Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Khoa học giáo dục Việt Nam nằm đâu trên bản đồ khoa học thế giới?
Dựa vào số liệu thống kê đã được đăng tải về mức độ công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc hai danh sách mang tên ISI (tên mới là Web of Science) và Scopus của đợt xét công nhận chức danh PGS và GS năm 2016, tôi đã thu được những con số rất đáng ngạc nhiên.
Với nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, bình quân số bài ISI/Scopus của 411 người được công nhận chức danh PGS và GS chỉ là 5,76 bài/người. Còn với nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn thì bình quân số bài ISI/Scopus của 237 người được công nhận chức danh PGS và GS chỉ là 0,19 bài/người. Đó là chưa kể 7 GS và 48 PGS của nhóm ngành khoa học an ninh và khoa học quân sự không có bài ISI/Scopus nào.
|
Xét hai ngành giáo dục học và tâm lý học, là hai ngành có ảnh hưởng lớn tới việc hoạch định chính sách giáo dục nước nhà, thì thấy có quá ít công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín, mặc dù cơ hội để công bố (tức số lượng tạp chí quốc tế) là khá nhiều.
Ngành giáo dục học có 272 tạp chí ISI, nhưng tất cả 34 PGS và GS được phong năm 2016 của ngành này gộp lại chỉ có mỗi 1 bài ISI/Scopus. Ngành tâm lý học có khoảng 540 tạp chí ISI, năm 2016 có 11 người được phong PGS và GS, nhưng tất cả gộp lại cũng chỉ có 1 bài ISI/Scopus.
Như vậy, năm 2016, hai ngành giáo dục học và tâm lý học có 3 người được phong GS và 42 được phong PGS, nhưng cả 45 người ấy gộp lại chỉ có 2 bài báo ISI/Scopus! Số liệu này nói lên điều gì? Đa số các nhà khoa học trong hai ngành tâm lý học và giáo dục học công tác ở đâu? Có lẽ, với vị thế ấy, họ có tác động không nhỏ trong việc đặt ra các tiêu chuẩn cho chức danh PGS và GS ở nước ta.
Cần sự sòng phẳng
Thưa giáo sư, có ý kiến còn cho rằng khoa học xã hội và nhân văn có sứ mệnh, nhiệm vụ chính trị riêng, không thể bắt buộc có công bố quốc tế ngay mà chỉ khuyến khích. Quan điểm của giáo sư thì sao?
GS Hoàng Xuân Phú: Thực lòng tôi không muốn bàn nhiều về việc cần bao nhiêu bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế khi xét công nhận GS hay PGS, vì điều này phụ thuộc vào đặc thù của từng ngành. Bản thân tôi làm việc trong lĩnh vực toán học, nên tôi chỉ muốn thảo luận về tiêu chuẩn dành cho ngành toán. Còn ý kiến về mấy tiêu chuẩn chung cho mọi ngành thì tôi đã trình bày trong một văn bản góp ý gửi cho ban soạn thảo dự thảo quy định tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư góp rồi.
Tuy nhiên, nếu như thực sự có một nhà khoa học nào đó cho rằng khoa học xã hội và nhân văn có sứ mệnh, nhiệm vụ chính trị riêng, không thể bắt buộc có công bố quốc tế ngay mà chỉ khuyến khích, thì tôi thấy không ổn. Những người có quan điểm như vậy hãy trả lời một cách sòng phẳng mấy câu hỏi sau: Họ đã hoàn thành những sứ mệnh hay nhiệm vụ chính trị gì? Họ đã giúp chế độ, giúp chính quyền tránh hay khắc phục những sai lầm chính trị nào?
|
Nếu chỉ là minh họa cho chính sách hay tuyên truyền cho chế độ, cho chính quyền thì chẳng cần đến các nhà khoa học, mà chỉ cần huy động bộ máy tuyên truyền là đủ. Còn chức năng muôn thuở của các nhà khoa học là phát minh và phát hiện ra những cái mới. Vậy họ đã phát minhhay phát hiện ra những cái gì và thành tích ấy có đủ để lập luận rằng họ không cần công bố quốc tế hay không?
Nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng khoa học xã hội và nhân văn vì những lý do đặc thù nên khó đăng bài trên các tạp chí quốc tế?
Không phải ngành nào trong nhóm ngành khoa học xã hội cũng đều khó đăng bài trên tạp chí quốc tế. Hai ngành mà tôi dẫn số liệu ở trên là giáo dục học và tâm lý học đều là những ngành có tính quốc tế rất cao.
Hoặc luật học, ai dám bảo nó không có tính quốc tế cao? Tôi lấy ví dụ đơn giản như đề tài nên hay không nên hiến định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nếu có bài báo khoa học nghiên cứu vấn đề ấy, dù thể hiện quan điểm ủng hộ hay phản đối, thì đều dễ được các tạp chí quốc tế nhận đăng. Thế giới cũng muốn hiểu thêm về Việt Nam chứ. Nếu như tạp chí khoa học quốc tế không nhận đăng thì do bài viết không đạt tiêu chuẩn khoa học mà thôi.
Hoặc ngôn ngữ học cũng là một ngành có tính quốc tế cao.
Vậy mà thành tích công bố quốc tế ở hai ngành này của ta thế nào? Luật học có 141 tạp chí ISI, năm 2016 được phong 2 GS và 13 PGS; ngôn ngữ học có 199 tạp chí ISI, năm 2016 được phong 10 PGS. Nhưng tất cả 25 người được phong GS, PGS thuộc hai ngành này không có một bài báo nào trong các tạp chí ISI/Scopus!
Quay trở lại câu chuyện “nhiệm vụ chính trị” mà chúng ta vừa nói ở trên. Theo tôi, nếu các nhà khoa học muốn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị thì càng cần phải có công bố quốc tế. Vì việc khẳng định và nâng cao uy tín quốc tế của bản thân là nhiệm vụ tối thiểu của các nhà khoa học. Không thể nói rằng mình làm nhiệm vụ chính trị và đại diện cho đất nước, mà lại để mặc cho uy tín của bản thân trên trường quốc tế ở tầm quá thấp.
Hơn nữa, nếu xét từ góc độ nhiệm vụ chính trị, thì rất cần có các công trình khoa học được công bố trên tạp chí quốc tế uy tín để phân tích, lý giải các chủ trương, đường lối, chính sách được ban hành.
Xin cảm ơn GS!
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment