Lãng phí trong giáo dục còn nhiều thủ đoạn "bòn" ngân sách - Edu dị truyện



Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây

- Các em có chiều cao từ 1,65 m trở lên đều phải xoay nghiêng người để viết. Ngay cả các em có chiều cao 1,60 m cũng phải cúi đầu rất thấp khi viết bài.

Sau khi đọc bài viết “Ngành giáo dục đang lãng phí quá nhiều” của tác giả Nguyễn Cao đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (ngày 8/10), bản thân là một nhà giáo – tác giả Thuận Phương cũng xin được góp thêm một góc nhìn về sự lãng phí không hề nhỏ đã và đang diễn ra ở nhiều trường học hiện nay.
Theo đó, tác giả cho rằng, để xảy ra chuyện lãng phí như hôm nay cũng là hệ quả của việc “răm rắp phục tùng mệnh lệnh cấp trên mà chẳng cần quan tâm, chẳng cần biết cái “mệnh lệnh” ấy đúng, sai, hợp lý hay vô lý chỗ nào.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chuyện về những bộ bàn ghế học sinh
Những bộ bàn ghế học sinh cũ trước đây được đóng bằng các loại gỗ thứ thiệt nên dù cũ vẫn còn rất chắc chắn.
Bàn ghế cũng được đóng với kích thước dài cho khoảng 4 học sinh ngồi học.
Thế rồi, bỗng chốc nhiều trường học gọi thợ đến cưa và tân trang lại thành chiếc bàn đôi để 2 học sinh ngồi học cho đúng phương pháp dạy học mới.
Nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó, những bộ bàn ghế này cũng bị bỏ ra vì theo giải thích của nhiều hiệu trưởng “bàn ghế nặng nề khó di chuyển để học sinh học nhóm. Theo quy cách mới, bàn ghế phải gọn nhẹ…”.
Một ngày khác, được lệnh trên nhiều trường học ở địa phương một lần nữa đã bỏ đi những bộ bàn đã cắt lần trước và thanh lý chỉ bằng giá củi khô rẻ mạt cho chính cơ sở đóng bàn ghế mới cho trường.
Có giáo viên thắc mắc: “Đã thay sao không thay luôn từ đầu mà phải qua công đoạn cắt ra gây lãng phí một khoản tiền không nhỏ?
Hiệu trưởng các trường học giải thích rằng: “Trước đây, cắt bàn ghế là để đáp ứng với phương pháp dạy học mới.
Còn bây giờ, buộc phải thay bàn ghế vì phải theo tiêu chuẩn bàn ghế học sinh của "liên ngành" Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế ban hành. Nếu theo quy định này thì tất cả bàn ghế học sinh trước đây đều sai quy cách hết”.
Cũng có một số hiệu trưởng lên tiếng: “vì những bộ bàn ghế cũ, học sinh vẫn ngồi học tốt. Nay thay đồng loạt bàn ghế mới mỗi bộ có giá khoảng 2 triệu đồng thì nhà trường không có đủ tiền để thực hiện”.
Thế nhưng với những trường học chưa lên chuẩn còn có thể thư thư đợi công tác xã hội hóa, riêng những trường học đang xây dựng chuẩn hoặc đang giữ chuẩn bắt buộc phải thực hiện gấp trong năm học.
Thế rồi, Phòng Giáo dục trực thuộc phải rót kinh phí về hỗ trợ.
Những bộ bàn ghế mới được chuyển về thoạt nhìn trông đẹp, bắt mắt nhưng nếu nhìn kĩ sẽ thấy chất lượng thua xa những bộ bàn ghế trước đây vì bàn ghế hầu như được đóng bằng gỗ công nghiệp, chỉ dính mưa một lần coi như cả mặt bàn sẽ phồng rộp nham nhở.
Ngồi học bàn ghế mới nhưng hàng năm nhà trường phải dành một khoản kinh phí không nhỏ để thay mặt bàn vì gỗ ép chỉ được một thời gian là mặt bàn bị lỗ chỗ rất khó khăn cho các em ngồi viết.
Chất lượng thì thế nhưng cũng chẳng phù hợp cho nhiều học sinh ngồi học.
Đơn cử Trường trung học phổ thông Chuyên Lương Văn Chánh ở Phú Yên được đầu tư 500 bộ bàn ghế mới thay cho những bộ bàn ghế đã cũ. Tưởng rằng học sinh trong trường sẽ vui nhưng thực tế thì ngược lại.
Bàn có ngăn nhưng học sinh chẳng thể bỏ cặp. Nhiều học sinh phải cúi sát bàn mới viết được chữ. Ở 3 khối lớp 10, 11 và 12, nhiều học sinh rất khó khăn khi học với bộ bàn ghế theo chuẩn mới này.
Dù theo chuẩn mới nhưng so với bàn ghế cũ thì thấp hơn đến 6cm. Vì thế, các em có chiều cao từ 1,65 m trở lên đều phải xoay nghiêng người để viết. Ngay cả các em có chiều cao 1,60 m cũng phải cúi đầu rất thấp khi viết bài.
Điều này ảnh hưởng không ít đến việc học tập của các em, nhất là tư thế ngồi.
Không chỉ bàn, ghế quá thấp so với lứa tuổi học sinh cấp 3, trong khi diện tích bàn và ghế quá rộng.
Một bàn dành cho 2 học sinh ngồi rộng 50 cm, dài 1,2 m khiến cho các trường khó sắp xếp đủ chỗ khi triển khai các kỳ thi.
Chỉ tính riêng các trường thuộc khối trung học phổ thông ở Phú Yên, trong năm học 2014-2015 Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên đã cấp hơn 13.000 bộ bàn ghế theo chuẩn mới nhưng đều gặp khó khăn cho các em ngồi học.
Lẽ dĩ nhiên những bộ bàn ghế này lại phải tìm cách để thay. Chỉ một cấp phổ thông trung học ở một tỉnh đã thế, thử xem 63 tỉnh thành với 3 cấp học trong cả nước thì con số bỏ ra để thay bàn ghế học sinh sẽ lớn đến mức nào?
Nói về chuyện thay bàn ghế theo chuẩn, thầy Nguyễn Hoàng Việt, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) cho biết:
"Chạy đua theo chuẩn hiện nay không còn là cách làm phù hợp nếu bỏ qua nhu cầu chính đáng của học sinh. Quy định kích cỡ bàn, ghế mới là tốt, song không nên bắt buộc các trường phải thực hiện.
Chỉ nên xem đó là hướng dẫn tham khảo để từ đó các trường dựa vào điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất của đơn vị mình đưa ra giải pháp phù hợp".
Chuyện về cái bục giảng
Trong giai đoạn nhiều trường học trong cả nước đồng loạt áp dụng mô hình trường học mới VNEN, không ít trường ở một số địa phương đã đồng loạt đập bỏ bục giảng, hạ bảng xuống để kê bàn.
Không chỉ một số trường tiểu học làm việc này mà một số trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đều đồng tâm thực hiện.
Đơn cử Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Thạch Hà, Hà Tĩnh, Trường trung học phổ thông Cẩm Bình và trung học phổ thông Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên) đã đập bỏ bục giảng và hạ bảng xuống ở nhiều lớp học.
Một số trường tiểu học khác chưa đập bục giảng nhưng đã hạ bảng để bỏ vào kho lưu trữ.
Nếu như trước đây, cái bảng lớp luôn được giữ gìn vì nếu bị trầy xước, bị nước thấm vào nhiều sẽ rất khó cho việc viết chữ đúng mẫu của cấp tiểu học gây khó khăn cho học sinh khi theo dõi.
Thì nay, những cái bảng tưởng không còn được sử dụng bị bỏ lăn lóc vào kho, cái này chồng lên cái kia nên trầy xước, lỗ chỗ không ít cái buộc phải mang ra sử dụng khi mô hình ngồi theo nhóm, học theo mâm không đạt được kết quả như mong muốn.
Lúc này, một số trường học lại bắt đầu xây lại bục giảng, gắn lại bảng lớp nhưng do bảng lớp không được bảo quản tốt nên nhiều cái đã bị hư không sử dụng được.
Nhà trường buộc phải mất một khoản tiền không nhỏ cho việc mua sắm lại những cái bảng mới.
Trường cứ nghèo đi còn cá nhân lại phất lên như diều
Phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để thay bàn ghế, xây lại bục giảng và mua sắm thêm bảng mới, các trường học (cụ thể là nhà nước) đang tự đánh mất một khoản tiền không hề nhỏ vào việc đổi mới nửa vời.
Ngược lại, việc sửa chữa bàn ghế, mua sắm bảng mới và đóng mới bàn ghế cũng đem về một khoản hoa hồng không hề nhỏ cho chủ tài khoản.
Cũng nhờ kiểu làm này, một số cơ sở hợp đồng đóng mới bàn ghế cho các trường học cũng trở nên tấp nập, nhộn nhịp hẳn lên.
Có cơ sở đóng bàn ghế nơi huyện chúng tôi công tác, dù mới thành lập chưa lâu, vốn chủ yếu là đi vay.
Nhưng khi kí được hợp đồng cung cấp trang thiết bị cho các trường học trong huyện thì cơ sở ấy đã nhanh chóng trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn với quy mô làm ăn lớn hơn nhiều.
Để xảy ra chuyện lãng phí như hôm nay cũng là hệ quả của việc “răm rắp phục tùng mệnh lệnh cấp trên mà chẳng cần quan tâm, chẳng cần biết cái “mệnh lệnh” ấy đúng, sai, hợp lý hay vô lý chỗ nào.
Để chống sự lãng phí vô ích, không chỉ đòi hỏi cái tâm của người lãnh đạo mà còn phụ thuộc rất lớn vào cái “tầm” của họ.
Tài liệu tham khảo:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Truong-cap-3-dap-buc-giang-tinh-ke-ban-theo-mam-xuong-cap-2-hoc-kinh-nghiem-post163970.gd


Sàn mới - Bấm vào đây

0 nhận xét Blogger 0 Facebook

Post a Comment

loading...


 
Edu dị truyện ©Email: eduditruyen@gmail.com. All Rights Reserved. Powered by >How to best
Link:Bantintuvan|tailieusupham|khoahocsupham|SKKN hay|Soidiemchontruong|dayvahoctot|diemthivao10hoctrenmobile|tradiemthituyensinh|Travel - Du lịch
Top