Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
- Chừng nào các thầy cô và nhà quản lý còn thấy lúng túng trong việc xác định giá trị nền tảng của nền giáo dục và nhà trường, chừng đó tư duy “cỗ máy hành chính” cùng các nguyên tắc kỷ luật cưỡng ép sẽ còn chi phối hành vi giáo dục.
Phản ứng trước vụ cô giáo phạt học sinh 231 cái tát, áp lực thành tích là nguyên nhân sâu xa nhận được sự đồng thuận rộng rãi trong dư luận. Cô giáo thì chịu áp lực thành tích thi đua từ nhà trường. Nhà trường thì chịu áp lực thành tích trước cơ quan quản lý để được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II, v.v…
Nhưng thực tế, có trường học ở đâu không bị áp lực thành tích? Nếu không hướng đến thành tích, các trường phổ thông và đại học tinh hoa trên thế giới liệu có còn được ngưỡng mộ? Vấn đề chính không phải do áp lực thành tích, mà là cách thức đặt ra mục tiêu và hiện thực hóa thành tích!
Các trường công ở Việt Nam hiện vẫn vận hành như một cỗ máy hành chính: các chỉ tiêu và tiêu chí thi đua được áp từ trên xuống, thầy – trò như những nhân viên cấp dưới, gồng mình lên để đạt chỉ tiêu. Mô hình “cỗ máy” này hướng đến tính hiệu quả, bởi thế đặc biệt nhấn mạnh vai trò của thầy/cô/nhà quản lý, và cơ chế kiểm soát - cưỡng ép, trong khi lại coi nhẹ vai trò của người học và phụ huynh.
Sự xuất hiện các trường tư thục hướng đến đáp ứng nhu cầu của người học. Vì thế, tính chất cỗ máy được giảm bớt. Sự vận hành theo cơ chế thị trường cũng khiến tính kiểm soát - cưỡng ép được giảm tối đa, trong khi đề cao tính hiệu lực và hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu của “khách hàng”. Hạn chế của mô hình trường tư là nó có thể quá mải chạy theo lợi nhuận, quá chú ý thỏa mãn nhu cầu của khách hàng mà coi nhẹ các giá trị cộng đồng.
Một nền giáo dục tiến bộ thì nhà trường không thể bị biến thành cỗ máy hành chính, cũng không thể đơn thuần là phương tiện đáp ứng nhu cầu khách hàng để tìm kiếm lợi nhuận. Nhà trường văn minh phải được dẫn dắt bởi các giá trị tiến bộ và phổ quát. Các giá trị đó sẽ giúp định vị lại chức năng của nhà quản lý, thầy cô giáo, cũng như bổn phận của học sinh, và sứ mệnh tối thượng của nhà trường.
Được dẫn dắt bởi các giá trị tiến bộ, vai trò của thầy/cô và nhà trường (trường công) hay nhu cầu của người học (trường tư) sẽ không còn ở vị trí trung tâm. Thay vào đó là các giá trị phổ quát. Phương tiện hiện thực hóa giá trị - những công cụ định vị mối quan hệ và tương tác giữa người dạy – người học sẽ trở thành mối quan tâm chính của cả cộng đồng.
Để đạt được lợi ích chung và thành công giáo dục, sự hợp tác sẽ được đề cao. Hiện thực hóa được các giá trị tiến bộ và phổ quát cũng chính là cách tốt nhất để gia tăng lòng tin của cộng đồng với nhà trường trong vai trò một thiết chế giáo dục.
Câu hỏi đặt ra là: nhà trường Việt Nam (và nền giáo dục) hướng đến các giá trị nào trong số các giá trị phổ quát như: Tự do, Sáng tạo, Bình đẳng, Dân chủ, Nhân văn… Chừng nào các thầy cô và nhà quản lý còn thấy lúng túng trong việc xác định giá trị nền tảng của nền giáo dục và nhà trường, chừng đó tư duy “cỗ máy hành chính” cùng các nguyên tắc kỷ luật cưỡng ép sẽ còn chi phối hành vi giáo dục. Vì thế, chưa có cơ sở để tin rằng chuyện 231 cái tát sẽ không tái diễn dưới một hình thức khác nếu như các giá trị tiến bộ và phổ quát chưa có được vị thế thống trị trong không gian trường học.
Nói đến các hệ giá trị, sẽ buộc phải quay lại với câu hỏi: vậy, đâu là triết lý giáo dục mà Việt Nam đang theo đuổi? Đây là một câu hỏi mang tính bản chất đã được đặt ra nhiều lần trong sự trăn trở của không chỉ các nhà chuyên môn mà là của toàn thể xã hội. Không đơn giản để có câu trả lời tường minh, nhưng chừng nào chưa xác lập được vững chắc “cái nền” này, ngành giáo dục sẽ luôn luẩn quẩn, quay cuồng xử lý những sự vụ ồn ào nối tiếp, và những đổi mới, cải cách cũng khó đi vào thực chất.
Minh Hoàng
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment