Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
CHƯƠNG 18
T
ừ năm 1976, dân chúng miền Bắc vào Nam tìm thăm thân nhân ngày càng đông.
Trong dịp này, tôi cũng có cơ hội được gặp lại Duy, một anh bạn kể như là một trong những người bạn thân thiết nhất từ thời còn cắp sách đến trường, trong những năm theo bậc trung học.
Hồi đó, hầu như ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau. Ban ngày thì cặp kè trên đường đi học. Buổi tối sau khi cơm nước xong lại đã tìm đến nhà nhau, khi thì trao đổi bài vở nhà trường, khi thì bàn luận với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới biển.
Tôi học được ở Duy rất nhiều điều. Chẳng những về luận văn đã rất khá, anh còn có biệt tài viết Nhật Ký rất lưu loát, rất chăm chỉ đều đặn. Hầu như anh không bao giờ bỏ sót một ngày nào là không ghi chép một, hai trang trong cuốn sổ riêng của mình. Tôi thực tình không hiểu anh tìm ở đâu ra mà lắm ý tưởng để có thể viết được bền bỉ đến thế. Có đôi lần anh mở hé cho tôi đọc một vài trang. Cũng có khi anh chỉ thuật lại cho tôi nghe vài ý tưởng mà anh vừa ghi chép xong. Tất nhiên là tôi chẳng thể nhớ được điều gì, nhưng anh đã để lại trong đầu óc tôi một ấn tượng về con người của anh, đa sầu đa cảm, hay tự đặt ra cho mình những thắc mắc vẩn vơ rồi tự lý giải lấy cho mình. Còn tình yêu của anh thì cũng rất phong phú. Tôi thấy nhiều lần anh khoe là đã bị ngây ngất vì một hình bóng nào đó. Có người thì anh mới thoáng nhìn thấy là đã yêu rồi mặc dù chưa hề biết gốc gác của người ấy ra sao. Có người thì anh biết chỗ ở, biết thói quen ra vào, biết cả ngôi trường cô ta đang học, nhưng có mỗi cái tên thì anh chưa ‘điều tra" ra. Vậy mà hình bóng của cô cũng đã chiếm nhiều trang giấy trong tập nhật ký của anh. Cái cung cách vung vít tình cảm một cách vô cùng lãng mạn ấy, thật không còn từ ngữ nào đúng hơn mà tôi gán cho anh, đó là con người của anh "đặc sệt chất tiểu tư sản".
Khi Hiệp định Genève được ký kết vào tháng 7 năm 1954, tôi theo gia đình vô Nam, còn anh thì ở lại Hà Nội. Trước lúc chia tay, chúng tôi chỉ còn kịp kéo nhau đi tiệm chụp chung một tấm hình. Khi ảnh được rửa ra 2 tấm, chúng tôi cùng ghi ở phía sau một lời hẹn hò: "Hai năm sau chúng mình sẽ gặp lại.".
Cái mốc thời gian ấy chẳng bao giờ tới cả . Vì năm 1955, ông Phạm văn Đồng có gửi thư cho thủ tướng Ngô Đình Diệm, yêu cầu mở hội nghị hiệp thương để bàn về việc tổng tuyển cử nhằm thống nhất đất nước. Nhưng Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã bác bỏ đề nghị này dựa vào lý do chính phủ QGVN không ký vào hiệp định Genève và nhất là vì không có bằng chứng nào cho thấy miền Bắc đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi Quốc tế Cộng sản.
Thế là cuộc chia tay hẹn hò "hai năm"giữa hai chúng tôi phải đợi mãi hơn 20 năm sau chúng tôi mới có dịp gặp lại tại căn nhà của tôi ở bên Gia Định.
Mà Duy lại đã xuất hiện rất bất ngờ, không hề loan báo trước. Trên tay anh chỉ có mảnh giấy có vài chi tiết của một bản đồ vẽ nguệch ngoạc. Chắc là ai đó ở Hà Nội đã cho anh địa chỉ của tôi và anh đã mò mẫm tìm được tới.
Khi anh sừng sững bước vào, tôi không thể nhận được ra anh. Có vẻ như anh cố tình không nói năng thêm gì để xem tôi có nhận ra anh hay không. Phải mất cả phút đồng hồ để đầu óc của tôi bới tung quá khứ mong tìm ra một tên tuổi quen thuộc. Rồi tôi buông một câu sững sờ:
- Duy phải không ?
Chúng tôi mừng tủi nắm chặt tay nhau. Cái hẹn hai năm tính ra đã tới hai mươi hai năm mới được thực hiện. Bây giờ thì tôi có thể nhìn ngắm kỹ để quan sát những đổi thay ở người bạn cũ. Anh già hơn trước dĩ nhiên, nhưng tôi không thể ngờ anh lại có thể già đến thế. Mới ngoài bốn mươi mà tóc của anh đã nhiều sợi bạc, nước da trắng trẻo rất công tử bột ngày xưa nay đã khô cằn và đen sạm. Nhưng sự thay đổi nơi anh rõ nhất là ở nụ cười. Gặp nhau vui vẻ sao nụ cười của anh vẫn héo hắt như chỉ cố gượng vui. Ngay cả khi anh nói chuyện, tôi thấy anh luôn có vẻ ngập ngừng. Đâu rồi người bạn năm xưa của tôi với đủ tính chất hồn nhiên, tươi trẻ, năng nổ, ồn ào ?
Tôi giữ anh lại suốt một ngày để có dịp hàn huyên mặc dù nhiều lúc anh nằng nặc đòi ra đi, như thể sự lưu lại bất thường này đã đem lại cho anh những cảm giác bất an. Trong tình cảnh như thế, câu chuyện giữa hai chúng tôi tất nhiên sẽ chẳng hào hứng gì như khởi đầu tôi đã nghĩ. Tôi tưởng rằng sau ngần ấy năm xa cách, chúng tôi sẽ có biết bao nhiêu câu chuyện để hàn huyên, bao nhiêu nỗi niềm để chia sẻ. Nhưng niềm vui của tôi cứ bị vót lụi đi dần khi thấy cung cách trò chuyện của anh không có vẻ tự nhiên. Thỉnh thoảng, một người trong gia đình tôi đi ngang qua thì dù đang nói gì anh cũng im bặt, đôi mắt láo liên, liếc ngang liếc dọc cứ như một kẻ phạm tội luôn luôn lo lắng mình bị rình mò.
Nhưng dù giữ ý cách nào thì anh cũng tiết lộ cho tôi được biết nhiều chi tiết buồn thảm trong đời sống của anh. Người anh cả của anh trước đây là một quân nhân phục vụ trong ngành Quân Thứ Hành Chánh Lưu Động (GAMO-Groupe Administratif Mobile Operationnel) một loại tổ chức gồm cả quân sự lẫn chính trị do Pháp tài trợ có nhiệm vụ tổ chức và bảo vệ cơ quan hành chánh tại xã ấp của những vùng đã được quân đội Pháp chiếm lại khỏi tay Việt Minh Cộng sản.
Cũng như số phận của tất cả những cựu quân nhân, công an, cảnh sát hay công chức thuộc chế độ cũ, người anh của Duy đã bị gọi đi trình diện và không có ngày trở về. Sự kiện này đã giáng một đòn rất mạnh vào tâm tình của Duy. Đã thế, đời sống của gia đình Duy cũng bị gắn liền với cái lý lịch "ác ôn" của người anh cả của mình mà thêm khốn đốn. Tôi không rõ Duy đã phải phấn đấu đến thế nào để có thể tồn tại cho tới ngày nay, nhưng con người của anh thì đã bị tàn phá thấy rõ. Anh luôn có vẻ rụt rè, bất an, không bao giờ nói năng đến hết lời, hết ý của mình vì cứ đang nói đến nửa chừng thì anh chợt ngừng lại, như để đón ý người nghe. Con người tự tin, phóng khoáng, sẵn sàng biểu lộ hết ý nghĩ của mình mà không cần phải quanh co, giấu giếm nay đã không còn.
Sau này thì tôi có thể xếp loại anh vào hàng ngũ một số trí thức miền Bắc, những người không hề có tí chức vụ hay quyền năng nào nhưng cũng chẳng muốn bon chen phấn đấu để mong kiếm chác thêm đôi chút bổng lộc gì. Họ trái với nhiều người khác, tuy chức vụ hay quyền năng thì cũng chẳng hơn gì ai, nhưng lại sẵn sàng bán rẻ linh hồn vì chút danh vọng hay quyền lợi. Đây là hàng ngũ những kẻ sun soe, những chuyên viên đội đạp và là tác giả của những bài viết ngồi xổm lên sự nguyền rủa của dư luận vì tính cách bịa đặt hay xuyên tạc trắng trợn của nội dung bài viết.
Tôi thương hại cho Duy nhưng cũng mừng cho anh. Cái vốn Tiểu tư sản cuối cùng mà anh còn lại đã khiến anh không đến nỗi phải đi bán rẻ linh hồn cho dù con người đích thực của anh đã chẳng còn tồn tại từ bao nhiêu năm nay rồi.
Hôm chia tay, tôi gửi anh một gói quà, trong có vài món đồ dùng lặt vặt kèm theo vài cuốn sách cũ mà tôi nghĩ rằng anh sẽ thích đọc. Nhưng anh đã mở cái gói ra kiểm điểm lại từng món (một hành vi chẳng còn …tiểu tư sản chút nào !) và bỏ lại mấy cuốn sách.
Tôi nói :
- Sách này vô thưởng vô phạt, tôi mua lại trên vỉa hè Sài Gòn, không sao đâu.
Anh mỉm cười héo hắt :
- Đem về chật va li. Để dành chỗ cho líp xe, đá lửa và bút bi còn giá trị hơn.
Tôi ngạc nhiên:
- Bút bi mà cũng có giá kia à ?
- Có giá chứ ! Nhất là bút bi mực đỏ. Nhiều thầy cô ngoài đó thiếu cả bút mực đỏ để chấm bài cho học trò.
- Ủa ! Sao năm nào tới Ngày Các Nhà Giáo cũng thấy Nhà nước ra hiệu triệu khoe là hết lòng chăm lo đời sống của Thầy Cô.
Duy ngần ngừ rồi đáp :
- Thì cũng có đấy, nhưng tùy mức độ.
Tôi rất không ưa cái lối trò chuyện lấp lửng này (mà tôi đã gặp ở nhiều người chứ chẳng riêng gì Duy), nên hỏi tới :
- Tùy mức độ là có hay không ?
- Có chứ !
- Vậy đời sống giáo viên ngoài ấy được chăm lo đến mức nào ?
Anh cúi đầu rồi thở dài không nói tiếp. Mãi tới lúc trên con đường từ nhà ra bến xe buýt để tiễn chân anh về nhà người quen, nơi anh cư ngụ trước khi quay ra Hà Nội, anh mới thổ lộ:
- Cậu nhớ cô Quy không ?
Tôi lục lọi trí nhớ rồi buột mồm:
- Quy bán vải ở đầu phố hàng Đào ấy hả ?
Duy gật đầu :
- Gia đình cô ấy cũng bị cải tạo tư sản. Nhà cửa, tài sản bị tịch thu hết. Sau cô ấy cũng cố gắng ngoi lên và xin được một chân cô giáo ở một trường tiểu học ngoài ngoại ô. Chồng đi nghĩa vụ quân sự. Một nách cô ấy phải nuôi 2 đứa con nhỏ. Cả nhà cứ phải đói ăn thường xuyên. Một lần con ốm, nhà hết gạo, nhân gặp ca trực trường, cô ấy lẻn vào kho tiếp liệu xúc trộm một giá gạo, bị bảo vệ phát giác...
Nói đến đây bỗng Duy ngưng lại. Có vẻ anh nghẹn ngào cố trấn áp một cơn xúc động. Rồi anh lại tiếp :
- Tuy vậy nhà trường cũng thông cảm, không kỷ luật gì. Nhưng kể từ đó, cô ấy loay hoay với chính bản thân của mình, cứ y như cô đã là một kẻ tội đồ ngày xưa bị mang dấu ấn ở ngay giữa trán. Khi vào xúc trộm gạo thì tình mẫu tử trong cô trỗi dậy mạnh mẽ, bất chấp mọi thứ hiểm nguy, miễn lấp đầy được bao tử của con cái mình, lúc xót xa nhìn thấy chúng đói. Đến khi bị phát giác thì lương tâm nhà giáo của cô đã không tha thứ. Nó lớn tiếng nạt nộ, nó hành hạ, phỉ nhổ, khinh miệt cô khiến cho cô bây giờ không còn một chút dáng dấp gì gọi là niềm tự hào của một nhà giáo nữa. Nhiều khi đứng lớp mà nom cô như một cái xác không hồn.
Duy đứng lại ở ven đường. Từ xa, bóng dáng cái xe buýt đã xuất hiện và sắp sửa trờ tới. Chúng tôi nắm chặt tay nhau và cùng nhìn nhau không nói. Tôi bỗng cảm thấy như mình gần gũi với anh hơn là trong suốt quãng thời gian hàn huyên tái ngộ vừa qua. Nhìn ánh mắt của anh, tuy mệt mỏi nhưng thoáng hiện vài nét long lanh, tôi như vụt tìm lại được hình bóng của người bạn cũ ngày xưa.
o O o
Khoảng hơn mười ngày sau tôi lại còn có dịp gặp lại Duy khi tôi quyết định ra ga Sài Gòn để chào từ biệt anh trở về miền Bắc.
Thân nhân của Duy đã xếp hàng lấy vé cho anh từ mấy hôm trước nên anh đã vào sân ga từ lúc năm giờ sáng. Tôi đến sau anh, nhưng cũng không trễ, vì còn cả tiếng đồng hồ tầu mới khởi hành. Tôi chỉ việc lấy "vé vào sân" được bán ở ngay cổng vào sân ga. Loại vé này chỉ bán cho người đi tiễn thân nhân để được phép vào sân ga. Mua vé xong, tôi đã đi dọc dẫy toa tầu để tìm anh. Vào thời điểm đó, con tầu thống nhất Bắc Nam đã có thể chuyển bánh được coi như một niềm tự hào lớn lao của chế độ mới. Hành khách rất đông, đông nhất là đám ở Hà Nội vào thăm thân nhân rồi đến ngày phải trở ra và đám bộ đội phục viên tức được giải ngũ trở về quê quán. Ngoài ra cũng còn cả những cán bộ, công nhân viên di chuyển xuyên suốt tuyến Bắc Nam do nhu cầu công tác.
Các toa tầu lúc này đã khứ khự hành khách với đủ loại hàng hóa chồng chất chung quanh. Tôi nhìn thấy Duy lọt thỏm sau khung cửa sổ chen chúc những người. Trong khung cảnh này, tôi thấy rõ là chẳng còn dịp nào mà người đi, kẻ ở nói được với nhau những lời thở than trước khi toa tầu chuyển bánh. Duy hình như cũng biết điều đó nên cố thò cổ ra ngoài và hét to :
- Chào nhé ! Thôi đi về đi !
Tôi ngậm ngùi giơ tay lên vẫy anh thật lâu. Rồi bỗng như bị những người phía sau xô đẩy, anh chợt mất hút sau khung cửa sổ toa tầu. Tôi có cảm giác hụt hẫng, xé lòng như có một người thân vừa bị cơn sóng dữ ùa lên khỏa lấp và nuốt chửng mất hình hài vào lòng biển.
Rồi tôi cứ đứng như thế ngơ ngẩn như một kẻ mất hồn cho đến khi tiếng còi tầu rúc lên báo hiệu tới giờ chuyển bánh. Những người đi tiễn chạy ùa lên, cố với tay để vẫy gọi thân nhân trên tầu. Tôi cũng cố gắng tìm tòi hình bóng của Duy một lần nữa. Nhưng tôi không còn trông thấy anh ở đâu nữa.
Vĩnh biệt Duy ! Vĩnh biệt Hà Thành với điệu nhạc tuyệt vời mà tôi vẫn nghêu ngao từ hồi mới di cư vào Nam hồi năm 1954 :
Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi
Ánh đèn giăng mắc muôn nơi
Áo màu tung gió chơi vơi
Hà Nội ơi, phố phường dãi ánh trăng mơ
Liễu mềm nhủ gió ngây thơ
Thấu chăng lòng khách bơ vơ?
Có một điều thay đổi khi tôi nhớ đến bài hát này.
Vào năm 1954, hát lên bài này, tôi thấy lòng mình dâng lên một nỗi nhớ miên man, day dứt.
Vào thời điểm bây giờ, chỉ vài ba năm sau khi Sài Gòn đổi chủ, Hà Nội đã gần gũi hơn vì người Hà Nội đã vào đến đây. Nhưng buồn thay khi nhớ đến bài hát này, tôi không còn tìm thấy những tình cảm day dứt như xưa nữa. Hà Nội ngày xưa trong tôi đã phai nhòa trong những dáng người như Tửu, như Toán, như Duy….và nhiều toán cán bộ nam nữ khác từ miền Bắc vào, đi lũ lượt trên các đườngphố.
Lúc tiễn Duy trở ra về, tôi phải đi qua mặt tiền của khu nhà ga Sài Gòn, khi đó còn tọa lạc ngay gần xế cửa chợ Bến Thành.
Tuy trời vừa hửng sáng nhưng ở đây đã ồn ào, náo nhiệt. Từ ngoài vỉa hè đường vào đến dẫy tam cấp có những bậc xi măng bước lên gian đại sảnh của nhà ga, đâu đâu cũng chật ních những người. Nhưng nếu chui được hẳn vào khu vực chính bán vé thì quang cảnh mới thấy hãi hùng. Cả một đám người hiện ra, mang rặt một mầu ảm đạm như quần áo mầu xanh bộ đội đã cũ nhàu, y phục dân sự thì nhuộm đen, nhuộm nâu, cái lành lặn, cái vá víu hay rách nát, tất cả phơi bầy ra một khoảng chật hẹp mà chung quanh thì la liệt rác rưởi nào bã mía, giấy kẹo, tàn thuốc, cùng đủ thứ lá bóc ra từ bánh chưng, bánh giò…Tất cả những thứ ấy đều có mùi, từ mùi mồ hôi người đến mùi quần áo cũng như mọi thứ mùi rác rưởi đã quyện lấy nhau mà ngùn ngụt tỏa lên, bốc ngùn ngụt trong cái oi bức của một ngày nắng nóng Sài Gòn. Đã thế, trên sàn xi măng còn có kẻ đứng, người ngồi, nhiều góc còn có người giải báo, kẻ lót áo mưa ngả lưng ngay trên sàn gạch. Còn bộ đội thì lổn nhổn, la liệt, chỗ thì ngồi bó gối hút thuốc vặt, chỗ thì lim dim ngủ gật, lại có những anh còn đang ngáy khò khò vì chắc phải lấn chỗ, xếp hàng qua đêm nên bây giờ ngủ gục.
Ở ngay trước quầy bán vé, tuy mọi người có chen lấn nhau, nhưng hàng ngũ có vẻ trật tự hơn là ở phòng đợi. Đằng sau tấm lưới ngăn cách nhân viên hỏa xa với hành khách, cô nhân viên không thấy bán vé hay kiểm tiền mà chỉ có nhiệm vụ xem xét giấy tờ di chuyển của hành khách có hợp lệ không. Nếu hợp lệ thì được cô ta cấp cho một giấy chứng nhận. Được giấy chứng nhận rồi, hành khách phải trở về nhà để ngày hôm sau theo hẹn quay trở lại xếp hàng tiếp mà mua vé !
Tại sao nhà nước lại "hành" dân như thế ?
Không phải đâu ! Nhân viên bán vé không có thì giờ kiểm soát giấy tờ của hành khách nên mới phải đặt thêm một "khâu" kiểm tra trước khi bán vé. Sau khi giấy tờ được xem xét kỹ lưỡng là hợp lệ rồi, thì hành khách được cấp phát một vé kiểm nhận để trình ra khi mua vé tầu. Chỉ có thế mới ngăn chặn được bọn xấu ngang nhiên di chuyển bằng phương tiện của nhà nước trong khi các công nhân viên, cán bộ nhà nước phải chầu chực nhiều ngày mới mua được tấm vé. Riêng bọn giáo viên miền Nam chúng tôi thì không được mua vé đi Hà Nội, chỉ được ra đến Huế thôi. Qui định của nhà nước lúc đó là như thế. Cho nên phải thêm "khâu" kiểm tra giấy tờ trước khi bán vé là phải rồi. Còn kêu ca chi nữa !
Nói chung, để mua được một tấm vé tầu thống nhất Bắc Nam hồi đó, người ta phải mất ít nhất hai ngày. Ngày đầu đi xếp hàng xin kiểm nhận giấy tờ. Ai có người quen trong thành phố thì còn đỡ, nếu không thì cứ trải đại chiếu ra nằm, ngồi la liệt từ trong đại sảnh lan xuống vỉa hè nhẫn nại chờ qua ngày hôm sau chen chân vào giành chỗ mua vé. Thành ra số hành khách chờ đợi ở cả hai "khâu" cứ tích lại. Người đông lúc nhúc như bầy vịt chen chúc trong một cái lồng chật hẹp. Mặt mũi ai cũng bơ phờ nhếch nhác, hiếm thấy trên môi người nào nở ra được một nụ cười. Nếu cứ nhìn ngắm cho kỹ, ta chợt có cảm giác như đang phải đối diện với một lớp người từ cõi xa xăm nào hiện về. Họ có cử động mà không thấy nét linh hoạt. Họ có nói năng, trao đổi mà không thấy âm thanh sôi nổi của sự sống. Nhìn họ, ta thấy mọi nỗi cơ cực trong cái xã hội được gọi là XHCN bị bộc lộ ra hết. Nhân phẩm và những giá trị khác của con người đã không được giới lãnh đạo quan tâm nên mới ra nông nỗi này.
Nhưng nếu con người ở những chỗ đó câm nín, ít biểu lộ tình cảm ra ngoài thì các vật dụng hay hàng hóa mà họ mang theo lại có thể nói lên phần nào nỗi niềm ao ước nhỏ nhoi, hay tâm tình vui vẻ riêng tư của mỗi người.
Ta hãy coi một bác công nhân quàng trên vai cái khung xe đạp, tay còn ôm khư khư một bó căm xe. Anh bộ đội thì ôm đồm một mớ có đến hai, ba con búp bê bằng nhựa rẻ tiền lại kèm thêm vài chiếc áo đầm con nít may bằng vải in hoa mầu sắc nom rất lòe loẹt. Lại có những thùng những sọt để ngổn ngang trên lối đi, bên trong nhồi nhét đủ thứ đồ dùng như những cái khay nhôm, những chồng bát hay ly nhựa, những cái rổ rá bằng ny-lông xanh đỏ, và những nồi niêu, xoong chảo làm bằng nhôm, bằng đồng còn mới tinh nom như mới đúc ở lò ra.
Nhưng cái mà người ta mang theo nhiều nhất không phải là những đồ dùng hàng ngày mà lại là những ổ bánh mì, loại dài có, loại đóng thành khuôn vuông vắn nom như cái gối để đầu giường được gọi là bánh mì gối cũng có. Thành ra, trong cái nhà ga chật chội này, nhìn đâu cũng thấy túi, thấy gói mà cột buộc bên trong là những ổ bánh mì. Đấy không phải là thứ thực phẩm để ăn dọc đường nhưng quý giá hơn, nó là món quà rất được người ở nhà ưa chuộng và đón chờ khi có người thân đi xa trở về.
Chỉ cần liếc qua tất cả những hàng hóa mang theo đó người ta mới thấy nhu cầu của đồng bào miền Bắc đơn giản như thế nào, đời sống của họ đã thiếu thốn ra sao. Nhất là cái tính ẩn nhẫn, chịu đựng đã bền bỉ đến mức như thế nào. Bởi trong cái bầu không khí chật chội, oi bức, nồng nặc xông mùi như thế, sự chờ đợi lâu lắc không phải từng giờ, từng phút mà từ ngày nọ qua ngày kia đã khiến cho sự chịu đựng của con người có thể lên tới mức rũ liệt. Chẳng còn ai muốn góp phần vào đời sống chung quanh như chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn của sự đoàn tụ với thân nhân sau bao nhiêu năm chia cách. Ngoại trừ chỉ có đám người nào vừa mới tới thì mới cất tiếng om sòm, hỏi han nhau tíu tít chỗ nào xếp hàng để đăng ký giấy tờ, giờ nào thì nhà ga bắt đầu bán vé..v..v.. Nhưng những câu hỏi dù cất lên cách nào thì cũng chỉ rớt vào khoảng không, chẳng có ai lên tiếng mách bảo. Những người tới trước chỉ khẽ ngước lên nhìn, rồi lại thản nhiên nhắm mắt nằm im lìm, có vẻ như muốn biểu lộ cái ý "ta đã thế này thì người khác cũng phải chịu đựng như thế thôi". Diễn tả theo một kiểu khác thì đó là những thái độ vô cảm trong đời sống hằng ngày. Mà suy cho cùng thì đấy là một sự tróc gốc đạo đức của con người ở vào tầm mức đáng buồn nhất. Một quan niệm sống "mắc-kê-nô" tức "mặc kệ nó" như thế nếu xẩy ra chỉ ở vài cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt riêng tư thì cũng là lẽ thường. Nhưng khi nó biến thành cái quán tính chung của nhiều người thì phải nói, đấy là một thảm họa lâu dài cho xã hội.
Nhưng biết làm sao. Tôi cho rằng thứ tâm lý đó là hậu quả của những con người vốn đã từng trải qua những kinh nghiệm khiếp đảm. Họ chỉ hoàn hồn khi thấy mình còn sống sót, nhưng là một sự hoàn hồn trong tình trạng thất thần, không còn dám nghĩ đến những ước mơ gì, không còn dám cựa quậy gì để làm mất lòng các giới chức cầm quyền từ cỡ to xuống tới cỡ nhỏ. Bởi lãnh đạo dù ở cấp nhỏ nhoi thế nào cũng có quyền nắm sinh mạng của mình trong tay. Trong một đời sống đã quá cơ cực, thì một cái tem phiếu, một món hàng quốc doanh được mua ngoài tiêu chuẩn, một tấm giấy ngợi khen, một suất đi tham quan, hội họp, liên hoan ở ngoài địa phương đang sống …tất cả đều có thể tác động được vào hành vi sinh hoạt của tất cả mọi người. Bọn lãnh đạo, dù ở cấp cao hay cấp thấp, dù ở trong Ban Ngành hay tổ chức nào thì cũng đều lợi dụng tối đa để bắt nạn nhân phục vụ cho mình.
Cho nên, chỉ kinh qua những hoàn cảnh như thế, người ta mới thấm thía câu thơ nhại theo Kiều của Nguyễn Du :
Bắt phanh trần phải phanh trần
Cho may-ô mới được phần may-ô.
Các nhà văn, nhà báo trước đây thường ca ngợi ở Việt Nam cứ ra ngõ là gặp anh hùng, không biết khi bị nhân dân anh hùng đọc lên hai câu lục bát ấy, thì họ có biết gục mặt xuống hay không ?
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment