Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Vụ việc thầy giáo tiểu học ở Bắc Giang bị “tố” có hành vi sàm sỡ học sinh vẫn đang trong quá trình điều tra thì dư luận lại “dậy sóng” trước nghi án thầy giáo Trường THPT chuyên Thái Bình gửi tin nhắn “gạ tình” nữ sinh lớp 10. Dẫu rằng đây chỉ là những hiện tượng cá biệt song những hành vi lệch chuẩn này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường giáo dục, làm xấu xí hình ảnh của nhà giáo, làm giảm niềm tin của xã hội với giáo dục.
Mặc dù cả hai vụ việc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo chưa có kết luận cuối cùng, tuy nhiên, những hành vi trên đều là chuyện tối kỵ và không thể chấp nhận được trong môi trường giáo dục. Đáng tiếc những câu chuyện này không phải lần đầu xảy ra. Vào cuối tháng 12-2018, ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) bị tố lạm dụng tình dục nhiều học sinh.
Cũng trong tháng 12-2018, một thầy giáo dạy thể dục ở Gia Lai đã lừa chở nữ sinh lớp 8 đi chỉ đường, sau đó dùng vũ lực thực hiện hành vi đồi bại. Trước đó nữa, vào cuối tháng 4-2018, thầy Nguyễn Đình Lê - giáo viên Trường Tiểu học An Thượng A (Hoài Đức-Hà Nội) cũng đã bị phụ huynh “tố” có hành vi dâm ô đối với học sinh.
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Đây là những hiện tượng dị biệt và không thế chấp nhận được trong môi trường giáo dục, không thể chấp nhận được với tư cách người thầy. Điều này cũng cho thấy, phẩm chất, đạo đức của một bộ phận giáo viên hiện nay đang giảm sút, bị thoái hóa. Những “tấm gương mờ” này không chỉ làm ảnh hưởng tới hình ảnh của người giáo viên mà còn tác động xấu tới thế giới quan của học sinh.
Nguy hại hơn cả là niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng ít nhiều bị sứt mẻ. Do vậy, cần phải xử lý nghiêm và cương quyết đưa ra khỏi ngành những “con sâu” này.
Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cũng cho rằng: Đây đúng là những vụ việc không đáng có, không mong muốn của ngành Giáo dục và cần phải xử lý nghiêm. Qua những sự việc này cho thấy, ở trong môi trường giáo dục vẫn còn những hành vi phản giáo dục. Tấm gương đạo đức của nhà giáo với học sinh chưa được thực thi nghiêm túc khiến dư luận xã hội cũng như cha mẹ học sinh thiếu niềm tin với nhà giáo.
Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định về đạo đức nhà giáo; nhiều nhà trường cũng ban hành quy chế làm việc, trong đó quy định rõ những việc nhà giáo được làm và không được làm. Đặc biệt, các vi phạm về đạo đức nhà giáo trong thời gian qua, cơ quan báo chí đều đăng tải với nhiều bài học sâu sắc được rút ra.
Tuy vậy, những câu chuyện đáng buồn này vẫn tiếp tục tiếp diễn. Điều này cho thấy, tư cách, đạo đức của người thầy phụ thuộc nhiều vào sự nghiêm khắc với bản thân, ý chí nỗ lực tự hoàn thiện mình về mọi mặt của mỗi giáo viên.
Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: Cần phải thực hiện đồng bộ cùng lúc nhiều giải pháp. Về phía giáo viên, phải ý thức được giá trị nghề nghiệp cũng như lòng tự trọng nghề nghiệp để luôn không ngừng phấn đấu, hoàn thiện bản thân. Về phía các nhà trường, hàng năm các cơ sở giáo dục cũng nên phổ biến lại các quy định về đạo đức nhà giáo, đồng thời cho giáo viên phải ký cam kết để nâng cao trách nhiệm và tính răn đe.
Cuối năm tổng kết lại, nếu ai vi phạm cam kết, vi phạm đạo đức nghiêm trọng thì không nên giữ lại ngành vì nghề giáo không có chỗ cho những cá nhân thiếu tư cách và đạo đức. Về phía các cơ sở đào tạo giáo viên, cần thiết kế lại chương trình theo hướng tăng thời lượng giảng dạy về đạo đức, kỹ năng, tình huống thực tế.
Cùng với đó, thay đổi cả cách kiểm tra, đánh giá, xem tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức cũng là tiêu chí quan trọng, là điều kiện để được tốt nghiệp. Ngoài ra, tuyển chọn đầu vào sư phạm, bên cạnh việc dựa vào điểm số cũng cần xem xét thêm các yếu tố khác như lòng yêu nghề, phẩm chất đạo đức.
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment