Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Chúng ta đều biết, trong từ điển tiếng Việt, từ “diễn” được hiểu như một động từ dùng để chỉ các sự việc như diễn văn nghệ, diễn tuồng…
Và, từ “diễn” này thường dành cho các diễn viên sân khấu, điện ảnh khi họ hóa thân vào các nhân vật.
Tuy nhiên, không biết tự bao giờ, từ “diễn” này cũng đã âm thầm xâm nhập vào môi trường ngành giáo dục. Giáo viên diễn, học sinh diễn và lãnh đạo ngành cũng diễn.
Thành ra, cái gì cũng hay, cũng hấp dẫn nhưng sau mỗi tiết mục “diễn” ấy thì mọi thứ lại không hoàn toàn phải vậy.
Thuở xưa, nhà thơ Nguyễn Khuyến - người có rất nhiều những bài thơ trào phúng ở đầu thế kỷ XX đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Trong đó có bài Lời vợ anh phường chèo khiến cho chúng ta khi đọc xong luôn cảm nhận được một nỗi buồn man mác, trong đó có 2 câu cuối của bài thơ như sau: “Vua chèo còn chẳng ra gì/ Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề”.
Tác giả đã mượn lời người vợ của anh phường chèo để nói chuyện nghề của anh phường chèo. Dù anh đóng vai vua hay quan thì cuối cùng anh cũng chỉ là một diễn viên mà thôi.
Sau vở diễn, bỏ hết lớp áo mũ ra thì anh cũng chỉ còn lại là một anh phường chèo kiếm ăn qua bữa.
Nghĩ về một số thầy cô giáo đang diễn trong ngành giáo dục bây giờ, “diễn” không chỉ là chuyện kiếm ăn qua bữa mà “diễn” để lấy thành tích, để được khen ngợi, để lấy lòng mọi người.
Người ta có thể diễn trong những tiết dạy chuyên đề, những tiết dạy giáo viên giỏi, những tiết được thông báo trước là có người dự giờ, diễn trong báo cáo thành tích, diễn trong báo cáo sáng kiến kinh nghiệm…
Người ta cứ thao diễn một cách tự nhiên khiến cho người chứng kiến đi từ ngạc nhiên này sang những cảm phục khác, diễn từ năm này sang năm khác.
Khi giáo viên được báo trước là có người dự giờ hoặc đồng nghiệp xin dự giờ thế là giáo viên chuẩn bị vô cùng kỹ càng.
Giáo viên căn dặn học trò chuẩn bị kỹ càng trước, rồi chuẩn bị máy chiếu, chuẩn bị bảng phụ rất chu đáo và cẩn thận.
Khi đến tiết dạy, giáo viên cứ liên tục diễn một cách tự nhiên như không.
Mỗi hoạt động trôi qua là giáo viên lại hỏi lớp là các em có hiểu bài không? Lớp học lại đồng thanh “dạ hiểu”.
Mỗi ý giảng của cô thầy xong, lại hỏi: “Đúng không các em”. Lớp học lại đồng thanh “dạ đúng ạ”.
Cứ thế, cứ thế, những hoạt động giảng dạy trên lớp được lặp đi lặp lại và học sinh khi được hỏi thì đương nhiên sẽ trả lời “đúng ạ” và “hiểu ạ”.
Nhưng, đúng và hiểu như thế nào thì phải kiểm tra lại mới biết một cách tường tận.
Những tiết thi giáo viên giỏi, thao giảng cũng được “nháp đi nháp lại” mới đến giờ “diễn” chính thức. Tất nhiên, những tiết học như vậy thì bao giờ cũng rất thành công.
Khi đã được xem là thành công thì đương nhiên là được khen dạy hay, được xếp loại tiết giỏi, được công nhận thành tích để cuối năm những thành tích này trở thành tiêu chí để xét thi đua.
Nếu có dịp lãnh đạo ngành đối chiếu bảng điểm cá nhân của giáo viên với bảng điểm của nhà trường sẽ thấy nhiều điều khác biệt.
Bảng điểm cá nhân của giáo viên bao giờ cũng được sửa chi chít bằng mực đỏ bởi mỗi khi học sinh bị điểm thấp thì giáo viên luôn phải “tìm cách” để những điểm số đó phải đẹp hơn khi vào điểm sổ lớn, hay phần mềm điện tử của nhà trường.
Sáng kiến kinh nghiệm hàng năm của nhiều giáo viên viết đạt giải cũng có một lý do là nhiều đề tài được diễn bằng ngôn từ rất hay, đánh lừa được người chấm.
Người ta cứ thao thao kể, miêu tả lại những bước hoạt động để rồi những cái hay, cái mới đó đã đạt được kết quả rất cao hơn so với trước đây. Và, cuối cùng đi đến kết luận là đề tài này có thể áp dụng rộng rãi trong ngành.
Tất nhiên, người chấm chỉ nhìn vào cách diễn trên những trang giấy đó mà xếp loại đạt hay không đạt chứ làm sao biết họ dạy dỗ trên lớp thế nào.
Những chuyên đề ngoại khóa được các trường, địa phương phối hợp tổ chức hàng năm thì chúng ta vẫn thấy diễn đó thôi.
Chuyên đề về phòng chống bạo lực, về giáo dục giới tính vẫn hay được các trường tổ chức. Vậy mà, bạo lực đâu có giảm, xâm hại học trò vẫn xảy ra thường xuyên.
Có điều, sau mỗi chuyên đề ngoại khóa như vậy thì luôn kèm theo bản báo cáo chi tiết rất hay và được đánh giá là thành công, hiệu quả…
Những buổi sơ kết, tổng kết năm học, trong những bài phát biểu của mình, Ban Giám hiệu nhà trường cũng trình diễn bằng những con số cực kỳ ấn tượng.
Những lãnh đạo ngành, địa phương, những khách mời đến dự nghe những báo về những thành tích, những kết quả đạt được như mơ vậy ai mà không thích thú, vỗ tay tán dương.
“Diễn” trong nhà trường có muôn hình vạn trượng, có cơ hội là một số người lại diễn. Chính vì vậy, là người trong cuộc nên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có thể không lạ gì chuyện này nữa.
Vậy nên, trong buổi làm việc tại tỉnh Yên Bái ngày 17/12 vừa qua, ông đã chia sẻ rất chân tình như sau:
“Tôi đang yêu cầu các vụ, cục rà soát để cắt giảm, nhiều cuộc thi hình thức, gây áp lực, không nâng cao được chất lượng cho giáo dục.
Thi đua dạy tốt, học tốt nhưng phải tốt thật chứ không phải áp lực theo hướng xấu. Chứ thi mà không thiết thực, diễn là chính thì rất phản cảm.
Năm ngoái đã cắt một loạt các cuộc thi rồi, năm nay tiếp tục rà soát. Cố gắng đưa thi đua thành việc thiết thực và hiệu quả”.
Đúng là “diễn” thì “phản cảm” vô cùng nhưng nó lại đang được nhiều người, nhiều trường áp dụng.
Chấm dứt diễn không phải là chuyện không làm được mà vấn đề mấu chốt là lãnh đạo ngành và địa phương có muốn chấm dứt hay không mà thôi.
Thực tế, muốn chấm dứt chuyện này chỉ cần Bộ rà soát lại những Thông tư, Hướng dẫn về xét thi đua, về các cuộc thi hiện nay xem cái nào cần bỏ, cần chỉnh sửa thì cần cắt bỏ ngay.
Bởi, suy đến cùng tiết mục “diễn” nào cũng hướng tới các danh hiệu thi đua để làm tiền đề cho việc khen thưởng và xét tăng lương trước thời hạn mà thôi.
Hướng tới việc dạy thật, học thật và cho ra kết quả thật là điều mà xã hội đều mong muốn từ lâu.
Nhưng, làm sao để nó trở về với giá trị thật thì đó phải là sự quyết tâm từ những người đứng đầu như Bộ trưởng, Giám đốc Sở, Trưởng phòng, Hiệu trưởng nhà trường …Nếu không, lãnh đạo diễn được, thì giáo viên họ cũng bắt chước theo
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment