Nguyễn Thị Mỹ Dung, sinh viên năm thứ 3 của Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn tại TP.Đà Nẵng đang chuẩn bị "bước chân" vào đời. Thế nhưng, trông em vẫn chỉ là cô nữ sinh hồn nhiên, "ngây thơ" với bao điều chưa hề hay biết ngoài đời sống xã hội. Ngay với lĩnh vực truyền thông, quan hệ cộng đồng - chuyên ngành mà em đã theo học suốt 3 năm, cũng tỏ ra quá xa lạ.
Qua lời kể của Mỹ Dung, tôi hình dung, từ ngày ngồi ghế trường phổ thông, em đã tỏ ra nhạy bén trong việc định hướng nghề nghiệp cho mình. Dung kể, em không đủ tự tin thi vào các trường đại học với các ngành nghề khoa học cơ bản, mà chỉ chọn cao đẳng. 
Mặt khác, Đà Nẵng là một thành phố đang phát triển mạnh mẽ về lĩnh vực du lịch dịch vụ, vì vậy em đã chọn thi vào ngành "Quảng cáo - quan hệ cộng đồng", Trường CĐ Công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn, với hy vọng sẽ có cơ hội tìm được việc làm. Ngày ra trường cận kề, nhưng em vẫn mơ hồ với các khái niệm về nghiệp vụ. 
Dung nói, đến khi chuẩn bị thực tập, tiếp xúc với các công ty quảng cáo, truyền thông, các nhà báo, em mới thấy được sự thiếu hụt về kiến thức lẫn kỹ năng của mình. Dù, thực tế, chương trình học tập dày đặc, với nhiều nội dung rất nặng.
 Rất nhiều tín chỉ bắt buộc phải có để tốt nghiệp, mà chương trình học thì khô cứng, “khó gặm”, thực tiễn công việc chắc cũng sẽ không bao giờ "sờ" đến nó. Trong 3 năm học, phải hoàn tất cả trăm tín chỉ. "Những kiến thức mà bọn em học, thi lấy tín chỉ rồi không còn nhớ nội dung. Ngành học chính là “Quảng cáo - quan hệ cộng đồng”, song bọn em phải học đến 4 tín chỉ toán cao cấp, khó và nặng nề. Em cảm nhận kết cấu chương trình này là bất hợp lý, phi thực tiễn", Dung nói.
Để đưa ra được những nhận xét như vậy, Mỹ Dung đã phải “đối mặt” với những câu hỏi, những yêu cầu bất khả thi từ đơn vị thực tập, từ trắc nghiệm xã hội mà em chỉ mới thử sức qua những chuyến thực tế, thực tập. Nếu có lỗi trong lỗ hổng kiến thức của các ông, bà “cử” này thì phần lớn lý do từ một chương trình đào tạo mang nặng tính giáo điều, cũ kỹ về lý thuyết và thiếu hẳn thực tiễn.
Hậu quả từ một chương trình đào tạo nặng về lý thuyết, phi thực tiễn như ở trường học của Mỹ Dung, và của nền giáo dục đào tạo đang tồn tại nhiều bất hợp lý như hiện nay, sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Ở TP.Đà Nẵng, chỉ tính riêng tại Công ty TNHH điện tử Poster - Đà Nẵng có gần 1.000 cử nhân làm việc ở vị trí... công nhân. Công ty này hiện có 16.000 công nhân, nhưng có đến cả ngàn người có bằng cử nhân, kỹ sư. 
Cá biệt, có công nhân có cả 2 bằng cử nhân, hoặc cả hai vợ chồng đều là “ông bà cử” làm công nhân tại công ty. Nhiều người đã tốt nghiệp loại ưu ở các trường công lập, chính quy danh giá như ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Kinh tế… Thực tế con số công nhân có bằng đại học còn nhiều hơn hàng ngàn người công khai đăng ký trong hồ sơ nhân sự.
Vào ĐH không chỉ là cả giấc mơ, sự nỗ lực riêng bản thân của mỗi học sinh, mà còn bằng cả mồ hôi, nước mắt, sự hy sinh của bố mẹ. Để rồi, khi tốt nghiệp ĐH, hàng ngàn cử nhân, kỹ sư đã phải rơi vào cảnh thất nghiệp, hoặc vật vờ tìm việc phụ giúp, làm công nhân với đồng lương rẻ mạt, danh phận hẩm hiu ở các thành phố. Bản thân những người đi học không có tội. 
Ai cũng thấy rõ sự phi lý này, nhưng để thay đổi nó thì chưa biết đến bao giờ, bởi các trường kém chất lượng, chạy đua thành tích, nặng mục đích kinh doanh vẫn tiếp tục “mọc” ra, đua nhau tuyển sinh khắp nơi.