Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
- Vẫn biết công bằng cho dân chúng là đích mà bất kỳ chính thể nhân văn nào cũng hướng tới song không bao giờ đạt được một cách tuyệt đối.
Báo Laodong.vn ngày 03/10/2019 có bài “Giáo viên hợp đồng ở Hà Nội tiếp tục kêu cứu vì bị mất việc”.
“Hơn 100 giáo viên Sóc Sơn bị chấm dứt hợp đồng” là thông tin chính thức được Tienphong.vn đăng tải ngày 06/11/2019.
Kênh Truyền hình thông tấn vnews.gov.vn viết:
“Toàn huyện Ba Vì có 341 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng kể từ ngày 31/08/2019. Trong khi đa phần giáo viên rơi vào cảnh thất nghiệp sau khi bị cắt hợp đồng thì huyện lại phải loay hoay giải bài toán thiếu giáo viên.
Quá tải sĩ số, thiếu phòng học, nay lại thiếu giáo viên do chờ thi biên chế. Phải đến tháng 1/2020 các trường mới có giáo viên bổ sung.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc từ giờ đến lúc đó học sinh các trường vẫn phải học tập chen chúc và tình trạng các giáo viên dạy tăng tiết, dạy liên môn vẫn tiếp tục diễn ra”. [1]
Giáo viên có hợp đồng lao động, trong đó có nhiều người ký hợp đồng không xác định thời hạn tại Hà Nội bị chính quyền địa phương ra quyết định chấm dứt hợp đồng, về bản chất việc ra quyết định này chính là một dạng “buộc thôi việc”.
Khoan nói đến chuyện nhân văn, đạo lý, cứ cho rằng số giáo viên bị buộc thôi việc này hoặc là không tham gia kỳ thi tuyển, hoặc là thiếu một số chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhưng không có bất kỳ sai phạm nào về tư cách, đạo đức thì việc buộc thôi việc họ có công bằng, có đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ?
Nêu câu hỏi về sự công bằng vì cũng tại Hà Nội, một đại úy công an vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực người sĩ quan công an dự kiến chỉ bị hạ cấp bậc từ đại úy xuống trung úy.
Ngày 23/08/2019, khi trả lời báo chí, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an Hà Nội cho rằng: “Hành động và cách ứng xử của Đại úy Lê Thị Hiền là "không thể chấp nhận được"”. [2]
Thế nhưng dù với “hành động và cách ứng xử không thể chấp nhận được”, theo đề xuất mới được công bố, người này vẫn sẽ là sĩ quan công an (trung úy?), vậy so với các nhà giáo có phải thành phố Hà Nội đã đối xử công bằng?
Dù chưa có quyết định cuối cùng nhưng không thể không nêu câu hỏi “Nguyên nhân nào khiến công an Hà Nội dự kiến giữ lại trong hàng ngũ của mình một người mà chính Giám đốc công an thành phố Đoàn Duy Khương cho là "không thể chấp nhận được"?
Báo điện tử Đài truyền hình kỹ thuật số Vtc.vn trong bài “Những sai phạm khiến Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai bị kỷ luật” viết:
“Vào năm 2003, Đại úy Võ Đình Thường - Trưởng trạm Cảnh sát giao thông Dầu Giây bị báo chí phanh phui về vụ việc nhận hối lộ, tổ chức ''làm luật'' với ô tô trên các tuyến đường do trạm Dầu Giây quản lý.
Khi bị báo chí “hỏi thăm”, ông Thường cùng nhiều người khác đã bàn cách đối phó…
Thượng tá Võ Đình Thường - Phó Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai lại chính là người từng bị kỷ luật cách chức và cho ra khỏi lực lượng cảnh sát giao thông 14 năm trước”. [3]
Đến đây thì câu hỏi công bằng đối với người lao động không còn bó hẹp trong phạm vi Hà Nội mà là cả nước.
Vấn đề cần nói tiếp là tại Hà Nội, nhiều giáo viên không tham gia kỳ thi tuyển viên chức giáo dục.
Nguyên nhân là do “Trong các tiêu chuẩn tuyển dụng giáo viên đợt này có yêu cầu về ngoại ngữ và tin học. Việc đưa môn ngoại ngữ vào chương trình thi tuyển khiến nhiều thầy, cô giáo lo lắng, hoang mang”.
Đây là ý kiến được tờ báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng tải. [4]
Người viết hoàn toàn đồng tình với câu hỏi của một nhà giáo: “Những người có trách nhiệm đều nói giáo viên hợp đồng phải đi thi tuyển viên chức, không thi và thi không đỗ sẽ bị cắt hợp đồng là làm đúng luật.
Vậy chúng tôi rất muốn biết suốt 23 năm qua, ngành Nội vụ cũng như huyện Sóc Sơn áp dụng “luật nào” cho giáo viên hợp đồng”? [5]
Tuy nhiên, câu hỏi cần phải đặt ra không chỉ cho “ngành Nội vụ” mà là Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội bởi lẽ chỉ có cơ quan này mới đủ chức năng trả lời câu hỏi về sự công bằng trong đối xử giữa nhà giáo và cán bộ chiến sĩ lực lượng công an.
Liên quan đến việc viên chức phải thi tuyển hai môn Tin học, Ngoại ngữ, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân “Xin hứa với Quốc hội, sau khi Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ công chức ban hành thì chúng tôi sẽ sửa quy định về văn bằng chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để không còn là gánh nặng với cán bộ công chức, viên chức mà đi vào thực chất”. [6]
Không những hứa với Quốc hội, “Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã nhận lỗi và hứa sẽ rà soát, tham mưu với Chính phủ để sửa đổi quy định, với mục đích công chức, viên chức không phải khổ vì những tấm chứng chỉ làm đẹp hồ sơ”. [7]
Cùng chung quan điểm với Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng:
“Qua thực tiễn chúng tôi thấy rằng, đối với giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết”. [8]
“Khổ vì những tấm chứng chỉ làm đẹp hồ sơ” vẫn còn là may mắn, mất việc sau hàng chục năm hợp đồng, có người là giáo viên dạy giỏi, là chiến sĩ thi đua mới thực sự là điều mà những người lãnh đạo cần suy ngẫm.
Nhiều vị đại biểu Quốc hội bức xúc về chuyện thi tuyển viên chức, hai vị Bộ trưởng đã lên tiếng đồng lòng chuyện bỏ hai môn Tin học, Ngoại ngữ trong thi tuyển viên chức.
Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – đoàn Đà Nẵng dẫn chứng một giáo viên đã ký hợp đồng giảng dạy suốt 14 năm, nay bị chấm dứt hợp đồng và kết luận: "Giờ đây các giáo viên này đang chờ câu trả lời rõ hơn từ Bộ trưởng".
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: “Chiều hôm qua (6/11/2019), tôi đã duyệt văn bản và ngày hôm nay tôi đã cho phát hành gửi đến 63 tỉnh thành và trả lời cho thành phố Hà Nội, giải quyết về vấn đề thực hiện biên chế hợp đồng, được cấp thẩm quyền cho phép trước 31/12/2015, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí việc làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không vi phạm kỷ luật trong thời gian giảng dạy thì được xét tuyển vào biên chế viên chức”. [9]
Với thông báo của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, thành phố Hà Nội cần phải quyết định ngừng thực hiện quyết định chấm dứt hợp đồng với mấy trăm giáo viên vừa mất việc tại Sóc Sơn, Ba Vì và các địa phương khác.
Người viết mong là Hà Nội sẽ xem xét lại tất cả các trường hợp đã bị mất việc trong những năm vừa qua với cùng một lý do liên quan đến Tin học, Ngoại ngữ chứ không phải chỉ mấy trăm người vừa mất việc năm 2019.
Cùng với đó thành phố có nên xem xét dự kiến hạ bậc quân hàm với người có “hành động và cách ứng xử không thể chấp nhận được”?
Vẫn biết công bằng cho dân chúng là đích mà bất kỳ chính thể nhân văn nào cũng hướng tới song không bao giờ đạt được một cách tuyệt đối.
Điều đáng nói là nếu điều đó trong tầm tay, nếu người dân, Quốc hội, một số vị Bộ trưởng đều thống nhất quan điểm thì Hà Nội có nên chấm dứt triệt để tình trạng “Hà Nội không vội được đâu”, một thực trạng buồn vẫn là nỗi ám ảnh cho đến tận hôm nay?
Tài liệu tham khảo:
[1] //vnews.gov.vn/nhieu-truong-o-ha-noi-thieu-giao-vien-do-cat-hop-dong
[2] //tintuconline.com.vn/xa-hoi/tuong-doan-duy-khuong-viec-ky-luat-dai-uy-le-thi-hien-van-phai-thuc-hien-n-410128.html
[3] //vtc.vn/nhung-sai-pham-khien-giam-doc-cong-an-tinh-dong-nai-bi-ky-luat-d497995.html
[4] //giaoducthoidai.vn/thoi-su/thi-tuyen-giao-vien-qua-canh-cua-hep-4044586-b.html
[5] //news.zing.vn/bo-chinh-tri-cho-xet-dac-cach-giao-vien-hop-dong-sao-ha-noi-khong-lam-post992862.html
[6] //laodong.vn/thoi-su/bo-truong-le-vinh-tan-cam-ket-sua-quy-dinh-ve-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu-764542.ldo
[7] //laodong.vn/thoi-su/bo-truong-le-vinh-tan-cam-ket-sua-quy-dinh-ve-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu-764542.ldo
[8] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/toi-thay-rang-quy-dinh-chung-chi-ngoai-ngu-tin-hoc-la-khong-can-thiet-post204149.gd
[9] //giaoducthoidai.vn/thoi-su/bo-truong-noi-vu-xet-tuyen-dac-cach-bien-che-voi-giao-vien-hop-dong-4045577-v.html
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment