Tiết kiệm - Edu dị truyện



Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây


Mấy hôm vừa rồi đài báo nói nhiều về việc người Nhật dùng vỏ bao cám Con Cò và vỏ bao Phân Ure của Việt Nam để làm túi xách, mà là túi xách thời trang để đi chơi, đi dự tiệc chứ không phải túi để đựng khoai, đựng gạo treo ở góc bếp như bên Việt Nam mình đâu. Đọc xong thấy thật khâm phục tính tiết kiệm của người Nhật.
Càng khâm phục hơn khi biết rằng người Nhật không mất một xu  nào để mua hay nhập khẩu mấy cái vỏ bao đó từ Việt Nam.

Vậy Nhật làm cách nào để lấy được mấy cái vỏ bao đó? Xin thưa là họ đưa các đoàn khách du lịch sang Việt Nam, giả vờ là đi thăm quan phong cảnh nhưng thực chất là đi nhặt bao. Cứ thấy cái vỏ bao nào vứt trên đường, trên phố là người Nhật gom lại và cất đi. Người Việt mình không biết lại cứ tưởng là mấy người Nhật tốt bụng, nhặt rác giúp chúng ta, bảo vệ môi trường giúp chúng ta, nhưng thực ra Nhật đâu có tốt đến vậy, họ làm chỉ vì lợi ích của họ thôi. Mấy anh chị bên ngành du lịch suốt ngày cứ lên giọng huênh hoang rằng nhờ dịch vụ tốt, quảng bá tốt mà du khách quốc tế, đặc biệt là du khách Nhật Bản đến với Việt Nam ngày càng đông, mà không hiểu rằng họ qua đâu phải để du lịch, họ qua nhặt vỏ bao thôi. Và tất cả các bao được đưa từ Việt Nam về Nhật đều là bao xách tay.


Rõ ràng tiết kiệm là đức tính mà chúng ta cần phải học tập ở người Nhật: đừng vứt bỏ, đừng lãng phí một thứ gì nếu như chúng vẫn còn giá trị sử dụng, dù là nhỏ nhất. Và để khích lệ, phổ biến thật rộng rãi tinh thần tiết kiệm ấy thì hôm nay, tôi xin giới thiệu đến các bạn một số cách để tận dụng triệt để những đồ vật mà đôi khi chúng ta tưởng như không còn có thể dùng được nữa.

Ví dụ như bút bi chẳng hạn, chúng ta thường vứt nó đi sau khi đã viết hết mực, đó quả thực là một sự lãng phí khủng khiếp! Bởi cái bút đó không hề hỏng hóc gì cả: vỏ vẫn đẹp, lò so vẫn đàn hồi, đầu bi vẫn lăn, nó chỉ bị hết mực mà thôi. Ta chỉ cần đổ lại mực cho nó là lại có một cái bút mới để viết ngon lành!

Để đổ được mực cho ruột bút bi thì trước tiên phải có mực đã. Bạn có thể mua mực sản xuất trong nước hoặc đặt hàng online từ nước ngoài. Mực nội thì rẻ, nhưng chữ viết sẽ nguệch ngoạc, loằng ngoằng như gà bới; mực ngoại đắt hơn nên chữ viết đương nhiên sẽ đẹp như in, đẳng cấp và sang hơn. Nếu không có tiền mua mực thì bạn để ý thấy ai có bút bi thì lừa lừa rút trộm lấy cái ruột của họ rồi mang về thổi mực từ cái ruột đó sang cái ruột hết mực của bạn cũng được. Nhớ là chỉ rút trộm ruột thôi, vì rút trộm ruột bao giờ cũng khó phát hiện hơn là lấy trộm cả cái bút.

Trước khi đổ mực, bạn phải ngâm cái ruột bút hết mực trong nước nóng để cho lớp mực cũ còn bám trên ruột bút bong hết ra. Bạn tháo rời và lau sạch đầu sắt, sau đó dùng máy sấy tóc sấy cho ruột và đầu sắt thật khô ráo. Xong xuôi, bạn ngậm miệng vào một đầu ruột, đầu còn lại cắm vào lọ mực rồi hút mạnh. Nhớ là phải vừa hút vừa quan sát sự di chuyển của mực trong ruột, chứ nếu mực đầy ruột rồi mà bạn vẫn cứ hút thì mực sẽ phun vào mồm bạn. Khi mực đã vào đầy trong ruột, bạn chỉ việc cắm đầu sắt vào ruột mực là xong.

Vì đầu sắt đã bị rút ra cắm vào, nên trong quá trình viết chắc chắn mực sẽ rỉ ra từ chỗ tiếp xúc và chảy xuống. Để tránh mực chảy ra làm bẩn bài viết của bạn thì bạn nên chuẩn bị sẵn một cuộn giấy vệ sinh để bên cạnh, khi nào mực rỉ ra là lập tức lau ngay. Đi thi hoặc đi họp cũng vẫn nên mang cuộn giấy đó theo để đảm bảo bài thi hoặc bài viết của mình luôn được trình bày sạch sẽ, đẹp mắt. Tôi khuyên bạn nên sử dụng giấy Watersilk để lau, vì loại này vừa mềm, vừa dai, siêu mỏng, siêu thấm, tránh dùng giấy vệ sinh của Tàu vì chúng rất cứng, thô ráp, sẽ khiến đầu bi sắt của bút bị trầy xước và nhanh mòn.

Ngoài bút bi thì còn một đồ vật nữa các bạn cũng thường vứt đi sau khi cảm thấy không dùng được nữa, đó chính là quần sịp. Đây thực tế cũng là một sự lãng phí! Vì thế, tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách để làm ra những chiếc khẩu trang xinh xắn từ những chiếc quần sịp cũ.

Bởi khẩu trang tốn rất ít vải, nên một chiếc quần sịp cũ thường là sẽ làm được khoảng 3 chiếc khẩu trang, trừ khi quần của bạn rách nát và thủng nhiều lỗ quá. Quần sịp thường là có hai mặt: mặt trước và mặt mông. Mặt trước ít vải nhưng vẫn đủ làm được một cái khẩu trang, mặt mông to hơn nên có thể làm được hai cái. Với mặt trước, bạn phải cắt thật khéo léo, làm sao cho cái phần u lên ấy nó chụp đúng vào mồm bạn, vậy sẽ rất vừa vặn và gọn gẽ. Việc quần sịp của bạn bị nhiều vết loang lổ cũng không sao cả, bạn có thể lấy bút ra vẽ thêm vào đó những tia nắng lung linh để trông nó giống như ông mặt trời đang tỏa sáng, hoặc tô thêm cành lá để biến chúng thành những bông hoa đang rộn rã khoe sắc hương. Khi vải đã cắt xong, ta sẽ rút dây chun ở cạp quần sịp ra để làm dây đeo khẩu trang.

Chúng ta chỉ bỏ đi khi quần sịp của bạn bị thủng những lỗ quá to, còn nếu chỉ là những lỗ nhỏ nhỏ thì không vấn đề gì hết, thậm chí, những lỗ ấy khi được làm thành khẩu trang sẽ giúp cho bạn cảm thấy thoải mái và dễ thở hơn.

Một thứ nữa mà tôi thấy chúng ta quá lãng phí, đó là giấy vệ sinh. Giấy vệ sinh là một mặt hàng chỉ mới xuất hiện gần đây. Thời nguyên thủy, loài người sống bầy đàn, mỗi lần đi vệ sinh xong họ thường không chùi. Về sau, nhân loại văn minh hơn, thay vì cứ để nguyên đó thì người ta đã biết dùng lá cây, đất sét, hoặc gạch đá để lau đi. Nói vậy để thấy rằng vai trò của giấy vệ sinh đối với loài người là không thực sự quá quan trọng.

Ấy vậy mà mỗi bịch giấy vệ sinh hiện nay có giá khoảng 30 nghìn. Một gia đình trung bình một tháng dùng hết 2 bịch, còn những thanh niên FA sống độc thân thì phải tốn gấp đôi số ấy. Tính ra, mỗi năm cả nước mất hàng nghìn tỷ đồng cho giấy vệ sinh, trong khi trên thực tế chúng ta hoàn toàn có thể thay thế giấy vệ sinh bằng một thứ giấy khác rẻ hơn, thậm chí không mất tiền, đó là giấy báo.

Báo bây giờ nhiều lắm, bạn xin đâu chẳng được, nếu không xin được thì mua lại của mấy bà đồng nát, vài nghìn đồng được cả cân, dùng cả năm không hết. Việc dùng báo thay giấy vệ sinh còn giúp bạn rèn luyện thói quen đọc (Việt Nam là một trong những quốc gia lười đọc sách báo nhất trên thế giới). Thì ngồi trong nhà vệ sinh, chẳng có việc gì làm, lại có tờ báo trên tay, không đọc thì còn làm gì?

Bạn đang băn khoăn rằng giấy báo rất dày và cứng, trong khi nhà bạn lại sử dụng hố xí tự hoại thì giấy báo sẽ không phân hủy được, thậm chí gây tắc bồn cầu, đúng không? Đừng lo! Tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm cho giấy báo mỏng và mềm không kém gì Watersilk.

Để làm cho báo mỏng hơn thì ta phải lột đôi tờ báo ra. Cách lột một tờ báo thì chắc là nhiều bạn đã biết, nên tôi chỉ xin nói sơ qua thôi. Trước tiên, bạn dùng dao lam khía nhẹ vào một mép của tờ báo để tách nó thành hai lớp. Rồi bạn từ từ, khéo léo kéo hai lớp đó tách dần ra. Nhớ là phải thật cẩn thận vì chúng rất dễ rách. Nếu làm chăm chỉ và quen tay, một buổi sáng bạn có thể lột được vài tờ.

Sau khi làm mỏng, chúng ta sẽ tiếp tục làm mềm báo bằng cách ngâm báo vào trong dung dịch dấm thanh và mật ong nguyên chất. Dấm thanh sẽ giúp cho báo dai hơn, còn mật ong sẽ có tác dụng làm mềm báo. Ta ngâm báo trong dung dịch này khoảng nửa ngày, sau đó lấy ra phơi khô. Bạn có thể thêm thuốc tẩy trắng vào dung dịch nếu muốn báo trắng như Watersilk. Còn nếu bạn là người mạnh mẽ yêu màu đỏ, hoặc lãng mạn thích màu hồng, hoặc thủy chung yêu màu tím thì có thể mua thuốc nhuộm theo màu mà bạn thích rồi đổ vào dung dịch ngâm cùng.

Phơi khô xong rồi thì ta chỉ việc cất báo đi và dùng dần thôi. Vì kích thước của tờ báo khá to nên bạn cần trang bị một cái kéo ở trong nhà vệ sinh để lúc dùng thì sẽ cắt ra thành từng mảnh nhỏ. Bạn không cần phải cắt sẵn từ trước, cứ để đến lúc đó dùng bao nhiêu thì cắt bấy nhiêu, với cả ngồi trong đó rảnh rỗi không có gì làm, có cái mang ra cắt cũng đỡ buồn.

Trên đây tôi đã giới thiệu đến các bạn một số cách để thực hiện việc tiết kiệm, tránh lãng phí. Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó một câu châm ngôn rằng: “Một người muốn giàu có thì phải hội đủ hai yếu tố là kiếm ra tiền và biết tiết kiệm”, thiếu 1 trong 2 yếu tố ấy thì bạn không bao giờ giàu được. Bởi vậy chỉ cần các bạn làm theo những điều tôi vừa chia sẻ trên đây thì các bạn đã hoàn thành một nửa hành trình trên con đường vươn lên trở thành người giàu có rồi đấy!

Người người tiết kiệm thì nhà nhà sẽ giàu; nhà nhà tiết kiệm thì đất nước sẽ giàu! Chúng ta là những công dân nhỏ bé thì hãy tiết kiệm từ những thứ nhỏ bé; ai làm lãnh đạo, làm quan to thì tiết kiệm những cái to, được thế, chả mấy mà chúng ta sẽ đuổi kịp người Nhật!

Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo



Sàn mới - Bấm vào đây

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Post a Comment

loading...


 
Edu dị truyện ©Email: eduditruyen@gmail.com. All Rights Reserved. Powered by >How to best
Link:Bantintuvan|tailieusupham|khoahocsupham|SKKN hay|Soidiemchontruong|dayvahoctot|diemthivao10hoctrenmobile|tradiemthituyensinh|Travel - Du lịch
Top