Nghề khóc mướn - Edu dị truyện



Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây



Tôi nhớ hồi nhỏ, gần nhà tôi có một chị làm nghề khóc mướn. Chị khóc rất hay và thảm thiết, nhất là khi tiếng khóc của chị được ban nhạc đám ma đệm cho, và được khuếch đại qua cái loa đặt trên mái nhà, thì sẽ bay rất cao, vang rất xa, truyền tải được cái không khí tang tóc đi cả thôn, cả xã, mang được cái bi thảm, thê lương đến từng ngõ, từng nhà... Dù cả làng hôm đó chỉ có một cái đám ma, nhưng nếu mời được chị tới khóc, thì sẽ có cảm tưởng rằng cả làng nhà nào cũng có đám!
Tôi dùng cụm từ "nếu mời được" là bởi việc mời chị tới khóc không phải chuyện dễ. Gặp hôm chị bị ốm, bị cảm, bị nghẹt mũi thì dù có trả cát-sê cao bao nhiêu chị cũng không tới. Chị bảo bị ốm thì cột hơi sẽ yếu, khiến cho âm vực không khỏe, tiếng khóc khó vang xa; còn khi nghẹt mũi thì tiếng khóc nghe sẽ rất bí bức, ngột ngạt, làm cho người nghe khó cảm nhận được thông điệp mà chị muốn truyền tải qua lời than tiếng khóc. Tóm lại, chị sẽ không vì tiền mà hủy hoại đi danh tiếng mà chị đã dày công gây dựng.

Nếu chị không ốm cũng không có nghĩa là sẽ chắc chắn mời được chị, bởi chị có một nguyên tắc: không đi làm trong những ngày kinh nguyệt. Thực ra, với người bình thường thì cái nguyên tắc này cũng không phải vấn đề gì lớn lắm, một tháng chỉ vài ba ngày là xong, nhưng chị thì khác, chị mắc chứng rối loạn kinh nguyệt, một tháng có khi chị bị vài lần, một lần có khi bị vài tháng. Bởi vậy, nhà nào có đám, ngoài việc cầu cho linh hồn người chết được yên nghỉ dưới suối vàng, thì còn phải cầu luôn cho chị không dính ngày đèn đỏ.

Tưởng nghề của chị dễ kiếm ăn, nhiều đứa hám tiền cũng lao vào đòi cạnh tranh với chị. Nhưng vào rồi mới thấy cái nghề khóc thuê không hề đơn giản. Bởi giọng chúng nó yếu, xử lý kém, khóc không đúng kèn, khóc chênh, khóc phô. Có đứa đang khóc bị gia đình tang chủ ném nải chuối vào đầu, chỉ thẳng tay vào mặt, chửi: "Cút ngay! Khóc như mày thì thà tao gọi người nhà tao ra khóc còn hay hơn!".

Bởi thế, nghề khóc mướn ở làng tôi thời ấy không ai qua được chị. Vào những hôm tốt ngày, nhiều đám ma (cũng giống như các đôi vợ chồng hay chọn ngày tốt để làm đám cưới thì người làng tôi cũng hay chọn ngày tốt để làm đám ma) thì việc chị phải chạy sô là chuyện bình thường. Chị khóc xong đám này, lệ chưa kịp khô, đã vội vàng chạy sô sang đám khác. Vào những đợt cao điểm của mùa đám, gia đình tang chủ muốn được chị tới khóc, thường phải đặt lịch trước từ nửa tháng.

Nhưng rồi một ngày, chị bị cả làng la ó, tẩy chay vì khóc nhép. Hóa ra, chị đã cấu kết với ban nhạc, ghi âm bài khóc của chị vào một băng cát-sét rồi đến nhà đám cứ thế mở ra. Chị chỉ việc vật vã, trợn mắt, đớp đớp mồm, còn mọi việc khác đã có ban nhạc lo. Gia đình tang chủ phát hiện, ném nải chuối vào mặt chị, chị cong đít chạy, nhưng không phải chạy sô, mà là chạy thoát thân. Chị chạy mất tiêu rồi mà tiếng khóc của chị vẫn vang lên trong loa: sầu não, ỉ ôi...

Sau đó, gặp chị, tôi hỏi: "Hóa ra, trước giờ chị toàn khóc nhép à?". Chị bảo: "Tùy đám! Đám nào trả nhiều tiền, hoặc nhà có uy quyền, được nhiều người quan tâm, chú ý thì chị khóc thật, còn không thì...". Tôi nghe thế liền tức thì phản ứng: "Vậy đâu có công bằng? Đều là người chết cả, ở đâu cũng phải được quan tâm thương khóc giống nhau chứ?". Chị cười, rồi bình thản trả lời: "Ai bảo với em rằng người chết thì ở đâu cũng được quan tâm giống nhau? Một người chết ở trong rừng và một người chết ở Hồ Gươm, ai được quan tâm hơn? Một cụ già chết vì tuổi cao sức yếu và một cô gái trẻ chết vì bị hiếp dâm cắt cổ, ai được quan tâm hơn? Kẻ nào thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận, kẻ đó sẽ được tạo điều kiện để được quan tâm, thương xót nhiều hơn em ạ! Thay vì ngồi đó than vãn, đòi hỏi sự công bằng - thứ đang trở nên vô cùng mơ hồ và xa xỉ trong xã hội bây giờ - thì sao em không đứng dậy và làm gì đó có ý nghĩa hơn? Để sau này, khi em chết đi, biết đâu sẽ có nhiều người hơn quan tâm, thương khóc em hơn?".

Câu nói của chị với tôi từ dạo ấy, cho tới mấy hôm nay, tôi thấy vẫn không sai!

Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo


Sàn mới - Bấm vào đây

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Post a Comment

loading...


 
Edu dị truyện ©Email: eduditruyen@gmail.com. All Rights Reserved. Powered by >How to best
Link:Bantintuvan|tailieusupham|khoahocsupham|SKKN hay|Soidiemchontruong|dayvahoctot|diemthivao10hoctrenmobile|tradiemthituyensinh|Travel - Du lịch
Top