Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Đầu tiên, phải xin thưa ngay rằng: việc đem một vị bộ trưởng ra đặt cạnh một nhân vật của giới giang hồ, một “ông anh xã hội” như người đời thường gọi, là rất khập khiễng, tận cùng khập khiễng.
Nhưng thật tình cờ, suốt từ hôm qua đến nay, hai nhân vật này lại được đặt cạnh nhau trong một vụ việc đang gây phẫn nộ toàn xã hội: vụ em H.Y, nữ sinh lớp 9 trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, Tỉnh Hưng Yên) bị 5 bạn học cùng lớp hành hung dã man ngay trong lớp học.
Vị bộ trưởng đó là ông Phùng Xuân Nhạ, đương kim Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Còn “ông anh xã hội” là Dương Minh Tuyền.
Tôi là một người con sinh ra và lớn lên ở Bắc Ninh, đồng hương của Dương Minh Tuyền (cũng như Khá Bảnh) nên tôi biết ở quê tôi, mọi người chẳng coi hai anh chàng này (dù họ đã từng tù tội) là cái gì ghê gớm, hay nói cách khác là chưa có số má gì lắm! Cả hai anh chàng này không bị cộng đồng, phân biệt, cảnh giác hay thấy nguy cơ gì gây hại cho những người xung quanh cả ( đó là suy nghĩ của những người Bắc Ninh). Tuyền - Khá chỉ nổi tiếng nhất trong thế giới mạng xã hội và kênh YouTube. Còn nếu xếp ngôi thứ hay bất cứ cái gì đó gọi là xã hội thì 2 anh chàng đang nổi như cồn này, đối với người Bắc Ninh, là chuyện rất nhỏ. Các bạn cũng tự biết mình còn trẻ và rất bé chẳng biết ngồi ở chiếu nào cho hợp cả, ngoài việc ngồi một mình nơi thế giới giải trí.
Nhưng thôi, ta không nên sa đà vào quá khứ hay xuất thân của những anh chàng xã hội nữa. Mà ta nhìn sự xuất hiện của Dương Minh Tuyền tại Hưng Yên vào ngày 31/3 vừa qua.
Tuyền tìm đến nhà nạn nhân của vụ bạo lực học đường để trao tận tay cho người nhà em H.Y số tiền gần 30 triệu. Đây là số tiền không nhỏ, nhưng cũng chẳng lớn. Thế mà Tuyền đã được chào đón như một chính khách về làng, có người còn nói là Tuyền đã chấn hưng giáo dục… Tại sao chỉ với số tiền gần 30 triệu mà Tuyền lại thu hút được nhiều sự quan tâm như thế, nhiều người còn bỏ việc chào đón Tuyền như thế?
Ở dưới góc độ là một người quan sát, tôi chỉ nghĩ rằng có lẽ ngoài xã hội kia đang có rất nhiều người dân được nhận diện vào nhóm yếu thế, họ đôi lúc đôi nơi chưa tiếp cận được đầy đủ những quyền cơ bản của con người: như quyền được bảo vệ, được chia sẻ những nỗi đau khi bị chèn ép, hành hạ, được lắng nghe khi có tiếng nói... Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục những năm gần đây xảy ra quá nhiều tiêu cực, từ những cuộc cải cách liên miên bất tận, gian lận trong thi cử đến những vụ bạo lực học đường mà mức độ tàn ác ngày càng gia tăng. Xã hội lên án, người dân bức xúc nhưng ngành giáo dục chẳng chuyển biến được bao nhiêu...
“Ông anh xã hội” Dương Minh Tuyền tới Hưng Yên. Hành động của Tuyền là một hành vi trượng nghĩa bột phát và không có tính toán gì? Điều đó chúng ta chưa rõ. Nhưng hành vi của Tuyền đã làm cho người dân tìm thấy sự sẻ chia, tìm thấy sự đùm bọc, và ít nhiều ngộ nhận rằng có cả dư vị công lý ở trong đó. Và người dân ùa ra, chụp ảnh, bắt tay với Tuyền bằng một tình cảm không tính toán, ít nhiều có chất xúc tác của hiệu ứng đám đông.
Nhưng phải thừa nhận rằng, cả người dân và Tuyền đều không diễn, họ gặp nhau trong điểm chung về cảm xúc, căm phẫn cái ác, bực bội với sự ứng xử của những người làm giáo dục. Cao hơn nữa họ muốn tìm câu trả lời, không hiểu nguyên do gì mà trong xã hội đang ngày càng xuất hiện những hành vi và những ý nghĩ man rợ kể cả trong những lớp học, trong môi trường giáo dục và trong cả xã hội hiện nay. Nếu ai không có chút suy nghĩ lạc quan thì sẽ rùng mình ớn lạnh, khi phải đối mặt với những câu chuyện và hành vi bạo lực diễn ra mọi lúc, mọi nơi, mọi tầng lớp trong xã hội bây giờ?
Cùng ngày hôm đó Bộ Trưởng Nhạ về quê, trong một sự bẽ bàng đến khôn tả. Ông đe sẽ cách chức toàn bộ Ban Giám hiệu nhà trường, ông hứa sẽ không để xảy ra những vụ tương tự ở bất kỳ đâu. Ông cũng vào bệnh viện thăm em H.Y và cũng trao phong bì (giá trị không được công bố). Nhưng lạ thay, hành động của ông có vẻ như không được ủng hộ, và cũng không thu hút nhiều người quan tâm.
Chắc hẳn ông Nhạ buồn lắm. Ông không ngờ ngay trên quê hương thuần phác của mình, lại có những học sinh, lớp học, và cả những người thầy phi giáo dục đến như thế. Nếu là tôi chắc tôi sẽ xấu hổ lắm, mặc dù bản thân tôi cũng chưa bao giờ là một con người hoàn thiện. Cũng đầy rẫy những sai lầm. Nhưng tôi biết xấu hổ trước những điều sai trái, biết tự bảo vệ mình và nếu cần thiết thì sẵn sàng tấn công vào hành vi và những kẻ dám làm điều ác.
Mong lắm Bộ trưởng Nhạ, ông hãy bỏ lại những chỉ đạo đao to búa lớn, những phát ngôn vô cảm, những đề án cải cách tốn kém, những bê bối lùng nhùng trong ngành giáo dục. Hãy bắt tay giáo dưỡng lại những thế hệ học sinh hiện nay để họ trở về đúng nghĩa là học trò. Vì con người sinh ra nếu chưa thể học giỏi, thì cũng không thể là con người ác, chí ít khi họ còn đang mặc áo học trò. Hãy bắt tay làm việc lại thật kỹ với đội ngũ giáo viên, để bên cạnh kiến thức sư phạm, họ cũng phải biết phẫn nộ với cái ác, căm ghét cái ác, có những giải pháp đủ mạnh để cái ác không thể tồn tại và phát triển trong (và ngoài) nhà trường.
Còn một điều nữa cứ làm tôi day dứt mãi: Tại sao trong xã hội ta mọi giá trị lại bị đảo lộn như vậy? Tại sao khi xảy ra vụ việc gì trong nhà trường, thay vì trông đợi, hy vọng vào vị Bộ trưởng Giáo dục, thì người ta lại vỗ tay, tung hô những kẻ chẳng liên quan? Tại sao một bộ phận thanh niên lại “thần tượng” những kẻ như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền? Phải chăng niềm tin xã hội của chúng ta đang rất có vấn đề?...!
Cuối cùng tôi xin nhắc lại rằng so sánh Bộ trưởng Nhạ với Tuyền là tận cùng của sự khập khiễng. Cũng có thể lời nói của tôi không đến được với Bộ trưởng Nhạ, như bao lời góp ý khác cho ngành giáo dục. Nhưng tôi vẫn phải nói với một mong muốn đơn sơ là: Cái ác sẽ bị tiêu diệt trong môi trường sư phạm, một môi trường mà người làm việc trong đó luôn được gọi bằng Thầy.
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment