Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Thấy một phụ huynh đang “lang thang” trong sân trường tìm kiếm, tôi tiến đến hỏi anh họp cho con ở phòng nào. Anh gãi đầu. “Thế con anh học lớp nào ạ?”, tôi tiếp. Anh vẫn gãi đầu: “Hình như lớp 7 hay lớp 8 gì đó, không nhớ thầy cô chủ nhiệm tên gì nữa”.
Tôi cũng đã gặp rất nhiều cha mẹ đứng dậy, cắt ngang buổi họp phụ huynh, lên bàn cô giáo xin đóng tiền cho con hoặc xin phiếu liên lạc trước để về sớm vì "bận việc". Nhiều người bước vào phòng họp chỉ mong giáo viên mau mau thông báo số tiền phải đóng, hoặc kết quả học tập của con để còn về. Có người hồn nhiên nghe điện thoại oang oang trong khi giáo viên đang nói, có người mặc bộ đồ ở nhà hiên ngang tiến vào lớp giữa ánh mắt e dè của các cha mẹ khác. Năm ngoái, một thầy giáo trong trường tôi đề nghị phụ huynh giữ trật tự vì buổi họp quá ồn, thế là một phụ huynh đỏ mặt tía tai làm dữ, hăm dọa cho thầy nghỉ việc.
Nhưng dù sao họ cũng còn đi họp cho con. Có nhiều bậc cha mẹ chưa bao giờ biết mặt thầy cô dạy con mình. Có người cả năm không tới buổi họp phụ huynh nào. Khi giáo viên tìm cách liên lạc, hầu hết đều nhận được lý do là "gia đình có việc", hoặc "bận quá không đến được", "đi làm xa".
Nhưng là giáo viên, chúng tôi không thể đánh đồng tất cả phụ huynh, vẫn có rất nhiều cha mẹ quan tâm đến việc học của con và đi họp rất đúng giờ, nghiêm túc, phát biểu có trách nhiệm và thông cảm với sự quá tải của giáo viên hay sự bất cập chung của hệ thống trường công. Cũng phải thừa nhận rằng, đa số các cuộc họp phụ huynh còn gây nhàm chán, mang tính nặng nề của việc thông báo các khoản thu, chi, tình hình kế hoạch của trường, kết quả học tập như một "công thức" truyền thống, dễ làm phụ huynh nản, thậm chí có thể mang lại tâm trạng căng thẳng cho cả hai phía.
Thầy cô thì lo lắng không biết mình có hoàn thành các nhiệm vụ mà trường đặt ra không, phụ huynh có vui vẻ hợp tác trong quá trình giáo dục không. Ngược lại, phụ huynh lại thấp thỏm không biết mình có bị phàn nàn về việc học của con hay không. "Chỉ sợ con mình bị điểm danh vì vi phạm nhiều hay học yếu thì xấu hổ lắm", mẹ một học sinh nói với tôi.
Tuần này và tuần tới là cao điểm họp phụ huynh đợt đầu năm học trên cả nước. Cả năm học, về cơ bản giáo viên và phụ huynh chỉ gặp nhau ba lần vào ba cuộc họp phụ huynh: đầu năm học, cuối học kì I và cuối năm học. Ở cuộc họp đầu năm, lần đầu tiên phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm gặp gỡ nhau, là buổi họp mà với tôi vô cùng quan trọng, tạo sợi dây gắn kết giữa giáo viên và cha mẹ các em. Mối quan hệ này càng tốt, việc giáo dục học sinh càng hiệu quả.
Trong hai tuần học đầu năm này, lớp tôi có một học sinh trốn học hai ngày. Tôi đã cố gắng liên lạc với phụ huynh nhưng không được. Học sinh bảo không nhớ số điện thoại của bố mẹ, tôi gặp giáo viên chủ nhiệm cũ của em hỏi số điện thoại thì số cô đưa cho đã không còn dùng. "Năm trước cũng như thế, mời mãi phụ huynh của em ấy không lên, họp phụ huynh cũng vắng mặt", cô bảo. Tôi đành phải hỏi địa chỉ để sắp xếp tìm đến nhà em. Giá mà cha mẹ em hợp tác chặt chẽ với chúng tôi, em đã học tốt hơn từ các năm trước.
Anh An hàng xóm mới trò chuyện với tôi. Anh vừa đi họp phụ huynh cho cậu con học lớp 9. Buổi họp kéo dài tới ba tiếng đồng hồ, nhưng rất đáng. Từ trước đến nay anh dự không ít buổi họp phụ huynh, buổi nào cũng như buổi nào. Thầy cô thông qua các khoản thu chi, báo cáo thành tích trường, lớp. Những số liệu cứ trôi vèo vèo từ tai này sang tai kia.
Nhưng hôm nay thì khác. Cô chủ nhiệm đã cho phụ huynh tham gia trò chơi "Làm bạn với con". Mọi người điền vào phiếu khảo sát gồm các câu hỏi: Con thích ăn món gì, con thích học môn nào, con học môn nào chưa tốt, con sợ nhất điều gì, bạn thân của con là ai, ưu điểm và khuyết điểm của con là gì, làm thế nào để xử phạt khi con mắc sai lầm... Cầm phiếu khảo sát, các cha mẹ đều bối rối, hầu hết trả lời sai.
Anh An và các phụ huynh còn bất ngờ hơn khi được cô giáo cho xem những bức thư, tâm tình mà các con họ viết ra về mong muốn mà chúng không dám nói với ba mẹ. Có bạn thổ lộ rằng mong ba mẹ hãy hiểu cho con, con đã cố gắng hết sức nhưng không thể đạt học sinh loại giỏi; có bạn xin ba mẹ hãy cho con tham gia đội tuyển bóng đá của trường, vì đó là đam mê của con; có bạn "mong ước ba mẹ về sớm cùng ăn một bữa cơm". Cậu con trai của anh "thành thật mong rằng ba sẽ không giận dữ nếu chẳng may trượt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10". Anh giật mình. Anh chị đã trách thằng bé sao ngày càng xa lạ, ít chia sẻ với ba mẹ, nhưng thực ra họ đã không hiểu gì về con. Nghe tâm tình của cậu bé, anh An hiểu hơn những áp lực mà con đang trải qua. Anh bảo, chỉ cần con thành người có ích thì đi con đường xa hơn cũng không thành vấn đề, anh chị sẽ không ép cháu quá sức.
Buổi họp phụ huynh ấy đã kéo dài bởi nhiều tâm sự. Họ cũng cảm thông với khó khăn mà cô giáo gặp phải, nhất là với tuổi dở dở ương ương như học trò lớp 9. Phụ huynh và giáo viên đã thống nhất được cách ứng xử với bọn trẻ, anh coi đó là thành công lớn nhất của buổi họp.
Nghe câu chuyện, tôi chợt hổ thẹn với đồng nghiệp là cô giáo của con anh hàng xóm. Nhiều năm qua, dường như tôi cũng đi theo công thức cũ mòn của các buổi họp phụ huynh, loay hoay đủ thứ lo lắng, thủ tục. Cách thức các buổi họp phụ huynh từ mấy mươi năm nay ở các trường phổ thông vẫn tương tự nhau. Liệu chúng ta có đang lãng phí thời gian, công sức, cơ hội gặp gỡ, trao đổi thực sự với nhau về đối tượng giáo dục của mình?
Tôi cũng biết đã có một số ít nơi, ban giám hiệu nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm tổ chức buổi họp phụ huynh sáng tạo, chất lượng và thiết thực để thu hút phụ huynh tham gia đầy đủ. Tôi và đồng nghiệp cũng hiểu, ngoài việc đưa ra những kế hoạch, thông báo của nhà trường thì giáo viên hãy nỗ lực biến cuộc họp phụ huynh thành buổi sáng không vô nghĩa.
Bởi vì chúng tôi tin, dù bận đến mấy, cha mẹ nào cũng muốn con nên người. Nhưng giữa cuộc chiến bộn bề cơm áo gạo tiền, họ có thể sao nhãng trách nhiệm làm phụ huynh. Giáo viên nếu kéo được phụ huynh về cùng chiến tuyến của mình thay vì ở thế đối lập nhau, mỗi cha mẹ nếu thử một lần đặt mình vào vị trí của giáo viên, thì rất nhiều bức bối sẽ được hóa giải. Năm học mới sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Phạm Minh Phương Hằng
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment