thế nào về những nhận định này?
Bà Phạm Thu Hương: Hiện nay các trường đại học được tự chủ tuyển sinh, Bộ GD-ĐT hỗ trợ các trường để có thể thực hiện các phương án tuyển sinh của mình.
Chính vì thế, tôi nghĩ rằng tất cả các trường đại học đều có thể chủ động xác định phương án tuyển sinh với các đối tượng khác nhau, có thể vận dụng các phương án đó để đảm bảo sao cho trường vừa tuyển được thí sinh đúng theo mong muốn và vẫn đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục đại học của tất cả các đối tượng.
Trường ĐH Ngoại thương cũng đã có lộ trình để điều chỉnh các phương án tuyển sinh, chứ không phải điều chỉnh ngay lập tức. Bởi vì một học sinh học cấp 3 trong vòng 3 năm, nên không thể có những điều chỉnh quá đột ngột, dẫn đến các bạn không thể làm quen được với phương thức mới.
Nhà báo Phạm Huyền:Nhìn tổng thể, đây là năm thứ 3 thi theo phương thức “hai trong một”, và mỗi năm đều có chỉnh sửa kỹ thuật khiến dư luận bất an. Nếu như năm 2015 nhiều thí sinh và phụ huynh mệt mỏi vì phải tham gia “cuộc chơi chứng khoán”, thì đến năm nay đến lượt các trường đau đầu với cuộc chơi xét tuyển. Trong khi đó, giáo dục muốn phát triển đầu tiên là cần ổn định. Xảy ra điều này phải chăng chúng ta chưa thoát được sự luẩn quẩn trong đổi mới thi cử?
Ông Phạm Tất Thắng: Với người dân, học sinh, phụ huynh thì chính sách nói chung trong đó có chính sách giáo dục cần phải ổn định. Nếu tốc độ thay đổi nhanh thì học sinh sẽ khó làm quen, nên yêu cầu ổn định dạy học và thi cử là nguyện vọng, nhu cầu chính đáng từ phụ huynh, học sinh.
Bên cạnh đó, phụ huynh, học sinh cũng mong muốn nền giáo dục phải đổi mới, nâng cao chất lượng. Những thay đổi của Bộ GD-ĐT cũng để phục vụ mục tiêu đó. Làm sao nâng cao chất lượng nền giáo dục của chúng ta, làm sao cho kỳ thi nhẹ nhàng, không gây nhiều biến động đối với xã hội, không tạo ra áp lực lớn đối với học sinh - tôi nghĩ đây là những mục tiêu cần phải dung hòa.
Vấn đề thứ hai, là hiện nay Chính phủ, cụ thể là Bộ GD-ĐT, đang triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông. Việc thi cử chỉ là đầu ra - kết quả cuối cùng, còn chương trình và sách giáo khoa mới sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, đến kiểm tra đánh giá cả quá trình học tập của học sinh.
Việc đổi mới cả chương trình, sách giáo khoa cũng như dạy và học cần thời gian chuẩn bị. Việc tổ chức kỳ thi thì là kết quả cuối cùng, nhưng đó là việc chúng ta có thể làm ngay. Vậy nên, tôi cũng ủng hộ cố gắng, nỗ lực của Bộ GD-ĐT trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia gắn với tuyển sinh đại học sao cho nhẹ nhàng không gây áp lực.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, việc tổ chức kỳ thi sẽ là kết quả của một quá trình dạy học.
Nhà báo Phạm Huyền:Cái đích đến - học sinh có năng lực, có khao khát ngành nghề nào đó được học trường mình muốn, và trường đào tạo ngành đó tuyển được đúng đối tượng cần tuyển - hình như vẫn còn xa vời khi thực hiện tuyển sinh theo cách hiện nay. Bà Phụng cảm thấy thế nào với những ý kiến thể hiện sự chưa yên tâm với cách thi và tuyển sinh như bây giờ?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Chúng tôi cho rằng, đổi mới và ổn định là hai mặt của quá trình phát triển: Nếu luôn luôn thay đổi sẽ khó nắm bắt, khó chủ động tham gia quá trình phát triển. Nếu không đổi mới thì sẽ tụt hậu.
Suốt từ năm 2015 tới nay, Bộ GD-ĐT đã thực hiện Nghị quyết 29 đổi mới thi cử và dạy học theo hướng lấy năng lực của người học làm trung tâm. Hàng năm, chính sách thi và tuyển sinh thay đổi để cho kỳ thi đơn giản, gọn nhẹ, giảm áp lực nhưng vẫn chất lượng, công bằng, khách quan, hiệu quả.
Kỳ thi năm nay đảm bảo thí sinh có quyền nhiều hơn. Cái chính là thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng. Khi có điểm lại được thay đổi nguyện vọng cho phù hợp.
Còn việc kỳ thi có đánh giá đúng năng lực thí sinh hay không, thì tôi muốn nói thế này: Đầu tiên, khi đưa kỳ thi THPT quốc gia về từng tỉnh tổ chức, đã có khá nhiều trường tỏ ý không tin cậy. Nhiều trường quyết định tuyển từ học bạ, kể cả những trường có chất lượng vẫn để tỉ trọng nhất định. Nhưng sau khi có kết quả thi, khá nhiều trường đề nghị cho thay đổi chỉ tiêu từ học bạ sang lấy điểm thi.
Điều này cho thấy các trường tin cậy hơn với kết quả kỳ thi. Và ngay đợt xét tuyển đầu tiên, trong khi năm 2016 chỉ có 28 trường tuyển đủ chỉ tiêu thì năm nay là 170 đơn vị làm được. Nếu tính những trường tuyển được từ 70% chỉ tiêu trở lên, tỉ lệ này là 73%.
Chúng ta giải quyết cơ bản việc tuyển sinh trong đợt 1. Các trường khá hài lòng với cách tuyển sinh năm nay. Còn thí sinh nếu tận dụng cơ chế đăng ký NV không giới hạn với thang bậc khác nhau, thay đổi cho phù hợp với điểm thi thì kết quả sẽ khá hơn, không có những trường hợp cá biệt điểm cao mà trượt.
Năm 2018, các trường phải công khai tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm
Nhà báo Phạm Huyền:Tại hai hội nghị về giáo dục đại học, Bộ trưởng GD-ĐT có nói đổi mới giáo dục phải làm thế nào để Bộ GD-ĐT không còn là “Bộ thi”, và giáo dục đại học không còn là “phổ thông cấp 4”. Xin ông, bà cho biết những bất cập này cần phải được giải quyết như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Để Bộ GD-ĐT không phải là “Bộ thi”, tôi cho rằng chúng ta phải làm thế nào để kỳ thi này không còn áp lực mà vẫn hiệu quả.
Chúng tôi đã làm điều này trong những năm qua. Kỳ thi vừa rồi các em được thi tại địa phương của mình, đó là cách để giảm áp lực mà vẫn đảm bảo an toàn. Kỳ thi cũng nghiêm túc bởi dù thi ở địa phương song vẫn có sự phối hợp của trường đại học. Kỳ thi cũng khách quan vì thi trắc nghiệm.
Còn nói giáo dục đại học không phải là “phổ thông cấp 4” cũng chỉ là cách nói để chất lượng đào tạo ở đại học tốt hơn, chứ không có tiêu chí nào nói rằng thế nào là phổ thông cấp 4. Nhìn một cách hệ thống, không thể có nền giáo dục đào tạo chất lượng khi chúng ta đầu tư thấp và chi phí rẻ. Chi phí, học phí cho giáo dục đại học Việt Nam thấp hơn rất nhiều nước khu vực chứ chưa nói đến thế giới. Các trường đại học đã cố gắng nhiều để có kết quả tốt, như có 4 trường và 90 chương trình đã được kiểm định quốc tế. Nhiều trường có tên trong bảng xếp hạng quốc tế.
Sự phân tầng, xếp hạng các trường đại học đã tương đối rõ nét. Trường ĐH Ngoại thương là một trong những trường khẳng định được thương hiệu trong bối cảnh chi phí thấp. Cả hệ thống đã cố gắng để nâng cao chất lượng, nhiều trường đã tính tới chuyện xuất khẩu chương tình của mình ra nước ngoài, đó là điều chúng ta phải ghi nhận.
Nghiên cứu khoa học với mục đích, kết quả phục vụ cộng đồng của các trường đại học cũng ngày càng cao. Nếu nói chỉ là “phổ thông cấp 4” thì không đánh giá được trường tốt trong hệ thống.
Tuy nhiên, tôi không phủ nhận cũng có những trường chất lượng chưa tốt. Với các trường này chúng ta phải làm gì? Hiện nay, không thể làm một cách cứng nhắc việc giải quyết hành chính - giải tán các trường không do Nhà nước đầu tư.
Vậy cách quản lý là gì? Chúng tôi ngày càng yêu cầu các trường minh bạch thông tin của mình. Ví dụ, năm nay lần đầu tiên các trường phải xây dựng đề án tuyển sinh mà trong phương án đó phải nói rõ điều kiện dảm bảo chất lượng như thế nào. Tất cả đều phải minh bạch cho thí sinh biết, xã hội giám sát lựa chọn.
Chúng tôi dự kiến năm 2018, tất cả các trường phải công bố công khai tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Trường nào bị xã hội quay lưng do không đảm bảo chất lượng, do tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thấp sẽ tự phá sản.
Đó là điều kiện đảm bảo chất lượng trong điều kiện kinh tế thị trường. Chúng ta không đóng cửa bằng biện pháp hành chính, mà buộc các trường phải đầu tư hoặc phá sản. Trong khi đó, chúng ta vẫn mời những nhà đầu tư tốt vào giáo dục.
Với quy hoạch theo các tiêu chí đó, chúng tôi mong muốn chất lượng đào tạo đại học sẽ được nâng cao.
Nhà báo Phạm Huyền:Câu cuối cùng, tôi muốn hỏi ông Thắng. Ông nghĩ thế nào về những vấn đề bà Phụng vừa nêu, và ông có niềm tin thế nào về vấn đề nâng cao năng lực của ngành giáo dục?
Ông Phạm Tất Thắng: Chất lượng giáo dục của chúng ta có thành tích rất đáng ghi nhận, và thực tế là phần lớn lực lượng lao động có trình dộ của chúng ta được đào tạo trong nước, do chính hệ thống giáo dục đào tạo mang lại. Chúng ta không thể phủ nhận những kết quả đó.
Tuy nhiên, việc có phải “phổ thông cấp 4” không tôi cho rằng liên quan đến câu chuyện lớn hơn là chúng ta phải có một chương trình, một cách dạy từ phổ thông đến đại học đổi mới và phát huy vai trò, năng lực của người học.
Hiện nay, trang thiết bị nghiên cứu có vai trò rất quan trọng, hệ thống giáo trình, bài giảng cũng cần tập trung quan tâm để kiến thức mà chúng ta dạy cho học sinh là kiếm thức mới, hiện đại, tiệm cận với thành tựu khoa học thế giới, coi trọng khả năng người học, phát huy vai trò của sinh viên trong nghiên cứu khoa học… Những vấn đề này liên quan cả về đầu tư cơ sở vật chất, cả về đầu tư quản lý, nhưng cũng thay đổi tư duy của phương pháp dạy và học đại học phải cơ bản khác với phổ thông.
Lên đại học không phải là truyền thụ mà là gợi mở dạy tư duy, phương pháp. Từ đó phải thay đổi để giáo dục đại học tiệm cận dần với tiêu chuẩn giảng dạy đại học của khu vực cũng như trên thế giới.
VietNamNet
Thực hiện: Hà Anh, Phạm Huyền, Nguyễn Thảo, Thanh Hùng, Văn Hiệp, Thu Ngân
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment