Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
& Charles S. Gaede
Bài viết được lấy từ Kỷ yếu Hội thảo khoa học "Giáo dục so sánh lần 1: Phát triển giáo dục so sánh ở Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Giáo dục tổ chức năm 2007.
Giới thiệu: Không kể đến ảnh hưởng của các xu hướng quốc tế hoá và toàn cầu hoá đối với sự phát triển của giáo dục ở các nước khác nhau, thì thực trạng giáo dục đại học của mỗi nước phụ thuộc chủ yếu vào hoàn cảnh kinh tế của nước đó và phụ thuộc vào các yếu tố bên trong của chính hệ thống giáo dục đại học.
Các yếu tố kinh tế xã hội có ảnh hưởng nhiều nhất đối với chất lượng giáo dục bao gồm các thể chế kinh tế và tiềm năng kinh tế, các chính sách chính trị, các yếu tố kỹ thuật, các xu hướng học tập suốt đời, các đặc điểm văn hoá và truyền thống của mỗi nước. Các yếu tố và các cơ chế vận hành nền kinh tế, thí dụ, cơ chế kinh tế tập trung khác với cơ chế kinh tế thị trường hay cơ chế kinh tế thị trường tự do khác với cơ chế thị trường có sự điều tiết, ... có những ảnh hưởng khác nhau đối với sự phát triển của giáo dục đại học.
Khái niệm tiềm năng kinh tế sử dụng trong bài viết này muốn ám chỉ khả năng đầu tư cho giáo dục của một quốc gia hay của từng cá nhân. Các nhà nghiên cứu của Dự án Giáo dục Đại học Tương lai của Mỹ (2000) đã chỉ ra rằng, nền kinh tế thị trường tự do đã ảnh hưởng một cách sâu sắc lên giáo dục đại học của tất cả các quốc gia. Báo cáo của dự án này còn nói rằng, cần khám phá tất cả những ưu điểm và nhược điểm của nền kinh tế thị trường tự do nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và tính chất cạnh tranh của nền kinh tế có sự điều tiết. Hơn thế nữa, sự lớn mạnh của quá trình toàn cầu hoá, nền kinh tế thế giới mới đã thổi bùng ngọn lửa cạnh tranh tạo một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của giáo dục đại học (The Futures project, 2000, p.3). Nền kinh tế tri thức cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin đang "chạm" đến từng đất nước. Các thế lực của thị trường đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Frank Newman, Lara Couturier, and Jamie Scurry, (2004, p.1) đã từng nói: cạnh tranh tạo ra những cơ hội để nâng cao chất lượng học tập, khả năng học tập, tập trung vào việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà trường nếu nhà trường có một chiến lược phát triển cẩn thận, có sự can thiệp đúng mức và đúng lúc của nhà nước. Sự cạnh tranh trong giáo dục trở nên sắc bén hơn trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế và giáo dục.
Dự án Giáo dục Đại học Tương lai (2000, p.4) phát hiện ra một vấn đề đặc biệt quan trọng của các thế lực chuyển đổi là môi trường toàn cầu đã làm gia tăng sự cạnh tranh trên toàn cầu. "Khắp mọi nơi người ta đối xử với giáo dục như là một loại hàng hoá và đối xử với sinh viên như là khách hàng." (The Future project, 2000, p.3).
Các thế lực kinh tế dẫn đại học đến chỗ ‘hiện đại hoá', ‘thích ứng', ‘đa dạng hoá', trở nên "thị trường" hơn, trở nên "sáng nghiệp", "cạnh tranh", "hiệu suất" và "hiệu quả", "định hướng dịch vụ", "ứng dụng xã hội" và liên quan chặt chẽ với thị trường lao động và nhu cầu ngày càng tăng đối với chất lượng của các sản phẩm giáo dục. (The European commission, 2001).
Các yếu tố kinh tế có mối quan hệ rất chặt chẽ với các yếu tố chính trị. Mối quan tâm của các nhà chính trị như thế nào với giáo dục đại học sẽ có ảnh hưởng đến việc họ đưa ra các chính sách gì cho sự phát trển của giáo dục đại học. Các chính sách ảnh hưởng như thế nào phụ thuộc vào quá trình hình thành, thực hiện các chính sách và tính chất của các chính sách đó. Mối quan hệ giữa các chính sách của chính phủ và sự thay đổi của một tổ chức có một sự khác biệt giữa cấp độ hình thành chính sách và thực hiện chính sách. (The European commission, 2000). Trong nghiên cứu ảnh hưởng của "Các chính sách và chương trình của Chính phủ đối với việc tăng cường mối quan hệ giữa các trường đại học và kinh tế" các nhà nghiên cứu đã nói về tầm quan trọng của việc các trường đại học tham gia vào quá tình hình thành chính sách như sau:
Cần phải dành một sự chú ý đặc biệt đối với vai trò của các trường đại học trong các quá trình hình thành và thực hiện chính sách, cần để cho các trường đại học tham gia vào quá trình hình thành chính sách và đó là con đường để các trường đại học có thể " thương thuyết" và "sáng tạo ra môi trường"(The European commission, 2000, p.35).
Theo European commission, (2000), các nhà chính trị và Chính phủ tốt hơn hết là không nên can thiệp quá sâu vào các hoạt động của các trường đại học. Vai trò của các nhà chính trị là thiết kế, thích ứng và kiểm soát các điều kiện khung trong đó các trường đại học hoạt động. Các trường đại học cần vận hành một cách chủ động trong quá trình thực hiện các chính sách và đưa ra các mục tiêu giáo dục trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
Cùng với các yếu tố kinh tế và chính trị, các yếu tố kỹ thuật ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ lên sự phát triển của giáo dục đại học. James J. Duderstadt, Daniel E. Atkins, Douglas Van Houweling (2002) đã đưa ra lời bình luận cho rằng ảnh hưởng của kỹ thuật đối với giáo dục đại học trong thế kỉ 21 càng ngày càng sâu sắc, nhanh chóng và không ngừng và sẽ tiếp tục như ảnh hưởng của nó đối với kinh tế, xã hội và các tổ chức xã hội khác. Trung tâm giáo dục kỹ thuật số (2005) ở Mỹ thấy rằng có sự gia tăng của yêu cầu sử dụng các kỹ thuật cao cấp trong quá trình dạy và học, gia tăng các yêu cầu đầu tư kỹ thuật không dây trong các trường học. Sử dụng và trang bị các kỹ thuật mới trở thành vấn đề trung tâm của các cơ sở giáo dục (Center for Digital Education, Strategy, 2005).
Bên cạnh những yếu tố trên, các yếu tố văn hoá, các truyền thống và các giá trị văn hoá của một đất nước ảnh hưởng lên cách thức tư duy của sinh viên, giáo viên và các nhà lãnh đạo trường đại học.
Tất cả các yếu tố bên trong và bên ngoài tạo nên một môi trường thuận lợi và bất lợi cho sự vận hành của các trường đại học.
Các yếu tố bên trong hệ thống bao gồm: năng lực của nguồn lực (người lãnh đạo, đội ngũ giáo viên và nhân viên, sinh viên), tiềm năng của cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất (môi trường nhà trường, nhà cửa, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin, các dịch vụ sinh viên...), sự sẵn sàng của các điều kiện về tài chính, các chính sách tiếp thị, văn hoá nhà trường, các quá trình diễn ra trong nhà trường (quá trình dạy và học, quá trình quản lý và nghiên cứu khoa học, quá trình tuyển chọn sinh viên...) đưa đến các kết quả (đầu ra ) (kết quả dạy học, nghiên cứu và dịch vụ) của giáo dục đại học.
Tất cả các yếu tố bên trong và bên ngoài này tương tác với nhau trong một hệ thống và ảnh hưởng lên sự phát triển của giáo dục đại học qua các đầu vào, các quá trình và đầu ra và mở với môi trường bên trong cũng như bên ngoài của nó. Một đầu vào tốt và các quá trình vận hành tốt sẽ đưa lại một đầu ra có chất lượng cao. Ảnh hưởng của các yếu tố bên trong và bên ngoài lên chất lượng của giáo dục đại học như thế nào sẽ được phân tích cụ thể trong hoàn cảnh cụ thể của Mỹ và Việt Nam.
Chất lượng giáo dục của hai nước có rất nhiều điểm khác biệt nhau. Trong khi giáo dục đại học của Mỹ được xem là một trong những hệ thống tốt nhất và có chất lượng cao nhất thế giới thì giáo dục đại học Việt Nam được xem là có chất lượng thấp so với chất lượng giáo dục đại học của các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo ông Thomas Vallely, Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á không có một trường đại học nào được công nhận là có chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế. (Việt Nam Net, 2005, tháng 10). So với một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, và Philippin thì Việt Nam là nước có chất lượng thấp thứ hai sau Indonesia với các chỉ số sau đây: (theo thang điểm từ 1 đến 10): chất lượng giáo dục (3.79); chất lượng nguồn nhân lực (3.25), nguồn nhân lực kỹ thuật cao (2.50) và sự thông thạo tiếng Anh (2.62) (Ministry of Education and Training, 2001).
Giáo dục đại học Mỹ đã đóng góp tạo nên một nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh cao cho nền kinh tế của Mỹ và vị trí đứng đầu thế giới của nước này trong hầu hết mọi lĩnh vực. So với 75 nước khác trên thế giới, kinh tế của Mỹ đứng ở vị trí số 1 về chỉ số tăng trưởng cạnh tranh và kỹ thuật, vị trí thứ 2 đối với môi trường kinh tế vĩ mô và thứ 16 trong lĩnh vực hành chính công(Bảng 1).
Bảng 1 Năng lực cạnh tranh cao của nền kinh tế Mỹ (So sánh với 75 nước khác)
Nước
|
Chỉ số cạnh tranh về mức độ tăng trưởng
|
Chỉ số cạnh tranh về kỹ thuật
|
Chỉ số cạnh tranh về thể chế công
|
Chỉ số cạnh tranh môi trường kinh tế vĩ mô (2001)
|
Mỹ
|
1
|
1
|
16
|
2
|
(Peter k. Cornelius, GCR Executive Summary 2002-2003, World Economic Forum)
Các trường đại học ở Mỹ, đặc biệt là các trường đại học nghiên cứu trở thành trụ cột của nước Mỹ trong việc giúp Mỹ duy trì vai trò dẫn đầu thế giới về khoa học và kỹ thuật, giúp nước Mỹ thịnh vượng về kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng. Các trường đại học nghiên cứu là nơi đào tạo các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính trị của nước Mỹ, là nơi thực nghiệm giải quyết các vấn đề trọng yếu mà xã hội Mỹ quan tâm(J. Duderstadt 2003). (Xem bảng 2.)
Bảng 2 Các trường đại học hàng đầu thế giới của Mỹ.
Top 20
|
Top 100
|
Top 200
|
Top 300
|
Top 400
|
Top 500
|
17
|
51
|
90
|
119
|
139
|
170
|
(2004 Institute of Higher Education, Shanghai Jiao Tong University)
Câu hỏi đặt ra là: làm thế nào mà các trường đại học của Mỹ lại có thể duy trì một nền chất lượng cao như vậy trong khi đó các nước khác lại không? Một số người có thể nghĩ rằng, nước Mỹ giàu nhất thế giới, hùng mạnh nhất thế giới vì vậy họ có thể đầu tư rất nhiều cho giáo dục đại học; suy nghĩ này đúng nhưng cũng không đúng.
Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của Mỹ và Việt Nam đưa chúng ta đến với bức tranh sau: giáo dục đại học ở Mỹ vận hành theo qui luật kinh tế thị trường. Giáo dục đại học Việt Nam vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN mà ở đó các thông tin thị trường thiếu sự hoàn hảo, chưa có sự phân định rõ ràng vai trò của nhà nước và vai trò của thị trường đối với sự phát triển của giáo dục đại học.
Các lực lượng của thị trường tự do của Mỹ tạo nên một môi trường cạnh tranh mạnh mẽ cho sự phát triển của giáo dục đại học và nâng cao chất lượng của nó. Frank Newman và Lara K. Couturier (2002) chỉ ra rằng, "Chính bản thân các trường đại học cũng thấy rằng họ rất cạnh tranh. Các trường đại học cạnh tranh vì sinh viên, vì từng đồng đô la cho nghiên cứu khoa học, cạnh tranh đội ngũ giảng viên và cạnh tranh vì vị thế của nhà trường trên thị trường. Trường đại học càng ngày càng cạnh tranh, hoạt động càng ngày càng theo qui luật của thi trường hơn là theo qui định của pháp luật.." (p.2, 3) Sự cạnh tranh xảy ra giữa các trường đại học truyền thống và các đối thủ mới như các công ty, các doanh nghiệp đại học và đặc biệt trong khung cảnh cạnh tranh toàn cầu tạo nên những cơ hội mới cũng như những thách thức mới cho các trường đại học và cho xã hội (Frank New Man and Lara K. Courturier, 2001, 2002). Arild Tjeldvoll (1998) thấy rằng các trường đại học bị buộc phải quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm và giá cả trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ của mình. Thêm vào đó, các trường đại học để cạnh tranh phải xây dựng vị thế của mình. Cuộc chạy đua dành vị thế theo Frank Newman, Lara Couturier, and Jamie Scurry (2004), đã dẫn đến những thành quả - nâng cao chất lượng giáo dục của các trường đại học nghiên cứu- nhưng dẫn đến sự méo mó của chất lượng dạy học làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội. Vì cuộc chạy đua để xây dựng vị thế này đã làm cho giáo viên chỉ chú ý đến việc nghiên cứu mà lơ là công tác giảng dạy. Họ ít dành thời gian cho việc dạy học và cho sinh viên và họ cũng không chú ý sử dụng các thành quả nghiên cứu mới vào việc nâng cao tay nghề sư phạm của mình.
Các trường đại học ở Mỹ xây dựng vị thế của mình bằng nhiều cách: thông qua kiểm định và công nhận, qua các thành tích của các cựu sinh viên và các hoạt động thể dục thể thao. Họ sử dụng nhiều chiến lược khác nhau để cạnh tranh như: xây dựng tiếng tăm của một trường đại học chất lượng cao, tiếp thị, giảm giá thành, phát triển hệ thống trường tư, xây dựng các trường đại học xí nghiệp và trường đại học hàng đầu thế giới, áp dụng kỹ thuật mới, so sánh với các trường đại học khác, xây dựng hệ thống trách nhiệm và quyền tự chủ cho các trường đại học.
Để xây dựng uy tín và chất lượng, trường đại học thực hiện cạnh tranh trong các lĩnh vực đội ngũ giảng dạy, cạnh tranh sinh viên, cạnh tranh kinh phí nghiên cứu, tiếp thi và xây dựng chiến lược phát triển trong đó tập trung vào chiến lược nâng cao chất lượng.
Để cạnh tranh đội ngũ giảng viên có chất lượng cao các trường đại học hàng năm có chế độ tuyển dụng giảng viên và thực hiện chế độ chính sách tiền lương như hợp đồng lao động một năm cho giảng viên thỉnh giảng, phong chức phó giáo sư sau 10 năm cho trợ lý giảng viên có thành tích giảng dạy và đặc biệt là nghiên cứu khoa học, hợp đồng cũng như phong chức giáo sư cho giảng viên toàn thời gian. Việc trả lương dựa vào hợp đồng và dựa vào chức danh, học vị của giảng viên. Hệ thống lương và thưởng tạo nên động lực phấn đấu và cạnh tranh cho đội ngũ (Sutton, Terry P. - Bergerson, Peter J., 2001).
Để hệ thống thưởng hoạt động có hiệu quả, các trường xây dựng các chuẩn nhằm đánh giá công việc của giảng viên trong ba lĩnh vực: dạy học, nghiên cứu và tham gia các hoạt động của khoa, của nhà trường và của xã hội. Dựa trên các chuẩn này nhà trường đo lường khối lượng công việc mà giáo viên thực hiện và kết quả đạt được để có sự khen thưởng phù hợp. Chính sách lương dựa trên cả hai: hợp đồng lương và lương trả theo vị trí và chức danh của giảng viên và điều đó đã khuyến khích họ cố gắng trong giảng dạy và đặc biệt là trong nghiên cứu. (Sutton, Terry P. - Bergerson, Peter J., 2001).
Để cạnh tranh sinh viên các trường đại học sử dụng nhiều phương pháp khác nhau: tiếp thị các nhu cầu của sinh viên, sự thoả mãn của họ, xây dựng các chiến lược duy trì sinh viên và quảng cáo. Nhiều trường đại hoc xây dựng và có chính sách thu hút sinh viên giỏi bao gồm cả chính sách học bổng cho các học sinh tài năng, và tuyển chọn học sinh tài năng từ các nước khác. Tất cả các trường đại học đều cạnh tranh các giáo viên có tay nghề cao và phát triển năng lực của họ bằng nhiều cách. Việc cạnh tranh sinh viên còn được thực hiện thông qua xây dựng một nhà trường chất lượng cao và tiếp thi các chương trình, các khoá học bằng việc sử dụng công nghệ kỹ thuật cao. Các trường đại học tiến hành nghiên cứu thị trường, đa dạng hoá các chương trình giáo dục để đắp ứng các nhu cầu khác nhau của sinh viên. Các trường tập trung chú ý nâng cao chất lượng các dịch vụ cho sinh viên và thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ với gia đình của sinh viên để thu hút sinh viên và gây dựng tiếng tăm đối với các bậc cha mẹ.
Các trường đại học ở Mỹ sử dụng kiểm định chất lượng của các cơ quan kiểm định vùng, sự công nhận của Bộ Giáo dục Mỹ cũng như các hoạt động thể dục thể thao để cạnh tranh nguồn lực. Sự công nhận và xếp hạng các trường đại học của cơ quan kiểm định giáo dục đại học Mỹ giúp các trường đại học xác định vị thế của mình trong cộng đồng các trường đại học, giúp các trường thu hút sinh viên và thu hút sự tài trợ của các cá nhân, các tổ chức kinh tế, xã hội. Bộ Giáo dục Mỹ sử dụng kinh phí của Bang để cho sinh viên vay và tài trợ cho họ dựa trên sự xếp hạng của trường đại học mà họ theo học. Hệ thống đảm bảo chất lượng đại học của Mỹ đủ sức để buộc các trường đại học thực hiện kiểm định và xếp hạng thông qua việc phân ngân sách của chính phủ liên bang dựa trên sự xếp hạng các trường của Bộ Giáo dục.
Chúng ta có thể thấy rằng những chiến lược cạnh tranh trên đây được thực hiện một cách có hệ thống, liên quan với nhau và hỗ trợ lẫn nhau giúp cho hệ thống giáo dục đại học của Mỹ trở nên nhạy bén hơn, có hiệu quả hơn trong quá trình cạnh tranh. Tuy nhiên, bên cạnh xây dựng hệ thống giáo dục đại học có tính cạnh tranh cao, các nhà giáo dục Mỹ cũng nhận thức được tầm quan trọng của sự hợp tác. Như Charles M. Vest (2005, p.1) đã nói: "Hợp tác thậm chí còn quan trọng hơn cả cạnh tranh trong việc quyết định tương lai của giáo dục đại học".
Nếu hệ thống giáo dục đại học của Mỹ có sức cạnh tranh cao thì khả năng cạnh tranh của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam lại thấp vì cầu lớn hơn cung. Hiện tại hệ thống giáo dục đại học chỉ đáp ứng được nhu cầu của 8-10% dân số trong độ tuổi đi học đại học. Ở Việt Nam các trường đại học tư vẫn còn rất ít (29 / 230 trường), và vì vậy nó đã không đủ sức để tạo nên một môi trường cạnh tranh trong hệ thống giáo dục đại học. Hơn thế nữa, các chính sách và chiến lược cạnh tranh chưa được xây dựng cho các trường đại học. Lương của giáo viên thấp và không có các chính sách khuyến khích vì vậy không tạo động lực làm việc cho giáo viên. Chưa có các chuẩn đánh giá và các phương pháp đánh giá giảng viên một cách phù hợp. Sự lựa chọn giảng viên, cất nhắc các vị trí đang chủ yếu dựa trên bằng cấp hơn là năng lực thực sự của họ. Và do đó các trường đại học đã không chú trọng dạy các kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Để tồn tại, các trường đại học tư đã phải cố gắng rất nhiều để nâng cao chất lượng và cạnh tranh với các trường công và giữa họ với nhau. Gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các chuẩn chất lượng kiểm định để kiểm định các trường đại học. Đó là bước đầu tiên để giúp các trường đại học chú trọng hơn đối với vấn đề nâng cao chất lượng và để nâng cao khả năng cạnh tranh của các trường.
Thị trường tự do còn buộc phải có sự phân cấp rõ ràng cho các cấp quản lý, xác định trách nhiệm của họ và trao cho các trường đại học ở Mỹ nhiều quyền tự chủ hơn so với các trường đại học ở Việt Nam. Trong bảng 3 dưới đây chúng ta có thể thấy rằng ở Mỹ, các cấp quản lý khác nhau và các tổ chức xã hội khác nhau có những trách nhiệm khác nhau đối với các trường đại học. Ở Việt Nam, hệ thống quản lý giáo dục đại học vẫn mang tính tập trung cao, Bộ Giáo dục có nhiều quyền lực khác nhau đối với các trường đại học. Có sự chồng chéo trong việc quản lý các trường đại học của một số Bộ chủ quản. Chỉ có hai trường đại học quốc gia là có nhiều quyền tự chủ hơn. Cho đến nay có 40 trường đại học được trao quyền tự chủ về tài chính, một số trường trọng điểm được tự chủ trong vấn đề nhân sự; Tuiy nhiên trong lĩnh vực tài chính thì các trường này gặp nhiều vấn đề khó khăn khi thực hiện quyền tự chủ tài chính. Một vài trường còn muốn quay trở lại được bao cấp (www. edu.net.vn, 2004)
Bảng 3 Hệ thống trách nhiệm của các cấp bậc quản lý và các tổ chức xã hội đối với giáo dục đại học ở Mỹ và ở Việt Nam
The US
|
Việt Nam
| |
Hệ thống quản lý và trách nhiệm
|
- Kinh phí cho GD ĐH từ các nguồn:
+ Học phí và lệ phí: 26%;
+ các dịch vụ, mua bán và nguồn khác: 27%
+ Quà tặng và từ thiện: 8%;
+ Chính phủ bang và địa phương: 27%;
+ Chính phủ liên bang: 12%
- Chính phủ bang đóng vai trò chính đối với GD và GDĐH.
|
- Kinh phí cho GD ĐH từ các nguồn:
+ Chính phủ TW (60%),
+ Học phí và lệ phí và đóng góp của các tổ chức XH (40%);
(Tỉ lệ này là: 60%-40% cho toàn bộ hệ thống GD).
- GDĐH chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ GD và ĐT. Đảng là cơ quan lãnh đạo cao nhất Có sự chồng chéo trong quản lý GD ĐH giữa bộ GD-ĐT và các bộ chủ quản khác.
|
(Sources: The National Center for Public Policy and Higher Education, 2005 and Vu Quang Viet, 2006)
Bên cạnh sự khác biệt về thể chế kinh tế, văn hoá của Mỹ và Việt Nam cũng có nhiều đặc điểm khác biệt ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Việt Nam là đất nước chịu ảnh hưởng của văn hoá Khổng Tử. Văn hoá Khổng Tử tạo thói quen học tập bị động của học sinh và sinh viên và thói quen độc quyền của giáo viên trong lớp học. Học sinh, sinh viên nghe và ghi chép từ giáo viên nhiều hơn là tham gia tích cực vào bài học. Sinh viên sợ phải hỏi giáo viên. Tuy nhiên hiện nay với các nỗ lực và cố gắng đổi mới phương pháp dạy học, giáo viên đã tạo thêm nhiều cơ hội cho sinh viên tham gia vào bài học. Ngược lại với Việt Nam, nước Mỹ tạo rất nhiều quyền tự do học thuật và các giá trị văn hoá cho giáo viên và sinh viên. Những giá trị mà các trường học ở Mỹ hướng tới là: hợp tác, sự an toàn và chân thật, cởi mở, sự tôn trọng lẫn nhau, trách nhiệm, vui vẻ và phân quyền (FLC Experienced Developers' Institute, 2006). Môi trường dạy và học tốt và có tính cạnh tranh cao đã thúc đẩy giáo viên và sinh viên dạy tốt và học tốt để đáp ứng các yêu cầu chuẩn chất lượng đặt ra.
Bảng 4 phản ánh các sự khác biệt này của hai hệ thống giáo dục đại học
Bảng 4 Sự khác biệt của các yếu tố bên trong và bên ngoài của GDĐH Mỹ và Việt Nam
Mỹ
|
Việt Nam
| |
Chất lượng đội ngũ
Tiến sĩ
Thạc sĩ
Cử nhân
|
68% (toàn thời gian); 25% (bán thời gian)
27% (toàn thời gian); 50% (bán thời gian)
6% (toàn thời gian); 21% (bán thời gian)
|
13,59%
30,4%
56,01%
(Tính từ các số liệu thống kê của Bộ GD và ĐT Việt Nam 2004-2005, Trần Thị Bích Liễu, 2006)
|
Đầu tư cho GDĐH
(% chi phí cho GDĐH/ GDP)
|
7.2 (hơn $ 123 tỉ cho GDĐH từ liên bang và chính quyền bang, tổng cộng là $221 tỉ từ tất cả các nguồn thu.)
|
8.3 (68,968 tỉ VND = 43 triệu USD;chỉ 10% = 43 triệu cho hệ thống GDĐH hiện tại.)
|
(Sources: Vu Quang Viet (2006), The National Center for Public Policy and Higher Education, 2005, National center for Education Statistics, 2004)
Đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam thấp hơn so với Mỹ. (Bảng 4). Nhìn tổng thể đầu tư cho giáo dục VN cao hơn của Mỹ theo như tỉ lệ đầu tư mà mỗi nước dành cho giáo dục từ GDP. (8.3% ở Việt Nam và 7.2% ở Mỹ). Nhưng ở Việt Nam, chỉ có 10% trong 8.3% được đầu tư cho giáo dục đại học. Và 10% chỉ khoảng 43 triệu đô la Mỹ cho toàn bộ hệ thống giáo dục đại học, ít hơn ngân sách của một trường đại học của Mỹ. Toàn bộ kinh phí đầu tư của giáo dục đại học Mỹ là 221 tỉ đô la Mỹ hằng năm. Nếu chúng ta xem Việt Nam là một bang trong 50 bang của Mỹ thì mức đầu tư bình quân của một bang ở Mỹ cao hơn 4,4 tỉ USD; 100 lần cao hơn đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam!
Chất lượng đội ngũ giảng viên của các trường đại học Mỹ cao hơn chất lượng đội ngũ giảng viên Việt Nam (Bảng 4). Toàn bộ hệ thống giáo dục đại học Việt Nam chỉ có 13.59% giảng viên (làm việc toàn phần) có trình độ tiến sĩ so với 68% giảng viên làm việc toàn thời gian trong các trường đại học Mỹ. Tỉ lệ giảng viên có trình độ cử nhân chiếm 56.01% trong các trường đại học Việt Nam.
Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng đối với chất lựợng giáo dục đại học ở Mỹ. Theo Ann S. Ferren và Wilbur W. Stanton (2004), mọi hoạt động trong các trường đại học giờ đây dựa chủ yếu vào công nghệ thông tin, bao gồm các dịch vụ sinh viên (ghi danh và tuyển chọn), các hoạt động khoa học và giảng dạy, nhân sự, quảng cáo... Việc áp dụng kỹ thuật chủ yếu vào 5 lĩnh vực: a) các thay đổi nhỏ (chuyển từ việc sinh viên ghi danh trực tiếp sang ghi danh qua mạng) b) đến các thay đổi lớn (các trường đại học chuyển từ việc cung cấp dịch vụ phục vụ khách hàng theo lối truyền thống sang cung cấp dịch vụ khách hàng thông qua hệ thống kho tư liệu thông tin trên mạng của nhà trường), c) thay đổi từng bước (chuyển từ hình thức lớp học trực tiếp sang lớp học ảo trên mạng), d) thay đổi hình thức học tập từ học trực tiếp sang học qua máy vi tính và các băng video và e) sử dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dịch vụ sinh viên nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của nhà trường. Vì công nghệ thông tin đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư cao, các trường đại học ở Việt Nam đã gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ máy vi tính cho sinh viên và giảng viên sử dụng. Hạn chế kỹ năng sử dụng máy vi tính và sự hạn chế của việc sử dụng tiếng Anh là những cản trở sinh viên và giảng viên sử dụng internet.
Các lý do dẫn đến chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam thấp giống với lý do được kể ra trong trang web: www.tfhe.net cho giáo dục đại học của các nước đang phát triển trong nghiên cứu "Giáo dục đại học và các nước đang phát triển: mối đe doạ và triển vọng."
Các kết luận và các bài học
Hoàn cảnh phát triển giáo dục đại học của hai nước là hoàn toàn khác nhau. Việt Nam mới đang trên đường xây dựng nền kinh tế thị trường trong khi Mỹ đã xây dựng thành công nền kinh tế này từ trăm năm nay. Những bài học tốt rút ra từ Mỹ có lợi cho Việt Nam học hỏi và những hạn chế của Mỹ là bài học để VN tránh bị vấp phải. Thí dụ, VN có thể học bài học về việc làm thế nào để xây dựng một nền GD ĐH dựa trên các qui luật hoạt động của thị trường, làm thế nào để xây dựng một hệ thống GD ĐH có tính cạnh tranh cao. Thị trường tự do đòi hỏi sự phân quyền và sự tự do để hệ thống GD ĐH có thể phát triển tốt. Tuy nhiên, thị trường có sự điều tiết với sự can thiệp đúng của chính phủ cần thiết cho sự phát triển ổn định của GD, đặc biệt cho nền GD ở những đất nước mà nền kinh tế còn kém phát triển như ở VN.
"Cạnh tranh có thể có ích, nhưng nó đòi hỏi một khung pháp lý tốt để nó thực hiện vai trò của mình một cách có hiệu quả."-Norman LaRocque, about New Zealand Higher Education, 2001 (Quote through Frank Newman and Lara K. Couturier, 2002, p.12). Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở VN chú trọng vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của nhà nước. Nhưng kinh tế thị trường chỉ hoạt động có hiệu quả khi sự can thiệp này đúng và tạo sự tự do cho các trường đại học hoạt động và các trường đại học tự chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng GD của mình. VN đã khá thành công trong việc sử dụng vai trò của chính phủ để hạn chế sự bất công bằng trong GD. VN cần phát huy vai trò của chính phủ để hạn chế các khoảng cách do cạnh tranh tạo ra bằng việc xây dựng các chiến lược phát triển GD ĐH và đầu tư một cách hợp lý cho GDĐH.
Chất lượng GD có nghĩa là sự thoả mãn của khách hàng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và nó diễn ra trong hệ thống GD với các quá trình khác nhau, vì vậy khi nói về nâng cao chất lượng GDĐH chúng ta nói về việc nâng cao chất lượng của từng quá trình. Tuy nhiên, để làm được điều này chúng ta cần rất nhiều tiền của và thời gian. Trong khi VN còn nghèo thì việc tìm ra những mục tiêu và giải pháp ưu tiên là vô cùng cần thiết: thí dụ: Việt nam cần tập trung vào phát triển và sử dụng công nghệ thông tin, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên.
Các chuẩn đo lường chất lượng GDĐH rất đa dạng nhưng điều mà các nhà giáo dục quan tâm nhất đó là mối quan hệ giữa chất lượng, hiệu quả và hiệu suất. Hiệu suất trong GD không giống với hiệu suất trong công nghiệp, bởi vì nếu trong sản xuất công nghiệp người ta có thể đạt mục tiêu đề ra với giá thành thấp bằng việc cắt giảm chi phí và tiết kiệm nguồn lực thì trong GD điều này khó khăn hơn vì người ta không thể dạy có chất lượng với một lớp học quá đông, sử dụng tiết kiệm quá mức các nguồn lực. Hiệu suất trong GDĐH đòi hỏi một cách tiếp cận mang tính nhân văn hơn nhưng đảm bảo để đào tạo nên một lực lượng lao động có tay nghề và trình độ cao đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Việt Nam còn là nước rất mới mẻ với các kinh nghiệm phát triển hệ thống GD ĐH hoạt động theo cơ chế thị trường, đặc biệt trong điều kiện phát triển nền kinh tế toàn cầu và kinh tế tri thức. Tất cả các điều kiện phát triển GD ĐH của VN vô cùng thiếu thốn. Vì vậy, tìm ra con đường đi ngắn nhất để đuổi kịp nền giáo dục của thế giới là vô cùng cần thiết. Trong điều kiện hạn chế về kinh phí, VN cần chú trọng sử dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, tận dụng sự có sẵn của thông tin, sự dễ dàng khai thác và sử dụng là con đường thuận tiện nhất để giúp người học và người dạy tiếp cận với những thông tin mới nhất, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tốt nhất. Tuy nhiên để sử dụng internet, Việt Nam cần đào tạo người học, người dạy kỹ năng vi tính và tiếng Anh. Cùng với việc sử dụng công nghệ thông tin, Việt Nam cần xây dựng hệ thống thông tin như thư viện điện tử cho các trường đại học. Không cập nhật các thông tin, không thể đuổi kịp thế giới. Với sự khác biệt về văn hoá, sự quan trọng của việc xây dựng tác phong làm việc, tư duy và học tập mang tính công nghiệp là hết sức cần thiết để giúp thế hệ trẻ hành động một cách sáng tạo.
Việt Nam có thể thấy rằng, để nâng cao chất lượng GDĐH, các giải pháp cần được thực hiện một cách có hệ thống, toàn diện và tổng hợp ở tất cả các cấp độ từ nhà trường đến quốc gia. Và những bài học từ hệ thống GD ĐH Mỹ là những bài học đáng giá để áp dụng. Tuy nhiên với hoàn cảnh đặc biệt của mình, VN cần tìm ra con đường đi ngắn nhất. Chúng ta học kinh nghiệm nhưng không thể đi theo con đường mà nước Mỹ đã đi qua gần trăm năm nay nếu chúng ta không muốn tiếp tục bị tụt lại phía sau. Nhiều bài học chúng ta cần nghiên cứu kỹ để áp dụng phù hợp vào hoàn cảnh cụ thể của VN. Các bài học của nền GDĐH Mỹ là vô cùng quí giá đối với chúng ta. Trong vô số các kinh nghiệm của nền giáo dục đại học Mỹ, chúng ta có thể học được bốn bài học quan trọng:
1) Sử dụng các qui luật của thị trường để xây dựng một hệ thống GDĐH hoạt động có hiệu quả theo qui luật của thị trường
2) Vai trò can thiệp của Chính phủ trong việc thiết lập cơ sở pháp luật và các chính sách phát triển GD ĐH
3) Lựa chọn các giải pháp ưu tiên để phát triển GDĐH đuổi kịp GDĐH vùng và quốc tế
4) Nâng cao năng lực quản lý và xây dựng các chính sách duy trì giá cả, sử dụng có hiệu suất các nguồn lực.
Tài liệu tham khảo
- Ann S. Ferren and Wilbur W. Stanton (2004), Leadership through collaboration the role of the chief Academic officer, American council on Education praeger, series on higher education.
- Arild Tjeldvoll (1998) The service university in the global market place, http://www.neumann-haz.hu/tei/educatio/educatio/1998tavasz/cent/univer_en.vak
- Charles M. Vest (2005), World Class Universities: American Lessons, International Higher Education, Winter, Retrieved from the Times Higher Education Supplement, November 5, 2004 .
- Center for digital education (2005), A Strategy paper from center for digital education: Building educational Technology Infrastructure and Applications An Introduction to Applying a Broad Approach to Strategic Planning, www.Centerdigitaled.com
- Frank Newman, Lara Couturier, Jamie Scurry (2004), The future of Higher Education Rhetoric, Reality, and the Risks of the Market, Jossey-Bass
- Frank Newman and Lara K. Couturier (2002), Trading Public Good in the Higher Education Market, The Observatory on borderless higher education, John Foster House,www.obhe.ac.uk , January
- Frank New Man and Lara K. Courturier (2001), The new competitive arena, market forces invade the academy, Change, September/ October
- FLC Experienced Developers' Institute (2006), New FLC Developers' and Facilitators' Institute, and FLC Conference, June 21 - 24, Claremont Graduate University, website for Developing Faculty and Professional Learning Communities (FLCs) to Transform campus culture for learning, http://www.units.muohio.edu/flc/summer06/index.shtml
- James J. Duderstadt (2003), A university for the 21 century, The University of Michigan Press
- James J. Duderstadt, Daniel E. Atkins, Douglas Van Houweling (2002), Higher Education in the Digital Age: Technology Issues and Strategies for American Colleges and Universities,ACE/Praeger Series on Higher Education.
- James E. Groccia and Judith E. Miller, Anker (2005) (Edited), On becoming a productive university strategy for reducing costs and increasing quality in higher education
- National center for Education Statistics (2005), National Study of Postsecondary Faculty(NSOPF: 04), December
- Robert E. Martin (2005), Cost control, College Access, and Competition in higher education, Edward Elgar publishing, Inc.
- Rhonda Martin Epper (1999), Applying benchmarking to higher education
- Peter k. Cornelius (2003), GCR Executive Summary 2002-2003, World Economic Forumwww.vnstyle.vdc.com.vn/usefulreading/GCR_Executive_Summary_2002_03.pdf Publishing Company, Inc. Bolton, Massachusetts.
- Sutton, Terry P. - Bergerson, Peter J. (2001), Faculty Compensation Systems: Impact on the Quality of Higher Education. ERIC Digest, Decmber.
- The futures project (2000), The universal impact of competition and globalization in higher education, October, The Futures Project: Policy for Higher Education in a Changing World,www.futuresproject.org.
- The European Commission (2001), New Perspectives for Learning - Briefing Paper 6, Government Policy on Higher Education Institutions' Economic Role, August
- The European commission (2000), Governmental Policies and Programmes for Strengthening the Relationship between Higher Education Institutions and the Economy"the HEINE project (Full report)
- The strategic orientation for sustainable development in Việt Nam (Việt Nam agenda 21), "Part three: Priority social areas for sustainable development", (online) www.va21.org/eng/ index.php?param=cate&id=12&subcat=18 - 23k
- William F. Massy (2003), Honoring the Trust Quality and Cost Containment in Higher Education, Anker Publishing Company, Inc. Bolton, Massachusetts
- Tran Khanh Duc (2002), Higher education and Vocational Education development to meet labour market demands, Hanoi
- Ministry of Education and Training (2001), English project in secondary schools.
- Việt Nam Government (2004), Report on Education, Hanoi, October.
- Việt Nam Net (2005), Draft project: Building world standard university in Việt Nam,October/05.
- Vu Quang Viet (2006) (senior statistics expert of UN in New York), Chi tiêu cho giáo dục: Những con số "giật mình"! (Expenditure for Education in Việt Nam: horrible statistics!), Việt Nam Net, 06:07' 13/02/2006 (GMT+7)
- www. edu.net.vn (2004), About 40 colleges and universities have been given autonomy on financial management, July, 14.
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment