Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Chúng ta tình nguyện chọn nơi đây làm nghề gõ đầu trẻ, nhưng những đứa trẻ ở đây không dễ gõ đầu chút nào phải không em? Nhưng lỗi không ở chúng, cũng không do ai cả, có trách chăng là trách cuộc sống ....
Đối với Thục thì một năm trôi qua được đánh dấu tới hai lần nhìn theo cả khía cạnh công việc, không gian lẫn thời gian. Hai lần được đánh dấu đó nhằm vào mùa xuân và mùa hạ.
Mùa xuân nhắc nhớ đến những gì đã qua, những dấu ấn để lại trong kết cục được mất hay thành bại của mỗi người; mùa xuân mang đến niềm hân hoan trong lòng người trẻ và lại gợi lên nỗi buồn của đời người với những ai tuổi đã xế chiều. Còn mùa hạ thường mang đến những nhớ nhung, là mùa của cái nắng oi nồng, mùa của những cơn mưa xối xả, mùa của tiếng ve kêu râm ran trong khi những cây phượng ven đường đua nhau nở rộ những vòm hoa thắp lửa để rồi những cô cậu học trò lòng bồi hồi vì phải tạm xa trường lớp, thầy cô, bè bạn khi năm học nữa lại kết thúc.
Năm nay, lần đầu tiên Thục được nghỉ hè với tư cách một giáo viên tiểu học. Tuy không còn cảm xúc như một cô học trò nhỏ trong kỳ nghỉ dài ngày nhưng cô cũng thấy vui thích và phần nào mong đợi nó vì cô sẽ được thảnh thơi sau những tháng ngày lo lắng, căng thẳng với chương trình mới. Bỏ lại sau lưng những trang giáo án, những tiết dự giờ, những hôm tất bật chuẩn bị các môn học thẩm mỹ, âm nhạc, hội họa mà cô phải dạy kiêm luôn vì thiếu giáo viên.
Bây giờ cô có thể chăm sóc hằng ngày mảnh vườn nhỏ trồng những bụi cẩm tú cầu và những cây huệ đất với những bông hoa nở rộ màu cánh sen. Cô cố ý trang trí góc phòng của mình cho thật lãng mạn bằng những bức ảnh phong cảnh, trên tường gắn những ngôi sao dạ quang đủ màu sắc và hôm nào cũng đặt trên bàn viết một bình đầy những loài hoa hái được trong vườn nhà.
Thục làm những công việc đó trong ba tuần, mặc dù cô có vẻ thảnh thơi, nhàn hạ nhưng trong thâm tâm cô cảm thấy một sự thiếu vắng, rỗng không mà Thục chỉ nhận ra được khi một hôm chị hàng xóm sang nói như phân trần: “Em ơi, em dạy giúp thằng bé nhà chị trong mấy tháng hè, chị sợ thời gian chơi nhiều quá nó sinh lêu lổng mà chị thì bận làm lụng suốt ngày…”.
Khi Thục dạy kèm những đứa trẻ hàng xóm của cô ở đây, cảm giác thiếu vắng ấy lại ùa về ngập tràn trong cô. Cô nhận ra đó chính là nỗi nhớ trường lớp, nhớ những cơn mưa núi rừng, nhớ con đường gập ghềnh thác lũ, lầy lội nước nguồn, nhớ con suối ẩn hiện dưới những tán cây rừng. Và khi bọn trẻ tranh nhau kể về một phim hoạt hình nào đó chiếu trên truyền hình, Thục bỗng nhớ da diết đám học trò của cô - những đứa trẻ mặt mày, tay chân lúc nào cũng đen nhẻm, nheo nhếch, quần áo xộc xệch, quanh năm chỉ biết quẩn quanh với nương khoai, rẫy mía, biết đi thì giữ em, biết chạy thì giữ bê, giữ nghé.
Thục đã không khỏi buồn lòng vì các em đi học không đều nhưng rồi cô lại thấy thương chúng hơn. Ngay những hôm trời nắng cũng có em đến trường, quần áo tập vở ướt mem vì té xuống suối. Hôm nào trời mưa to cũng có nhiều đứa không mang tập viết đi học vì sợ ướt, nên bao giờ trong túi xách Thục cũng có sẵn vài cuốn tập và viết chì để phát cho các em.
Nhớ ngày đầu khi Thục nhận lớp, thầy hiệu trưởng cũng đã nhìn cô với vẻ ái ngại qua lớp kính dày trễ xuống tận chóp mũi, giọng cảnh báo: “Sẽ có rất nhiều khó khăn đấy nhé cô bé!”. Lúc đó Thục chỉ lí nhí: “Dạ, con biết” để giấu những khát vọng đang cháy bỏng trong cô. Vì khát vọng đó cô đã tự nguyện bỏ tất cả lại sau lưng - phố thị, bạn bè và những thú vui chơi đáng có của tuổi thanh xuân - để làm cái việc mà đám bạn cô đều cho là điên rồ, vì họ biết Thục thừa sức để xin được về dạy ở thị xã hay một nơi nào đó tốt hơn nhiều.
Ngày đầu lên lớp, Thục phải xắn quần lội suối tới lớp, đôi giày buộc lại xách tay, và cô phải chăm chú, vất vả lắm mới tránh được những cây gai mắc cỡ mọc chi chít ven đường. Vậy mà khi vô lớp Thục vẫn ngạc nhiên vì thấy trò nào cũng đi chân đất cả. Lại gần một em, cô trìu mến hỏi:
- Dép của em đâu? Sao em không mang dép đi học, đường rất nhiều gai...
Im lặng và ngập ngừng một hồi, cậu học trò mới trả lời, đầu cúi thấp:
- Tao đi chân không quen rồi ờ...
Nghe cách xưng hô của cậu học trò, ban đầu Thục hơi sửng sốt nhưng rồi cô hiểu ra đây chính là lúc cô đối diện với thực tế khó khăn, và ẩn sau những câu chuyện hài hước cô từng nghe về cách xưng hô đó là số phận của những con người bé bỏng, mỏng manh trước bao bất trắc cuộc đời. Xen lẫn với các bài học chính khóa Thục thường phải dạy các em cách xưng hô, cách nói chuyện với người lớn tuổi, cách thưa gửi, dạy các em biết phân biệt điều hay lẽ phải. Hầu hết những đứa trẻ học ở đây là con em của bà con dân tộc ít người mới đây còn sống du canh du cư chênh vênh trên sườn núi, cái bụng còn đói thì làm sao biết đến cái chữ.
Dạy trước Thục ở đây có Tuyết; có lần Tuyết nói với Thục: “Buổi sáng đi học mấy tiết đâu có đủ để các em nhớ, chiều về lại chỉ nói chuyện với người thân bằng tiếng dân tộc nên mình dạy bao nhiêu điều ở lớp chúng đều quên hết”. Quả nhiên mọi việc đều xảy ra đúng như Tuyết kể, nhưng đối với Thục các em cũng rất đáng yêu. Thục nhớ nhất những tiết dạy hát, mặc dù đám học sinh của cô hát chưa đúng giọng nhưng tiếng hát của chúng ngân nga trong trẻo và đặc biệt là những đôi mắt hoang sơ sâu thẳm mở to như chứa đựng những bí ẩn của núi rừng.
Thục trở lại trường khi ba tháng hè đã kết thúc, cô không ghé rủ Tuyết như mọi khi vì Tuyết vừa lập gia đình và đã xin chuyển sang dạy ở xã. Một thầy giáo vừa chuyển về để thay Tuyết, anh sẽ dạy lớp 1, còn cô dạy lớp 2 với những học trò cũ của cô năm ngoái. Nhìn vội lên bảng công tác của trường, Thục thấy có tên thầy giáo mới: Minh. Cô đi thẳng về phía lớp. Những đứa trẻ đã ngồi ngay ngắn, giương những đôi mắt ngơ ngác lên nhìn cô giáo. Ba tháng hè qua dường như da chúng càng đen hơn, quần áo xộc xệch hơn, lại dính đầy nhựa cây, sình lầy... bốc ra một mùi chua nồng, ngai ngái. Thục đi khắp lượt, đến cuối lớp rồi quay trở lại bục giảng, cô hỏi:
- Ba tháng vừa qua các em nghỉ hè có vui không?
Cả lớp đều yên lặng. Thục biết trở lại lớp học sau ba tháng hè các em sẽ trở về với trạng thái bỡ ngỡ ban đầu như khi mới bước chân đến trường, nhưng cô không ngờ tình hình lại tệ đến vậy. Thục biết nếu không lấy lại sự thân mật thì khó mà dạy các em được.
- Thời gian vừa qua các em có ôn lại bài cũ và tập viết như cô đã dặn không?
Vẫn im lặng. Một lần nữa Thục đưa mắt nhìn khắp lớp học rồi gọi đứa bé ngồi bàn đầu tiên:
- K’rin, em hãy đánh vần đọc cho cô nghe hàng chữ cô vừa viết trên bảng xem.
Thằng bé đứng dậy, dáng điệu rụt rè nhưng đôi mắt vẫn nhìn Thục không chớp, mãi nó mới buông một tiếng cộc lốc:
- Quên ờ…
Thục thất vọng nhưng cố nén nước mắt sắp trào ra:
- Vậy là các em không ôn bài cũ như cô dặn phải không? Thôi, không sao, rồi cô trò mình sẽ ôn lại sau. Vậy mùa hè qua các em đã làm gì giúp ba mẹ hay có câu chuyện gì vui các em muốn kể cho cô và các bạn cùng nghe không?
Lại im lặng. Không có gì khác ngoài những ánh mắt chăm chăm nhìn cô, những đôi mắt còn vẻ hoang dại núi rừng, những đôi mắt quanh năm chỉ biết nhìn rõ con cá, con cua dưới suối, con chim trên cành và trong trí não đám trẻ ấy chỉ nhớ làm cách nào để bẫy được nhiều thú, bắt được nhiều cá, nhiều chim rừng.
- Thôi, bây giờ cô sẽ kể chuyện cho các em nghe nhé!
Rồi Thục kể cho chúng nghe câu chuyện cổ tích về vẻ đẹp và sự kỳ diệu của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Cô cố giữ một giọng kể truyền cảm, chú ý nhấn mạnh đến những hình ảnh gợi nhớ, bọn trẻ cũng nghe rất say sưa, những đôi mắt mở to hồn nhiên. Kết thúc câu chuyện Thục hỏi:
- Các em biết không, vừa rồi là mùa hạ, mùa hạ thì sao các em? Nắng nóng nè, hoa phượng nở nè và cùng với những cơn mưa là những chú ve trên cây kêu râm ran vào những buổi trưa nè... Các em biết con ve không?
- Con nhót.
Thục thoáng vui mừng vì phần nào cô đã lấy lại sự gần gũi với các em, cô quay sang đứa học trò vừa mới trả lời:
- M’ Ka, em rất giỏi nhưng ở đây các em hãy nói và học thật giỏi tiếng mà cô đã dạy cho các em để sau này các em có thể học lên thêm nữa. Các em có muốn học lên không?
Có một cánh tay thập thò đưa lên, Thục đến gần đứa trẻ, cô hỏi bằng một giọng rất âu yếm:
- A Lũ à, em muốn nói điều gì với cô và các bạn phải không?
Đứa học trò ngập ngừng cúi đầu xuống hồi lâu, những ngón tay run run đặt trên bàn, lâu lâu nó rụt rè nhìn lên rồi lại cúi xuống. Thục im lặng nhìn em khuyến khích. Đứa học trò hình như cũng biết mọi người đang im lặng chờ đợi nó phát biểu và cuối cùng nó nói, ban đầu hình như lấy hết can đảm nên tiếng nó rất rõ, vang trong một không gian yên tĩnh, nhưng rồi mấy âm cuối yếu đi, xìu xuống, nhão ra tựa như bờ suối lở khi nước lũ tràn về:
- Thưa cô, cho tao đi… đ..á..i…
Đứa học trò vừa nói xong thì không khí lớp học như vỡ ra, những đứa trẻ khác gục đầu xuống bàn cười khúc khích trong khi khuôn mặt A Lũ vẫn đang ngơ ngác, sợ hãi. Thục có cảm giác như mình không thể nào chịu đựng được nữa, cô bước ra khỏi lớp học, không nén được những giọt nước mắt tuôn rơi. Quên mất là Tuyết đã chuyển đi, cô định chạy qua tìm Tuyết như mọi khi để chia sẻ nỗi thất vọng trong lòng nhưng chợt thấy thấp thoáng bóng thầy giáo mới, Thục vội vã nấp sau một tán cây rừng khóc nức nở. Vậy là những gì cô dạy các em trong năm qua cũng bằng không, chúng không nhớ gì cũng chẳng tiếp thu được gì.
Bây giờ Thục mới thầm trách mình sao lại chọn nơi này trong khi còn nhiều nơi cô có thể tới, ở đó cô được gần gia đình, có nhiều bạn bè đồng nghiệp, có những đứa trẻ mặt mũi sáng sủa, sạch sẽ, ngoan ngoãn, vâng lời và học hành chăm chỉ. Thục ngẩng lên, Minh đã đứng đó tự lúc nào. Mặc dù thoáng thẹn thùng nhưng Thục cũng không giấu đi những giọt nước mắt. Cô thất vọng quá rồi và hơn lúc nào hết cô cần sự động viên an ủi của ai đó. Minh ngồi xuống cạnh cô, giọng thân thiết như cô và anh đã quen biết tự bao giờ:
- Chúng ta tình nguyện chọn nơi đây làm nghề gõ đầu trẻ, nhưng những đứa trẻ ở đây không dễ gõ đầu chút nào phải không em? Nhưng lỗi không ở chúng, cũng không do ai cả, có trách chăng là trách cuộc sống quá cực nhọc, vất vả chốn núi rừng này. Chúng ta may mắn hơn họ quá nhiều. Có những điều làm ta ngạc nhiên, sửng sốt hay phật lòng thì đối với họ là bình thường. Những đứa trẻ có thể xưng mày tao với ông bà cha mẹ chúng và ông bà cha mẹ chúng cũng xưng hô như vậy với người trên, người khác, cái nếp đó đã ăn sâu vào máu thịt người dân và bọn trẻ ở đây bao đời rồi. Đã chọn con đường này thì còn ai nữa nếu chúng ta không đem ánh sáng văn hóa đến cho các em? Vừa gặp sóng cả đã ngã tay chèo thì liệu lương tâm của chúng ta có cắn rứt không nếu để mặc cho các em sống như thế giữa thời đại văn minh? Các em đang cần chúng ta đưa ước mơ của chúng thoát khỏi con suối bờ nương, đưa tầm mắt của chúng vượt ra khỏi sự phong tỏa của núi rừng và hướng chúng đến những điều tốt đẹp mà chúng ta may mắn có được...
Thục ngồi yên lặng lắng nghe Minh, lòng không khỏi cảm phục trước những lý lẽ thuyết phục và lòng nhân hậu của anh.
- Thôi, trở về lớp đi em, anh đi trước nhé.
Thục vào lớp, cô không ngờ những lời chân thành của Minh đã tạo cho cô sức mạnh và sự phấn chấn đến vậy. Sự phấn chấn như một ngày mới bắt đầu từ một buổi sớm bình minh rất đẹp. Nhìn ra cửa sổ cuối lớp Thục thấy Minh đứng cạnh giếng nước, một tay anh đặt nghiêng ngang chân mày chào cô theo kiểu quân đội và cười rất tinh nghịch. Thục bẽn lẽn giấu nụ cười sau viên phấn trắng.
TRỊNH THỊ THANH BÌNH - Tuoitre.vn
Tác giả truyện ngắn giản dị này sinh năm 1978, hiện sống tại Sông Pha, Lâm Sơn, Ninh Sơn, Ninh Thuận. Cô từng làm việc tại tổ thí nghiệm thuộc Nhà máy thủy điện Đa Nhim, hiện vừa đi làm vừa ôn thi vào đại học ngành ngữ văn mà cô coi là một ước mơ cháy bỏng. Bình thổ lộ rằng từ ngày còn nhỏ những lúc có điều gì buồn, vui hay được thấy phong cảnh đẹp, gặp con người thân thiện... cô thường viết những cảm xúc của mình lên giấy, lâu ngày thành thói quen.
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment