Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Tác giả: Nhật Tiến
Học sinh cá biệt là loại học sinh vừa kém, vừa lười, nhiều đứa lại bướng bỉnh, khó dạy. Thế cho nên nhà trường mới nẩy ra nhu cầu "phụ đạo", tức là phải dạy thêm giờ cho các học sinh yếu kém này.
Tôi và hai giáo viên thuộc bộ môn khác được giao phó phụ đạo một lớp gồm hơn mười đứa. Đây là đám học sinh được gom lại từ nhiều lớp học khác nhau, nhưng chúng ở cùng một trình độ, tức là có chung một cấp lớp. Một cô giáo ghé vào tai tôi nói nhỏ :
- Cái đám quỷ sứ này toàn là những thứ đội sổ ở nhiều lớp được gom lại đây. Thầy coi chừng bị chúng nó ăn thịt!
Tôi mỉm cười :
- Cô hãy lo phần cô trước. Bề gì thì chúng nó cũng là học trò cả mà.
Cô ta bĩu môi quay đi, nhưng tôi cũng kịp nhìn thấy vẻ mặt lạnh tanh của cô. Hồi trước, khi ngôi trường này chưa bị tiếp thu, cô vốn là người khó tính và rất nghiêm khắc với học trò. Nhưng bây giờ tôi tự hỏi cái tính chất ấy của cô có còn tồn tại được ở ngôi trường mới mẻ này không. Niên học vừa rồi, vào dịp cuối năm, tôi đã thấy lũ học trò cho điểm các giáo viên và nạp cho Bí thư Chi đoàn để tuân theo lệnh không bằng văn bản mà chỉ bằng sự rỉ tai. Ngoài phiếu điểm ấy ra, có thể còn vài ba đứa khác âm thầm theo dõi Thầy, Cô để báo cáo ngầm với Ban Giám Hiệu nữa.
Tôi thầm mong cái lũ chỉ điểm này sẽ chỉ toàn là những con em cán bộ chứ không phải là những đứa học trò đã từng theo học ở đây từ nhiều năm về trước. Học sinh miền Nam không có thói quen rình mò thầy cô như một thứ chỉ điểm, nhưng rồi trong hoàn cảnh này không biết chúng còn giữ được những phẩm chất đó trong bao lâu nữa.
Lớp cá biệt của tôi tuy có hơn mười trò, nhưng tôi lại chỉ đặc biệt chú trọng đến có hai đứa. Một thằng trạc mười lăm, mười sáu, nước da đen đủi, đầu tóc bờm sờm và quần áo đã rách rưới lại còn hôi hám đến kinh người. Nó tên là Sơn, theo giấy tờ xin học thì thấy ghi nơi sinh là Đà Nẵng, bố chết, mẹ làm nghề bốc vác ngoài chợ, không có anh em, chị em nào khác. Ngồi bên cạnh nó là thằng Tửu, ít tuổi hơn nó, quần áo tề chỉnh hơn, nhưng tính tình cũng rất bậm trợn, nom nó rõ ra là con của một cán bộ ở ngoài Bắc được gửi vào.
Nhìn bề ngoài thì Sơn và Tửu là hai thái cực. Sơn thì cao lớn, ngông nghênh trong khi Tửu thì loắt choắt lại e dè, thứ e dè của kẻ lúc nào cũng muốn giữ thế thủ. Nhưng Sơn thì lại rách rưới hôi hám, trong khi Tửu thì lúc nào nom cũng tươm tất nếu không nói là tề chỉnh từ áo đến quần, ngoại trừ đôi dép râu làm bằng vỏ xe hơi, nom trái ngược với cái áo sơ mi trắng tuy không ủi nhưng cũng rất phẳng phiu.
Thằng Sơn thì tôi thấy nó ít khi mang dép. Đôi dép của nó tuy đã cũ mòn nhưng cũng là thứ dép da có quai xéo, thứ dép thông dụng của hầu hết dân Sài Gòn thời bấy giờ. Sở dĩ gọi là ít mang dép là vì nó chỉ sử dụng đôi dép để qua mặt mấy tay đeo băng đỏ của Chi đoàn vẫn hay đứng kiểm soát ở ngay cổng trường. Đi qua hàng rào kiểm soát là nó tụt ngay đôi dép ra, kẹp vào nách và thoăn thoát bước qua sân trường. Về sau này tôi mới biết ngoài giờ học Sơn còn phải hối hả phóng ra chợ để phụ với mẹ trong việc bốc vác, dọn dẹp đủ thứ linh tinh tại một khoảnh đất mà mẹ nó đang lui cui làm việc. Vậy là trong bản kê khai gia cảnh, nó ghi Mẹ làm nghề bốc vác là đúng chứ không phải bịa đặt để chứng tỏ ta đây là thành phần vô sản.
