Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Giáo viên phải chịu các áp lực đến từ nhiều phía: phụ huynh, học sinh, nhà trường, xã hội… nhưng họ lại ít được chia sẻ, thiếu đào tạo kỹ năng để vượt lên những áp lực cũng như những kỹ năng xử lý tình huống nghề nghiệp. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu chia sẻ tại buổi tọa đàm “Áp lực của giáo viên, nguyên nhân và giải pháp” do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức sáng nay, ngày 14/12, tại Hà Nội.
Quá nhiều áp lực
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, cô Phan Thị Hồ Điệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, giáo viên hiện chịu áp lực rất lớn từ phụ huynh.
Theo bà Điệp, phụ huynh thường kỳ vọng rất lớn vào con mình và vì thế đặt nặng vấn đề thành tích điểm số. “Đón con từ cổng trường, thay vì hỏi con đi học có vui không thì nhiều phụ huynh hỏi con được mấy điểm. Tôi từng chứng kiến cảnh học sinh bị phụ huynh đánh, mắng, thậm chí xé bài con ngay ở cổng trường, trước đông người. Và giáo viên cũng phải chịu áp lực làm sao đạt kỳ vọng của phụ huynh,” bà Điệp chia sẻ.
Cũng theo bà Điệp, việc phụ huynh vẽ nên bức tranh rất u ám trong đời sống nhà trường cũng sẽ khiến học sinh đến trường với tâm lý sợ hãi. Khi nỗi sợ càng cao thì chiếc lồng tâm thức hẹp lại, trẻ sẽ thiếu tự tin hơn, ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận của trẻ.
Áp lực từ phụ huynh cũng là chia sẻ của cô Đỗ Thúy Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dịch vọng B. Với kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề, cô Mai cho biết, với giáo viên tiểu học, một ngày phải dạy 7 tiết với 7 giáo án, không chỉ dạy chỉ kiến thức mà còn phải chăm sóc bán trú. Giáo viên đến trường từ 7 giờ 30 phút và rời trường lúc 17 giờ.
“Áp lực công việc lớn như vậy nhưng họ còn chịu áp lực lớn nữa từ phụ huynh. Đằng sau mỗi em học sinh là 6 người theo dõi, gồm cha mẹ, ông bà nội, ngoại. Có những sự việc xảy ra rất nhẹ nhàng phụ huynh chưa có sự chia sẻ với giáo viên đã đưa lên cộng đồng mạng, thậm chí đơn thư thẳng lên cấp trên. Có phụ huynh không kết hợp với giáo viên trong chăm lo cho con em mình. Trường tôi có 30 học sinh tự kỷ học hòa nhập tại các lớp nhưng có phụ huynh thậm chí không chấp nhận thực tế về con mình mà còn đổ tại giáo viên và nhà trường,” cô Mai chia sẻ.
Là một giáo viên trực tiếp đứng lớp, cô Hoàng Phương Ngọc, giáo viên Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết, giáo viên thậm chí còn chịu áp lực từ chính học sinh.
Là giáo viên một trường chất lượng cao, cô Ngọc cho biết học sinh của mình có những em rất giỏi và điều đó đòi hỏi giáo viên phải luôn luôn tìm tòi để nâng cao tri thức để có thể giải đáp được các câu hỏi của học trò.
“Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có những học sinh chỉ ở mức trung bình, nếu giáo viên dạy ở mức quá cao các em lại không hiểu. Có những em cá biệt về tính cách, về hoàn cảnh… Trong một lớp học với nhiều trình độ học sinh, nhiều đặc điểm riêng như vậy, giáo viên chịu nhiều áp lực khi phải đáp ứng nhu cầu riêng của từng đối tượng, vừa phải có kiến thức, vừa phải tâm lý, và phải đối mặt với nhiều tình huống sư phạm. Giáo viên không chỉ là người dạy kiến thức mà còn phải như chuyên gia tâm lý, lại phải như cha mẹ các em,” cô Ngọc chia sẻ.
Bên cạnh những áp lực từ phụ huynh, từ học sinh, cô Ngọc cho biết giáo viên còn phải chịu áp lực từ cơ chế quản lý, từ hệ thống sổ sách rườm rà, từ dư luận xã hội…
Làm sao để giáo viên vượt lên trên áp lực?
Lắng nghe các ý kiến tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho chia sẻ với những vấn đề các thầy, cô giáo đang gặp phải, những áp lực của nhà giáo.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng bất cứ nghề nào cũng có áp lực và vấn đề đặt ra là phải làm sao để giúp các giáo viên có thề vượt qua các áp lực đó. Ông Nhạ cũng cho rằng, giáo viên có chịu áp lực từ phụ huynh nhưng phụ huynh và giáo viên đều mong muốn học sinh được giáo dục tốt hơn. Một số phụ huynh chưa đồng hành cùng nhà trường nhưng đây chỉ là số ít so với số phụ huynh luôn quan tâm tới việc học hành của con mình. Vì thế, nhà trường và giáo viên cần chia sẻ nhiều hơn để phụ huynh hiểu, chia sẻ, và đồng hành trong việc giáo dục học sinh.
Để giải tỏa áp lực cho giáo viên, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia đưa ra.
Theo cô Phan Thị Hồ Điệp, trong mỗi trường nên có một tổ tư vấn là nơi tiếp nhận ý kiến của phụ huynh, là nơi phụ huynh có thể chia sẻ mà không phải gặp trực tiếp giáo viên. Trường cũng có thể giúp phụ huynh có thêm kiến thức về chăm sóc con để song hành cùng trường bằng cách hướng dẫn phụ huynh cách giao tiếp với trẻ, thay họp phụ huynh mang tính hình thức bằng các cuộc gặp riêng hoặc theo nhóm để cùng phụ huynh tìm ra cách giáo dục tốt nhất cho học sinh.
Cô Lệ Thu, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng kiến nghị các trường nên có giáo viên tư vấn tâm lý để hỗ trợ tâm lý cho không chỉ học sinh mà cho cả các giáo viên, phụ huynh.
Trên thực tế, việc giải tỏa tâm lý cho giáo viên cũng đã được một số trường áp dụng. Tại Trường Tiểu học Dịch vọng B, quận Cầu Giấy, Hà Nội, theo cô Hiệu trưởng Đỗ Thúy Mai, trường cũng đã tổ chức các buổi tọa đàm với phụ huynh để phụ huynh hiểu hơn về phương pháp giáo dục của mình, từ đó chia sẻ hơn với giáo viên.
Tại trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, trường đã tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm thực tế để các giáo viên cùng rút ra bài học về xử lý các tình huống sư phạm.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ rộng hơn, nhiều chuyên gia cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có các giải pháp sâu xa hơn. Giải pháp đó là phải đặt yếu tố đặc thù nghề nghiệp trong tuyển chọn sinh viên sư phạm để chọn được người yêu nghề, yêu trẻ. Trường sư phạm cũng phải tăng thời lượng để rèn đạo đức nhà giáo cho sinh viên, rèn cách xử lý cách tình huống sư phạm.
Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy phải bồi dưỡng giáo viên thường xuyên với những buổi bồi dưỡng, tập huấn thực chất chứ không chỉ hình thức như hiện nay. Ngoài ra, cơ chế đãi ngộ cũng phải đảm bảo để giáo viên có thể đảm bảo cuộc sống, chuyên tâm với nghề….
“Giáo viên phải cảm thấy hạnh phúc thì họ mới có thể mang lại hạnh phúc cho học trò mình,” cô Lệ Thu, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói./.
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment