Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Với việc hứa hẹn sẽ xin một suất vào biên chế, nhiều giáo viên mới ra trường đã đưa hàng trăm triệu đồng cho ông Huỳnh Bê - Hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) để được nhận về trường dạy và chờ biên chế nhưng ông Bê đã không thực hiện lời hứa mà cũng không trả lại tiền.
Hàng chục lần đòi tiền Hiệu trưởng đều không được
Anh Chu Lý Thuần (SN 1988, ngụ xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) nhiều tháng nay đã cùng mẹ mình đi đòi lại tiền lại từ ông Huỳnh Bê hàng chục lần nhưng bất thành và toàn nhận lại những lời hứa hẹn 15 - 20 ngày sau sẽ trả nhưng thực chất đó toàn là lời hứa suông từ vị Hiệu trưởng này.
Anh Thuần chia sẻ, anh tốt nghiệp Khoa Sư phạm Toán, trường ĐH Tây Nguyên. Ngay sau khi anh ra trường, gia đình anh được một người quen biết giới thiệu tới dạy tại trường THCS Ngô Mây và đưa cho người này 160 triệu đồng thì anh Thuần sẽ được vào biên chế. Tuy nhiên, sau đó người này đã trả lại 160 triệu cho gia đình anh Thuần vì không thể lo được cho anh.
Cũng theo anh Thuần, vào thời điểm này, anh vẫn đang dạy hợp đồng tại trường ông Bê với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Biết tin có người trả lại tiền cho gia đình anh Thuần, ông Bê đã chủ động gặp gỡ, gọi điện thoại nhiều lần cho anh Thuần và cho rằng ông sẽ lo được cho anh vào biên chế nhưng chỉ phải đưa cho ông tổng cộng 130 triệu đồng.
Ngày 21/11/2014, anh Thuần cùng mẹ là bà Nguyễn Thị Biểu đã đến nhà con trai của ông Bê tại TP. Buôn Ma Thuột để gặp và trao cho ông Bê số tiền 100 triệu. Tại đây ông Bê có viết lại tờ giấy với nội dung “Giấy mượn tiền” và ghi rõ “Số tiền này khi gia đình chị Biểu cần tôi hoàn trả đủ theo yêu cầu của gia đình”.
“Khi trao tiền cho thầy Bê thì thầy có cho tôi xem tờ quyết định dài hạn có tên của tôi trong đó nên tôi rất tin tưởng. Tôi cũng ngỏ lời xin lại quyết định này nhưng thầy Bê không cho mà bảo để đi làm hồ sơ và bảo tôi cứ xuống trường dạy bình thường”, anh Thuần chia sẻ.
Quá trình anh Thuần đi dạy vẫn chỉ nhận được mức lương rất thấp, nghỉ hè không được lĩnh lương. Đến cuối năm 2015, anh Thuần được ông Bê gọi hối thúc đưa nốt số tiền 30 triệu đồng để lo việc vào biên chế, số tiền này anh Thuần đã đích thân trao tại phòng làm việc của ông Bê và cũng được ông Bê ghi lại “Giấy mượn tiền”.
“Tôi đi dạy trường cách nhà 80km nên phải nội trú ở lại trường, mức lương rất thấp không đủ sống. Nhiều lần gặp tôi có hỏi thầy về việc lo cho tôi nhưng thầy Bê đều bảo cứ chờ rồi thầy lo cho. Đến tháng 5/2017, thầy chủ động gọi cho tôi bảo lớp giảm, học sinh giảm nên cứ ở nhà chờ thầy gọi sau nhưng mãi vẫn không thấy kêu đi dạy tôi mới biết mình đã bị lừa”, anh Thuần chua xót nói.
Sau đó, anh Thuần đã xuống trường gặp ông Bê và nói thẳng rằng cho anh xin tờ quyết định dài hạn có tên anh vì chính anh cũng nghi ngờ tờ này đã bị làm giả nếu không được thì cho anh xin lại số tiền 130 triệu đã đưa nhưng ông Bê vẫn thoái thác và hẹn vài ngày sẽ trả (anh Thuần đã ghi cuộc trò chuyện này).
“Để có được số tiền đưa cho ông Bê, mẹ tôi đã phải vay mượn khắp nơi nay tôi chỉ muốn ông Bê có trách nhiệm hoàn trả lại cho tôi số tiền này để trả nợ và lo liệu cuộc sống mới. Hiện tôi ở nhà làm rẫy và đi hái điều thuê kiếm tiền mưu sinh, cuộc sống muôn vàn khó khăn”, anh Thuần chia sẻ.
Cắm sổ đỏ vay tiền để xin việc và bị lừa
Tương tự gia đình anh Thuần, gia đình ông Phạm Văn Chinh (ngụ xã Ea Kly, huyện Krông Pắk) cũng điêu đứng khi liên tục đòi số tiền 160 triệu đồng từ ông Huỳnh Bê nhưng vẫn không được. Ông Chinh cho biết, vào năm 2015 ông tình cờ quen biết ông Bê, qua trò chuyện biết được ông Chinh đang muốn tìm việc làm cho con gái mới tốt nghiệp ngành Sư phạm nên ông Bê đã cho rằng sẽ xin việc và lo cho con gái ông Chinh vào biên chế.
Để lo việc, gia đình ông Chinh phải đưa số tiền 160 triệu đồng cho ông Bê và được ông Bê cũng viết cho một tờ “Giấy mượn tiền”. Sau đó, con gái ông Chinh được nhận vào trường giảng dạy nhưng không được ký bất cứ hợp đồng nào, mỗi tháng chỉ được nhận từ 1,2 - 2 triệu đồng. Tuy nhiên, quá trình đi dạy con gái ông Chinh cảm thấy nhiều vấn đề không được rõ ràng từ ông Bê và mức lương quá thấp nên đã xin nghỉ việc vào tháng 8/2017.
“Tôi đã thế chấp sổ đỏ vào ngân hàng để vay 160 triệu đồng đưa cho ông Bê vì nghĩ ông giúp nhưng đã bị lừa, gia đình tôi ráo riết đòi cũng chưa được trả. Đã vậy, hàng tháng tôi còn phải đóng tiền lãi cho ngân hàng nên rất khó khan. Tôi mong các cơ quan chức năng vào cuộ giúp người dân chúng tôi lấy lại số tiền để trả nợ”, ông Chinh nói.
Chiều 27/3, trao đổi với PV Dân trí, Thượng tá Nguyễn Văn Dân - Phó trưởng Công an huyện Krông Pắk cho biết, đơn vị đang tiến hành quá trình xác minh, điều tra các vụ việc liên quan đến ông Huỳnh Bê mà người dân tố cáo. Sau khi có kết quả công an huyện sẽ thông báo lại cho báo chí.
Như báo Dân trí đã phản ánh, ông Huỳnh Bê đã lien tiếp bị nhiều người tố đã nhận hàng tram triệu đồng để nhận chạy việc nhưng đã nhận tiền mà không chịu thực hiện việc đã hứa.
Ngoài ra, ông Bê còn bị nhiều giáo viên của trường THCS Ngô Mây tố đã “ăn chặn” tiền lương của các giáo viên hợp đồng bằng cách lập 2 bảng lương khác nhau.
Bên cạnh đó, ông Bê còn cho con trai mình dù đã nghỉ dạy ở trường THCS Ngô Mây nhưng vẫn được nhận lương đều đặn, gây bức xúc dư luận.
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment