Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi đã QUÊN rất nhiều sự tử tế trong ngành Giáo dục, bởi cứ quanh co từ ngữ mãi, khiến bao nhiêu điều tốt đẹp bị mất đi thật rồi!
Có một cái hội nghị, rất lớn, về “Đổi mới giáo dục” được tổ chức bởi người đứng đầu ngành Giáo dục. “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên...”. Cứ lặp đi lặp lại từ những cụm từ đó mà quên mất rằng chúng đã được nói đi nói lại bao nhiêu lâu rồi.
Quên
- Nhiều năm trước, con trai tôi còn học Tiểu học ở một trường có tên tuổi, cách nhà khá xa, do vậy cháu cũng đi học bằng xe buýt của trường. Một chiều đón con ở điểm trả học sinh, khi cháu cuối cùng xuống xe vẫn không thấy con mình, tim tôi đã như đứng lại. Gọi điện thoại đến trường không được, con không còn ở đấy. Huy động gia đình, bạn bè tỏa đi khắp nơi tìm con. Đứa bé 10 tuổi bị xe buýt nhà trường bỏ rơi hôm ấy đã tự đi bộ về nhà, từ Quan Hoa (quận Cầu Giấy) đến Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng), quãng đường dài 15km, mất gần 5 tiếng đồng hồ. Tôi không bao giờ quên cảm giác như phát điên của mình trong 5 tiếng đi tìm con.
Tất cả những gì tôi có thể làm lúc ấy là lao về nhà, hy vọng con đã về, rồi lại lao ra đường, rồi lao về nhà, lại lao ra đường, không biết bao nhiêu lần… Cho đến lúc nhìn thấy con đang lếch thếch trên đoạn đường cách nhà chừng 2km, mới bắt đầu khóc dữ dội cả mẹ và con. Ngày ấy hiếm điện thoại di động và con tôi không thuộc tuyến xe buýt nào ngoài tuyến của trường. May mà con nhớ đường về nhà, 5 tiếng đồng hồ ấy với tôi dài hơn bất cứ khoảng thời gian chờ đợi nào đã qua trong cuộc đời, cho tới tận bây giờ.
9 tiếng đồng hồ là quãng thời gian mà cháu bé 6 tuổi, ngày thứ hai đi học lớp 1, bị “BỎ QUÊN” trên xe buýt, trong một không gian kín như bưng, nóng, ngột ngạt khủng khiếp, và mãi mãi không tỉnh lại. Chiếc xe buýt đưa đón học sinh của một trường quốc tế, trường Gateway. Tôi thậm chí không muốn nhắc đến tên trường và số tiền học phí lên đến hàng trăm triệu mỗi năm mà trường này thu của phụ huynh học sinh.
Tôi cũng không dám hình dung ra nỗi đau đớn của cha mẹ cháu bé phải gánh chịu, họ không còn được thấy con trở về nữa, thật kinh khủng! Tôi muốn tránh cả câu chuyện đau thương này dù nó đã khiến cả xã hội “dậy sóng”. Nhưng hôm nay, nỗi đau bùng lên hôm trước bắt đầu ngấm dần, ngấm rất sâu vào lòng tôi cũng như những ai quan tâm, không chỉ vì cái chết của một cháu bé mà vì sự giả dối trong cái thông cáo báo chí mà trường quốc tế kia gửi đến các phụ huynh sau sự việc.
Nhà trường nói rằng cháu bất tỉnh trên xe và nhà trường đã đưa đi cấp cứu. 9 tiếng đồng hồ đằng đẵng, có ai xác định lúc cháu bất tỉnh sau khi đã chống chọi một mình trong cái không gian hãi hùng ấy là từ lúc nào? Nhà trường chắc đã cân nhắc kỹ lắm khi viết ra những lời tạ tội quanh co ấy.
Một cái thông cáo báo chí xảo trá, nói đến sự việc như nói đến một tai nạn. Một học sinh bất tỉnh trên xe hay một học sinh tử vong trên xe? Hai điều ấy rất khác nhau về bản chất. Và sự lập lờ từ ngữ khiến việc cháu bé mất đi giống như một tai nạn.
Thông cáo của trường đã không dám viết: Chúng tôi QUÊN! Sự thật là nhà trường quên, quên một học sinh trong suốt giờ lên lớp, giờ ăn trưa, giờ ngủ… Ngày thứ hai đến trường, nhà trường, nhẽ ra thầy cô phải gần gũi từng bé lớp 1 non nớt mới từ mẫu giáo lên, một cô giáo phải biết mình có bao nhiêu học trò trong lớp, một chuyến xe phải có người lớn đi kèm, phải có ai đó quay lại nhìn khắp xe một lần trước khi lũ nhỏ xuống hết, vậy mà QUÊN!
Một cuộc sống, như một cái cây nhỏ mới lên mầm, bị tước đi một cách hết sức vô lý, bởi QUÊN.
Tất nhiên không dễ nói, nhưng sự quanh co này khiến chúng ta rùng mình. Nó giống như đòn cuối giáng vào niềm tin rằng con trẻ được an toàn, ngay cả khi đến học ở một ngôi trường mà cha mẹ phải mất rất nhiều tiền, mong con được học hành và chăm sóc tốt như thế. Cả sự thẳng thắn để nói đúng sự việc cuối cùng cũng không có nốt. Và sự giả dối quanh co ấy còn tồn tại trong những người làm nghề giáo dục, sự mất an toàn sẽ mãi mãi là đương nhiên.
Cũng phải nói thêm rằng vào đúng ngày hôm ấy, 6-8, ở một tỉnh nào đó, một cô giáo quỳ gối nơi trụ sở UBND để dâng một cái đơn xin xét lại kỷ luật. Tôi không chịu nổi hành vi này dù rất muốn thông cảm với cô giáo. Rồi một đối tượng giả danh tu hành nào đó ở một tỉnh khác bạo hành một đứa trẻ vì không được đáp ứng những trò đồi bại mà hắn nghĩ ra trong một thứ gọi là “khóa tu” cha mẹ gửi đến để rèn giũa con trẻ trong kỳ nghỉ hè. Những tin tức cực kỳ bất an cho những người có con đi học. Mà gia đình nào chẳng có con cái đi học.
Và ngày hôm ấy, cũng có một cái hội nghị, rất lớn, về “Đổi mới giáo dục” được tổ chức bởi người đứng đầu ngành Giáo dục. “Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên...”. Cứ lặp đi lặp lại từ những cụm từ đó mà quên mất rằng chúng đã được nói đi nói lại bao nhiêu lâu rồi.
Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi đã QUÊN rất nhiều sự tử tế trong ngành Giáo dục, bởi cứ quanh co từ ngữ mãi, khiến bao nhiêu điều tốt đẹp bị mất đi thật rồi!
Nhà báo Phạm Thanh Hà
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment