Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Đáng lo hơn nhiều lần chuyện cô giáo trừng phạt học trò là tìm ra cách ứng xử phù hợp với một hành vi mà theo tôi không hề nhất thời và bột phát.
Tôi không té nước theo mưa hay như có người bảo giờ đã rút chân ra khỏi vòng rồi, nói thế nào chả được. Tôi muốn bàn đến chuyện này một cách nghiêm chỉnh.
Không ít người đã lên án ngành giáo dục bằng những lời lẽ phẫn nộ. Điều ấy đúng nhưng chưa công bằng. Giáo dục không phải là một vương quốc riêng. Nếu giáo dục (cũng như văn hoá) làm được tất cả những điều tốt đẹp, chống được tham nhũng, ngăn được sự tha hoá của con người... thì những ngành khác nên nghỉ khoẻ, chỉ để lại hai ngành này thôi. Nói thế để thanh minh rằng có một ông Bộ trưởng giỏi hơn Bộ trưởng Nhạ mười lần bây giờ cũng không giải quyết được những căn bệnh trầm kha của giáo dục hiện nay. Nhưng ngành vẫn phải phấn đấu để loại trừ những cái xấu, cái ác là chuyện đương nhiên vì đó là nhiệm vụ xã hội đã giao cho ngành.
Ngành giáo dục từ lâu rồi đã nhiễm căn bệnh giả dối của xã hội. Thành tích ít, báo cáo nhiều, khuyết điểm thì che chắn, người ít năng lực nhưng giỏi thứ khác thì được cử vào các vị trí chủ chốt và phải cố có chỉ tiêu đẹp theo ý lãnh đạo địa phương, ngành nên mất thực chất. Rất nhiều phong trào được phát động, rất nhiều kết quả được báo cáo rất hay nhưng thực chất không thế. Cô giáo chỉ huy cả lớp học trò tát một trò bởi nói tục “làm mất thành tích của lớp”. Không ai phản đối chuyện giáo dục học trò, kể cả phạt, nhưng phạt kiểu ấy có nguyên nhân từ những chính sách xã hội khác như chọn người vào nghề sư phạm, cách giáo dục từ nhà trường, cách quản lý xã hội hỏng...
Sai của cô chỉ là kết quả hoặc có nguyên nhân từ nhiều sai phạm khác của ngành và ngoài ngành. Cô chỉ là một nhân tố của cơ chế ấy. Nói bằng ngôn ngữ quan toà thì cô vừa là tội nhân, vừa là nạn nhân. Có người sẽ cãi: Sao người ta không thế mà cô lại thế? Đó chỉ là cá biệt.
Cá biệt? Đúng vậy! Nhưng cá biệt này phản ánh sự xuống cấp phổ biến của nhân cách. Cô này cũng giống cô cho trò uống nước khăn lau bảng vì cho mình có quyền hành xử thế. Đó là triết lý giáo dục sai lầm. Rộng ra là cách tổ chức và quản lý xã hội còn nhiều khuyết tật.
Hai hôm nay truyền thông đưa tin nhà trường điều tra việc cô giáo cho cả lớp tát học trò nói tục theo cách cho trẻ viết phiếu trả lời để trường căn cứ vào đó mà kết luận. Xem bảng hỏi do trường nêu và báo cáo của trường gửi cấp trên (qua mạng) tôi như không tin vào điều có thật cay đắng này.
Hai văn bản ấy không chỉ thể hiện sự kém cỏi của người quản lý mà nó chứng tỏ người ta đã lệch lạc ghê gớm. Bắt trẻ em trả lời như vậy thể hiện người ta đã nghĩ sẵn và nghĩ kỹ cách làm thế nào để chứng minh chuyện ấy không có gì nghiêm trọng và chỉ là sai sót của cá nhân chứ không phải để sửa chữa lỗi lầm. Họ là những khuyết tật của một thứ văn hoá sai lầm, thứ văn hoá không vì con người, không tôn trọng con người.
“Trẻ em như búp trên cành”, trẻ em là tương lai của chúng ta. Trẻ em bị giáo dục như thế, sẽ thành người lớn theo kiểu nào? “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”, nỗi lo là vì vậy. Điều đáng lo không chỉ ở cái tát mà đáng lo hơn nhiều là những người liên quan ứng xử như thế nào, các đấng bậc hoạch định chính sách vì con người nghĩ và hành động thế nào về vấn đề này? Những gì nói ra rất hay, nhưng trong tổ chức thực hiện lại không được như thế.
Các cụ dạy rồi “không biết lo cái lo xa sẽ phải đối mặt với cái khó gần” không còn là chuyện xa xôi mà là chuyện hàng ngày. Thấy mới tin, thấy mới yêu, chỉ nghe thôi mà cứ bảo phải tin, phải yêu thì còn phân vân lắm. Bởi đã quá quen với cảnh “nói dzay mà không phải dzay” rồi.
Lỗ Tấn trong một truyện ngắn kêu gọi “hãy cứu lấy trẻ em”. Ông kêu vậy là vì tương lai dân tộc ông. Tôi nhắc lại lời của một bậc đại trí liên quan đến trẻ em nhân chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ này.
PGS.TS Phạm Quang Long
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment