Nhà Giáo Một Thời Nhếch Nhác - CHƯƠNG 8 - Edu dị truyện



Sàn mới, Tặng 15.000 Raca coin +30 Coin sàn miễn phí - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây

CHƯƠNG 8
ẫn theo như cung cách từ xưa, nhà trường bây giờ cũng chia mỗi niên học thành hai học kỳ, nhưng gọi là Học Kỳ 1 và Học Kỳ 2 thay vì tên cũ là Đệ Nhất và Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt. Ở cuối mỗi học kỳ, học sinh các lớp cũng phải làm bài thi cho tất cả các bộ môn để lấy điểm trung bình toàn năm, sau đó sẽ được xét cho lên lớp hay phải học lại.
Ngày trước, việc ra bài, chấm bài của các học sinh thi hai Lục Cá Nguyệt đều do các thầy cô đảm trách, nhà trường không lý tới. Miễn là có thi, có chấm bài và giao bảng điểm cho vị Giám thị là xong việc.
Còn bây giờ, tuy tính cách của kỳ thi thì vẫn thế, nhưng nó lại được rầm rộ thổi phồng lên, nào họp hành, nào thông cáo, nào quy trình, nào ôn tập, nào phụ đạo…cứ rối tinh lên, tạo nên một bầu không khí khẩn trương đối với cả thầy lẫn trò. Nhưng cũng vì thế mà nó cũng làm tăng thêm ấn tượng tốt đẹp của mọi người về sự quan tâm hết mức của Ban Giám Hiệu đối với học sinh.
Cho nên, cả tháng trước khi tới ngày thi, các thầy các cô đã đôn đáo hết buổi họp này đến buổi họp khác. Họ phải trình lên ban Giám Hiệu kế hoạch ôn tập trước khi thi, kế hoạch dạy thêm giờ phụ đạo cho các học sinh kém, rồi lại phải mở tung sổ điểm các tháng trước đó để lấy điểm trung bình trên các bài vở của học sinh. Sau đó là lập bảng phân loại, đứa nào thuộc con em chế độ cũ, đứa nào ở A vào hay ở Rừng ra, điểm trung bình nửa năm học của mỗi đứa bao nhiêu để dựa theo đó mà phân biệt: loại giỏi, loại trung bình, loại kém.
Những đứa còn kém thì lên lịch dạy "phụ đạo". Những đứa từ miền Bắc tức ở A vào, mà lại thuộc loại kém thì phải lập danh sách riêng để Ban Giám Hiệu tính toán việc nâng điểm sao cho kết quả kỳ thi nom đừng tệ hại quá. Và nhất là việc xét điểm lên lớp thì tuyệt đối không thể có đứa nào ở A vô mà bị tụt lại.
Trong giờ ôn tập, thầy cô phải soạn trước các đề thi thử để cho học trò làm quen với các câu hỏi trong đề. Rồi ở mỗi câu hỏi, người soạn cũng phải viết đầy đủ đáp án đi kèm để Ban Giám Hiệu xem xét, đánh giá hoặc uốn nắn sao cho câu hỏi phù hợp với trình độ học sinh cũng như đáp ứng nhu cầu về lập trường chính trị.
Lắm lúc bị nhồi vào đầu nhiều thứ việc quá, một anh bạn đồng nghiệp của tôi bỗng nổi cáu, văng tục :
- Thi Học kỳ trình độ Phổ thông Cơ sở chứ có phải Cử nhân, Tiến sĩ đ. đâu mà cứ ngậu sị cả lên.
Một cô giáo đáp lại:
- Chẳng Cử nhân, Tiến sĩ gì nhưng nghe nói có đại diện Phòng Giáo Dục Quận xuống thanh tra các buổi thi nên ông Hiệu trưởng nhà ta mới ngậu sị lên thế.
Người văng tục lúc nãy lại lên tiếng hậm hực :
- Mấy thằng Quận thì biết cái đếch gì mà thanh tra.
Rồi anh kể :
- Bữa nọ một tay ở đó xuống đây, cắp đít đi đi lại lại trên hành lang, vừa lúc tôi xớ rớ đi qua nên tôi mới bị kêu lại hỏi là: "Thầy dạy môn gì?" Tôi đáp tôi dạy môn Lý, cấp 2. Hắn lại hỏi: "Chương trình Thầy dạy tới đâu rồi, có bị trễ tiết nào không?". Tôi đáp là tôi theo đúng giáo án, trong giáo án có ghi cả ngày dạy, lẫn đề bài. Đó là bài "Ảnh thật và Ảnh ảo trong Thấu kính Hội tụ". Xin cứ mở ra coi.
Đến đây anh cười hề hề:
- Chắc hắn nghe thấy tiếng ..tụ…tụ .. nên hắn giật mình tưởng tôi nói bóng gió lãnh tụ gì đó bèn nghiêm mặt mà nói: "Thầy nói cái gì ? Ảnh nào chả là ảnh, sao lại có chuyện thực với ảo ở đây?"
Mọi người cứ ré lên cười, sau lại có người hỏi :
- Rồi thầy trả lời ra làm sao ?
- Ông nội tôi ơi ! Lại còn phải trả lời nữa kia à ? Tôi thì tôi ngả ngay cái nón ra, vái hắn ta một vái rồi tìm cớ chuồn một mạch !
Những mẩu đối đáp như thế cũng làm cho chúng tôi quên mệt và thì giờ qua mau.
Nhưng công việc thì chẳng vơi thêm chút nào. Trong những lúc thảo luận hào hứng, Ban Giám Hiệu nhà trường lại còn chấp thuận cho Chi Đoàn được phát động phong trào thúc đẩy học sinh tham gia cuộc thi "Đố Vui Để Học" dành cho các lớp Cấp 2. Đây là sáng kiến của mấy Thầy trong Chi hội Nhà Giáo Yêu Nước ‘cọp giê" nguyên văn chương trình "Đố Vui Để Học" của đài truyền hình số 9 VNCH mà người sáng tạo ra nó là anh Đinh Ngọc Mô, người đã sớm qua đời mấy năm trước đây.
"Dĩ nhiên hình thức học tập nào hay ho, có ích lợi cho việc học của học trò thì rất nên phục hồi và gìn giữ."
Ông Hiệu trưởng đã nói thế và chỉ tiếc là ông chỉ tuyên bố câu nói ấy trong có mỗi dịp này.
Tổ chức một cuộc thi Đố Vui, nghe thì đơn giản, nhưng cũng nẩy nòi ra đủ thứ linh tinh.
Trước hết là về việc soạn câu hỏi cho các thí sinh dự thi. Ông Hiệu trưởng đã ra rất nhiều chỉ thị theo kiểu dặn dò về việc này. Nào các thầy cô phải bám sát lập trường chính trị, phải theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước cũng như quy chế của ngành giáo dục. Rồi nội dung các câu hỏi cũng phải có tính cách nâng cao tinh thần giác ngộ cách mạng, phù hợp với trình độ kiến thức của học sinh, và không ra ngoài phạm vi sách vở đã được Bộ Giáo Dục chuẩn y ...vân vân ..và …vân vân..
Khi ngồi soạn những câu hỏi sao cho phù hợp với các yêu cầu đó, hẳn cũng đã có nhiều thầy cô oán thán mấy ông trong Chi hội Nhà Giáo Yêu Nước lắm. Trong khi mọi sự cũng đã rối bời lại cứ đẻ thêm chuyện để làm gì không biết nữa. Một vị chợt lên tiếng an ủi và giải thích :
- Mình bận thì các cha ấy cũng bận theo, chứ có ngồi không chỉ tay năm ngón đâu. Nhưng họ đang phấn đấu để được vào biên chế đấy. Lương đang ba chục lên ngay sáu chục, mấy hồi.
Ôi ! Cái vụ Biên Chế này mới chính là mối quan tâm của các thầy cô. Bởi nó là đầu mối chấm dứt giai đoạn "tạm dung". Được biên chế là được chính thức công nhận vào hàng ngũ của các nhà giáo trong nhà trường XHCN. Chẳng thế mà trong trường đã có tiếng xì xào bàn tán với nhau, kỳ này những ai thuộc diện biên chế, những ai còn đang được xem xét, chưa quyết định xong. Người có tin sắp được biên chế thì lại phấp phỏng không biết sẽ ở bậc lương mấy chục đồng ? Đang ba chục mà lên bốn chục, bốn mươi lăm thì chẳng ăn nhằm gì. Giá lên được bậc năm mươi, sáu mươi thì tốt hơn. Nhưng có người lại tỏ ra thành thạo phát biểu :
- Làm gì ra có chuyện "sáu mươi" ! "Năm mươi hai" là hết cỡ. Bên mấy trường kia đã như thế rồi.
Thế là lại có tiếng chép miệng :
- Thôi mấy thì mấy, miễn là cứ biên chế cho chắc ăn cái đã !
Phải trình bầy sơ qua như vậy để ta thấy các Thầy Cô quan tâm việc biên chế tới mức nào. Bởi vào "biên chế’ tức là vừa được lên lương, lại vừa chính thức được Bộ Giáo Dục tuyển mộ vào hàng ngũ các nhà giáo. Người chưa được biên chế thì chỉ là chân tạm bợ, có thể bị sa thải bất cứ lúc nào. Mà khi bị sa thải thì Phường Khóm tới nhà mời đi Kinh Tế Mới mấy hồi.
Cho nên, trong những sinh hoạt ngấm ngầm ở trường, ngoài chuyện xì xào về kỳ này ai được biên chế, ai chưa được xét tới, lại còn xuất hiện tình trạng "phấn đấu" để được vào biên chế.
Hai chữ "phấn đấu" vào thời kỳ này quả là ẩn tàng nhiều ý nghĩa. Nó chất chứa nhiều sự việc, mang nhiều hình thái, chứa đựng nhiều mánh khóe, lắm mưu mô và tất nhiên sẽ phát sinh nhiều bi kịch có thể nhớ đời.
Cho nên sẽ không có gì là khó hiểu khi nhu cầu biên chế làm nẩy sinh tệ nạn. Vài vị khả kính có thể đã lén lút gặp cán bộ, xầm xì báo cáo việc này việc kia. Nhưng đa số thì biểu lộ bằng hình thức bớt tệ hại hơn, tức là chỉ cứ cong cổ, gồng sức lên làm việc để "trên" nhìn thấy trình độ giác ngộ cách mạng của mình. Như vậy, trách làm chi mấy vị bên Chi Hội Nhà Giáo Yêu Nước đẻ chuyện, gây rối cho bà con. Họ cũng cần biên chế như ai vậy, vì nếu không cần thì họ đâu có vội chui vào cái Chi Hội mang tên là Nhà Giáo Yêu Nước này !
Được cái là đối với các giáo viên thuộc bộ môn Khoa học như Toán, Sinh Vật, Vật Lý, Hóa Học…thì việc soạn câu hỏi cho các cuộc thi Đố Vui Để Học tương đối là dễ. Kiểu như :
- Bộ phận hô hấp của con Cá là gì ?" (đáp án : Là Mang con cá, dùng để trao đổi không khí).
- Muốn 1 gam nước đang sôi bốc thành hơi thì phải cần thêm bao nhiêu nhiệt ?" (đáp án: 539 calo)
- Hóa trị của Nhôm, và cho biết hóa trị gam của nó ?"( đáp án : Hóa trị của Nhôm là 3- Hóa trị gam của nó là :A/n=27/3=9)
Cứ theo cái kiểu câu hỏi và đáp án như thế thì người soạn chẳng phải lo toan gì đến chuyện đường lối, chính sách hay lập trường chính trị gì cả.
Nhưng với môn Văn hay môn Sử thì có khác đấy ! Tôi đã thấy các giáo viên thuộc hai Tổ ấy cứ đôn đáo chạy tới chạy lui hỏi nhau, trao đổi từng câu, từng chữ để hoàn tất các câu hỏi như :
- "Bác Hồ đi ra nước ngoài tại đâu, năm nào ?"
Họ cãi nhau ỏm tỏi vì cái đáp án. Người thì cho là ở Nhà máy Ba Son, người thì cho là bến Nhà Rồng. Sau phải hỏi anh Bí thư Chi đoàn thì mới được xác định là bến Nhà Rồng. Còn câu hỏi thì cũng không được nói "đi ra nước ngoài" trống không, mà phải sửa là "đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước" mới đầy đủ. Cho nên đáp án hoàn chỉnh sẽ phải là : "Bác đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước ở bến Nhà Rồng, năm 1911".
Mấy thầy soạn câu hỏi được một phen toát mồ hôi hột. Đúng là có đi hỏi thì vẫn có hơn, chứ nếu chỉ nói khơi khơi "Bác đi ra nước ngoài" không thôi, thì chả hóa ra Bác…. đi du lịch à ???
Tuy nhiên những câu hỏi không dính gì tới Bác Hồ thì xuông xẻ và mọi người cảm thấy yên tâm hơn. Thí dụ như :
- Đọc câu tiếp theo của câu thơ sau đây : "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ…" và cho biết tác giả là ai ? (đáp án : Câu tiếp theo là "mặt trời chân lý chói qua tim" - tác giả là Tố Hữu)
- "Mặt trận Điện Biên Phủ trên không xẩy ra ở đâu ? năm nào ?" (đáp án: Ở Hà Nội và Hải Phòng - năm 1972)
Ngoài kiến thức lấy từ bài học ra, Ban tổ chức cũng phải chêm vào những câu hỏi có tính cách khẩu hiệu, nghĩa là cần nhắc đi nhắc lại trong bất kỳ tình huống nào. Thí dụ như:
- Ai đã lãnh đạo nhân dân ta đánh bại hai Đế quốc sừng sỏ thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ ?(đáp án : Đó là Đảng CSVN quang vinh !). Phải nhớ dặn học trò là đừng quên hai chữ "quang vinh".
Gặp những câu kiểu này thì vấn đề thắng-thua chỉ còn là thuộc toán nào nhanh tay bấm nút cho cái đèn bật sáng trước !
Vì thế, việc bấm nút các Toán viên dự thi cũng phải thực tập. Phải vừa nhanh tay, lại vừa chính xác, nghĩa là chộp xong được cái nút rồi thì phải nhấn mạnh tay để bảo đảm mạch điện được nối thì chuông mới kêu, đèn mới nháy. Vốn là những dụng cụ chỉ do chế biến, nên chuông, đèn không được nhậy lắm, mặc dù cũng phải kể đó là một công trình vận dụng óc sáng tạo của các Tổ viên Tổ Đồng Hồ. Vào thời điểm đó, lại chỉ là một trường trung học cấp Quận trong Thành Phố thì ai lấy đâu ra được những bộ phận tinh vi như đã từng có ở Đài truyền hình số 9 trước đây. Cho nên các Thầy đã sáng chế ra một hệ thống bấm nút cho các nhóm dự thi, mỗi nhóm 4 người bằng những cái chuông đồng hồ báo thức nối mạch với 4 cái bóng đèn, thông qua 4 cái nút chuông điện thường có ở cổng các ngôi biệt thự. Đồ tuy han gỉ, xộc xệch, nhưng được mài giũa, chùi rửa kỹ lưỡng thì cũng đủ xài.
Chính ông Hiệu trưởng trường tôi đã đích thân xuống xem xét cái hệ thống nhấn chuông dự thi này. Ông xăm xoi từng mạch điện, ngắm nghía từng cái đồng hồ còn có khả năng reng chuông, rồi lại thử bấm đi bấm lại nhiều lần từng cái nút nhấn. Mà lần bấm nào thì đèn cũng nháy nháy, chuông cũng kêu reng reng, làm ông toét miệng ra cười. Xem ra ông rất hài lòng mà cũng khâm phục lắm ! Đây là một sự kiện hiếm thấy ở nơi ông khi ông công khai bầy tỏ các thầy giáo ở miền Nam cũng có nhiều khả năng và kiến thức.
Cuộc thi Đố Vui Để Học đã diễn ra rất xuông xẻ. Trong hội trường, tiếng vỗ tay cổ võ, tiếng la hét biểu lộ sự vui mừng chen lẫn với tiếng chuông kêu rèn rẹt, rèn rẹt sau khi mỗi câu hỏi được đọc lên làm bầu không khí trở nên rất vui nhộn. Thật hiếm khi nào mà Ban Tổ chức và người tới tham dự lại cùng chia sẻ với nhau niềm vui một cách chân tình như thế. Mấy vị cán bộ ở Phòng Giáo Dục trên Quận cũng xuống tham quan, khen ngợi, lại còn hứa viết phúc trình lên Thành Ủy để xin "nhân" cái hình thức tổ chức này ra tới nhiều trường khác nữa. Mặt mũi ông Hiệu Trưởng vì thế cứ tươi rói, và đây cũng là một điều rất họa hoằn, ít khi ông chịu biểu lộ ra.
Các Toán dự thi tất nhiên là được ban thưởng. Ở Toán thắng giải, mỗi người đều được một tờ giấy khen. Hai Toán Nhất và Nhì lại có thêm một gói to tướng, bao giấy bóng kính đỏ chói, bên trong có đủ thứ để mang về chia nhau nữa. Một cô giáo tò mò hỏi cô bạn trong Ban Tiếp Liệu :
- Các gói ấy có gì bên trong thế ?
Cô bạn nhẩn nha trả lời :
- Bút chì, tập vở, sổ ghi, kẹo cứng, …cả mì gói nữa !
- Vậy Nhất, Nhì như nhau à ?
- Đâu có ! Giải Nhất còn thêm bột ngọt.
- Ui cha ! Có cả bột ngọt thì ngon quá cỡ rồi !
o O o
Tới hôm tổng kết điểm thi của học trò tại Tổ Chủ Nhiệm Lớp, một cô giáo nói rụt rè:
- Lớp em chỉ có trên 60% đạt điểm trung bình. Còn thì toàn điểm 4 với điểm 3 thôi.
Một vị khác nói:
- Thế còn ngon chán. Cái lớp của tôi có đến hơn 10 tên thuộc loại cá biệt, chúng nó tạo ảnh hưởng xấu trong việc học nên chỉ có trên 30% là đủ điểm lên lớp thôi.
Có người kêu lên:
- Chết ! Như thế thì ‘vớt" làm sao ?
Tôi mỉm cười :
- Đừng có lo. Cứ theo chỉ thị của Ban Giám Hiệu mà làm.
Một cô chép miệng:
- Tình huống này thì phải nâng điểm đến cả nửa lớp mất thôi.
Những băn khoăn, thắc mắc của mọi người chỉ kéo dài có vài hôm. Qua tuần lễ được coi là kỳ hạn các giáo viên phải nộp bảng tổng kết sĩ số học trò được lên lớp, thì ngay đầu tuần, tôi được gọi lên văn phòng Ban Giám Hiệu để gặp ông Hiệu Trưởng cùng bà Hiệu Phó. Bà Phó lên tiếng trước:
- Tình hình các lớp của thầy tới đâu rồi. Đã có bảng tổng kết chưa ?
Tôi đáp:
- Về điểm chính thức thì chúng tôi đã cộng xong hết rồi, nhưng chưa vào sổ vì còn chờ coi chủ trương của nhà trường lấy vớt là bao nhiêu ?
- Lớp mà thầy làm Chủ nhiệm có tỷ lệ bao nhiêu đứa được lên lớp ?
- Năm mươi lăm phần trăm.
Ông Hiệu Trưởng bây giờ mới lên tiếng :
- Sao ít thế ? Thầy dạy dỗ ra sao mà kết quả ra nông nỗi ấy ? Có giáo án đầy đủ không ? Có dạy phụ đạo không ? Trước ngày thi có ôn tập không ? Có nghỉ ốm ngày nào không ?
Bị hỏi dồn một thôi một hồi, tôi chỉ nhún vai không trả lời. Hình như bà Phó lãnh công việc kiểm tra giáo án cũng như việc dạy dỗ của các giáo viên, nên bà biết tôi chẳng hề vi phạm một cái lỗi gì. Vì thế bà lại ôn tồn nói :
- Tình hình chính trị, xã hội bên ngoài chưa ổn định ắt có tác động vào việc học của học sinh nên mới ra nông nỗi ấy. Nhưng sĩ số học sinh bị tụt lại mà lên quá cao thì trường ta còn có cái uy tín gì, nhất lại vừa gây thành quả tốt đẹp sau cuộc thi Đố Vui Để Học vừa rồi.
Ngưng một chút, bà nói tiếp :
- Cho nên trước tình hình này, tôi đề nghị ta không xét điểm trung bình nữa. Cứ ấn định xong tỷ số học sinh được lên lớp rồi theo đó mà đôn lên. Còn điểm học bạ ta sẽ điều chỉnh sau.
Tôi hỏi :
- Vậy là bỏ qua chuyện trình độ học sinh kém à ?
- Ừ ! Cái đó giải quyết bằng dạy phụ đạo sau.
- Vậy nhà trường ấn định tỷ lệ lên lớp là bao nhiêu ?
Bà Phó hỏi ngược lại :
- Theo thầy thì ta nên bao nhiêu ?
Tôi trả lời :
- Dù có đôn những đứa dốt lên cũng chẳng giúp được gì cho chúng vì càng học sẽ càng đuối, có khi làm hại nó không chừng. Tôi vẫn nghĩ là nếu có vớt thì cũng vớt in ít thôi, tùy theo số điểm trung bình…
Bà Phó nghiêm giọng :
- Thôi khỏi bàn cãi nữa. Uy tín của nhà trường là điều cần thiết. Phô ra những con số lết bết thì đẹp mặt cả đám, kể cả các thầy. Mà trách nhiệm của các thầy là chính !
Ông Hiệu Trưởng lại xen vào. Giọng ông khàn khàn, ông nói như ra lệnh nhưng lại không muốn nói to để bên ngoài có thể nghe thấy :
- Thôi cho chúng nó lên lớp 95% đi. Trường ta đang ở diện tiên tiến, thế là hợp lý rồi.
Tôi như bị con số 95% ghim vào trong đầu khiến người thấy choáng váng và tôi đã phải nắm chặt lấy tay ghế để tự trấn tĩnh lại mình. Rồi tôi lại nghe thấy ông Hiệu Trưởng dặn dò thêm:
- Thầy cứ về phổ biến lại trong Tổ của mình. Nhưng cấm không đuợc ghi con số ấy vào biên bản đó nghe !
Lúc trở về làm việc, nghĩ đến trình độ sa sút của học sinh do đủ thứ công tác mầu mè, rềnh rang trong suốt niên học lại được cho lên lớp tới 95%, tôi bỗng nhận chân ra được thực chất nền giáo dục của cái xã hội mới này. Nó được che giấu bằng chủ trương "Hồng hơn Chuyên", có nghĩa là học dốt cũng được, miễn là tinh thần phục vụ phải cao, lập trường chính trị phải vững, lý lịch cá nhân phải sạch, được Đoàn, được Đảng phê chuẩn về đạo đức cách mạng cá nhân…
Như thế thì tương lai của cái đất nước này sẽ ra cái gì, khi chỉ toàn một thứ dốt, lại thiển cận, cực đoan nắm giữ những địa vị then chốt lèo lái.
Một nỗi chán chường bỗng ùa tới khiến tôi mệt mỏi như muốn khụyu xuống. Là người đã từng dạy học từ nhiều chục năm qua, lại cũng đã kinh qua nhiều lớp học có đủ loại học trò, lòng yêu nghề trong tôi chỉ có tăng chứ không hề giảm.
Ấy thế mà trong giây phút này tôi bỗng thấy chán Trường, chán Lớp, chán cả việc dạy dỗ ngay cả với những đứa học trò rất thân mến của tôi. Cứ như thể giờ đây tôi không phải là một ông Thầy đúng nghĩa nữa.
Tôi tự hỏi không lẽ ở đây, chung quanh toàn là bà con thân thiết hay xa cách lắm thì cũng là đồng bào ruột thịt, vậy mà lại không có một chỗ cho những người như mình !


Sàn tặng 15000 RACACoin miễn phí - đừng bỏ lỡ, Bấm vào đây

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Post a Comment

loading...


 
Edu dị truyện ©Email: eduditruyen@gmail.com. All Rights Reserved. Powered by >How to best
Link:Bantintuvan|tailieusupham|khoahocsupham|SKKN hay|Soidiemchontruong|dayvahoctot|diemthivao10hoctrenmobile|tradiemthituyensinh|Travel - Du lịch
Top