Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Cốt lõi cuộc sống bắt đầu từ những yếu tố cơ bản và giá trị cơ bản. Khi kinh tế phát triển thì sẽ có nhiều thứ trang trí đường diềm, đẹp, không mấy cần thiết nhưng vẫn được chấp nhận, vậy nhưng khi khủng hoảng thì cuộc sống tự hướng mọi thứ quay trở lại giá trị cốt lõi của nó. Chỉ những công việc kinh doanh hiểu, đáp ứng được những giá trị cốt lõi đó mới có thể tồn tại qua thời khủng hoảng.
Những yếu tố và giá trị cơ bản sẽ giúp người ta tồn tại và vượt qua khủng hoảng. Tôi nhìn thấy điều đó trong bạn bè của mình.
Gia đình tôi thi thoảng có mua đồ ăn, rau tươi và gia vị tại một cửa hàng nhỏ ở phố Tô Tịch, gần hồ Hoàn Kiếm. Cửa hàng do một cô bạn tôi làm chủ. Rau rất tươi, thức ăn sơ chế hay chế biến sẵn đều rất ngon, cứ mỗi cuối tuần tôi lại ghé mua. Bẵng đi một thời gian khá dài tôi không đến, cho tới hôm vừa rồi, khi dịch bệnh đang bùng phát, tôi nhớ ra cửa hàng của cô bạn, quay lại để tìm mua chút thực phẩm. Cửa hàng đã không còn ở đó nữa.
Cực chẳng đã tôi đành phải quay xe tìm đến cửa hàng khác. Chị là một người cung cấp thực phẩm tươi có tiếng với sáu cửa hàng lớn ở Hà Nội. Khi tới nơi thì cửa hàng cũng đã đóng cửa, trả lại mặt bằng tự bao giờ. Cái ý nghĩ dịch bệnh đang thấm vào nền kinh tế chợt hiện hữu trong đầu tôi.
Tôi đành mở điện thoại gọi một anh bạn làm chuỗi các nhà hàng hải sản để đặt món nấu sẵn mang về. May thay bên anh vẫn hoạt động, món vẫn đủ dùng dù thực đơn đã bị cắt nhiều.
Về tới nhà, tôi gọi điện hỏi thăm người bạn thứ nhất. Trả lời tôi ở phía bên kia, cô bạn tôi rất vui vẻ. Trái với dự đoán, cửa hàng của bạn đóng cửa không phải do kinh doanh kém mà mô hình kinh doanh của bạn giờ đây đã chuyển đổi. Thay vì có một cửa hàng trên phố phân phối thực phẩm và rau xanh, bạn đã đầu tư mua một mảnh đất lớn trên Hòa Bình thành lập một trang trại trồng rau nuôi cá, nuôi gia cầm. Bạn còn liên kết với trang trại ở Mộc Châu và Thanh Hóa để đa dạng danh mục sản phẩm.
Nhưng điều đặc biệt, là bạn giờ cung cấp các loại rau hết sức cơ bản, cùng với các loại thực phẩm thịt cá cũng cơ bản, được sơ chế sạch đọc gói và hút chân không. Sản phẩm hoàn toàn không cầu kỳ, giá cả rất hợp lý. Phần tiếp thị và cả bán hàng lẫn chăm sóc khách hàng chỉ duy nhất thông qua một kênh: mạng xã hội. Các loại thực phẩm được các khách hàng đặt trước hoàn toàn theo giới thiệu và cửa hàng chỉ giao hàng mỗi thứ 4 hàng tuần. Tuy thế, bạn lại luôn có một lượng khách hàng rất ổn định và doanh số còn tăng trong những ngày đại dịch này, thậm chí còn không đủ hàng để cung cấp.
Rồi tôi cũng liên lạc được với chị bạn thứ hai, người đã từng có sáu cửa hàng phân phối thực phẩm và rau xanh tại Hà Nội. Chị đã đóng bốn, chỉ còn giữ hai. Tuy nhiên giờ đây chị cung cấp thực phẩm của mình cho các chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Do đã có mô hình phát triển bền vững từ trước, trang trại của chị nay đã được định hình và được quản lý khoa học. Các quy trình trồng rau nuôi cá, nuôi gia cầm và lợn sạch đã được hoàn thiện và được Nhật cấp chứng chỉ, một số sản phẩm đạt tiêu chí Halal có thể cung cấp cho các cộng đồng Hồi giáo. Toàn bộ thực phẩm chị cung cấp đều là thực phẩm theo tiêu chí thức ăn chậm (Slow Food), nó đối lập với khái niệm thức ăn nhanh (Fast Food). Lợn, gà, cá, rau đều được nuôi và trồng đủ số ngày cần thiết theo đúng quy trình của thức ăn chậm, các loại thực phẩm cũng rất cơ bản, không cầu kỳ nhưng tươi và ngon theo cách tự nhiên.
Nhờ những điều đó, chị chỉ giữ lại hai cửa hàng có doanh số tốt ở Hà Nội và đóng bớt các cửa hàng không hiệu quả. Khi các cửa hàng phải đóng cửa, khách hàng của chuỗi chuyển qua đặt hàng trên mạng, miễn phí vận chuyển. Mùa dịch này doanh số của chị cũng tăng một cách đáng kể do các gia đình đang có xu hướng tích trữ lương thực phòng dịch.
Người bạn thứ ba, anh bạn ở chuỗi nhà hàng hải sản sử dụng rất nhiều nguyên liệu nhập khẩu, khi khủng hoảng lan ra toàn cầu, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nguyên liệu thiếu hụt. Lại thêm sự sụt giảm nghiêm trọng về lượng khách khiến toàn bộ công việc của anh rơi vào tình trạng khó khăn.
Nhưng cũng vì nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu bị gián đoạn bởi dịch bệnh nên anh đã tìm ra một số nhà cung cấp nội địa chất lượng đảm bảo với giá thành thấp hơn hẳn. Việc còn lại là phải giữ sự ổn định của chất lượng nguyên liệu mà thôi. Nhà hàng bắt đầu chuyển sang phục vụ online, mang đến tận nhà các món cả ở dạng sơ chế và đã nấu hoàn thiện, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế. Nếu tình hình còn kéo dài, việc trả lại bớt mặt bằng, tinh giản bộ máy, thu hẹp qui mô là không thể tránh khỏi.
Tôi có cậu em là chủ một nhà hàng kiểu ăn uống tinh tế tại trung tâm Hà Nội. Tuy các món ăn của quán không quá đắt đỏ nhưng rất có "gu" lại kèm không gian được bài trí đặc kiểu thuộc địa, từ những ô cửa sổ đặc kiểu Pháp đến gạch lát, cầu thang, quạt trần, đèn trần đến một khoảng trời rộng mở đen mướt mỗi tối bên những nhánh cây cổ thụ. Quán đã từng rất đông khách. Với sự tràn qua của dịch bệnh Covid-19 tôi không biết nhà hàng ăn tinh tế của em ra sao, phần thì quan tâm bạn, phần cũng không muốn mất đi một không gian ẩm thực tuyệt vời như thế trong lòng Hà Nội.
Cm cung cấp không chỉ là một bữa ăn mà là không gian, sự trải nghiệm, một góc thư thái của tâm hồn hay cả văn hoá và lối sống. Vì thế sự chuyển đổi sang phục vụ qua mạng Internet là rất khó. Việc duy nhất em có thể làm là cắt bớt chi phí, duy trì phục vụ vài món nổi tiếng qua kênh online, cố gắng tồn tại đến khi dịch bệnh được dẹp yên phần nào.
Em cũng đã bàn bạc với đơn vị cho thuê mặt bằng nhưng điểm khó là mặt bằng thuộc nhà nước, nếu muốn giảm giá thuê thì phải có chính sách và hướng dẫn từ chính phủ và cụ thể ở đây là Cục Công Sản. Thông tin cũng đã được chuyển đi sang hội doanh nghiệp để hỗ trợ nhưng để đến khi có chính sách tháo gỡ chắc cũng không nhanh.
Theo nguyên lý thì khi có khủng hoảng, nhu cầu về hàng hoá sẽ rơi về mức cơ bản. Người ta sẽ ưu tiên những hàng hoá thiết yếu nhất phục vụ cuộc sống của mình và hạn chế chi tiêu cho những mặt hàng xa xỉ. Nhà tâm lý học Abraham Maslow đã chỉ rõ điều này trong tháp nhu cầu và học thuyết của mình. Việc hiểu sự dịch chuyển này đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với khủng hoảng của người làm kinh doanh.
Khủng hoảng là cơn sóng thần quét sạch những cửa hàng, công ty, công việc được đầu tư một cách tạm bợ, những kiểu làm ăn chụp giật hay hớt váng, nó cũng giúp đem lại giá trị thật cho con người và xã hội. Nó giúp sắp xếp lại các lực lượng tham gia thị trường, cách nhìn của họ về thị trường, nhu cầu và giá trị của khách hàng. Các đơn vị đầu tư bài bản, lâu dài, có uy tín và phát triển bền vững sẽ là những người trụ lại.
Khủng hoảng nếu kéo dài cũng sẽ khiến các ngay cả các công ty có tiềm lực tài chính mạnh, được tổ chức tốt cũng phải lung lay nếu họ không cung cấp được những giá trị thiết yếu cho khách hàng, cho cuộc sống, huống chi là những doanh nghiệp vừa và nhỏ hay những hộ kinh doanh cá thể. Nhưng cái thú vị ở đây là khách hàng là khái niệm tương đối rộng từ người tiêu dùng cá nhân đến các tổ chức, công ty, doanh nghiệp, bệnh viện, ngay cả đến chính quyền và chính phủ, đủ rộng cho người kinh doanh tìm cách phục vụ.
Khi tất cả các cửa hàng vật lý bị đóng cửa thì sự lựa chọn duy nhất của hoạt động kinh doanh là chuyển lên không gian mạng. Người ta có thể duy trì mối liên kết với khách hàng bằng các hoạt động chăm sóc khách hàng, cung cấp các thông tin, bài học, cẩm nang, kinh nghiệm sống qua mùa dịch và cuối cùng không thể thiếu là kinh doanh online. Nhu cầu luôn ở đó chỉ có là làm sao bạn đáp ứng được nhu cầu ấy.
Sự chuyển đổi kịp thời trong khủng hoảng giúp người kinh doanh tồn tại, hộ kinh doanh cá thể và người kinh doanh nhỏ dễ chuyển đổi nhất trong khi các doanh nghiệp lớn khó khăn hơn nhiều do mô hình cồng kềnh, nhiều yếu tố chi phối.
Không làm gì cũng là một chiến lược trong khủng hoảng. Khi người ta không thể làm gì trước toàn các yếu tố bất lợi đến trong kinh doanh, đóng cửa, dừng hoạt động để bảo toàn nguồn lực cũng là một sự lựa chọn không tồi. Cậu em họ tôi làm trong công ty du lịch đón khách nghỉ đêm trên tàu tại Vịnh Hạ Long, do không còn khách, dịch bệnh chưa biết bao giờ chấm dứt, cậu quyết định trả lại tàu cho chủ theo điều khoản bất khả kháng, cho năm người anh em họ hàng cùng làm trong công ty nghỉ với 50% lương, còn bản thân thì về phụ vợ bán đồ y tế và nghiên cứu làm thêm mỹ phẩm chờ thời cơ mới.
Dịch bệnh xảy ra ngoài ý muốn của con người, nó mang đến nỗi sợ hãi, khủng hoảng, nhưng nó cũng mang đến những cơ hội. Khủng hoảng sẽ tạo ra những thói quen tiêu dùng mới, tạo ra những thị trường mới, tạo ra những trật tự mới trên thị trường. Những gì chúng ta biết và rất chắc chắn ngày hôm qua thì có thể sụp đổ hoàn toàn vào ngày hôm nay. Vì thế việc chuyển đổi là không thể tránh khỏi, nó giúp cho người kinh doanh và doanh nghiệp có thể tồn tại qua giai đoạn khó khăn.
Cốt lõi cuộc sống bắt đầu từ những yếu tố cơ bản và giá trị cơ bản. Khi kinh tế phát triển thì sẽ có nhiều thứ trang trí đường diềm, đẹp, không mấy cần thiết nhưng vẫn được chấp nhận, vậy nhưng khi khủng hoảng thì cuộc sống tự hướng mọi thứ quay trở lại giá trị cốt lõi của nó. Chỉ những công việc kinh doanh hiểu, đáp ứng được những giá trị cốt lõi đó mới có thể tồn tại qua thời khủng hoảng.
Phạm Vũ Tùng
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment