Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
- Hẳn nhiều người đều biết câu ngạn ngữ “Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận” nhưng không phải ai cũng chú ý để thực hiện. Hành vi của mỗi người thể hiện từ những điều rất bình thường, nhỏ nhặt, nếu được lặp lại nhiều lần sẽ trở thành một thói quen, có khi rất khó sửa đổi và chúng tác động đến cuộc đời của mỗi người. Do vậy, việc giáo dục đạo đức cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học, cần bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt, giản dị, nhưng nếu được giáo dục cẩn thận thì sẽ có ảnh hưởng lớn đến tính cách, nhân cách của các em.
Nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh gồm một số nhóm chính:
Trách nhiệm với bản thân: Đó là việc dạy trẻ biết tự chăm sóc bản thân, biết tự giác học tập, biết giữ lời hứa, trung thực, biết nhận lỗi và sửa lỗi, biết tạo hình ảnh đẹp khi gặp người khác hay khi đến nơi công cộng. Đây là những phẩm chất định hướng trẻ thể hiện bản thân mình một cách tích cực, phù hợp chuẩn mực đạo đức xã hội.
Ứng xử phù hợp với mọi người: Đó là dạy trẻ có thái độ và hành vi ứng xử đúng mực với người khác (như biết chào hỏi người lớn, nhường nhịn em nhỏ, người già, biết quan tâm người khác, biết giúp đỡ người khuyết tật...), biết giữ phép lịch sự ở nơi công cộng (như không chỉ trỏ, không xả rác bừa bãi, không cười nói ồn ào, không chen lấn, xô đẩy trong đám đông...), biết kính trọng thầy cô giáo, biết trả lại của rơi... Đây là những đức tính giúp trẻ rèn luyện những thói quen, phẩm chất tốt trên tinh thần tôn trọng người khác.
Thực hành các kỹ năng sống cần thiết: Đó là dạy trẻ những kỹ năng an toàn giao thông, biết kêu cứu trong các tình huống cần ứng cứu (gọi 113), khi có cháy (gọi 114), khi có trường hợp cấp cứu (gọi 115), biết xử lý những tình huống bất ngờ thường gặp trong gia đình (như biết dập một đám cháy nhỏ, ngắt điện khi có sự cố điện...), biết đi xe đạp, biết bơi, biết đi chợ... Đây là những kỹ năng gắn liền với yêu cầu tự bảo vệ, tự chăm sóc bản thân, từ đó mới có thể ứng cứu cho người khác, nên cũng được xem là những yêu cầu đạo đức. Việc thực hiện được những yêu cầu này giúp trẻ tự tin, an toàn, năng động và tránh một số rủi ro.
Có kiến thức về cuộc sống xung quanh. Những kiến thức cần thiết giúp trẻ có thể xử sự phù hợp, dần hình thành nhận thức đầy đủ hơn khi lớn lên, về cuộc sống, về tổ chức, quản lý xã hội... Chẳng hạn trẻ nên biết để quản lý, điều hành một địa phương phải có chính quyền (cấp tỉnh/thành, quận/huyện, phường/xã), có cơ quan đại diện người dân là hội đồng nhân dân các cấp...; để chăm sóc sức khỏe người dân thì có trạm y tế và các bệnh viện; để giúp trẻ có kiến thức, giúp đào tạo nghề thì có hệ thống trường học, trường dạy nghề...; để giữ gìn an ninh trật tự thì có công an; để điều tiết giao thông thì có cảnh sát giao thông... Đồng thời, trong phạm vi sinh sống của mình, trẻ cũng nên biết trụ sở của một số cơ quan đó.
Có những ý thức đầu tiên về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Nghĩa vụ và quyền của công dân không phải đợi khi trưởng thành mới có mà đã được hình thành và thực hiện từ bé. Chẳng hạn ở tuổi thiếu nhi, trẻ phải biết nghĩa vụ của mình là giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, chấp hành luật giao thông; biết mình có quyền được đến trường, được bảo vệ và chăm sóc, được lên tiếng khi bị ngược đãi, xâm hại, được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng... Trẻ cũng cần biết khi lớn lên, công dân có quyền bầu cử, ứng cử, quyền lao động, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí..., đồng thời có nghĩa vụ chấp hành pháp luật, đóng thuế, bảo vệ Tổ quốc... Những kiến thức đó cần được dạy một cách phù hợp với từng lứa tuổi sao cho thiết thực, gần gũi, thực sự có ích.
Trên tinh thần đó, tránh giáo dục đạo đức với những điều cao xa, quá lớn lao so với lứa tuổi hoặc không phù hợp với điều kiện sống thực tế của trẻ. Cần có một chương trình giáo dục đạo đức và giáo dục công dân tổng thể cho học sinh phổ thông, từ lớp 1 đến lớp 12 với những nội dung cụ thể cho từng bậc học. Những nội dung quan trọng có thể được dạy nhiều lần với những cấp độ và yêu cầu khác nhau theo từng lứa tuổi, đồng thời, có phần thực hành, sự liên hệ bản thân trong mỗi bài học chứ không chỉ dạy lý thuyết. Các câu chuyện dẫn trong bài học cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, giàu tình cảm, là những bài văn đẹp cả về ý, về tình lẫn về kiến thức, để có thể đọng sâu trong tâm khảm mỗi người, từ đó trở thành bài học đi suốt cuộc đời họ.
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment