Sàn mới - Bấm vào đây
Kiếm tiền toàn tập, Bấm vào đây
Thế giới ảo đang ngày một đóng vai trò đáng kể cũng như ảnh hưởng quan trọng lên đời sống thực và những con người thực và điều này không hẳn lúc nào cũng tốt.
Sau nhiều năm tranh cãi, vào tháng 5 năm 2014, Tòa án Công lý Châu Âu đã ra phán quyết về “Quyền được quên” cho các công dân thuộc Liên hiệp Châu Âu. Cụ thể hơn, họ có quyền yêu câu các công cụ tìm kiếm xóa liên kết đến những trang được coi là riêng tư, ngay cả khi các trang này vẫn còn tồn tại trên Internet.
Mặc dù vẫn còn nhiều khúc mắc trong diễn giải liên quan đến tính xác, đầy đủ và sự phù hợp cũng như thời gian liên kết đã tồn tại khi thực thi phán quyết này, nhưng nó cho thấy Phương tây đang tìm cách bảo vệ công dân của họ trước việc xâm phạm đời tư và quyền được biểu cảm từ Internet và mạng xã hội.
Lẽ thông thường ai cũng muốn người khác nhớ hay biết các thông tin tốt và có lợi cho mình, đồng thời không biết về những gì xấu hay bất lợi cho bản thân hay gia đình họ. Trong khi đó xã hội luôn có xu thế quan tâm và ghi nhớ những thứ tiêu cực, cái xấu hay lỗi lầm của một cá nhân hay một cộng đồng, nhưng lại hờ hững với mặt tích cực hay điểm tốt của người khác.
Có lẽ đó là lý do những thông tin trái chiều, tiêu cực hay phê phán về ai đó thường được các thành viên của mạng xã hội quan tâm hơn, chia sẻ nhiều hơn và dễ tạo được hiệu ứng đám đông hơn. Đây chính là lỗ hổng khiến cho nhiều thông tin ngày nay dễ dàng được chia sẻ và lan tỏa mà không được kiểm chứng khiến cho vấn đề bị đẩy đi quá mức cần thiết hoặc trở nên lệch lạc.
Tương tác đa chiều thông qua internet và mạng xã hội đang làm thay đổi thế giới truyền thông và trao quyền lực nhiều hơn cho cộng đồng mạng. Thế giới ảo đang ngày một đóng vai trò đáng kể cũng như ảnh hưởng quan trọng lên đời sống thực và những con người thực và điều này không hẳn lúc nào cũng tốt.
Việc cộng đồng mạng cùng giới truyền thông nhanh chóng “cảm thông” với gia đình và cậu bé 15 tuổi kéo Violon trên Bờ Hồ và lên tiếng có phần gay gắt với chính quyền trong vài ngày qua phần nào phản ánh sự “lạm dụng quyền lực mềm” mà mạng xã hội đã tạo ra cho các thành viên của nó.
Mạng xã hội đã và đang khiến nhiều người trở thành “người phán xử” trong nhiều vấn đề của xã hội Việt Nam. Đang từ chỗ ngồi im trong chòm xóm, internet và smartphone đã bổng chốc biến họ thành những hiệp khách với sứ mệnh cao cả “lộ kiến bất bình, bạt đao tương trợ” và thậm chí có thể nổi như cồn chỉ sau một đêm hay vài giờ chia sẻ.
Có một điểm cần nói ở đây đó là số đông này đang lấn át giới tinh hoa và tạo ra những ảnh hưởng nhất định lên đời sống xã hội thậm chí là đến cả các chính sách của chính quyền.
Bất cứ ai cũng có thể phạm sai lầm dù khách quan hay chủ quan. Vấn đề là họ có nỗ lực để thay đổi hay khắc phục những lỗi lầm này để trở nên tốt hơn hoặc sửa đổi mình thành một người có ích trong xã hội hay không. Tuy vậy cộng đồng hiện vẫn có xu hướng nhớ đến lỗi lầm ngày trước mà phớt lờ đi những nỗ lực cải thiện, vươn lên của họ, kể cả khi những nỗ lực này được thường xuyên thông tin và cập nhật cho cộng đồng. Đây chính là nguyên nhân khiến cho “quyền được quên” rất khó được thực thi một cách đầy đủ trong xã hội của chúng ta.
Có quan điểm cho rằng, vốn dĩ không tồn tại cái gọi là bóng tối. Chúng ta thấy tối bởi vì do ánh sáng thiếu hoặc không đủ sáng.
Tương tự như vậy một xã hội có thể có nhiều cái xấu không bởi bản thân nó xấu mà bởi vì do sự vắng mặt hay có quá ít những thứ tốt đẹp trong xã hội đó. Chung tay hạn chế cái xấu, phê phán những tiêu cực trong xã hội là cần thiết, nhưng một xã hội chỉ thực sự tốt đẹp khi mỗi thành viên đều hướng thiện, mong muốn và cố gắng làm những gì mang lại các giá trị đẹp đẽ theo từng cấp độ với vai trò và vị thế của bản thân. Như vậy ai cũng có Quyền được quên những gì không còn liên quan tới hiện tại để có cơ hội và điều kiện cho những gì tốt đẹp hơn phía trước.
Ai trong chúng ta cũng từng phạm sai lầm, dù ít hay nhiều. Dù vậy chúng ta rất dễ tha thứ cho bản thân và hay bị hiệu ứng đám đông chi phối để cùng nhau công kích hay “ném đá” người khác. Hòn đá ảo nơi bàn phím tuy không có khả năng làm tổn thương nạn nhân về mặt vật lý nhưng lại có thể gây ra các vết thương tinh thần rất nghiêm trọng và để lại hậu quả dài lâu.
Sinh thời, Chúa Jesus khi đến núi Olive, dân ở đó dẫn đến một người phụ nữ và nói với ngài: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?" Người bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.
Phải chăng xã hội Việt Nam ngay nay đa phần không đủ khả năng giác ngộ được những gì mà Chúa Jesus muốn nhắn nhủ 2000 năm trước? Không hẳn là vậy! Có lẽ nền tảng chúng ta đang thiếu để “Quyền được quên” (một ngày nào đó) có thể thực thi đầy đủ trong bối cảnh Việt Nam đó là (i) lòng vị tha đối với “người nhà mình” và (ii) như một nhà văn từng nói không ai có khả năng và đức độ để đặt ra “câu hỏi như Chúa Jesus đã hỏi”, nên hàng ngày chúng ta vẫn tiếp tục ném đá túi bụi vào nhau.
Trần Văn Tuấn
Sàn mới - Bấm vào đây
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Post a Comment