Có một hôm tôi hỏi nó:
- Bố mất lâu chưa ?
Nó nhìn tôi giây lâu rồi trả lời :
- Mới năm rồi.
Tôi ngạc nhiên :
- Mới mất thế sao không thấy em để tang ?
Thằng Sơn lại nhìn tôi như thăm dò cái mức độ quan tâm của tôi đối với nó, rồi nó ngậm ngùi :
- Tang tóc gì thầy. Em có đeo băng tang đó, nhưng chỉ gọi là cho có thôi.
Nói rồi nó tốc cái vạt áo lên để cho tôi nhìn thấy một mẩu vải đen được cài bằng kim băng ở phía sau túi áo của nó. Rồi nó giải thích thêm :
- Bố em chết trận trước ngày 30 tháng 4. Mẹ có tin báo, dắt em ra Huế tìm xác nhưng giữa đường thì kẹt lại. Sau trôi giạt về tới đây.
Ô ! Thế ra thằng Sơn là con của một người lính VNCH, một chiến sĩ vô danh đã chiến đấu và hy sinh trong những ngày cuối cùng trước khi miền Nam sụp đổ.
Tôi không còn nhìn Sơn như một đứa học trò "cá biệt" nữa. Không phải nó lười biếng mà vì nó đã phải để dành nhiều thì giờ giúp mẹ mưu sinh. Nó rách rưới hôi hám là vì vừa rời khỏi lớp học, nó đã phải vội vã chạy về giúp mẹ, vai áo đã bạc màu mà như còn tơi ra vì đã phải khiêng những sọt rau, rổ cá. Tôi chưa có dịp gặp mẹ của nó nhưng cũng hình dung ra một người đàn bà thân hình còm cõi, mặt mũi tiều tụy, với mảnh khăn tang trên đầu chắc đã thấm đẫm nhiều giọt nước mắt đau thương vì đã phải thân cô lăn xả vào cuộc sống và nhất là cứ bắt thằng con bằng mọi cách phải đi tới trường. Bà mẹ Việt Nam nào mà chẳng kỳ vọng vào sự học của con cái :
- Không học hành thì sau đời khốn khổ, con ơi !
Nhưng có vẻ như thằng Sơn chẳng mấy quan tâm tới tấm lòng kỳ vọng của mẹ. Nó tới trường với cái tâm lý mẹ bắt tới thì phải tới, thế thôi. Tôi hiểu rõ điều đó khi trong lúc giảng bài, tôi thấy đầu óc của Sơn như để đi đâu.
Mà thật ra, đời sống của nó có thay đổi được gì khi cứ phải nhồi vào đầu mấy công thức, mấy định lý cũ mòn ở trong hoàn cảnh đầy dẫy những biến động khốc liệt như thế này. Dĩ nhiên là muốn xây dựng cuộc sống thì phải vun trồng kiến thức từ những bài học căn bản, như cây thì phải có rễ, có lá, có cành thì mới đơm hoa, kết trái. Nhưng có thực là ở đây, trong ngôi trường này, với đầy dẫy những điều được coi là "phản giáo dục" sẽ có thể khiến cho thành quả cố gắng của nó đơm hoa kết trái được chăng ?
Tôi không vì bất cứ lý do gì để nói xấu, nói quá cho cái chính sách giáo dục mà tôi chứng kiến ở trong ngôi trường này. Cứ mỗi lần bước lên cầu thang để lên lầu vào lớp học, tôi đã phải nhìn thấy một kho sách báo vương vãi đến tràn ra cả lối đi, đang nằm chờ được chở đi làm bột giấy. Đó là toàn bộ những sách báo mà học sinh trong trường ùn ùn mang đến sau khi nhà trường phát động chiến dịch "tiêu diệt tàn dư sách báo đồi trụy, phản động". Trong số tàn dư ấy, tôi thấy có cả những cuốn sách Y khoa, sách Kiến trúc, sách Học làm người, thậm chí cả những cuốn tự điển đủ loại mà học trò trong trường đã moi vét từ ở nhà mang đến để góp phần vào cái gọi là "kế hoạch nhỏ".
"Kế hoạch nhỏ" nghe thế mà không nhỏ chút nào, vì trên đường phố tôi đã chứng kiến từng đoàn học sinh, ngay cả những đứa bé lít nhít thuộc cấp tiểu học một tay cầm túi đựng, một tay cầm que gắp đi moi móc những trang giấy vụn, những mẩu nylon thừa vương vãi trong lòng cống rãnh hay trên hè phố. Càng gom được nhiều, chúng càng được khen ngợi, được tuyên dương và nhất là mau chóng được mang danh hiệu "dũng sĩ kế hoạch nhỏ". Người lớn đã có "dũng sĩ diệt Mỹ" thì trẻ em lạ gì lại không ham hố cái tên "dũng sĩ kế hoạch nhỏ". Thế thì chúng còn thời giờ đâu để vui đùa với tuổi hồn nhiên, để vui vầy xum họp với gia đình và để học hành chăm chỉ những bài vở trong lớp học ?
Ngược với Sơn lầm lì, ít nói, thằng Tửu lại là đứa rất năng động, nghịch ngợm và gây ồn ào nhất lớp, đặc biệt là ở trong lớp phụ đạo. Ở đây, nó không bao giờ có một chỗ ngồi nhất định. Thoắt một cái, vừa thấy nó lúi húi chui xuống gậm bàn để bóc cái kẹo bỏ vào mồm hay làm điều gì đó giấm giúi thì đã lại thấy nó tuồn xuống cuối lớp cười tích toét với một đứa khác cũng nổi danh dốt như bò mà cũng lười như hủi. Sự có mặt của nó khiến cho vài đứa ngồi bàn trước cũng quay lại góp phần. Thế là lớp học lại ồn lên như họp chợ, bất kể lời giảng của thầy cô đang uể oải cất lên và rơi tõm vào khoảng không nào đó, mà có ai cần biết tới. Cũng đành là phải nhún vai, chịu đựng vậy thôi. Đây là lớp Cá Biệt mà ! Một cô giáo thì thào với tôi:
- Tụi nó là lũ bất trị, sao cứ bắt các thầy, các cô phí thì giờ vào những lớp như thế này ?
Tôi mỉm cười :
- Đây là màn trình diễn. Phải có nó thì mới có dữ kiện để báo cáo thành tích, cô không thấy sao?
Ngoài giờ học, Tửu theo bén gót thằng Sơn đi ra ngoài chợ. Sở dĩ tôi biết đuợc vì tôi thường thấy hai đứa cùng đi với nhau, lại chuyện trò ra vẻ tâm đắc. Tôi không hiểu một thằng như Sơn, có bố chết trận, có mẹ lầm than, đầu tắt mặt tối như thế thì làm sao lại có thể hợp với Tửu là con một viên chức cán bộ mới từ miền Bắc vào. Một lần tò mò, tôi chợt hỏi Sơn :
- Thằng Tửu thế nào ? Bạn bè như nó chơi được không ?
Sơn nhìn tôi như nghi ngờ tôi thăm dò điều gì, nhưng rồi nó cũng đáp:
- Thằng ấy ranh như ma. Nó mới vô mà rành Sài Gòn còn hơn bọn em trong này. Nó giúp em được nhiều thứ.
Tôi vui miệng hỏi tiếp:
- Vậy hả ? Những thứ gì vậy cà ?
- Bữa hổm, thằng gác chợ đeo băng đỏ đòi bắt giữ mớ cá của mẹ em, Tửu xông lại trừng mắt nói " Này, đằng ấy đừng có rớ tới má nuôi của tớ. Mẹ Chiến sĩ đấy !".
Thằng băng đỏ không vừa, cãi lại :
" Cái đồ chỉ buôn đi bán lại, mất phẩm chất cách mạng, Mẹ chiến sĩ ở cái chỗ nào?"
Câu chuyện vui vui, thấy tôi chăm chú nghe, Sơn hào hứng kể tiếp:
- Thế là Tửu giở giọng chửi tục ngay. Nó nói y chang như thế này : "Đ….cụ nhà anh ! Cách mạng mới vừa thành công anh đã khoác ngay cái băng đỏ vào tay để lòe bà con, chớ anh biết chó gì về các mẹ nằm vùng che giấu cán bộ rồi chở cả súng đạn vô thành. Đừng có thối mồm giở giọng ta đây với mẹ chiến sĩ nhớ !". Thế là thằng băng đỏ im re rồi lảng mất !
Một lần khác, Sơn lại kể :
- Nó rủ em ra chợ trời, đi theo mấy anh bộ đội đổi chác lương khô lấy búp bê nhựa hay lấy căm xe đạp. Cái lương khô nom như những cục bánh in, nghe nó nói là đồ viện trợ của Trung Quốc ấy. Chỉ cần cắn một mẩu rồi uống nước vào là no rất lâu !
Tôi gật gù :
- Cái thứ bánh này thầy đã thử. Giống như bánh đậu xanh nhưng nhạt phèo. Chắc nó nén kỹ lắm nên ăn vào rồi uống nhiều nước thì quả là no lâu. Thời buổi khó khăn này, chả cứ bộ đội trong rừng cần tới nó mà dân thường cũng ưa xài.
Sơn tủm tỉm cười :
- Em thấy ăn hột bắp còn ngon hơn nhiều. Ngoài chợ Cầu Ông Lãnh người ta bán 1 đồng một lon sữa bò hộp bắp mới tẻ xong. Luộc lên ăn còn hơn là cơm trộn với bo bo nữa.
Lại có hôm thằng Sơn hớn hở khoe với tôi :
- Thằng Tửu giúp nhà em khỏi phải đi kinh tế mới !
Tôi tròn mắt lên vừa ngạc nhiên vừa vui mừng cho nó :
- Vậy à ? Tửu nó tài thánh gì mà làm được chuyện ấy ?
Sơn kể :
- Cũng là nhờ bố nó, chắc là cán bộ cấp cao. Nó lấy cớ rằng em đã giúp đỡ nó tận tình trong lớp học, không có em thì nó chới với không theo được bài vở nhà trường. Thế là ổng chỉ viết có một mảnh giấy đem ra Phường là em với mẹ em có ngay hộ khẩu thường trú, lại khỏi phải đi kinh tế mới !
Tôi tủm tỉm cười :
- Vậy là cậu trúng số rồi đó. Thiên hạ thường trú ở đây từ bao nhiêu năm rồi mà nhiều người cũng phải tém dẹp để kéo bầu đoàn thê tử đi kinh tế mới.
Vào thời điểm ấy, tôi cũng đã chứng kiến nhiều cảnh đau lòng. Một gia đình ở gần cầu Công Lý, không biết thuộc diện "tư sản" nào mà vào một buổi sáng kia, cả gia đình chất lên một chiếc xe bò gồm nhiều thứ đồ đạc giường chiếu, áo quần, nồi niêu, bát đĩa cùng lũ con lếch thếch đi theo chiếc xe được đẩy ra ngoài thành phố. Nhìn quang cảnh não lòng này, điều mà tôi không bao giờ có thể quên được là những ánh mắt bi thương, sầu thảm của người chồng cũng như người vợ bên đàn con còn lít nhít. Họ nom như những người đang gồng gánh tài sản, gia đình con cái để dắt díu đưa nhau đi vào thế giới của những kẻ tội đồ.
Ai cũng biết đấy là những diện gia đình bó buộc phải ra đi. Theo chỉ thị của nhà nước thì có tới năm hạng dân thành thị phải chuyển ra vùng kinh tế mới, bao gồm Dân thất nghiệp, Dân cư ngụ bất hợp pháp, Dân cư ngụ trong những khu vực dành riêng cho cán bộ, bộ đội, và sau cùng là các thương gia, đại thương gia (sau khi tài sản đã bị kiểm kê, nhà bị niêm phong không cho vào nữa).
Về danh nghĩa thì mấy chữ "Kinh Tế Mới" nghe có vẻ tốt đẹp. Đất nước hết chiến tranh rồi, nhiều đồng ruộng bỏ hoang cần có người canh tác. Chỉ một vài năm sau, dân đi kinh tế mới sẽ làm chủ ruộng đồng xanh tốt, không còn cảnh thất nghiệp, lang thang đầu đường xó chợ như xưa. Tuy nhiên, trong thực tế, ai cũng thấy đây là một biện pháp áp dụng mà chẳng có sự nghiên cứu kỹ lưỡng hay chuẩn bị chu đáo gì. Nhưng nó vẫn được vội vã thi hành vừa vì lý do trả thù giai cấp vừa cảnh giác về an ninh cho vùng đô thị mới được "giải phóng". Đã thế, tài sản, cơ ngơi, nhà cửa, biệt thự của những người bị đuổi đi hẳn sẽ là miếng mồi ngon cho các quan chức cách mạng chia nhau xông vào chiếm đoạt.
Vì những lý do đó, biện pháp thi hành cưỡng bức dân đi kinh tế mới được tiến hành rất khẩn trương và nghiêm ngặt. Ngoài những nhà đã bị niêm phong, ở Phường, Khóm còn thu hồi hộ khẩu, rút thẻ mua gạo, mua các loại nhu yếu phẩm, và cấm trẻ em nhập học các trường trong phạm vi thành phố. Trong tình cảnh ấy, thằng Sơn được Phường bỏ qua không rớ tới, lại có hộ khẩu đàng hoàng, hèn chi mà nó không mừng rỡ.
Nói đúng ra, trong việc đẩy dân đi kinh tế mới, nhà nước cũng có những chính sách ghi thành văn bản đàng hoàng. Nhưng chỉ là văn bản thôi, chứ từ một bản văn ra tới thực tế để thi hành mà không chuẩn bị kỹ lưỡng thì có cũng kể như không.
Một cách tổng quát, người đi kinh tế mới sẽ được hỗ trợ như sau:
Vé xe chuyên chở từ nhà đến vùng kinh tế mới. Mỗi hộ được mang theo tối đa 800 kg hành lý. Nếu thí điểm ở xa thì mỗi ngày phụ cấp thêm 1 đồng tiền ăn dọc đường cho mỗi người. Mỗi hộ lại được cấp hai dụng cụ canh tác, thường là cuốc, thuổng; tiền mặt từ 700 tới 900 đồng tùy theo số người trong hộ gia đình để dựng nhà, thêm 100 đồng để đào giếng, hay 100 đồng để mua ghe thuyền nếu ở vùng sông rạch. Ai đau ốm không lao động được thì được trợ cấp 1 đồng thêm 50 xu mỗi ngày tiền thuốc cho đến khi khỏi bệnh; rồi nếu có bỏ mình nơi đất khách quê người thì thân nhân cũng được trợ cấp 150 đồng để mai táng. Chi tiết kỹ lưỡng đến như thế còn gì !
Tuy nhiên, chỉ không đầy một năm sau đó, có khi chỉ vài ba tháng thôi, bỗng ở các gậm cầu, các khu vực hẻo lánh, thậm chí ở cả các công viên đẹp đẽ ngay giữa thành phố, người ta đã thấy xuất hiện đủ loại người nhếch nhác, gầy còm, mặt mũi vêu vao vì thiếu ăn, thiếu ngủ. Họ bao gồm đủ loại già trẻ lớn bé, hỏi ra thì mới biết đó là dân bỏ trốn về từ vùng kinh tế mới ! Có người nói :
- Kinh Tế Mới con mẹ gì. Nó đầy con người ta vô xó rừng rồi bỏ mặc xác !
Hay diễn tả chi tiết hơn:
- Canh tác gì được ở những chỗ đó ! Đất thì cứng như đá tổ ong, nước thì không có, cái lều được cấp phát làm nhà ở thì chỉ có mái với vài cái cột. Bên trong cỏ mọc um tùm, muốn bước vô nhà phải lấy gậy khua để đuổi rắn trước!!!
Vậy thế còn những món tiền hỗ trợ theo chính sách đã đề ra như liệt kê ở trên thì nó biến đi đâu ?
Tưởng hỏi thì cũng như đã trả lời, vì một dịp chi tiền công quỹ mà lại khó kiểm tra như thế thì bao nhiêu mà không chi hết !
Chỉ xin ghi lại thảm cảnh dân đi Kinh Tế Mới xuất hiện trong mấy câu Ca dao thời đại:
Đuổi dân ra khỏi cửa nhà
Bắt đi kinh tế thật là xót xa
Không sao sống được cho qua
Nên đành lại phải trở ra Sài Gòn
Chẳng ai giúp đỡ chăm nom
Cùng nhau vất vưởng, lom khom vỉa hè
Màn sương chiếu đất phủ che
Sinh ra bệnh tật khò khè ốm đau
Hay là :
Thứ gì kinh nhất xứ ta
Là Kinh Tế Mới, nghe mà thất kinh !!
o O o
Có một lần tôi bắt gặp thằng Tửu hút thuốc lá vụng ở gậm cầu thang. Tôi nói :
- Ê ! Nội quy cấm học trò hút thuốc lá trong trường!
Tửu chẳng những không dụi tắt điếu thuốc mà còn lôi trong bụng ra một bọc thuốc lá có những sợi vàng hoe. Nó nói :
- Thuốc Lạng Sơn đây thầy. Mời thầy làm một điếu. Đảm bảo là thuốc không pha !
Tôi kêu lên lên :
- Ý ! Cậu định hối lộ tôi đấy có phải không ?
Tửu cười hì hì :
- Lộ liếc gì một điếu thuốc. Nhưng nếu em có một chỉ vàng thì em cũng "hối lộ" thầy liền!
Thấy thằng này ba gai quá, tôi đổi giọng nạt nộ :
- Ê ! Không có đùa giỡn đâu đấy nhé. Nói cho biết, Ban Giám Hiệu mà bắt được thì cậu bị đuổi học thẳng tay !
Trái với sự chờ đợi là lời đe dọa của tôi sẽ làm cho nó dụi tắt điếu thuốc, ấy thế mà thằng nhỏ lại còn cười ré lên rồi cất giọng đầy thách thức :
- Ơ ! Cái ông Hiệu trưởng Vũ ấy hả thầy ? Đuổi em đâu có dễ ! Em còn chưa tố lão về cái tội làm hư hết dàn máy móc của nhà trường cũ để lại khi bắt tắt hết máy lạnh bảo trì để tiết kiệm điện. Đã thế đi vào trường còn kè kè khẩu súng lục, cứ như lão lúc nào cũng có tinh thần chống Mỹ cứu nước cao, định tính bắn mấy thằng lính Mỹ tình nghi là còn ẩn núp trong trường. Nhưng em biết rõ gốc gác của lão ta rồi !
Thằng Tửu nói quả không sai ! Hồi trước, trong ngôi trường này có nhiều dàn máy móc, nào thu băng, nào quay phim, nào chụp hình rửa hình, tối tân nhất là dàn loa gắn trên tường ở tất cả các lớp để khi cần ra thông cáo, chỉ cần ngồi tại văn phòng đọc lên là toàn trường ai cũng nghe thấy hết, thư ký khỏi cần đi từng lớp để đọc. Ấy thế mà chỉ mới chưa tới một năm, toàn bộ máy móc trong trường đều "bất khiển dụng". Có người nói là tại Ban Giám Hiệu cho lệnh tắt hết các máy lạnh bảo trì, cũng có người nghi hoặc là những thứ máy móc ngon lành đều bị tẩu tán đi hết. Chuyện tiết kiệm điện chỉ là cái cớ đấy thôi. Nhưng dù là do nguyên cớ nào thì ai nấy cũng chỉ lấm lét, thì thào với nhau.
Nói đến sự "lấm lét, thì thào" thì cũng là nói đến một sự thật đau lòng. Có một hôm tôi chợt phát giác ra rằng sự lấm lét, thì thào giữa các đồng nghiệp không biết nẩy nòi ra từ bao giờ, mà nay đã trở thành thói quen của tất cả mọi người. Tất nhiên, ai chẳng thấy một bầu không khí đe dọa bao trùm lên khắp mọi nơi, mọi lúc trong đời sống bây giờ. Người ta không những sợ quyền lực mà còn sợ cả những đồng nghiệp, những người quen biết nữa. Ai dám bảo đảm rằng những người ấy sẽ không bao giờ đi tố cáo mình, để hoặc vì chút lợi lộc, hoặc để được bỏ qua một lỗi lầm nào đó.
Tôi chợt nhớ đến 2 câu thơ của cụ Tú Xương:
Sĩ khí rụt rè gà phải cáo,
Văn trường liều lĩnh đấm ăn xôi.
Nhưng rụt rè như gà phải cáo thì có, còn chuyện liều lĩnh để cố đấm ăn xôi thì không. Khi phải chen chân trong cái môi trường giáo dục như thế này, hầu hết chúng tôi chẳng ai mong được ăn cái giải gì. Chẳng qua nương náu ở đây để còn có cớ không bị Phường, Khóm bắt đi kinh tế mới đó thôi.
o O o
Tất cả những chi tiết vụn vặt mà tôi thu thập được qua những lần nghe Tửu kể lại đã khiến cho tôi có một cái nhìn khác về nó. Tôi không còn chỉ đơn thuần coi nó như một đứa trẻ ngỗ nghịch, lười biếng và bất trị. Có vẻ như nó đã chất chứa trong đầu biết bao nhiêu mảng đen của đời sống mà tôi chưa bao giờ có kinh nghiệm trải qua. Như có bao giờ ở bất cứ một ngôi trường trong miền Nam này lại xẩy ra cái cảnh một lũ học trò lẵng nhẵng đi theo cô giáo, vừa đi vừa vỗ tay :
" Cô giáo mất trinh ! Cô giáo mất trinh !" như đã từng xẩy ra ở miền Bắc đâu.
Ôi giời ! Học trò mà đem cô giáo ra bêu kiểu ấy thì còn nói chi đến việc dạy dỗ ! Mà sự thể đã như thế thì nguyên do là tại đâu, nếu không phải là từ một xã hội bất toàn, ở đâu cũng thấy nịnh bợ, dối trá, thậm chí nhu nhược hèn hạ, trong đó con người phải tự tước bỏ nhân phẩm của mình để mong được sinh tồn. Có thể nói đấy là những nạn nhân của một chính sách cai trị tồi tệ, nó biết vận dụng đến cả những hình thức tinh vi như Giáo dục hay Văn nghệ để đẩy sâu con người vào cái vòng tăm tối như thế.
Tửu đã đến từ xã hội ở miền Bắc, một nơi mà kiến thức của tôi đã rất tù mù về những hoàn cảnh sống ở đó. Nếu không tù mù thì tôi đã chẳng phải rất ngạc nhiên khi hỏi một bà chị họ rằng ở Hà Nội có còn xích lô đạp không ? Bà chị cứ rũ ra cười khiến tôi đỏ mặt cãi lại :
- Đạp xích lô là cảnh người bóc lột người. Vậy thủ đô Hà Nội làm sao có cảnh ấy.
Bà chị tôi ghé vào tai tôi thì thào :
- Cậu cứ nghe chúng nó nói thì cứ đổ thóc giống ra mà ăn !
Sự u mê này của tôi là hậu quả của những ngày tháng sau khi Sài Gòn sụp đổ, bọn giáo viên chúng tôi đã bị nhồi sọ đủ thứ. Nào lý thuyết về " Ba dòng thác cách mạng" do Tổng bí thư Lê Duẩn đề ra: " Dòng thác cách mạng XHCN, dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc và dòng thác các phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản chủ nghĩa". Nào công cuộc đấu tranh giai cấp xóa bỏ chế độ người bóc lột người vì trong xã hội cũ "quan hệ người với người là chó sói! ". Nào chế độ ưu việt ở miền Bắc đã đưa nước Việt lên đỉnh cao trí tuệ của loài người ..vân vân…và …vân vân….
Một đôi khi trong trường có người phàn nàn một điều thiếu sót chi đó thì cán bộ Chi đoàn đã giải thích ngay :
- Đó là hiện tượng, không phải bản chất. Bản chất cách mạng bao giờ cũng ưu việt. Nhưng cũng đừng đòi hỏi cái gì cũng phải có ngay. Mình đang còn ở thời kỳ quá độ tiến lên XHCN. Quá độ là qua đò, đang qua đò thì chưa tới bến ngay được…phải từ từ….các đồng chí ạ !
Giải thích như thế thì hết cãi ! Nhưng không cãi thì cũng không có nghĩa là đã đồng ý. Có điều ở thời buổi này ai mà dám nói ra sự không đồng ý của mình. Tôi đã một lần dại dột phát biểu trong hội trường mà sau này, mấy bạn đồng nghiệp thân thiết đã cứ cằn nhằn mãi :
- Cậu bạo gan như thế ích gì ! Coi chừng nửa đêm công an đến gõ cửa !
Số là lần đó nhà nước tổ chức bầu cử Hội đồng Nhân Dân Thành Phố. Tất cả quần chúng khắp mọi nơi đều phải học tập về ý nghĩa của cuộc bầu cử này. Các giáo viên trường tôi cũng phải tập trung trong hội trường để nghe thuyết trình viên giảng giải và giới thiệu thành phần ban tổ chức bầu cử cũng như danh sách các ứng cử viên. Đến phần nêu thắc mắc, tôi lên phát biểu :
- Theo sự hiểu biết của tôi nếu đã là ứng cử viên thì không thể tham gia tổ chức bầu cử. Điều đó đâu có khác gì vừa đi dự thi, vừa tổ chức chấm thi. Nay tôi thấy trong danh sách ban Tổ chức Bầu cử lại có cả tên của ứng cử viên. Vậy là thế nào ?
Hình như cả hội trường hôm đó đều xôn xao vì câu hỏi của tôi. Nhưng vị thuyết trình viên, cũng là một đồng nghiệp nhưng do Thành Ủy gửi xuống đã ôn tồn giải thích :
- Đây là sự ưu việt của chế độ ta, đồng chí ạ. Người có khả năng, lại có tinh thần chí công vô tư thì dù tham gia bất cứ công tác nào cũng đều là đóng góp cho sự nghiệp cách mạng cả. Ta không nên lấy cái kinh nghiệm xấu xa của chế độ cũ để làm thước đo cho những công tác cách mạng bây giờ.
Mấy hôm sau, thằng Tửu gặp tôi cũng cười hì hì :
- Em nghe chúng nó kể lại buổi học tập của các thầy cô trong hội trường. Thầy không biết ở ngoài Bắc, mọi người vẫn bảo nhau khi đi họp thì cứ "Thứ nhất ngồi lì, thứ nhì đồng ý" à ?
Tới lúc đó tôi chợt cảm thấy mình ước ao giá có được những kiến thức dầy dạn y như nó để có thể ứng xử hàng ngày trong thời buổi thật sự đổi đời này. Ngẫm nghĩ ra, mấy cái công thức, mấy cái định lý mà tôi đang dạy cho nó thật ra chỉ là cái thứ đồ trang trí đem vẽ lên một khuôn mặt độc ác, dữ dằn. Rồi tôi tự hỏi là mình đang làm cái gì đây trong đời sống này ?
Kể từ hôm đó, tôi để ý đến thằng Tửu nhiều hơn. Tôi thấy nó sinh hoạt một cách hồn nhiên giữa đám học sinh cũ của ngôi trường này. Y phục của nó cũng dần dà thay đổi. Bây giờ nó đã biết mặc quần bò và sơ mi sọc bỏ áo ra ngoài quần. Nó biết hát cả những bản nhạc vàng vốn bị cấm tiệt trong thời buổi đó. Đã thế nó còn hát cả nhạc "chế " nữa. Tôi cũng đã được nghe bản nhạc chế này nhiều lần, và nếu chỉ do dân chúng Sài Gòn hát lên thì là chuyện bình thường. Nhưng đằng này cái thứ nhạc chế đó lại được cất lên từ chính miệng của thằng Tửu thì mới là…vui và khiến cho mức độ hài hước của bản nhạc tăng lên rất nhiều. Giọng của nó ồm ồm cất lên giữa những tiếng cười ngặt nghẽo của đám học sinh cũ như sau :
- Từ ngày giải phóng vô đây Thầy bán nhà lầu
Từ ngày giải phóng vô đây Thầy bán xe hơi
Lâu lâu Thầy bán Honda
Lâu lâu Thầy bán giầy da
Lâu lâu Thầy bán cái quần xì…
Bài hát ấy tuy là giễu nhưng thật đâu có sai. Tôi thì không có nhà lầu, xe hơi, Honda để bán, nhưng đồ đạc trong nhà thì cứ lần lượt đội nón ra đi. Không bán đồ đạc thì lấy tiền đâu đi chợ. Trong nhà tôi đã bán nhiều thứ đến độ có một hôm anh công an khu vực tự tiện bước vào nhà tôi nhìn quanh rồi cất tiếng hỏi:
- Ơ ! Cái kệ tủ trước kê ở đây bây giờ đâu rồi ?
Tôi còn đang ngớ ra nhìn và thấy quả nhiên cái kệ tủ đã biến đi đằng nào, thì nhà tôi đã trả lời thay:
- Bán rồi anh ơi ! Nhà hết tiền đong gạo !
Cái cảnh bán đồ đạc lấy tiền đong gạo này chẳng cứ riêng ở nhà tôi. Một lần đến thăm một anh bạn đồng nghiệp dạy môn Hóa Học cùng trường, tôi thấy phòng khách của anh trống huếch trống hoác. Bộ Salon vốn choán gần hết chỗ nơi phòng ngoài đã tém dẹp đi từ lâu rồi, còn chính anh thì đang nằm bò nhoài người ra giữa sàn đá hoa để chấm điểm cho một đống bài thi của học trò. Anh nhìn tôi cất giọng thiểu não:
- Còn cái giường kỷ niệm ngày cưới, chắc rồi cũng phải cho đi !
Tôi ngậm ngùi nói :
- Bọn chúng mình bao nhiêu năm chỉ quanh quẩn với cái bảng đen và cục phấn trắng. Nếu vứt ra khỏi cổng trường thì chẳng biết xoay sở thế nào để mà sống.
- Tại cái mặc cảm mô phạm nó bó riết lấy mình. Chẳng lẽ bây giờ lại đi ra chợ trời, tay cầm mớ quần áo cũ, miệng rao "mua đi …mua đi….rẻ rồi… rẻ rồi…"
Tôi bật cười :
- Rồi lại có một cô học trò xà lại nói : " Thầy bớt cho em đi. Em đang học môn Hóa của thầy mà!" . Vậy thầy có "bớt" không ?
Anh bạn cũng phì cười :
- Tới nước đó thì vất mẹ nó áo đi, bỏ của chạy lấy người, chớ ở đó mà bớt !
Ôi ! Bọn nhà giáo chúng tôi trước đây chỉ toàn nói chuyện văn chương chữ nghĩa với bài vở nơi nhà trường, thế mà mới chỉ không đầy vài ba năm, bây giờ sao câu chuyện đã xoay thành những đề tài thảm hại như thế !!!
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment