Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
“Tư tưởng về đổi mới tư duy giáo dục xem ra vẫn đang bốc lên hừng hực, nhưng thực tế giáo dục thì lạnh lùng, có vẻ thách thức dư luận”.
Nền giáo dục và đào tạo đang trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện. Đứng trước cơ hội lớn cũng là những thách thức không nhỏ. GS. TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam có bài viết nhận định và xác định phương hướng của nền giáo dục nước nhà trong giai đoạn đổi mới. Bài viết dài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam lược ghi những nội dung chính xin gửi tới quý bạn đọc.
GS.TS Phạm Tất Dong viết: Tháng 6/2006, trên trang Amazon.com người ta ngạc nhiên trước số sách đã phát hành có 56.170 cuốn mang từ change (thay đổi), trên bìa và nội dung của các cuốn sách đó xuất hiện 11.195 cụm từ busines change (thay đổi trong kinh doanh) và 2.404 cụm từ global change (thay đổi toàn cầu).
GS.TS Phạm Tất Dong viết: Tháng 6/2006, trên trang Amazon.com người ta ngạc nhiên trước số sách đã phát hành có 56.170 cuốn mang từ change (thay đổi), trên bìa và nội dung của các cuốn sách đó xuất hiện 11.195 cụm từ busines change (thay đổi trong kinh doanh) và 2.404 cụm từ global change (thay đổi toàn cầu).
Nhiều người bị choáng trước số liệu trên bởi cảm thấy hình như mình bị lạc hậu trước sự thay đổi ghê gớm của thế giới. Nhưng rồi ai cũng thấy những thay đổi trong thế giới chúng ta đang sống cũng không phải quá lớn để mà không nhận thức được.
Tôi không có phương tiện xử lí thông tin hiện đại để biết trong nước và ngay trong ngành giáo dục Việt Nam, có bao nhiêu sách báo, tài liệu nói đến đổi mới tư duy giáo dục. Nhưng tôi đoán chắc rằng, cụm từ được viết trên giấy, được nói ra miệng phải cả triệu lượt.
Ấy thế mà giáo dục vẫn vượt trên đường mòn cũ, những thay đổi quá ít, có khi thay đổi lại làm cho cái cần thay đổi tăng tính cấp thiết hơn: học phí vẫn tiếp tục tăng,kế hoạch kiên cố hóa trường học sau nhiều năm triển khai vẫn ì ạch. Trên tivi gần đây cũng nói về số lượng trường rách nát vẫn quá lớn, ba, bốn năm năm liền thiên hạ kêu học sinh bị điểm quá kém về môn Lịch sử, nhưng rồi đâu lại hoàn đó.
Dư luận phản đối việc bắt trẻ con đi học thêm quá nhiều, bị nhồi nhét nhưng học sinh vẫn ùn ùn đến các lớp học thêm, từ những em cao lộc ngộc đang học lớp cuối của trường THPT cho đến mấy em con nít ở tuổi “thò lò mũi” vừa từ lớp mẫu giáo 5 tuổi chuyển sang lớp 1…
Tư tưởng về đổi mới tư duy giáo dục xem ra vẫn đang bốc lên hừng hực, nhưng thực tế giáo dục thì lạnh lùng, có vẻ thách thức dư luận. Vì vậy, ở đây có gì không ổn chăng?...
Cái hạn chế của giáo dục hiển thị trước chúng ta là mô hình giáo dục đang được vận hành. Đổi mới giáo dục mà tầm tư duy chỉ trong khuôn khổ mô hình giáo dục cũ kĩ thì mọi thay đổi bên trong cái giới hạn đó giỏi lắm cũng chỉ là sự chắp vá đối phó mà thôi.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã cho phép chúng ta phá cái giới hạn cũ, thay vào đó là mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập. Thế nhưng nhiều người vẫn bảo vệ mô hình giáo dục cũ kĩ hiện hữu để bàn về đổi mới tư duy giáo dục. Tôi khẳng định rằng, họ chẳng thể mở ra một lối đi nào thông thoáng vào tương lai cho nền giáo dục chúng ta, cho dù họ đưa ra hàng trăm thông tin về sự đổi mới tư duy giáo dục ở nơi này hay nơi khác.
Sức ỳ của tư duy là một nguyên nhân làm cho người ta không dám vượt qua những điều mà họ đã ngộ nhận đó là nguyên lí bất di bất dịch. Sức ỳ đó đã và đang gây ra những thiệt hại, những đau khổ cho không ít người chẳng phải chỉ ở lĩnh vực giáo dục mà các lĩnh vực khác cũng tương tự. Trong giáo dục, chúng ta có thể liệt kê cả chục vấn đề về tính bảo thủ như bắt trẻ con học thuộc lòng, luyện học thi như luyện gà chọi đi đá nhau để lĩnh giải.
Trong đời sống xã hội, những thay đổi hay những đổi mới có diễn ra và diễn ra có hiệu quả hay không phụ thuộc vào con người hiểu được những sự khác biệt giữa cái chúng ta phải làm với cái chúng ta làm như thế nào. Cái chúng ta làm hàng ngày như ăn, uống, học tập, trồng trọt, chăn nuôi… là cái bất biến, nó lặp đi lặp lại, ngày này qua ngày khác. Còn cách làm cái đó như thế nào là cái khả biến, là cái thay đổi, là cái mang lại một chất lượng mới.
Trong giáo dục, câu hỏi sẽ là: Cần phải làm gì đối với nền giáo dục đang có nhiều khuyết tật như hiện nay? Trả lời: Phải đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Trả lời như thế là chính xác.
Câu hỏi tiếp, đổi mới căn bản và toàn diện bằng cách nào? Trả lời: Phải đổi mới tư duy.
Cách trả lời này không đạt, bởi vẫn chỉ là câu trả lời làm gì chứ chưa phải câu trả lời làm như thế nào. Do đó không thể đi đến một quyết định cần thiết của cơ quan lãnh đạo tối cao về cách làm. Nhưng không ít các nhà nghiên cứu khoa học lại coi “đổi mới tư duy giáo dục” là biện pháp, mà không hiểu đây chỉ là điều kiện để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo mà thôi.
Vấn đề cốt lõi đổi mới tư duy là dùng trí tuệ để đề ra được cách làm, tức là trả lời được câu hỏi: Làm như thế nào?. Chúng ta biết rằng, trong sản xuất, biết là điều kiện cần thiết, nhưng biết làm cách nào mới là yếu tố tạo ra lợi thế cạnh tranh, dừng lại ở biết thì chưa tạo ra sự thay đổi.
John Naisbitt (từng làm việc ở các trường đại học University of Utah, Đại học Harvard, Đại học Cornell) có một lối tư duy độc đáo, được diễn đạt bằng mệnh đề: “Tương lai được gói gọn trong hiện tại”. Muốn đi tới tương lai, phải hiểu thấu hiện tại để thấy được cái gì trong hiện tại sẽ nằm trong tương lai.
Theo tôi, chúng ta đổi mới tư duy để làm gì là vấn đề cần đặt ra. Đổi mới tư duy không phải là để “đổi mới tư duy”, tức là đổi mới tư duy không có mục đích tự thân. Đổi mới tư duy có mục đích của nó. Với chúng ta đổi mới tư duy giáo dục lần này là để thay đổi cả một mô hình giáo dục, thay đổi cả một nền giáo dục để nhằm vào mục đích cuối cùng là làm cho nền giáo dục “của dân hơn nữa, do dân hơn nữa, và vì dân hơn nữa”.
Nếu không đạt mục đích này, ngay lập tức vấn đề đổi mới tư duy giáo dục lại phải đặt lại, bức thiết hơn, gay gắt hơn.
Sau nhiều tháng xây dựng đề án đổi mới giáo dục một cách “căn bản” và “toàn diện” để trình Hội nghị trung ương Sáu (khóa XI) vào tháng 10/2012 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 4/2014, chúng ta thấy việc chuẩn bị đã không thành công. Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông báo rằng, phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa.
Tôi nghĩ rằng, nguyên nhân chính ở đây là tư duy giáo dục của chúng ta chưa đúng tầm. Dòng tư duy chúng ta vẫn luẩn quẩn trong giới hạn một hệ thống giáo dục đã lỗi thời, không đủ năng lực để tạo ra một mô hình nhân cách Việt Nam trong giai đoạn đất nước đi vào nền kinh tế công nghiệp, từng bước phát triển kinh tế tri thức, mở rộng thị trường ra khỏi biên giới quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và năng lực hội nhập quốc tế sâu hơn nữa của con người Việt Nam trong phần nửa đầu thế kỷ XXI.
Vậy, cần nhận thức đầy đủ rằng đã đến lúc phải đổi mới mục tiêu giáo dục và đổi mới này là đổi mới căn bản nền giáo dục. Một cuộc cách mạng hay một cuộc cải cách giáo dục nào cũng phải bắt đầu từ xác định mục tiêu kỳ vọng. Đấy là nguyên tắc-một nguyên tắc cứng rắn như một nguyên lý…
Việc đầu tiên khi bàn đổi mới giáo dục và kéo theo là đổi mới tư duy giáo dục phải khẳng định dứt khoát rằng, mẫu người (mô hình nhân cách) do nền giáo dục đang đào tạo không thể chấp nhận được nữa. Phải nghiên cứu và xác định những yêu cầu cơ bản với con người cần đào tạo, từ đó xây dựng mục tiêu đào tạo cho giai đoạn mới, trước mắt là 2015-2020.
Khi xác định được mục tiêu đào tạo mới thì toàn bộ hệ thống giáo dục phải đổi mới theo. Do vậy, đổi mới căn bản nền giáo dục là đổi mới mục tiêu giáo dục. Mọi cuộc cách mạng giáo dục, cải cách giáo dục hay đổi mới giáo dục đều bắt đầu từ câu hỏi: Chúng ta cần con người với những phẩm chất, nhân cách nào? Lý tưởng xã hội của họ là gì? Họ kế thừa và phát triển sự nghiệp nào của các thế hệ đi trước trao cho?...
Đổi mới tư duy giáo dục phải hướng tới một nền giáo dục của dân, do dân, vì dân – một nền giáo dục vì con người chứ không phải cho con người: Ai cũng được học hành, ai cũng có cơ hội và điều kiện học tập suốt đời, nghĩa là ở bất kỳ lứa tuổi nào, con người cũng được hưởng quyền thỏa mãn nhu cầu học tập.
Một nền giáo dục của dân, do dân, vì dân là nền giáo dục dân chủ nhất, nền giáo dục ấy sẽ tạo ra những con người xây đắp và bảo vệ một Nhà nước của dân, do dân, vì dân, một nhà nước thực sự cách mạng, thực sự dân chủ, thật sự công bằng, bình đẳng, bác ái.
Tôi mượn lời cựu Tổng thống Abraham Lincoln để kết lại: “Chính quyền của dân, do dân, vì dân sẽ không bao giờ diệt vong trên trái đất”.
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment